Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
6 thay đổi về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Luật sở hữu trí tuệ 2022
(Ngày đăng: 2022-06-28)

6 thay đổi về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Luật sở hữu trí tuệ 2022

 

Luật sư Lê Quang Vinh – Bross & Partners

Email: vinh@bross.vn

 

Để đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế sau khi gia nhập các Hiệp định thương mại thế hệ mới gồm CPTPP, EVFTA và RCEP, Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ[1] trong Luật SHTT 2005 sửa đổi lần 3 (gọi tắt là “Luật SHTT 2022”) thay thế Luật SHTT 2005 sửa đổi lần 1 năm 2009 và lần 2 năm 2019 (gọi tắt là “Luật SHTT 2005”) vừa được Quốc Hội thông qua ngày 16/6/2022. Luật SHTT 2022 có hiệu lực từ 1/1/2023 ngoại trừ quy định về nhãn hiệu âm thanh có hiệu lực từ 14/01/2022 và quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực từ 14/01/2024. Dưới đây Bross & Partnes cập nhật 6 thay đổi quan trọng về thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

 

Quyền tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

 

Luật SHTT 2022 sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành về quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền, quyền của người thừa kế quyền tác giả và quyền của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại bởi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể gồm:

·        Chủ thể quyền có quyền tự áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

·        Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet công cộng, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

·        Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp nêu trên để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

·        Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo Điều 19.4 của Luật này.

·        Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật này.

 

Giả định quyền tác giả, quyền liên quan

 

Giả định sự tồn tại của quyền tác giả, quyền liên quan trong các thủ tục dân sự, hành chính, hình sự lần đầu được đưa vào thành một quy định trong Luật SHTT 2022. Theo quy định này, cá nhân, tổ chức được nêu tên theo cách thông thường (tên xuất hiện trên bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, hoặc được nêu tên trên bản sao tương ứng được công bố hợp pháp) được xem là chủ thể quyền.

 

Trách nhiệm pháp lý của ISP

 

Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường internet là quy định mới lần đầu tiên được quy định ở Điều 198b Luật SHTT 2022. Điều 198b chỉ đặt vấn đề miễn trách nhiệm (safe harbour) có điều kiện đối với 3 loại hình dịch vụ được cung cấp bởi ISP gồm (a) chỉ thực hiện chức năng truyền dẫn thông tin (mere conduit) thông tin của người sử dụng trong mạng viễn thông; (b) truyền dẫn trong mạng viễn thông thông tin của người sử dụng mang tính chất lưu trữ tự động, tạm thời và với mục đích làm cho việc truyền tải thông tin hiệu quả hơn đến người sử dụng khác (caching); và (c) lưu trữ nội dung thông tin số của người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ (hosting). Tuy nhiên, quy định ở Điều 198b cho thấy tất cả ISP hoạt động dưới cả 5 hình thức gồm: (i) doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet; (ii) doanh nghiệp viễn thông; (iii) doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số bao gồm cả dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử; (iv) doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến; và (v) doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin số, đều có thể bị tác động bởi Điều 198b.[2]

 

Giám định về sở hữu trí tuệ khác với giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ

 

Khác với giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp, giám định về sở hữu trí tuệ là một loại giám định độc lập và cũng được coi là một nguồn chứng cứ hợp pháp. Giám định sở hữu trí tuệ được hiểu là việc tổ chức, cá nhân được cấp thẻ giám định sở hữu trí tuệ đang làm việc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư (không bao gồm tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam) sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Kết luận giám định không được kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp.[3]

 

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ

 

Ngoài chủ thể cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Luật SHTT 2022 bổ sung pháp nhân thương mại có thể bị truy tố hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm để phù hợp với pháp luật hình sự liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại theo Điều 225 và Điều 226 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.[4]

 

Luật SHTT 2022 mở rộng phạm vi xác định hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý. Cụ thể, giả mạo tem, nhãn có chứa dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không có sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu bị xem là giả mạo sở hữu trí tuệ. Tương tự như vậy, giả mạo tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật này hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó cũng bị xem là giả mạo sở hữu trí tuệ.

 

Chủ động dừng thông quan

 

Khác với Luật SHTT 2005, Luật SHTT 2022 quy định cơ quan hải quan có trách nhiệm chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát và kiểm soát phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp này, cơ quan hải quan phải thông báo ngay cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (nếu có thông tin liên hệ) và cho người nhập khẩu hoặc người xuất khẩu về việc tạm dừng đó. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày thông báo, nếu chủ thể quyền sở hữu trí tuệ không khởi kiện dân sự và cơ quan hải quan không quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan hải quan có trách nhiệm tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng.

 

Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) năm 2021 bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bao gồm nhãn hiệu (thương hiệu), tên miền internet, quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng ở Việt Nam và nước ngoài.

 

Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.

 



[1] Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gồm CPTPP, EVFTA, RCEP đòi hỏi Việt Nam phải nâng tiêu chuẩn bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dẫn tới Chính phủ Việt Nam phải nỗ lực chuẩn bị sửa đổi, bổ sung khá nhiều quy định ở Luật SHTT hiện hành. 8 thay đổi lớn liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và giống cây trồng được tóm lược nhanh ở bài viết:Các sửa đổi quan trọng trong Dự thảo Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tuân thủ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA): http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Cac-sua-doi-quan-trong-trong-Du-thao-Luat-sua-doi-Luat-So-huu-tri-tue--nham-tuan-thu-Hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-Viet-Nam-%E2%80%93-Lien-minh-Chau-Au-EVFTA

[2] Xem thêm “Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên internet:

http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Trach-nhiem-phap-ly-cua-doanh-nghiep-cung-cap-dich-vu-trung-gian--ISP-doi-voi-hanh-vi-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-xay-ra-tren-internet

[3] Xem thêm “Một số vấn đề pháp lý liên quan đến giám định sở hữu trí tuệ nhìn từ lý luận đến thực tiễn và giải pháp hoàn thiện nó”: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Mot-so-van-de-phap-ly-lien-quan-den-giam-dinh-so-huu-tri-tue--nhin-tu-ly-luan-den-thuc-tien-va-giai-phap-hoan-thien-no-1627

[4] Xem thêm “Cơ sở pháp lý của truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam hiện hành”: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Co-so-phap-ly-cua-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-doi-voi--cac-toi-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-theo-phap-luat-Viet-Nam-hien-hanh

 

 

Bookmark and Share
Relatednews
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?
Trung Quốc: Tranh tụng bản quyền nhiều nhất thế giới và vai trò đặc biệt của hệ thống Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ
Nhật Bản bỏ thu phí 2 lần đối với nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid
Cambodia to Strictly Watch the Timely Submission of Affidavit of Use/Affidavit of Non-use for a Registered Trademark
Trung Quốc sẽ tiếp tục sửa Luật nhãn hiệu 2019 với trọng tâm chống “đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu”
Căn cứ từ chối tuyệt đối cần tránh khi lựa chọn thương hiệu để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc
Campuchia siết chặt nghĩa vụ nộp bằng chứng sử dụng đối với nhãn hiệu đã đăng ký
Bross & Partners as a Contributor to the Chambers Trademarks and Copyright 2024 Global Practice Guide
Founding Partner Le Quang Vinh continously named in the 2023 A-List by Asia Business Law Journal

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.

         
Cửa thép vân gỗcua thep van go