Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
7 thay đổi về bảo hộ sáng chế trong Luật Sở hữu trí tuệ 2022
(Ngày đăng: 2022-06-29)

7 thay đổi về bảo hộ sáng chế trong Luật Sở hữu trí tuệ 2022

 

Luật sư Lê Quang Vinh – Bross & Partners

Email: vinh@bross.vn

 

Sáng chế (hay còn gọi là pa-tăng) là một hình thức bảo hộ cho sáng tạo kỹ thuật tồn tại dưới hình thức chất, sản phẩm hoặc quy trình được quy định trong Luật SHTT.[1] Để đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế sau khi gia nhập các Hiệp định thương mại thế hệ mới gồm CPTPP, EVFTA và RCEP, Việt Nam sửa đổi khá nhiều quy định liên quan đến các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ[2] trong đó bao gồm cả sáng chế trong Luật SHTT 2005 sửa đổi lần 3 (gọi tắt là “Luật SHTT 2022”) vừa được Quốc Hội thông qua ngày 16/6/2022 thay thế Luật SHTT 2005 sửa đổi lần 1 năm 2009 và lần 2 năm 2019 (gọi tắt là “Luật SHTT 2005”). Luật SHTT 2022 có hiệu lực từ 1/1/2023 ngoại trừ quy định về nhãn hiệu âm thanh có hiệu lực từ 14/01/2022 and quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực từ 14/01/2024. Dưới đây Bross & Partnes cập nhật 7 thay đổi liên quan đến sáng chế.[3]

 

Tính mới của sáng chế

 

Khác với Luật SHTT 2005 chỉ xác định tính mới mang tính khái quát, Luật SHTT 2022 quy định rõ ràng hơn, chẳng hạn, Điều 60.1 tách tình trạng kỹ thuật có trước (prior art) thành 2 hình thức bộc lộ gồm bộc lộ dưới dạng tài liệu phi sáng chế (non-patent literature) và bộc lộ dưới dạng tài liệu sáng chế (patent documents), theo đó sáng chế được coi là có tính mới nếu không thuộc một trong hai trường hợp:

 

1.            Bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.

2.            Bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.

 

Quyền đăng ký sáng chế

 

Luật SHTT 2022 bổ sung thêm quy định trao quyền đăng ký sáng chế cho tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen cung cấp nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen theo hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trừ trường hợp sáng chế đó là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước.

 

Trừ trường hợp sáng chế thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, tổ chức nào được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ có quyền đăng ký sáng chế đó một cách tự động và không phải bồi hoàn.

 

Trường hợp sáng chế thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, quyền đăng ký sáng chế đó thuộc về Nhà nước nếu sáng chế được tạo ra có sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước. Nếu sáng chế được đóng góp bởi chỉ một phần của ngân sách Nhà nước thì tư cách nộp đơn đăng ký sáng chế được xác định tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách Nhà nước cấp cho quá trình tạo ra sáng chế đó.

 

Nếu sáng chế được xác định thuộc về Nhà nước thì việc nộp đơn đăng ký nó được xác định thông qua đại diện chủ sở hữu nhà nước là một trong ba chủ thể: (a) Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC); (b) Bộ hoặc cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (c) Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)

 

2 cơ chế phản đối đơn đăng ký sáng chế

 

Luật SHTT 2022 lần đầu bổ sung cơ chế mới cho phép bên thứ ba phản đối đơn đăng ký sáng chế ngoài việc vẫn giữ nguyên cơ chế cũ là văn bản nêu ý kiến của người thứ ba vốn chỉ đóng vai trò làm nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sáng chế. Theo đó, trong khi quyền nộp văn bản nêu ý kiến bởi người thứ ba có thể được thực hiện tính từ thời điểm đơn đăng ký sáng chế được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp cho đến trước ngày ra quyết định cấp bằng độc quyền sáng chế thì quyền nộp đơn phản đối đơn đăng ký sáng chế lại bị giới hạn trong vòng không quá 9 tháng kể từ ngày sáng chế được công bố.

 

9 căn cứ phản đối đơn đăng ký sáng chế

 

Văn bản nêu ý kiến phản đối hoặc đơn phản đối cấp đối với sáng chế xin đăng ký có thể viện dẫn và chứng minh một trong chín căn cứ pháp lý:

 

1.         Đối tượng xin bảo hộ không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ

2.         Người nộp đơn không có quyền đăng ký sáng chế

3.         Đối tượng xin bảo hộ tuy đáp ứng các điều kiện bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất

4.         Có nhiều hơn một đơn sáng chế xin đăng ký trùng hoặc tương đương được nộp cùng ngày bởi nhiều hơn một người nộp đơn mà các chủ thể này không thỏa thuận được rút một đơn đăng ký

5.         Việc sửa đổi, bổ sung đơn làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn.

6.         Sáng chế được yêu cầu bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế

7.         Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng trong bản mô tả sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện sáng chế đó

8.         Đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen, đơn đăng ký sáng chế không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen

9.         Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp ra nước ngoài.

 

8 căn cứ hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế

 

Sáng chế được cấp có thể bị hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ bởi bất kỳ bên thứ ba nếu rơi vào một trong tám trường hợp:

 

1.                  Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế

2.                  Đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen có trong đơn đó

3.                  Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế

4.                  Đơn đăng ký sáng chế không đáp ứng các điều kiện bảo hộ như tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp; hoặc đối tượng yêu cầu bảo hộ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng

5.                  Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sáng chế làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn;

6.                  Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó

7.                  Sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế

8.                  Sáng chế không đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại Điều 90 của Luật này

 

Sáng chế mật

 

Luật SHTT 2005 không đề cập khái niệm sáng chế mật (bao gồm cả giải pháp hữu ích mật) mà chỉ quy định việc giới hạn quyền đối với sáng chế thuộc bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính Phủ. Nghị định 103/2006/NĐ-CP sửa đổi hướng dẫn Luật SHTT 2005 quy định rằng sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh thì được gọi là sáng chế mật. Nay, Luật SHTT 2022 lần đầu đưa đối tượng sáng chế mật thành một chế định riêng, cụ thể bổ sung thêm khoản 12a vào Điều 4 định nghĩa rằng sáng chế mật là sáng chế được cơ quan có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Yêu cầu về hồ sơ đăng ký sáng chế mật và trình tự thủ tục đăng ký sáng chế mật sẽ được Chính Phủ hướng dẫn ở Nghị định.

 

Kiểm soát an ninh sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài

 

Sáng chế mật cần thiết phải được kiểm soát an ninh khi được cá nhân, tổ chức đăng ký ra nước ngoài. Vì lẽ đó, Luật SHTT 2022 bổ sung thêm Điều 89a quy định rằng sáng chế của cá nhân nộp ra nước ngoài phải được kiểm soát an ninh nếu cùng lúc tìm thấy cả 4 yếu tố: (a) sáng chế đó có tác động đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng; (b) được tạo ra tại Việt Nam; (c) thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam; và (d) đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam để thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh. Đối với sáng chế của tổ chức thì chỉ kiểm soát an ninh khi nộp ra nước ngoài nếu cả 3 yếu tố cùng thỏa mãn: (a) sáng chế đó có tác động đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng; (b) tổ chức đó được thành lập theo pháp luật Việt Nam; và (c) đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam để thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh.[4]

 

Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) năm 2021 bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bao gồm nhãn hiệu (thương hiệu), tên miền internet, quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng ở Việt Nam và nước ngoài.

 

Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.

 



[1] Sáng chế hoặc pa-tăng nêu trên được quy định trong Luật SHTT được hiểu gồm: (1) giải pháp kỹ thuật tồn tại dưới dạng chất, sản phẩm hoặc quy trình được cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu thỏa mãn cả 3 điều kiện bảo hộ là có tính mới, trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp, và (2) giải pháp kỹ thuật tồn tại dưới dạng chất, sản phẩm hoặc quy trình được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu thỏa mãn cả 2 điều kiện bảo hộ là có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp. Ngoài ra còn một loại Bằng độc quyền nữa là Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp bảo hộ cho hình dáng bên ngoài của sản phẩm. Như vậy, có 3 loại bằng độc quyền theo pháp luật Việt Nam là sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp. Tham khảo thêm “Hiểu tổng quan về pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam chỉ trong 10 phút”: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/HIEU-TONG-QUAN--VE-PHAP-LUAT-SO-HUU-TRI-TUE-VIET-NAM-CHI-TRONG-10-PHUT

[2] Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gồm CPTPP, EVFTA, RCEP đòi hỏi Việt Nam phải nâng tiêu chuẩn bảo hộ và thực thi quyền của các đối tượng sở hữu trí tuệ dẫn tới Chính phủ Việt Nam phải nỗ lực chuẩn bị sửa đổi, bổ sung khá nhiều quy định ở . 8 thay đổi lớn liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và giống cây trồng được tóm lược nhanh ở bài viết:Các sửa đổi quan trọng trong Dự thảo Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tuân thủ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA): http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Cac-sua-doi-quan-trong-trong-Du-thao-Luat-sua-doi-Luat-So-huu-tri-tue--nham-tuan-thu-Hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-Viet-Nam-%E2%80%93-Lien-minh-Chau-Au-EVFTA

[3] Tham khảo thêm “8 thực tiễn bảo hộ sáng chế hoặc pa-tăng ở Việt Nam”:

http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/8-THUC-TIEN-BAO-HO-SANG-CHE-HOAC-PATANG-O-VIET-NAM-sua-doi-va-cap-nhat-moi-den-ngay-17042020

 

[4] Xem thêm Nút thắt kiểm soát an ninh đối với sáng chế khi đăng ký ra nước ngoài đã được tháo gỡ bởi Dự thảo sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ?”:

 http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Nut-that-kiem-soat-an-ninh-doi-voi-sang-che-khi-dang-ky-ra--nuoc-ngoai-da-duoc-thao-go-boi-Du-thao-sua-doi-Luat-so-huu-tri-tue-2056

 

Bookmark and Share
Relatednews
Đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam: Có lợi ích gì và kinh nghiệm tránh bị từ chối bảo hộ
Trung Quốc nhận cầm cố nhãn hiệu (thương hiệu) cho vay hàng triệu đô la Mỹ, khi nào đến Việt Nam?
Trademark Opposition under China’s 2019 Trademark Law: An Earliest Action Needed to Tackle Bad Faith Trademark Squatters in China
Phản đối cấp bảo hộ nhãn hiệu ở Trung Quốc: Hành động pháp lý sớm nhất có thể giúp ngăn chặn khả năng mất thương hiệu
Vietnam is about to Establish Intellectual Property Courts
Khái quát chung về công nhận nhãn hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc
Việt Nam sắp thành lập Tòa án sở hữu trí tuệ
Mất thương hiệu ở Trung Quốc: Bài học vẫn mới từ 2 sai lầm cũ
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI) ở Trung Quốc: GI không cần đăng ký vẫn được bảo hộ nhìn từ vụ kiện Romanée-Conti?
Copyright Claim and Copyright Strike in Cyberspace: Vietnamese Takedown Request superior to American Takedown Request?
“Đánh gậy bản quyền” và “gỡ gậy bản quyền” trên không gian mạng: Quy trình Việt Nam ưu việt hơn Quy trình Mỹ?

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.

         
Cửa thép vân gỗcua thep van go