Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
Cảnh giác nguy cơ bị kiện xâm phạm bản quyền ở một tòa án của Hoa Kỳ ngay cả bạn không có cơ sở kinh doanh ở Mỹ
(Ngày đăng: 2023-01-11)

Cảnh giác nguy cơ bị kiện xâm phạm bản quyền

ở một tòa án của Hoa Kỳ ngay cả bạn không có cơ sở kinh doanh ở Mỹ

 

Luật sư Lê Quang VinhBross & Partners

Email: vinh@bross.vn

 

Tòa phúc thẩm lưu động số 9 của Hoa Kỳ đảo ngược phán quyết của Tòa cấp sơ thẩm ở California bác đơn khởi kiện vì lý do tòa án Mỹ không có thẩm quyền riêng biệt [specific personal jurisdiction] đối với bị đơn nước ngoài trong vụ LANG VAN, INC. v. VNG CORPORATION No. 19-56452 (9th Cir. 2022).[1] Bross & Partners giới thiệu tình tiết chính của vụ án này nhằm cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh nội dung số và dịch vụ trên internet, về rủi ro pháp lý có thể bị kiện ở nước ngoài ngay cả khi không có sơ sở kinh doanh ở nước ngoài.

 

Có thể bị kiện ở Mỹ ngay cả khi không có cơ sở kinh doanh ở Mỹ

 

Năm 2014, Lang Van Inc. hay còn gọi là Trung Tâm Làng Văn, một công ty chuyên sản xuất và phát hành băng đĩa nhạc có trụ sở tại California, Mỹ (“Nguyên Đơn”) khởi kiện một công ty có trụ sở Việt Nam, VNG Corporation (“Bị Đơn”) có hành vi xâm phạm bản quyền, cụ thể là ứng dụng Zing MP3 của nó cho phép người sử dụng tải về trái phép hàng trăm ngàn lượt bài hát, bản ghi âm, bản ghi hình từ nền tảng Apple App Store và Google App Store.

 

Vấn đề trung tâm của vụ án này không phải là việc đi xác định có đúng là Bị Đơn đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả (xâm phạm bản quyền) theo Luật bản quyền 1976 của Mỹ hay không mà phải xác định liệu một tòa án của Mỹ có thẩm quyền thụ lý và xét xử đối với bị đơn nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Mỹ hay không

 

Theo Quy tắc liên bang về tố tụng dân sự,[2] không có tòa án Mỹ nào có thẩm quyền thụ lý và xét xử vụ kiện dân sự giữa một công ty của Mỹ (nguyên đơn) với một công ty của Việt Nam (bị đơn) không có hiện diện thương mại (không có trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở Mỹ) trừ khi nguyên đơn chứng minh được cả 2 điều kiện: (a) bị đơn không thuộc thẩm quyền chung của bất kỳ tòa án tiểu bang; và (b) việc thực thi thẩm quyền phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Mỹ.

 

Nguyên Đơn lập luận rằng tòa án California có thẩm quyền riêng [personal jurisdiction] đối với Bị Đơn dưới hình thức “mối liên hệ tối thiểu” [minimum contacts] và/hoặc dưới hình thức “thẩm quyền cánh tay nối dài” [long-arm jurisdiction][3] theo Quy tắc 4(K)(2).[4]

 

Trái lại Bị Đơn lập luận rằng không có bằng chứng cố ý nhắm vào tiểu bang California hoặc lãnh thổ Hoa Kỳ trong vụ án này nên các bằng chứng mà Nguyên Đơn cung cấp chứng minh tòa án California có thẩm quyền đối với vụ án này là vô nghĩa. Bị Đơn cũng biện luận thêm rằng Bị Đơn không có chiến lược hướng vào thị trường California hay Hoa Kỳ, không có bằng chứng chứng tỏ Bị Đơn có doanh thu ngoài Việt Nam, không có bằng chứng hợp đồng quảng cáo với California, và chỉ Việt Nam là thị trường mục tiêu duy nhất. Căn cứ vào án lệ trong vụ AMA Multimedia, LLC, 970 F.3d at 1211, Bị Đơn tiếp tục phản đối thẩm quyền của Tòa án California rằng Nguyên Đơn không chứng minh được bất kỳ hoạt động tải xuống, phát sóng trực tuyến, hoặc hành vi xâm phạm bản quyền khác diễn ra tại địa điểm tài phán [forum], và Bị Đơn cũng khẳng định không phải mọi thứ trên internet, chỉ vì lý do nó có thể được tiếp cận toàn cầu, rõ ràng nhắm tới mọi địa điểm tài phán mà nó được truy cập.

 

Để chứng minh khả năng áp dụng Quy tắc 4(K)(2), Nguyên Đơn cho rằng đơn kiện này thỏa mãn yếu tố thứ nhất có tính chất liên bang vì nó liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả. Yếu tố thứ hai cũng được xem là thỏa mãn vì Bị Đơn đến từ Việt Nam và không có thông tin nào gợi ý rằng Bị Đơn có thể thuộc thẩm quyền chung [general jurisdiction] ở một tiểu bang ngoài California. Về yếu tố thứ ba, phân tích đúng quy trình [Due Process][5] gần giống với phân tích thẩm quyền riêng chỉ với một điểm khác biệt: thay vì xem xét mối liên hệ giữa Bị Đơn và tiểu bang, cần xem xét mối liên hệ quốc gia về tổng thể [giữa Việt Nam và Hoa Kỳ].

 

Tòa cấp sơ thẩm quyết định rằng Tòa cấp quận thuộc tiểu bang California không có thẩm quyền riêng biệt đối với vụ này, đồng nghĩa với việc tòa án bác đơn khởi kiện của Nguyên Đơn

 

Khi kháng cáo bản án sơ thẩm của tòa án sơ thẩm[6] bác đơn kiện của Nguyên Đơn vì cho rằng không có thẩm quyền riêng, Nguyên Đơn cho rằng Tòa sơ thẩm đã mắc sai lầm ở chỗ không đánh giá lập luận 3 phần theo Quy tắc 4(K)(2) vì Nguyên Đơn đã thỏa mãn hai phần đầu tiên và nghĩa vụ chứng minh sự tồn tại của phần thứ ba thuộc về Bị Đơn như phán quyết của Tòa án tối cao trong vụ International Shoe Co. v. Washington.[7]

 

Tòa cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm và yêu cầu xét xử lại

Theo Tòa phúc thẩm lưu động số 9[8] (Tòa cấp phúc thẩm) để chứng minh rằng tòa cấp quận California có thẩm quyền thụ lý vụ án theo Quy tắc 4(K)(2), Nguyên Đơn cần phải chứng minh được thỏa mãn phép thử 3 đoạn (3 phần): (1) vụ kiện phát sinh theo pháp luật Liên bang; (2) Bị Đơn không thuộc thẩm quyền chung của bất kỳ tòa án tiểu bang nào; và (3) viện dẫn thẩm quyền không trái với nguyên tắc “đúng quy trình” [due process] tức tòa cấp quận California có thẩm quyền không phải là không hợp lý.

 

Tòa phúc thẩm nhận thấy Phần 1 của phép thử được xem là thỏa mãn vì vấn đề tranh chấp rõ ràng dính dáng đến xâm phạm bản quyền cho phép khởi kiện theo luật liên bang. Phần 2 của phép thử “vụ kiện không thuộc thẩm quyền của bất kỳ tòa án tiểu bang nào khác” cũng thỏa mãn vì không có tuyên bố nào của Bị Đơn nói rằng vụ kiện này là đối tượng thuộc thẩm quyền chung [general jurisdiction] của bất kỳ tòa án tiểu bang nào khác.

 

Phần 3 của phép thử  đòi hỏi “đúng quy trình”. Phân tích “đúng quy trình” gần giống với cách phân tích thẩm quyền riêng theo cách truyền thống với một sự khác biệt duy nhất: thay vì xem xét mối liên hệ giữa Bị Đơn và địa điểm tài phán cấp tiểu bang, tòa cấp phúc thẩm xem xét mối liên hệ này với danh nghĩa quốc gia về tổng thể. Theo đó, Tòa phúc thẩm nhận định rằng thứ nhất, phải có hoạt động hoặc giao dịch có chủ đích hướng tới Mỹ bằng hành vi mà chứng tỏ rằng Bị Đơn chủ ý tận dụng đặc quyền kinh doanh ở Mỹ, và theo đó viện dẫn lợi ích và sự bảo hộ của pháp luật; thứ hai, đơn khởi kiện phải phát sinh từ các hoạt động liên quan tới Hoa Kỳ; và thứ ba, việc thực thi thẩm quyền phải phù hợp với quan niệm luật chơi công bằng và công lý thực chất. Đối với các vụ án như xâm phạm bản quyền [copyright infringement] nhất định phải có “hướng tới có chủ ý” [purposeful direction], nghĩa là Bị Đơn phải thực hiện hành vi có chủ ý hướng tới địa điểm tài phán, và gây tổn hại mà Bị Đơn biết rõ nó xảy ra ở địa điểm tài phán.

 

Tòa phúc thẩm nhận định tiếp rằng Nguyên Đơn đã thỏa mãn Phần 1 và 2 của phép thử 3 phần, nghĩa vụ chứng minh sau đó chuyển cho Bị Đơn để chứng minh rằng thẩm quyền của tòa California là không hợp lý mà trong vụ án này thấy rằng thẩm quyền trao cho tòa cấp quận California là hợp lý

 

Dù Bị Đơn cho rằng khán giả chính của họ là người Việt Nam nhưng Bị Đơn tung app Zing MP3 bằng tiếng Anh cho người Mỹ. Việc làm cho app truy cập được bởi những người sống ở Mỹ là hành động có chủ ý vì thực tế Zing MP3 đã được tải về hơn 3,200 lượt ở Mỹ bởi người sử dụng smartphone, cho phép người sử dụng chiếm giữ bộ sưu tập lớn tài liệu có bản quyền. Hơn nữa, Bị Đơn còn ký hợp đồng với doanh nghiệp Mỹ kết hợp với Zing MP3 và Bị Đơn cũng không chọn cách hạn chế (geoblock) người dùng truy nhập vào nội dung số của Làng Văn trên Zing MP3 mà sẽ giúp hạn chế việc sử dụng Zing MP3 ở Mỹ hoặc ở bất kỳ khu vực nào ngoài Việt Nam. Vì các lẽ trên, Tòa phúc thẩm thấy rằng có đủ bằng chứng để áp dụng Quy tắc 4(K)(2) nghĩa là thẩm quyền riêng biệt của tòa cấp quận California đối với vụ án này là hợp lý.

 

Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) năm 2021 bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bao gồm nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng ở Việt Nam và nước ngoài.

 

Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.

 



[1] Toàn văn bản án LANG VAN, INC. v. VNG CORPORATION No. 19-56452 (9th Cir. 2022) có thể xem tại website của Tòa phúc thẩm lưu động số 9 ở link: United States Court of Appeals for the Ninth Circuit (uscourts.gov) hoặc xem ở link: https://cdn.ca9.uscourts.gov/datastore/opinions/2022/07/21/19-56452.pdf

[2] Xem Rule 4(K)(2). Federal Rules of Civil Procedure of December 1, 2021 ở link: https://www.uscourts.gov/rules-policies/current-rules-practice-procedure/federal-rules-civil-procedure

[3] Thẩm quyền cánh tay nối dài [long-arm jurisdiction] thực chất là tên một đạo luật của Mỹ quy định một tòa án có thể có thẩm quyền riêng đối với bị đơn không cư trú (ngoài phạm vi địa lý của một tiểu bang) dựa trên cơ sở hành vi nhất định được được thực hiện bởi bị đơn không cư trú với điều kiện bị đơn này phải có đủ mối liên hệ với bang đó. Khi một tòa án thụ lý dựa trên căn cứ thẩm quyền cánh tay nối dài thì tòa án đó được cho là có thẩm quyền cánh tay nối dài. Xem thêm: https://www.law.cornell.edu/wex/long-arm_statute

[4] Như đã dẫn ở footnote 1

[5] “Đúng quy trình” [Due Process] là quan niệm nền móng trong hệ thống tư pháp Hoa Kỳ. Tham khảo thêm: https://www.law.cornell.edu/wex/due_process

[6] Tên đầy đủ của tòa sơ thẩm trong vụ án là United States District Court for the Central District of California. Xem thêm: https://www.cacd.uscourts.gov/

[7] Phán quyết năm 1945 của Tòa án tối cao Hoa Kỳ trong vụ International Shoe Co. v. Washington liên quan đến xác định thẩm quyền riêng biệt của tòa án Mỹ trong các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Bản án có thể xem được ở đây: https://supreme.justia.com/cases/federal/us/326/310/

[8] Tòa phúc thẩm lưu động số 9 có tên đầy đủ là United States Courts for the Ninth Circuit. Xem thêm: https://www.ca9.uscourts.gov/

 

Bookmark and Share
Relatednews
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?
Trung Quốc: Tranh tụng bản quyền nhiều nhất thế giới và vai trò đặc biệt của hệ thống Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ
Nhật Bản bỏ thu phí 2 lần đối với nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid
Cambodia to Strictly Watch the Timely Submission of Affidavit of Use/Affidavit of Non-use for a Registered Trademark
Trung Quốc sẽ tiếp tục sửa Luật nhãn hiệu 2019 với trọng tâm chống “đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu”
Căn cứ từ chối tuyệt đối cần tránh khi lựa chọn thương hiệu để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc
Campuchia siết chặt nghĩa vụ nộp bằng chứng sử dụng đối với nhãn hiệu đã đăng ký
Bross & Partners as a Contributor to the Chambers Trademarks and Copyright 2024 Global Practice Guide
Founding Partner Le Quang Vinh continously named in the 2023 A-List by Asia Business Law Journal

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.

         
Cửa thép vân gỗcua thep van go