Thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam bằng biện pháp hành chính
Luật sư Lê Quang Vinh
Email: vinh@bross.vn
Giới thiệu chung về biện pháp hành chính
Thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ mà Quốc hội giao cho Chính Phủ và các bộ ngành có liên quan tổ chức triển khai, trong đó gồm có hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ, xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Theo đó, việc xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ của tổ chức, cá nhân khác bằng biện pháp hành chính là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước gồm Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp[1]
Biện pháp hành hành chính có thể được hiểu là một biện pháp pháp lý thuộc hệ thống pháp luật hành chính của Việt Nam trong đó quy định về vi phạm hành chính, chế tài hành chính, hình thức và thủ tục xử lý vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả,…để xử lý hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước thuộc một lĩnh vực nhất định. Đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, biện pháp hành chính được áp dụng có thể gồm các hình thức xử lý hành vi vi phạm và các biện pháp xử lý hàng hoá xâm phạm, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cụ thể hơn nó bao gồm các hình thức xử phạt hành chính (biện pháp xử lý hành vi xâm phạm) và biện pháp khắc phục hậu quả (biện pháp xử lý hàng hoá xâm phạm) quy định tại Điều 214 của Luật Sở hữu trí tuệ[2].
Điều 211 Luật SHTT quy định có 4 nhóm hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, gồm:
a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
d) Hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu biện pháp hành chính trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể gồm các vấn đề cơ bản như sau:
(a) điều kiện áp dụng biện pháp hành chính;
(b) nguyên tắc xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
(c) quy định pháp luật mô tả hành vi vi phạm hành chính bị xử lý bằng biện pháp hành chính; và (d) trình tự, thủ tục và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
1. Điều kiện áp dụng biện pháp hành chính
Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính, về căn bản cần có 5 điều kiện chính sau:
-
Có căn cứ pháp lý để áp dụng biện pháp hành chính đối với một vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cụ thể, nghĩa là phải có các quy định của pháp luật mô tả hoặc nêu tên hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
-
Có quy định pháp luật về thủ tục, trình tự cho phép chủ thể quyền sở hữu trí tuệ yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan thực thi áp dụng biện pháp hành chính; có quy định pháp luật về thủ tục, trình tự cho phép công dân tố cáo và đề nghị xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính; có quy định pháp luật về thủ tục, trình tự cho phép cơ quan thực thi chủ động phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ
-
Có cơ quan thực thi có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền tiến hành biện pháp hành chính được pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn bao gồm cả thẩm quyền xử phạt khi tham gia xử lý một vụ việc bằng biện pháp hành chính
-
Có sự hỗ trợ chuyên môn của Cơ quan giám định thông qua Kết luận giám định do chủ thể quyền cung cấp hoặc do cơ quan thực thi trưng cầu giám định trong đó khẳng định có hành vi xâm phạm quyền, hoặc có yếu tố xâm phạm quyền, hoặc hàng hóa chứa đối tượng nghi ngờ xâm phạm là giả mạo nhãn hiệu hoặc giả mạo chỉ dẫn địa lý hoặc là hàng hóa sao chép lậu
-
Cơ quan thực thi nhận đơn yêu cầu có kiến thức, kinh nghiệm và năng lực để đủ tự tin thụ lý và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính[3]
2. Nguyên tắc xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Nguyên tắc chung xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không được quy định trong Luật SHTT mà được quy định ở Nghị định 105/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 119/2010/NĐ-CP (“Nghị định 105 sửa đổi”). Theo Nghị định 105 sửa đổi, được xem là có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi và chỉ khi hành vi đó thỏa mãn đồng thời 4 yếu tố[4]:
-
Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi đối tượng được bảo hộ
-
Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét
-
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi xâm phạm không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đó hoặc không phải là người được chủ thể quyền cho phép sử dụng đối tượng đó
-
Hành vi bị xem xét xảy ra ở Việt Nam
Yếu tố thứ 2 - có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét – thường đóng vai trò quan trọng bậc nhất khi Quý doanh nghiệp có nhu cầu xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính. Dưới đây là nguyên tắc xác định yếu tố xâm phạm đối với một số loại quyền sở hữu trí tuệ gồm sáng chế, nhãn hiệu, quyền tác giả và giống cây trồng[5].
Đối với sáng chế, trên cơ sở so sánh phạm vi bảo hộ của bằng độc quyền sáng chế với đối tượng bị nghi ngờ xâm phạm có thể xác định có hay không có yếu tố xâm phạm quyền ở 1 trong 3 dạng: (a) sản phẩm hoặc bộ phận (phần) sản phẩm trùng hoặc tương đương với sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế; (b) quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế; (c) sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm được sản xuất theo quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế.
Đối với nhãn hiệu (ngoại trừ đối với nhãn hiệu nổi tiếng), dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm quyền nhãn hiệu của người khác chỉ được coi là chứa yếu tố xâm phạm khi và chỉ khi thỏa mãn 2 điều kiện: (a) dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ, và (b) hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu bị nghi ngờ xâm phạm trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
Đối với quyền tác giả, bằng cách so sánh đối tượng bị nghi ngờ xâm phạm với đối tượng được bảo hộ, yếu tố xâm phạm có thể tìm thấy nếu thuộc 1 trong 5 dạng: (a) bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép; (b) tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép; (c) tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả; (d) phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép; (e) sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả bị vô hiệu hoá trái phép.
Đối với giống cây trồng, yếu tố xâm phạm quyền có thể tìm thấy nếu thuộc 1 trong 4 dạng sau khi so sánh đối tượng nghi ngờ xâm phạm với bằng bảo hộ giống cây trồng, bản mô tả giống cây trồng được cơ quan bảo hộ giống cây trồng xác nhận: (a) sử dụng vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ để thực hiện các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật Sở hữu trí tuệ mà không được phép của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng; (b) sử dụng vật liệu nhân giống của các giống cây trồng quy định tại Điều 187 của Luật Sở hữu trí tuệ; (c) sử dụng tên của một giống cây trồng cùng loài hoặc loài gần với loài của giống được bảo hộ mà tên này trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên của giống cây trồng được bảo hộ; (d) dạng (a) hoặc (b) nêu trên còn có thể áp dụng đối với vật liệu thu hoạch nếu chủ bằng bảo hộ giống cây trồng chưa có điều kiện hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân giống của cùng giống đó.
3. Quy định pháp luật mô tả hành vi vi phạm hành chính bị xử lý bằng biện pháp hành chính
Vì quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, cụ thể gồm quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng nên có thể thấy rằng lĩnh vực sở hữu trí tuệ chịu sự quản lý nhà nước bởi 3 bộ ngành khác nhau, gồm Bộ Khoa học và Công nghiệp thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan, và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm nhiệm quản lý nhà nước về giống cây trồng[6].
Pháp luật định nghĩa vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính[7]. Như vậy, hiểu một cách đơn giản hơn, biện pháp hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có căn cứ pháp lý để khẳng định rằng chúng là vi phạm hành chính, nghĩa là một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ bị coi là vi phạm hành chính nếu thỏa mãn 4 điều kiện sau:
-
Hành vi đó trái pháp luật hoặc vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước;
-
Hành vi đó được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân một cách cố ý hoặc vô ý
-
Mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm phạm chưa đến mức bị coi là tội phạm
-
Pháp luật quy định hành vi xâm phạm đó phải bị xử phạt hành chính
Theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chính Phủ được giao nhiệm vụ hướng dẫn thi hành đạo luật này bằng việc ban hành các Nghị định khác nhau quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, tương ứng với 3 lĩnh vực sở hữu trí tuệ nêu trên có 3 Nghị định đã được ban hành tương ứng là Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/03/2017 (“Nghị định 131 sửa đổi”), Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 (“Nghị định 99”) và Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 6/5/2016 được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 (“Nghị định 31 sửa đổi”). Dưới đây là tổng hợp một số hành vi vi phạm hành chính thuộc 3 lĩnh vực này
3.1 Quy định pháp luật mô tả hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan theo Nghị định 131 sửa đổi
Nghị định 131 quy định 34 hành vi vi phạm hành chính trong đó hành vi vi phạm quyền tác giả gồm chẳng hạn như các hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng hóa sao chép lậu; xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm; xâm phạm quyền công bố; xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh; xâm phạm quyền cho phép biểu diễn trước công chúng; xâm phạm quyền cho thuê bản gốc, bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính; xâm phạm quyền sao chép; xâm phạm quyền áp dụng biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền tác giả.
Hành vi vi phạm quyền liên quan bao gồm chẳng hạn như các hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn; xâm phạm quyền định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của người biểu diễn; xâm phạm quyền phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn chưa định hình; xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình; sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại; xâm phạm quyền phát sóng, tái phát sóng[8]
3.2 Quy định pháp luật mô tả hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp theo Nghị định 99
Lĩnh vực sở hữu công nghiệp gồm nhóm quyền sở hữu công nghiệp chỉ được hình thành trên cơ sở phải đăng ký như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, và nhóm quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở không phải đăng ký như tên thương mại, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh[9]. Nghị định 99 quy định 4 hành vi vi phạm các quy định có liên quan từ điều 5 đến điều 9, cụ thể gồm vi phạm quy định về thủ tục xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp; vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; vi phạm quy định về đại diện sở hữu công nghiệp; vi phạm quy định về giám định sở hữu công nghiệp; vi phạm quy định về niêm phong, tạm giữ phương tiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Từ điều 10 đến điều 14, Nghị định 99 quy định 4 hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gồm: xâm phạm quyền đối sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và kiểu dáng công nghiệp; hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo; hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
3.3 Quy định pháp luật mô tả hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng theo Nghị định 31 sửa đổi
12 hành vi từ điều 6 đến điều 17 thuộc Nghị định 31 quy định về vi phạm các quy định liên quan đến bảo hộ giống cây trồng, chẳng hạn như vi phạm quy định về nghĩa vụ của chủ bằng bảo hộ, tác giả giống cây trồng; vi phạm quy định về quyền của chủ bằng bảo hộ; vi phạm quy định về sản xuất giống cây trồng; vi phạm quy định về kinh doanh giống cây trồng
4. Trình tự, thủ tục và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
4.1 Các nguyên tắc cơ bản khi xử phạt vi phạm hành chính
Do tính chất đơn phương của quyết định áp dụng biện pháp hành chính dựa trên quyền lực nhà nước nên pháp luật quy định rõ các nguyên tắc mà cơ quan thực thi phải tuân thủ, cụ thể gồm một số nguyên tắc cơ bản sau[10]:
a) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
b) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
c) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
d) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
e) Tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền trong đó mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Riêng lĩnh vực giống cây trồng, mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng đối với tổ chức hoặc 50 triệu đồng đối với cá nhân
f) Các hình thức xử phạt bổ sung có thể được áp dụng tùy thuộc mức độ vi phạm thuộc lĩnh vực sở hữu công nghiệp: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh từ 1 đến 3 tháng
g) Một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng gồm: buộc loại bỏ hoặc tiêu hủy yếu tố vi phạm, buộc thay đổi tên doanh nghiệp, buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền được áp dụng đối với các quyền sở hữu công nghiệp; buộc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, buộc hoàn trả cho tác giả, chủ sở hữu quyền lợi vật chất, thù lao thu được từ hành vi vi phạm đối với lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan; đối với lĩnh vực giống cây trồng biện pháp khắc phục hậu quả có thể gồm đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc thực hiện việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng, buộc thực hiện đúng nghĩa vụ giúp chủ Bằng bảo hộ duy trì vật liệu nhân giống của giống cây trong được bảo hộ;
h) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm tính từ thời điểm đã kết thúc hành vi vi phạm hoặc tính từ thời điểm phát hiện vi phạm đối với vi phạm đang diễn ra.
i) Độc lập với chế tài hành chính theo quyết định xử phạt hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính vẫn có thể phải bồi thường thiệt hại vật chất cho chủ thể quyền theo quy định của pháp luật dân sự
k) Nghiêm cấm giữ lại vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính
4.2 Trình tự, thủ tục và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Nghị định 131 sửa đổi và Nghị định 31 sửa đổi không quy định cụ thể quy trình xử lý hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan và quyền đối với giống cây trồng như quy trình xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp ở Nghị định 99. Theo Nghị định 99, hầu hết các trường hợp xử lý vi phạm hành chính đối với quyền sở hữu công nghiệp chỉ được xử lý trên cơ sở có yêu cầu của chủ thể quyền[11], theo đó quy trình xử lý một vụ việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhìn chung có thể được mô tả bằng các bước sau:
Bước 1 – Chuẩn bị và nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm: Đơn yêu cầu phải nêu rõ tên cơ quan thực thi, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ có liên quan, hàng hóa/dịch vụ có nghi ngờ xâm phạm, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân vi phạm, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và tài liệu chứng minh tư cách nộp đơn bởi chủ thể quyền.
Bước 2 – Thụ lý đơn yêu cầu trong vòng 10 ngày làm việc. Bước này bao gồm tiếp nhận và xem xét đơn yêu cầu, cụ thể gồm xác định thẩm quyền xử lý vi phạm và kiểm tra tính hợp lệ của tài liệu, chứng cứ. Nếu thấy hồ sơ chưa đầy đủ thì có thể yêu cầu chủ thể quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc giải trình trong vòng tối đa 30 ngày. Trong bước này, cơ quan thực thi có thể trưng cầu ý kiến chuyên môn của cơ quan nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc trưng cầu giám định sở hữu công nghiệp để làm rõ các tình tiết của vụ việc;
Bước 3 – Yêu cầu giải trình. Cơ quan thực thi có thể yêu cầu bên bị đề nghị xử lý hành chính cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ hoặc giải trình trong vòng 10 ngày kể từ ngày cơ quan thực thi ban hành thông báo gửi bên bị đề nghị xử lý hành chính hoặc kể từ ngày lập biên bản thanh tra, biên bản vi phạm hành chính. Bên bị đề nghị xử lý hành chính có thể yêu cầu gia hạn thời hạn giải trình nêu trên nhưng không được quá 30 ngày kể từ ngày lập biên bản thanh tra, biên bản vi phạm hành chính. Mục đích của bước giải trình là để trao cơ hội cho bên bị nghi ngờ vi phạm giải trình, cung cấp chứng cứ, tài liệu hoặc lập luận chứng minh rằng mình không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền, chẳng hạn nhãn hiệu bị nghi ngờ xâm phạm không gây nhầm lẫn với quyền độc quyền nhãn hiệu của chủ thể quyền, tác phẩm bị nghi ngờ xâm phạm quyền tác giả do bên bị nghi ngờ xâm phạm độc lập sáng tạo hoặc trường hợp của bên bị nghi ngờ xâm phạm rơi vào trường hợp ngoại lệ luật pháp quy định không phải là hành vi xâm phạm ví dụ như sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại, hoặc lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp (nhập khẩu song song)[12],…
Bước 4 – Chuẩn bị xử lý vi phạm hành chính. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu, người có thẩm quyền thông báo cho chủ thể quyền đã nộp yêu cầu xử lý vi phạm về dự định thời gian, thủ tục, biện pháp xử lý và yêu cầu hợp tác, hỗ trợ của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp trong thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.
Bước 5 – Ra quyết định. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính kèm theo hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả được ban hành bởi Cơ quan thực thi
4.3 Các trường hợp từ chối, dừng xử lý vi phạm
Cần lưu ý rằng yêu cầu áp dụng biện pháp hành chính nhằm bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cũng có thể bị từ chối trong 6 trường hợp sau:
a) Đơn yêu cầu xử lý vi phạm được nộp khi đang có tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp liên quan;
b) Người yêu cầu xử lý vi phạm không đáp ứng yêu cầu của cơ quan xử lý vi phạm về giải trình, bổ sung chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và chứng minh vi phạm;
c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật xử lý vi phạm hành chính;
d) Kết quả xác minh của cơ quan xử lý vi phạm hoặc cơ quan công an cho thấy không có vi phạm như mô tả trong đơn yêu cầu xử lý vi phạm;
đ) Có kết luận, quyết định hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc không đủ căn cứ để tiến hành thủ tục xử lý vi phạm;
e) Hành vi không bị coi là vi phạm theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc không bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định này.
Ngoại trừ trường hợp hành vi vi phạm được xác định liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý, bao bì, tem, nhãn, vật phẩm khác mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo, cơ quan thực thi đã thụ lý đơn yêu cầu phải dừng thủ tục xử lý vi phạm trong 4 trường hợp:
a) Có phát sinh khiếu nại, tố cáo, tranh chấp sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm và phải chờ kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền;
b) Chưa có đủ căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm;
c) Người nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm có văn bản rút yêu cầu xử lý vi phạm;
d) Các bên tự thỏa thuận để giải quyết vụ việc nhưng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ 3, người tiêu dùng và xã hội
Bross & Partners có kinh nghiệm hỗ trợ thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính, dân sự, hình sự và kiểm soát biên giới tại các cửa khẩu. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; điện thoại 0903 287 057, 84-4-3555 3466; Wechat: wxid_56evtn82p2vf22; Skype: vinh.bross
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Với nhiều năm kinh nghiệm nổi bật và năng lực chuyên môn sâu khác biệt, Bross & Partners có thể giúp khách hàng bảo vệ hoặc tự vệ một cách hiệu quả trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài liên quan đến bản quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu/thương hiệu và tên miền internet.
[1] Xem khoản 5 điều 10, khoản 1 điều 199, khoản 1 điều 200 và điều 211 Luật SHTT
[3] Theo điều 200 Luật SHTT mặc dù Quản lý thị trường là một trong các cơ quan thực thi có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhưng nếu vụ việc xâm phạm có liên quan tới sáng chế, giải pháp hữu ích thì thông thường các chủ thể quyền sẽ không nộp yêu cầu xử lý hành chính tới cơ quan này vì lực lượng này thường được cho là không đủ kiến thức và kinh nghiệm để giải quyết vụ việc. Trong trường hợp này, chủ thể quyền thường sẽ chọn cơ quan khác để yêu cầu xử lý (chẳng hạn như Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ)
[4] Xem điều 5 Nghị định 105 sửa đổi
[5] Xem điều 7, 8, 11 & 14 Nghị định 105 sửa đổi
[6] Khoản 1 điều 4, điều 11 Luật SHTT
[7] Khoản 1 điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012
[8] Xem các điều từ 4 đến 35 Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013
[10] Xem các điều 3, 6, 12, 13 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; các điều 2, 3 Nghị định 99; các điều 2, 3 Nghị định 131 sửa đổi; các điều 3, 4 Nghị định 31 sửa đổi
[11] Chẳng hạn theo quy định khoản 2, 3 điều 22 Nghị định 99, cơ quan thực thi cũng có thể xử lý vi phạm hành chính đối với 2 dạng vụ việc không có yêu cầu của chủ thể quyền gồm: (a) tổ chức, cá nhân mà không phải là chủ thể quyền có thể yêu cầu cơ quan thực thi xử lý vụ việc gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa, tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo; và (b) cơ quan thực thi chủ động kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến hàng hóa, tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc hàng hóa liên quan đến mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm, thuốc thú ý, phân bón,…nhưng vẫn cần phải phối hợp với chủ thể quyền
[12] Xem khoản 2 và 3 điều 125, các điều 25, 26, 32, 33, 133, 134, 145, 190, 195, khoản 2 điều 137 Luật SHTT, khoản 3 điều 5 Nghị định 105 sửa đổi