Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
Trích dẫn toàn bộ tác phẩm của người khác không thể được xem là “sử dụng hợp lý” và cùng nhìn lại sai lầm của Tòa phúc thẩm trong vụ tranh chấp quyền tác giả giữa 2 cố học giả Kiều học nổi tiếng xảy ra trước thời điểm Việt Nam tham gia Công ước Berne
(Ngày đăng: 2019-10-09)

Trích dẫn toàn bộ tác phẩm của người khác không thể được xem là “sử dụng hợp lý” và cùng nhìn lại sai lầm của Tòa phúc thẩm trong vụ tranh chấp quyền tác giả giữa 2 cố học giả Kiều học nổi tiếng xảy ra trước thời điểm Việt Nam tham gia Công ước Berne

 

Email to: vinh@bross.vn

 

Bìa cuốn sách phê bình

Truyện Kiều của học giả Nguyễn Quảng Tuân

Bìa cuốn sách phê bình

Truyện Kiều của học giả Đào Thái Tôn

 

Mừng vì thắng ở cấp sơ thẩm

 

Vụ tranh chấp quyền tác giả xảy ra giữa năm 2001 và 2003 giữa hai nhà nghiên cứu Kiều học nổi tiếng là ông Nguyễn Quang Tuân[1] và ông Đào Thái Tôn[2], theo đó ông Nguyễn Quang Tuân – nguyên đơn khởi kiện vụ án dân sự kiện ông Đào Thái Tôn – bị đơn vì đã sử dụng (sao chép) nguyên văn 4 bài phê bình văn học Truyện Kiều của nguyên đơn mà không xin phép và cũng không trả thù lao. Cụ thể, năm 2001 bốn bài phê bình văn học của nguyên đơn được đăng trên Tạp chí Văn học, Báo Văn Nghệ Tạp chí Văn nghệ nhưng được nguyên đơn phát hiện là đã bị sử dụng nguyên văn không xin phép để in trong cuốn sách của bị đơn có tên “Văn bản Truyện Kiều – Nghiên cứu và Thảo luận” do Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành năm 2001. Năm 2003, bị đơn đồng ý để Ban quản lý di tích Nguyễn Du (Hà Tĩnh) in lại cuốn sách trên nên dẫn đến hai bên tranh chấp và hệ quả là nguyên đơn khởi kiện vụ án xâm phạm quyền tác giả. Cuốn sách của bị đơn có 2 phần, phần 1 là phân tích và bình luận của bị đơn về Truyện Kiều và phần 2 tổng hợp 10 bài viết của các tác giả khác về cùng chủ đề phê bình Truyện Kiều mà trong số 10 bài viết này có 4 bài viết của nguyên đơn.

 

Theo bản án dân sự sơ thẩm số 68/2006/DSST của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên rằng hành vi in ​​nguyên văn 4 bài báo của nguyên đơn mà không có sự cho phép của nguyên đơn cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả theo đó lệnh buộc bị đơn phải xin lỗi nguyên đơn và bồi thường thiệt hại 26.040.000 VND.

 

Nhưng thất vọng ở cấp phúc thẩm

 

Do bản án sơ thẩm số 68/2006/DSST bị kháng cáo nên vụ án được xử phúc thẩm bởi Tòa dân sự thuộc Tòa án nhân dân tối cao. Ngày 14/6/2007, tòa phúc thẩm ban hành phán quyết số 127/DSPT hủy bỏ bản án sơ thẩm, trong đó tòa nhận định:

  1. Bị đơn buộc phải trích dẫn theo toàn văn 4 bài viết của nguyên đơn để chỉ ra 82 lỗi (tổng cộng có 16,545 từ trong 4 bài viết nhưng có tới 82 lỗi) sai sót về mặt nhận thức mà trong bình chú ông Tôn phê bình ông Tuân cho là ông Tuân không trung thực và non kém vè mặt chuyên môn, thế nhưng cho đến khi xảy ra tranh chấp ông Tuân không có bài tranh luận lại. Vì lẽ đó, bị đơn tái hiện lại toàn bộ cuộc tranh luận nhằm mục đích nghiên cứu, phổ biến thông tin dẫn đến bị đơn buộc phải đưa nguyên văn 4 bài viết của nguyên đơn vào sách của mình là để giúp độc giả nắm bắt được toàn bộ tranh luận
  2. Các bài của nguyên đơn không bị cắt xén, nối ghép, xuyên tạc, và tên tác giả vẫn được đề vào cuốn sách rõ ràng thể hiện nguồn gốc tác phẩm, tác giả. Và tuy là “in toàn văn” nhưng thực chất bị đơn trích dẫn, bởi bị đơn đã xen vào các đoạn trong các bài viết của nguyên đơn những lời bình chú của mình, mục đích là để người đọc dễ đối chiếu và nhận ra những sai sót trong các bài của nguyên đơn. Như vậy, cần phải khẳng định đây là một tác phẩm nghiên cứu khoa học, một chỉnh thể sáng tạo của bị đơn, chứ bị đơn không phải đơn thuần chỉ là hợp tuyển các bài của nhiều tác giả để in thành sách với mục đích thương mại.
  3. Thực tế bị đơn nhận 7.000.000 đồng tiền nhuận bút là nhận tiền của tác phẩm “Văn bản Truyện Kiều – Nghiên cứu và Thảo luận” theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút, bị đơn cũng không được chia xẻ lợi nhuận từ việc in tác phẩm trên của các nhà xuất bán sách, theo đó bị đơn không phải nhận tiền 4 bài của nguyên đơn.
  4. Nhận định về việc áp dụng pháp luật bởi tòa cấp dưới, Tòa phúc thẩm một mặt cho rằng tòa sơ thẩm đã đúng khi áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án nhưng mặt khác nó lại cho rằng bị đơn không xâm phạm quyền tác giả của nguyên đơn vì điều 760 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định là cá nhân, tổ chức được sử dụng tác phẩm của người khác đã công bố không phải xin phép và không phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm nếu tác phẩm đó không bị cấm sao chụp và việc sử dụng đó không nhằm mục đích kinh doanh[3].

 

Lời bình

 

  1. Để giải quyết đúng đắn vụ tranh chấp trên, tòa án cần phải trả lời được 2 câu hỏi pháp lý quan trọng: (a) liệu hành vi sao chép (hoặc trích dẫn) nguyên văn tác phẩm của người khác để đưa vào tác phẩm của mình có rơi vào bất kỳ trường hợp nào trong số 10 trường hợp luật quy định các hình thức sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả thù lao theo điều 761 Bộ luật dân sự năm 1995 hay không?; và (b) trích dẫn tác phẩm của người khác đến mức độ như thế nào thì được coi là vẫn nằm trong ngường “sử dụng hợp lý” (fair use)?
  2. Để xác định hành vi “sử dụng hợp lý” bắt buộc chúng ta phải tìm hiểu nguyên tắc pháp lý rất quan trọng là “phép thử ba bước” hay còn gọi là “phép kiểm tra 3 bước” (three-step test). Sử dụng hợp lý thực chất là cách gọi khác để diễn giải ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả được nêu tại điều 9(2) Công ước Berne nói rằng “luật pháp của các quốc gia thành viên thuộc Liên hiệp có thể cho phép làm bản sao của tác phẩm được bảo hộ trong (1) một số trường hợp đặc biệt với điều kiện là (2) việc sao chép này không xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm và (3) không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả[4]. Thật thú vị là ngay cả vào thời điểm thụ lý và xét xử sơ thẩm vụ án này mặc dù Việt Nam chưa tham gia Công ước Berne[5] nhưng chúng tôi đã tìm thấy quy tắc phép thử 3 bước được đưa vào Bộ luật dân sự năm 1995 tại điều 760 và 761. Cụ thể, bước 1 của phép thử “một số trường hợp đặc biệt” được tìm thấy ở điều 761 quy định 10 trường hợp đặc biệt cho phép sử dụng tác phẩm mà không phải xin phép và không phải trả thù lao trong đó bao gồm trường hợp “trích dẫn tác phẩm mà không làm sai lạc ý của tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình”; bước 2 “không xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm” và bước 3 của phép thử “không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả” được tuyên bố ở điều 760. Như vậy, việc tòa án bỏ quên phép thử 3 bước là nguyên nhân chính dẫn đến tòa phúc thẩm ban hành bản án không thỏa đáng và cũng bị giới học thuật bình luận là thiếu logic[6].
  3. Trích dẫn là trích dẫn chứ trích dẫn không thể tự dưng biến hóa thành sao chép toàn bộ hoặc in lại nguyên văn toàn bộ tác phẩm của người khác bởi vì trích dẫn có nghĩa là “dẫn nguyên văn một câu hoặc một đoạn để làm bằng trích dẫn một đoạn thơ”[7], hoặc theo từ điển tiếng Anh online Collins, trích dẫn (quotation) nghĩa là “một câu hoặc cụm từ được lấy từ một cuốn sách, bài thơ hoặc vở kịch, được nhắc lại bởi người khác[8]. Như vậy, việc tòa án nhận định rằng bị đơn sử dụng bản sao nguyên văn và toàn bộ 4 bài báo của nguyên đơn mà không phải trả thù lao cho nguyên đơn rõ ràng là hoàn toàn không đúng.
  4. Ngay cả khi giả định rằng việc bị đơn sử dụng 4 bài báo của nguyên đơn là hợp pháp đi nữa thì tòa án vẫn mắc sai lầm ở chỗ đã bỏ quên mối liên hệ giữa điều 760 và 761, nghĩa là đáng lẽ tòa phải cùng lúc và đồng thời xem xét cả 2 điều luật này vì các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả ở điều 761 chỉ được áp dụng khi và chỉ khi nó “không xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm” của nguyên đơn và cũng “không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp” của nguyên đơn được quy định ở điều 760.
  5. Ngoài ra, một sai lầm khác mà tòa phúc thẩm mắc phải là quyền tác giả được pháp luật bảo vệ tồn tại ngay vào thời điểm nó được định hình dưới một trạng thái vật chất nhất định (fixation) và được sáng tạo ra bằng lao động và kỹ năng của tác giả chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào hình thức hoặc nội dung tốt hay xấu, hay hay dở. Điều đó có nghĩa nhận định cho rằng bị đơn buộc phải sao sao chép nguyên văn 4 bài viết của nguyên đơn để phục vụ cho mục đích phê bình là hoàn toàn không thuyết phục.

 

Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.

 

Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Bross & Partners có kinh nghiệm và năng lực hỗ trợ khách hàng đăng ký bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp ở EU cũng như có đủ khả năng hỗ trợ giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và EU.

 



[1] Học giả quá cố Nguyễn Quảng Tuân (1925-2019) là một học giả, một nhà nghiên cứu ngữ văn học Hán Nôm nổi tiếng của Việt Nam, đặc biệt là các bản khảo cứu về văn bản Truyện Kiều. Ông được nhận giải thưởng John Balaban năm 2010 của Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm. Xem thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Qu%E1%BA%A3ng_Tu%C3%A2n

[2] Học giả quá cố, PGS-TS Đào Thái Tôn cũng là một nhà nghiên cứu có tiếng về Truyện Kiều. Với công trình nghiên cứu Truyện Kiều - bản Liễu Vân Đường 1871, ông được trao giải thưởng John Balaban năm 2010. Xem thêm: https://tuoitre.vn/dua-tien-nha-nghien-cuu-dao-thai-ton-441433.htm

 

[3] Điều 760 Bộ luật dân sự năm 1995. Giới hạn quyền tác giả

Cá nhân, tổ chức được sử dụng tác phẩm của người khác đã được công bố, phổ biến, nếu tác phẩm không bị cấm sao chụp và việc sử dụng đó không nhằm mục đích kinh doanh và không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không xâm hại đến các quyền lợi khác của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm; cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm không phải xin phép và không phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, nhưng phải ghi hoặc nhắc tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm.

 

[5] Việt Nam nộp văn kiện gia nhập Công ước Berne và có hiệu lực từ ngày 26/07/2004. Xem thêm: https://www.wipo.int/treaties/en/notifications/berne/treaty_berne_241.html

[6] Theo các học giả TS. Đỗ Văn Đại và TS. Lê Thị Nam Giang, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, hành vi của ông Tôn không được coi là hành vi trích dẫn vì ở đây ông Tôn đã in lại nguyên văn bốn bài viết của ông Tuân như chính phán quyết của Toà phúc thẩm cũng khẳng định là“in toàn văn”. Hai học giả cho rằng cho rằng lập luận này của Toà phúc thẩm là thiếu logic vì hành vi trích dẫn khác với hành vi in toàn văn một tác phẩm vì không nhất thiết muốn bình luận một tác phẩm nào đó là chúng ta phải trích dẫn nguyên văn tác phẩm. Xem thêm: https://www.agllaw.com.vn/ve-van-de-trich-dan-tac-pham-cua-nguoi-khac/

 

Bookmark and Share
Relatednews
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?
Trung Quốc: Tranh tụng bản quyền nhiều nhất thế giới và vai trò đặc biệt của hệ thống Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ
Nhật Bản bỏ thu phí 2 lần đối với nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid
Cambodia to Strictly Watch the Timely Submission of Affidavit of Use/Affidavit of Non-use for a Registered Trademark
Trung Quốc sẽ tiếp tục sửa Luật nhãn hiệu 2019 với trọng tâm chống “đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu”
Căn cứ từ chối tuyệt đối cần tránh khi lựa chọn thương hiệu để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc
Campuchia siết chặt nghĩa vụ nộp bằng chứng sử dụng đối với nhãn hiệu đã đăng ký
Bross & Partners as a Contributor to the Chambers Trademarks and Copyright 2024 Global Practice Guide
Founding Partner Le Quang Vinh continously named in the 2023 A-List by Asia Business Law Journal
So sánh quy trình xét nghiệm nhãn hiệu ở Việt Nam và Trung Quốc

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.

         
Cửa thép vân gỗcua thep van go