Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
USPTO chấp nhận bảo hộ tổng thể tên giống lúa Basmati dùng cho gạo dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận ở Hoa Kỳ
(Ngày đăng: 2023-01-30)

USPTO chấp nhận bảo hộ tổng thể tên giống lúa Basmati

dùng cho gạo dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận ở Hoa Kỳ

 

                                      Luật sư Lê Quang Vinh Bross & Partners

Email: vinh@bross.vn

 

Ấn Độ tiếp tục nỗ lực chống giả mạo chỉ dẫn địa lý gạo Basmati dùng cho gạo ở Mỹ thông qua việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với USPTO sau khi Ấn Độ chống giả mạo sinh học (biopiracy)[1] thành công nhờ việc hủy một phần hiệu lực của bằng sáng chế (pa-tăng) độc quyền giống lúa Basmati. Bross & Partners giới thiệu nhanh quan điểm xét nghiệm cuối cùng của USPTO trước khi chấp nhận cho công bố chỉ dẫn địa lý Basmati dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận ở Hoa Kỳ.

 

Ấn Độ nỗ lực chứng minh Basmati không phải là tên thông thường (generic)

  

Basmati được Ấn Độ cấp bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý (geographical indication) cho sản phẩm nông nghiệp (gạo) theo số đơn/đăng ký 145 từ năm 2016.[2] Gạo Basmati, một loại gạo thơm hạt dài độc đáo được tạo ra từ 29 giống lúa Basmati, chẳng hạn như Basmati 217, Basmati 370, Type 3 (Dehraduni Basmati) Punjab Basmati 1 (Bauni Basmati). Basmati được trồng ở khu vực chân núi Himalya thuộc Ấn Độ và Pakistan từ nhiều thế kỷ trước. Riêng ở Ấn Độ, Basmati được trồng ở các bang J & K, Himanchal Pradesh, Punjab, Haryana, Delhi, Uttarakhand và tây Uttar Pradesh.[3]

 

Theo hồ sơ đăng ký, Ấn Độ yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý Basmati & hình dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, một loại nhãn hiệu được sử dụng để chứng minh với người tiêu dùng rằng sản phẩm gạo mang nhãn hiệu xin đăng ký đáp ứng những tiêu chuẩn được coi là gạo Basmati có xuất xứ từ Ấn Độ.

 

Khi thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Basmati, USPTO kết luận có thể chấp nhận bảo hộ tổng thể nhãn hiệu xin đăng ký miễn là người nộp đơn đồng ý không bảo hộ (disclaimer)[4] riêng phần chữ Basmati vì nó là tên gọi thông thường của một loại gạo (generic term) được tạo nên từ giống lúa Basmati trồng ở Ấn Độ và Pakistan. USPTO nhận định thêm rằng “một dấu hiệu bị xem là generic nếu về cơ bản công chúng có liên quan nhận biết rằng nó là một loại hàng hóa hoặc dịch vụ mang dấu hiệu đó” và trong trường hợp này tiêu chuẩn phép thử 2 bước được áp dụng: (1) loại hàng hóa đang đề cập là hàng hóa gì?, và (2) liệu công chúng có hiểu rằng dấu hiệu Basmati về cơ bản đề cập đến hàng hóa đó không? Căn cứ các bằng chứng thư phản đối (letter of protest) và bằng chứng từ USDA, APEDA, Rice Research Open Access,[5] USPTO kết luận rằng Basmati là một loại gạo.

 

Người nộp đơn không đồng ý yêu cầu disclaimer của USPTO, lập luận rằng USPTO đã không xem xét bằng chứng người nộp đơn đã cung cấp, chứng minh rằng Basmati không bị xem là generic vì “nhãn hiệu chứng nhận xác định nguồn gốc địa lý sẽ không bị xem là tên thông thường (generic term) nếu nó giữ khả năng chỉ dẫn nguồn gốc địa lý” theo các án lệ của TTAB[6] kết luận rằng TEQUILA và VIDALIA là các nhãn hiệu chứng nhận.

 

Trong vụ Luxco,[7] TTAB cho rằng một thuật ngữ mà xác định một loại rượu mạnh sẽ không bị xem là generic nếu nó vẫn đóng vai trò xác định nguồn gốc địa lý (chẳng hạn một loại rượu từ Mexico). Trọng tâm [của vụ Tequila] không thể là ý nghĩa chính của từ này là gì đối với người tiêu dùng và liệu nghĩa đó có mang tính địa lý hay không. Nhãn hiệu chứng nhận đối với nguồn gốc địa lý có thể có cả 2 ý nghĩa đối với người tiêu dùng. Trong trường hợp này người tiêu dùng sẽ hiểu rằng Basmati là gạo có nguồn gốc từ khu vực đồng bằng Indo-Gangetic Plains (IGP) dưới chân núi Himalayas vì Basmati chưa mất ý nghĩa của nó là chỉ dẫn nguồn gốc địa lý. Nói cách khác, trọng tâm [của vụ Basmati] phải là liệu nhãn hiệu chứng nhận đã mất ý nghĩa của nó đóng vai trò làm chỉ dẫn về nguồn gốc địa lý hay chưa. Trong nhiều trường hợp sản phẩm được gọi tên bằng thuật ngữ chứa nhãn hiệu chứng nhận, không phải bời thuật ngữ đó thể hiện loại sản phẩm mà bởi vì thuật ngữ đó thể hiện sản phẩm tập thể từ khu vực đó được kiểm soát bởi người chứng nhận (certifier)

 

Kết quả điều tra thị trường về gạo Basmati cho thấy hơn 50% đáp viên trả lời rằng giống lúa Basmati được trồng ở Ấn Độ và chỉ 17% nói trồng ở Pakistan. Kết quả điều tra này cũng cho phép kết luận rằng người tiêu dùng Mỹ đã quen với ý nghĩa địa lý của nhãn hiệu của người nộp đơn và không cho rằng Basmati là generic đối với sản phẩm gạo.

 

Về yêu cầu disclaimer của USPTO đối với Basmati do là tên giống cây trồng (varietal name), người nộp đơn phản đối vì: (a) nhãn hiệu xin đăng ký hiện là nhãn hiệu chứng nhận, chứ không phải nhãn hiệu thông thường, nghĩa là nó không đóng chức năng chỉ dẫn nguồn gốc thương mại của sản phẩm mà chỉ có mục đích xác nhận hoặc chứng thực nguồn gốc, và nhãn hiệu có thể được sử dụng bởi bất kỳ đáp ứng yêu cầu chứng nhận nêu trong đơn; (b) sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận xin đăng ký không phải là một loại hàng hóa theo kiểu giống cây trồng vì gạo không phải là cây cũng như không phải là hạt lúa

 

Đáp lại lập luận của người nộp đơn, USPTO nhận định rằng thứ nhất, một số giống lúa Basmati được trồng bên ngoài khu vực địa lý IGP (ngoài chân núi Himalayas) mà vẫn được gọi là gạo Basmati nên Basmati đã trở thành tên gọi thông thường. Thứ hai, điều tra thị trường chỉ đối với 1,004 người tiêu dùng Mỹ là chưa đủ để chứng minh rằng công chúng Mỹ công nhận Basmati là nhãn hiệu chứng nhận của nguồn gốc khu vực hoặc gạo Basmati chỉ có nguồn gốc ở Ấn độ và Pakistan. Thứ ba, bất luận người nộp đơn tranh cãi rằng nhãn hiệu của người nộp đơn là nhãn hiệu chứng nhận, tức nó không được sử dụng trên hàng hóa của người nộp đơn thì phép phân tích sẽ vẫn như vậy là liệu nhãn hiệu của người nộp đơn có phải là nhãn hiệu hay nhãn hiệu chứng nhận đối với nguồn gốc khu vực hay không. Mà trong trường hợp này bằng chứng cho thấy người tiêu dùng hiểu rằng Basmati chỉ thuần túy là một loại gạo, bất kể người tiêu dùng thông thường có tiếp xúc với thuật ngữ này hay không. Cuối cùng, USPTO đồng ý công bố[8] bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Basmati như dưới đây nhưng bảo lưu kết luận rằng Basmati là tên thông thường (generic) cho gạo và là tên giống cây trồng (varietal name) nên người nộp đơn phải chấp nhận giới hạn phạm vi bảo hộ theo mẫu sau: “Không được đòi quyền độc quyền sử dụng “BASMATI” ngoài nhãn hiệu nêu trên

 

 

Hai bài học lớn

 

Khác biệt với phần còn lại của thế giới, Hoa Kỳ không chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý với hình thức bảo hộ độc lập mà nó chỉ bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận (certification mark).[9] Vụ việc thực tiễn trên cho phép chúng tôi rút ra 2 bài học kinh nghiệm:

 

1.     Đến tận 22/02/2019 Ấn Độ mới nộp đơn đăng ký ở USPTO là quá trễ vì đã có hàng tá nhãn hiệu thông thường của các chủ thể khác chứa yếu tố Basmati dùng cho gạo được cấp bảo hộ làm nhãn hiệu thông thường ở Mỹ như “Nasim Basmati Rice”/Đăng ký US số 1793788, “817 Elephant Basmati Rice”/Đăng ký US số 1997257, “White Gold Basmati Gold”/Đăng ký US số 6110349 trong đó “Basmati” đều bị loại trừ bảo hộ riêng

2.     Tên giống lúa chưa chắc đã bị coi là tên thông thường (generic) để bị từ chối bảo hộ làm nhãn hiệu chứng nhận ở Hoa Kỳ chừng nào chưa có đủ bằng chứng chứng minh rằng người tiêu dùng Mỹ đã xem sản phẩm gạo có nguồn gốc từ giống lúa Basmati là tên thông thường. Tương tự như vậy, gạo ST25 xuất phát từ giống lúa ST25, cũng chưa chắc đã bị công chúng Mỹ nhận thức rằng đó là tên thông thường dùng cho sản phẩm gạo do vậy gạo ST25 vẫn còn cơ hội xây dựng thành công thương hiệu quốc gia dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận ở Mỹ.[10]

 

Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) năm 2023 bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bao gồm nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng ở Việt Nam và nước ngoài.

 

Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.

 



[1] Khác với các loại gạo trắng có chỉ số đường huyết (GI) là 89, chỉ số GI của cả 2 loại gạo Basmati trắng và nâu chỉ nằm trong khoảng 45-58, chỉ số mà đặc biệt phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường. Gạo Basmati là loại lương thực được chính Hội tiểu đường Canada khuyến nghị dùng cho bệnh nhân đái tháo đường. Tham khảo thêm vấn đề giả mạo sinh học (biopiracy hoặc bioprospecting) liên quan đến loại gạo Basmati nổi tiếng có nguồn gốc từ giống lúa Basmati chỉ có ở Ấn Độ và Pakistan ở bài viết “Chống giả mạo sinh học cho nông sản Việt: Nhìn từ cuộc chiến pháp lý của Ấn Độ” ở Tạp chí điện tử VnEconomy (báo điện tử) ở link: https://vneconomy.vn/chong-gia-mao-sinh-hoc-cho-nong-san-viet-nhin-tu-cuoc-chien-phap-ly-cua-an-do.htm

[3] Theo Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Sản phẩm Thực phẩm Chế biến và Nông nghiệp (APEDA) trực thuộc Bộ Công thương Ấn Độ. Xem: https://apeda.gov.in/apedawebsite/SubHead_Products/Basmati_Rice.htm

[4] Disclaimer (không bảo hộ riêng) theo thực tiễn thế giới thông thường được hiểu là yếu tố/dấu hiệu mô tả, không có chức năng nhãn hiệu không bị yêu cầu loại ra khỏi nhãn hiệu xin đăng ký vì tổng thể nhãn hiệu (thương hiệu) đó vẫn được xem là có chức năng nhãn hiệu. Xem thêm thực tiễn xác định/kết luận “disclaimer” ở Hoa Kỳ ở bài viết “Thực tiễn vận dụng quy tắc “không bảo hộ riêng” hay còn gọi là “disclaimer” đối với nhãn hiệu ở USPTO”: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/THUC-TIEN-VAN-DUNG-QUY-TAC-%25E2%2580%259CKHONG-BAO-HO-RIENG%25E2%2580%259D-HAY-CON-GOI-LA-%25E2%2580%259CDISCLAIMER%25E2%2580%259D-DOI-VOI-NHAN-HIEU-O-CO-QUAN-SANG-CHE-VA-NHAN-HIEU-HOA-KY-USPTO

[5] Thư phản đối (Letter of Protest) khác với đơn phản đối (opposition) là cơ chế Mỹ cho phép bên thứ ba bổ sung ý kiến để USPTO cân nhắc không bảo hộ nhãn hiệu xin đăng ký vì nó mô tả hoặc generic. Tham khảo thêm “Thư phản đối nhãn hiệu (Letter of Protest of Trademark) ở Mỹ khác gì với đơn phản đối nhãn hiệu (Trademark Opposition) ở Việt Nam?” ở link: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Thu-phan-doi-nhan-hieu-Letter-of-Protest-of-Trademark--o-My-khac-gi-voi-don-phan-doi-nhan-hieu-Trademark-Opposition-o-Viet-Nam

[6]  TTAB là một cơ quan chuyên môn trực thuộc Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) có chức năng giải quyết tranh chấp nhãn hiệu gồm phản đối hoặc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu và giải quyết khiếu nại chống từ chối bảo hộ nhãn hiệu bởi USPTO. Tham khảo thêm “Giải quyết tranh chấp nhãn hiệu (thương hiệu) ở Hoa Kỳ thông qua thủ tục phản đối nhãn hiệu tại TTAB (USPTO)” ở link: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Giai-quyet-tranh-chap-nhan-hieu-thuong-hieu-o-Hoa-Ky--thong-qua-thu-tuc-phan-doi-nhan-hieu-tai-TTAB-USPTO hoặc https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=68d7f448-3050-4c70-af0e-7041f8344a69

[7] Xem thêm Luxco, Inc. v. Consejo Regulador del Tequila, A.C. 121 U.S.P.Q 2D 1477, 2017 WL 542344, at *6(T.T.A.B 2017)

 

[8] Nhãn hiệu chứng nhận Basmati được USPTO chấp thuận cho công bố ngày 14/12/2021 nhưng hiện nay đang bị bên thứ ba nộp đơn phản đối tại TTAB. Hiện chưa rõ danh tính của bên phản đối và cũng chưa có kết luận giải quyết phản đối từ TTAB

[9] Về lý do Mỹ không bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Geographical Indication), vui lòng tham khảo thêm “Bảo hộ Chỉ Dẫn Địa Lý dưới dạng Nhãn Hiệu Chứng Nhận theo Luật Nhãn hiệu Hoa Kỳ và tìm hiểu cách đăng ký thương hiệu nông sản Việt Nam với USPTO” ở link sau: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Bao-ho-Chi-Dan-Dia-Ly-duoi-dang-Nhan-Hieu-Chung-Nhan-theo--Luat-Nhan-hieu-Hoa-Ky-va-tim-hieu-cach-dang-ky-thuong-hieu-nong-san-Viet-Nam-voi-USPTO hoặc https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=235688e4-5b3c-40eb-a271-62428d2f5a08

[10] Tham khảo thêm “Đâu là chiến lược thượng sách giành lại thương hiệu gạo ST25 ở Mỹ?” được đăng ở Thời Báo Kinh Tế Sài Gon online ngày 19/05/2021 https://thesaigontimes.vn/dau-la-chien-luoc-thuong-sach-gianh-lai-thuong-hieu-gao-st25-o-my/ hoặc xem ở link: https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=963f1e65-9220-4a04-89cb-2dab30fe3b25

 

Bookmark and Share
Relatednews
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?
Trung Quốc: Tranh tụng bản quyền nhiều nhất thế giới và vai trò đặc biệt của hệ thống Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ
Nhật Bản bỏ thu phí 2 lần đối với nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid
Cambodia to Strictly Watch the Timely Submission of Affidavit of Use/Affidavit of Non-use for a Registered Trademark
Trung Quốc sẽ tiếp tục sửa Luật nhãn hiệu 2019 với trọng tâm chống “đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu”
Căn cứ từ chối tuyệt đối cần tránh khi lựa chọn thương hiệu để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc
Campuchia siết chặt nghĩa vụ nộp bằng chứng sử dụng đối với nhãn hiệu đã đăng ký
Bross & Partners as a Contributor to the Chambers Trademarks and Copyright 2024 Global Practice Guide
Founding Partner Le Quang Vinh continously named in the 2023 A-List by Asia Business Law Journal
So sánh quy trình xét nghiệm nhãn hiệu ở Việt Nam và Trung Quốc

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.

         
Cửa thép vân gỗcua thep van go