Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
Vi phạm bản quyền khiến việc đàm phán ngày càng khó khăn và đắt đỏ
(Ngày đăng: 2019-01-03)

Luật sư Lê Quang Vinh:

Vi phạm bản quyền khiến việc đàm phán ngày càng khó khăn và đắt đỏ


Cảnh trong phim Diên hi công lược.

Bóng đá, phim ảnh là những lĩnh vực đang bị vi phạm nhiều nhất tại Việt Nam. Thậm chí, với vòng bảng bóng đá nam ASIAD 2018, nhiều người nói đùa “cả nước cùng nhau xem lậu”. Chưa có một án phạt nào được đưa ra, cho tới thời điểm này. Tuy nhiên, luật sư Lê Quang Vinh (ảnh trên) - chuyên gia luật sở hữu trí tuệ cho rằng, điều này sẽ gây những hậu họa rất lớn về sau.

Số đông đã cùng nhau thưởng thức những trận bóng vòng bảng của ASIAD 2018, được phát lậu trên địa chỉ xoilac.tv. Đó là những buổi tiếp sóng vi phạm luật bản quyền. Sau đó, phim Diên hi công lược đã bị phát lậu trên nhiều trang phim và fanpage ở Việt Nam. Trước đó, Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ MPA cũng từng cho biết, trang phim lậu lớn nhất cũng bắt nguồn từ Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng vi phạm bản quyền điện ảnh, thể thao, truyền hình ở nước ta hiện nay?

Theo tôi biết, hiện chưa có bất kỳ một nghiên cứu, tổng kết hoặc đánh giá nghiêm túc và đầy đủ nào ở Việt Nam về hiện trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên internet nói chung và xâm phạm quyền SHTT đối với các chương trình phát sóng (bao gồm cả phát sóng hoặc livestream các sự kiện thể thao như World Cup 2018 hay ASIAD 2018 nói riêng). Do vậy, thật khó đánh giá toàn diện, khách quan và chính xác về hiện trạng này, bao gồm cả thiệt hại về vật chất và uy tín của chủ sở hữu quyền SHTT cũng như thiệt hại về hình ảnh, uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về nạn xâm phạm bản quyền ở Việt Nam nói chung và xâm phạm trên môi trường internet nói riêng.

Tuy nhiên báo chí cũng đã có thông tin về vụ phát lậu các trận bóng đá của đội tuyển Việt Nam trong giải ASIAD 2018, trước thời điểm Việt Nam có nhà tài trợ mua bản quyền phát sóng ASIAD 2018 trên internet tại trang xoilac.tv. Truyền thông cũng đề cập về vụ rò rỉ và phát lậu bộ phim Diên hi công lược mà hoàn toàn không có sự cho phép của chủ thể quyền. Những vụ việc này cho chúng ta thấy rằng, xâm phạm quyền SHTT trên internet đã trở thành vấn nạn rất nghiêm trọng và dường như không thể kiểm soát.

Ở một khía cạnh khác, các nhà đài và các công ty/tổ chức dự định mua bản quyền các chương trình phim, truyền hình, thể thao với số tiền lên tới cả triệu đô-la cũng cảm thấy hết sức bi quan về số tiền lớn bỏ ra đầu tư có thể sẽ không thu hồi về được do nạn xâm phạm bản quyền nêu trên.

Trong một hội thảo về bản quyền gần đây, đại diện của K+ có nêu tình trạng những đơn vị mua bản quyền như đài này thường bị ăn cắp bản quyền. Họ cũng cho biết mình thường phải “đuổi theo vi phạm” mà không kịp. Tình trạng này do kiểm soát kỹ thuật kém hay do chế tài chưa đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe, thưa ông?

Theo đánh giá của cá nhân tôi thì tình trạng ăn cắp bản quyền như câu hỏi đặt ra nêu trên không hẳn xuất phát từ kiểm soát kỹ thuật kém cũng như do chế tài chưa đủ để răn đe.

Cụ thể, về khía cạnh kiểm soát kỹ thuật, có thể thấy Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về cơ chế tự bảo vệ tài sản SHTT của chủ thể quyền. Nghĩa là, chủ thể quyền có thể chủ động áp dụng biện pháp công nghệ để ngăn ngừa hành vi xâm phạm. Mặt khác, luật pháp cũng coi hành vi chống lại hoặc vô hiệu hóa công nghệ đó là vi phạm (chẳng hạn như bẻ khóa, hoặc giải mã trái phép chương trình vệ tinh được mã hóa). Có nghĩa là, chừng nào có công nghệ ngăn ngừa xâm phạm thì chừng đó lại xuất hiện hiện tượng giải mã hoặc bẻ khóa bất hợp pháp.

Về mức răn đe của pháp luật, chúng ta có đủ mọi chế tài dân sự, hành chính và thậm chí cả hình sự được quy định trong luật. Mức phạt hành chính có thể lên tới 500 triệu đồng kèm theo đủ chế tài bổ sung như đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh, tịch thu phương tiện xâm phạm. Với tranh chấp dân sự/thương mại ở tòa án, mức bồi thường thiệt hại về tinh thần có thể lên tới 50 triệu đồng, về vật chất không giới hạn về mức trần tùy theo mức thiệt hại thực tế có thể chứng minh được. Chế tài hình sự có thể lên tới ba năm tù, áp dụng cho người phạm tội cá nhân hoặc/và phạt tiền lên tới một tỷ đồng, áp dụng cho pháp nhân thương mại.

Vậy nguyên nhân của việc vi phạm sở hữu trí tuệ trên diện rộng tại Việt Nam là gì, thưa ông?

Tôi nghĩ căn nguyên thứ nhất là công nghệ phát triển quá nhanh dẫn đến xuất hiện ngày càng nhiều cách thức xâm phạm. Chẳng hạn như người ta có thể tiếp sóng trực tiếp (livestream) được truyền tràn lan trên các trang mạng xã hội với cách thức rất đơn giản, cá nhân nào cũng có thể thực hiện thông qua một chiếc smart phone.

Thứ hai, người, tổ chức vi phạm đặt trụ sở, cơ sở dữ liệu ở nước ngoài nên rất khó kiểm soát và áp đặt chế tài. Về cơ bản, Việt Nam chỉ có quyền tài phán đối với cá nhân, tổ chức xâm phạm tại lãnh thổ Việt Nam trong khi các vụ xâm phạm xảy ra bên ngoài khái niệm lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam

Thứ ba, hệ thống tư pháp về xét xử tội phạm SHTT hoặc xử lý hành vi xâm phạm hầu như chưa hoạt động, trong một bối cảnh là có đến 98% vụ việc xâm phạm được thụ lý và giải quyết bởi cơ quan hành chính bằng biện pháp hành chính. Năng lực của cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ quyền SHTT nhìn chung còn rất yếu.

Thứ tư, pháp luật cũng chưa đủ chi tiết và rõ ràng. Thông tư liên lịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL xử lý các chủ thể trung gian là các đơn vị cung cấp dịch vụ trên internet (ISP) còn đang bị chính các ISP phản ứng vì không có quy định miễn trừ trách nhiệm. Chưa kể, việc quy định này khá sơ sài dẫn đến ít khả thi.

Cuối cùng, chúng ta đang thiếu sự quyết tâm làm đến cùng của cả hệ thống đặc biệt là từ phía các chủ thể quyền. Điều này dẫn đến hành vi xâm phạm tràn lan, xử lý chỗ này lại mọc lên chỗ kia, không khác nào hiện tượng 
“bắt cóc bỏ đĩa”.

Ông có nghĩ đó là lỗi hệ thống không, vì sao?

Chúng tôi cho rằng, cũng không hẳn không có lý khi đề cập đến vấn đề “lỗi hệ thống”. Như phân tích trên, để giải quyết được căn nguyên vấn đề cần sự quyết tâm dựa trên sự hiểu biết của cả hệ thống cùng với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đủ chi tiết và dễ dàng giúp cơ quan thực thi có thể vận hành tốt chức năng của nó. Đặc biệt, rất cần phải nâng cao trách nhiệm của tòa án, bao gồm cả tòa án tối cao tham gia xét xử (giám đốc thẩm và tái thẩm) các vụ án trọng điểm, qua đó giúp giải thích pháp luật, xác định các án lệ về xác định ranh giới của không xâm phạm quyền SHTT hay xác định giới hạn miễn trừ trách nhiệm của các ISP.

Sau khi MPA vào cuộc mạnh mẽ, nhà sản xuất Diên hi công lược cũng công bố sẽ có thể khởi kiện, việc vi phạm đã giảm hẳn. Ông có nghĩ rằng, các nhà sản xuất sẽ có cách hữu hiệu để buộc công chúng Việt phải theo luật chơi của sân chơi toàn cầu không? Nếu công chúng Việt Nam tiếp tục vi phạm, điều gì sẽ xảy ra?

Hậu quả nhãn tiền là khả năng tiếp cận đàm phán mua bản quyền của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn. Thứ đến là Việt Nam sẽ bị mang tiếng nhiều hơn về xâm phạm quyền SHTT. Tiếp nữa là niềm tin của các nhà đầu tư về môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng sẽ bị xói mòn và bị tổn thương - điều rõ ràng không có lợi cho chính sách thu hút đầu tư, thu hút công nghệ và dòng vốn cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Muốn chống vi phạm bản quyền các nội dung giải trí, theo ông, chúng ta cần làm gì trước nhất?

Việc cần làm nhất là phải sửa được “lỗi hệ thống”, nghĩa là phải sửa được và làm được một cách đồng bộ, giải quyết cùng lúc nhiều nguyên nhân căn nguyên như nói ở trên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Luật sư Lê Quang Vinh - Công ty Luật Bross & Partners, là luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ. Ông tham gia giảng dạy về SHTT tại Học viện Tư pháp. Mới đây, luật sư Lê Quang Vinh công bố nghiên cứu về Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật Việt Nam - Thực trạng và giải pháp. Đây là nghiên cứu đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Nguồn bài viết: http://www.nhandan.com.vn/hangthang/van-hoa/vanhoa-nghethuat/item/37744602-vi-pham-ban-quyen-khien-viec-dam-phan-ngay-cang-kho-khan-va-dat-do.html

Bookmark and Share
Relatednews
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?
Trung Quốc: Tranh tụng bản quyền nhiều nhất thế giới và vai trò đặc biệt của hệ thống Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ
Nhật Bản bỏ thu phí 2 lần đối với nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid
Cambodia to Strictly Watch the Timely Submission of Affidavit of Use/Affidavit of Non-use for a Registered Trademark
Trung Quốc sẽ tiếp tục sửa Luật nhãn hiệu 2019 với trọng tâm chống “đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu”
Căn cứ từ chối tuyệt đối cần tránh khi lựa chọn thương hiệu để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc
Campuchia siết chặt nghĩa vụ nộp bằng chứng sử dụng đối với nhãn hiệu đã đăng ký
Bross & Partners as a Contributor to the Chambers Trademarks and Copyright 2024 Global Practice Guide
Founding Partner Le Quang Vinh continously named in the 2023 A-List by Asia Business Law Journal

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.

         
Cửa thép vân gỗcua thep van go