Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG SAU GẦN 02 NĂM XẢY RA ĐẠI DỊCH COVID-19
(Ngày đăng: 2021-08-12)

SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG SAU GẦN 02 NĂM XẢY RA ĐẠI DỊCH COVID-19

 

Nguyễn Huy Hoàng, Luật sư Thành viên, BROSS & Partners

Email: hoang@bross.vn

 

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và hoạt động kinh doanh trên quy mô toàn cầu. Từ những ngày đầu tiên, COVID-19 đã được viện dẫn như là "sự kiện bất khả kháng" (“SKBKK”), một trong những căn cứ để miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng phát sinh từ việc hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi đại dịch đã trở nên quen thuộc và sẽ còn là một phần của cuộc sống trong tương lai gần, thì việc cho rằng COVID-19 là SKBKK không còn hợp lý nữa. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày quan điểm rằng bên vi phạm hợp đồng hiện tại chỉ có thể dựa vào các điều khoản về SKBKK để được miễn trách nếu có thể chứng minh rằng vi phạm đó (i) được gây ra bởi hệ quả từ COVID-19 (ii) một cách khách quan, không thể lường trước, và không thể khắc phục.

1. Định nghĩa về SKBKK

Theo luật pháp Việt Nam, định nghĩa về SKBKK được quy định tại Điều 156.1 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, một sự kiện được coi là SKBKK nếu có tất cả ba yếu tố sau:

Thứ nhất, sự kiện đó phải khách quan. Tính khách quan của một sự kiện có thể được hiểu là sự kiện đó xảy ra ngoài tầm kiểm soát và không phụ thuộc vào sự tác động của bất cứ bên nào trong hợp đồng (ví dụ: thiên tai, động đất, đình công, chiến tranh, v.v.).

Thứ hai, sự kiện đó phải không lường trước được. Sự không lường trước được của một sự kiện có thể thể hiện ở chỗ các bên, một cách chính đáng và tại thời điểm xác lập nghĩa vụ hợp đồng, không thể thấy hoặc dự đoán trước sự kiện đó sẽ xảy ra (ví dụ: bão đổi hướng bất ngờ, ngược với dự báo thời tiết trước đó).

Thứ ba, sự kiện đó phải không thể khắc phục được. Tính không thể khắc phục được có thể thể hiện ở chỗ bên bị ảnh hưởng không thể khắc phục hoặc ngăn chặn sự kiện đó xảy ra, mặc dù đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép (ví dụ: bên vận chuyển đã nỗ lực tránh bão và thực hiện tất cả các biện pháp để đảm bảo sự an toàn của con tàu, nhưng bão vẫn nhấn chìm tàu và toàn bộ hàng hoá trên đường giao cho bên mua).

2. Vi phạm hợp đồng "do" SKBKK

Bên cạnh các yếu tố mang tính chất định nghĩa được đề cập, một điều kiện để áp dụng quy định về SKBKK thường bị bỏ qua là SKBKK đó phải là nguyên nhân hoặc lý do dẫn đến vi phạm hợp đồng. Thật vậy, Điều 351.2 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng bên vi phạm hợp đồng có thể được miễn trách nếu bên đó vi phạm nghĩa vụ "do" SKBKK, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Từ quy định này, có thể hiểu rằng không phải tất cả các vi phạm hợp đồng trong quá trình xảy ra SKBKK đều được miễn trách, mà chỉ vi phạm nào xảy ra "do" SKBKK thì mới được miễn trách mà thôi.

Dường như luật pháp Việt Nam không quy định chính xác cách xác định một vi phạm có thực sự là “do” một sự kiện gây ra hay không, bởi vì vi phạm hợp đồng, xét cho cùng, là do sự lựa chọn của bên có nghĩa vụ trong một chừng mực nhất định. Điều này dẫn đến các cách diễn giải khác nhau và có thể là vấn đề cần phải tranh luận. Theo chúng tôi, có ít nhất hai cách giải thích liên quan đến cách xác định vi phạm có thực sự xảy ra "do" SKBKK hay không.

Cách giải thích đầu tiên là vi phạm xảy ra "do" SKBKK chỉ khi nào SKBKK đã làm cho việc thực hiện đúng nghĩa vụ trở nên "không thể thực hiện". Lấy ví dụ một con tàu chở hàng bị nhấn chìm bão cùng với tất cả hàng hóa trên đường vận chuyển. Theo phương pháp giải thích luật này, sau khi SKBKK đó xảy ra, bên bán chỉ được miễn trách nếu bên bán hoàn toàn không thể, bằng bất cứ cách thức nào, có được hàng hóa để giao đúng hạn cho bên mua. Tuy nhiên, theo lối suy luận này, trường hợp bên bán vẫn còn khả năng tài chính để mua hàng từ nhà cung cấp khác để giao lại cho bên mua, thì bên bán không thể viện dẫn SKBKK để được miễn trách cho vi phạm hợp đồng, bởi lẽ, nghĩa vụ giao hàng ở đây, nếu nhìn nhận một cách triệt để, không phải là “không thể thực hiện”.

Cách giải thích thứ hai, là cách giải thích có lợi hơn cho bên vi phạm, là nếu SKBKK làm cho việc thực hiện nghĩa vụ là “không thực tế” hay “bất hợp lý” (impractical), thì bên vi phạm sẽ được miễn trách. Cũng trong ví dụ về tàu chở hàng gặp bão như trên, nếu việc mua hàng hóa từ các nhà cung cấp khác để giao cho bên mua làm phát sinh chi phí quá lớn hoặc gây ra những bất lợi không hợp lý đối với bên bán, thì bên bán có thể được miễn trách với lý do SKBKK.

Khi pháp luật Việt Nam không đưa ra câu trả lời chắc chắn về cách giải thích luật như trên, kết quả của tranh chấp sẽ phải phụ thuộc nhiều vào ngôn ngữ hợp đồng và đánh giá của cơ quan tài phán. Theo chúng tôi, vấn đề trên nên được các nhân sự pháp lý của doanh nghiệp xem xét kỹ lưỡng trong trường hợp xảy ra các tranh chấp liên quan.

3. Những sự kiện có thể được xem là SKBKK sau gần 02 năm xảy ra đại dịch COVID-19

Theo ý kiến của chúng tôi, tại thời điểm hiện tại, đại dịch COVID-19 tự thân nó không còn là một SKBKK, bởi đại dịch này đã trở nên quen thuộc với mọi người và luôn được nhắc đến trong tin tức hàng ngày. Do đó, theo lẽ thường, các bên trước khi ký hợp đồng phải cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố đại dịch và, khi vi phạm hợp đồng, không thể chỉ đơn giản viện dẫn COVID-19 là được miễn trách, trừ khi có xuất hiện những yếu tố khác.

Dù vậy, một số tình huống hoặc hệ quả liên quan đến COVID-19 vẫn có thể được xem là các SKBKK. Ví dụ: nếu một công ty có thể chứng minh rằng họ đã tích cực và nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp chống dịch, nhưng một trường hợp nhiễm bệnh bất ngờ vượt qua các lớp bảo vệ và làm bùng dịch trong công ty, thì sẽ là hợp lý nếu cho rằng công ty đó đã gặp phải SKBKK. Hoặc, việc xuất hiện thêm biến thể nguy hiểm của virus trong tương lai là một vấn đề khá khó dự báo, và nếu biến thể đó xuất hiện, nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nhiều hợp đồng sẽ không thể tránh khỏi bị vi phạm. Trong tình huống như vậy, chúng ta có lý do để đánh giá rằng SKBKK cũng đã xảy ra.

4Những gì doanh nghiệp nên làm

Về nguyên tắc, trong quan hệ hợp đồng, thỏa thuận hợp pháp giữa các bên phải được tôn trọng. Do đó, ngôn ngữ trong hợp đồng nên được lựa chọn cẩn thận với dự liệu về SKBKK. Ba yếu tố của SKBKK đã được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 (tính khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục) và các bên không thể sửa đổi; tuy nhiên, các bên có thể thoả thuận trước trong tình huống nào thì một sự kiện được xem là khách quan, không thể lường trước, và không thể khắc phục, hoặc thậm chí các bên có thể đính kèm một bản danh sách các SKBKK cụ thể trong hợp đồng.

Ngoài ra, hợp đồng cũng nên quy định các điều kiện và/hoặc nghĩa vụ mà một bên phải đáp ứng trước khi được miễn trách do SKBKK. Ví dụ, sự sụt giảm doanh thu đến một mức độ nhất định, công ty bị buộc phải đóng cửa theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nghĩa vụ thông báo kịp thời của bên bị ảnh hưởng về SKBKK, v.v. Quyền của các bên khi xảy ra SKBKK cũng nên được quy định, ví dụ, quyền kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ, trì hoãn hoặc miễn một số nghĩa vụ cho bên bị ảnh hưởng bởi SKBKK, quyền đình chỉ hoặc huỷ toàn bộ hợp đồng, v.v.

BROSS & Partners là công ty luật Việt Nam được đề xuất bởi Legal 500 Asia Pacific, Chamber Asia Pacific, AsiaLaw, IFLR1000, Benchmark Litigation, có kinh nghiệm và năng lực tư vấn và giải quyết tranh chấp liên quan đến Đầu tư, Doanh nghiệp và Thương mại, Mua bán & Sáp nhập, Bất động sản và Xây dựng, Tài chính – Ngân hàng, Chứng khoán, Thị trường Vốn và Sở hữu Trí tuệ.

Trường hợp Quý vị cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ: hoang@bross.vn; Mobile: +84 903 556 119; WhatsApp: +84 903 556 119; Zalo: +84 903 556 119.

Bookmark and Share
Relatednews
ON THE LEGAL VALIDITY OF NON-COMPETE AGREEMENTS (NCAs) AFTER PRECEDENT 69/2023/AL
NDA: HOW WE SHOULD AVOID VOIDING ARBITRATION AGREEMENT
SOME COMMENTS FROM A LAWYERS ON THE BACKGROUND OF PRECEDENT NO. 69/2023/AL
INTERNATIONAL COMPARATIVE LEGAL GUIDES - BUSINESS CRIME 2024 14TH EDITION - VIETNAM CHAPTER
INITIAL COIN OFFERING IN VIETNAM: CURRENT LEGAL FRAMEWORK AND IMPLICATIONS
OFFICIAL COURT’S PRECEDENT ON ARBITRATION AND EMPLOYEE NON-COMPETES DISPUTES
ASSOCIATE - HANOI OFFICE
MR. TRAN ANH HUNG – MANAGING PARTNER OF BROSS & PARTNERS RECOGNIZED AS ONE OF VIETNAM’S TOP 100 LAWYERS BY ASIA BUSINESS LAW JOURNAL.
ĐIỀU KIỆN TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI THEO NGHỊ ĐỊNH 31/2021/NĐ-CP
MARKET ACCESS CONDITIONS APPLIED TO FOREIGN INVESTORS UNDER DECREE NO. 31/2021/ND-CP
SOME ISSUES RELATING TO THE ENTERPRISE PHYSICAL SEAL

Publication - News
News
Notification
Publication
Recruiment
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.

         
Cửa thép vân gỗcua thep van go