Senior Partner Lê Quang Vinh
Associate Hoàng Thị Nhàn
Bross & Partners
vinh@bross.vn; nhan.ht@bross.vn
Dẫn nhập
Lần đầu tiên trong lịch sử khoa học pháp lý về hình sự cũng như lịch sử lập pháp của mình, Việt Nam đã chấp nhận cho vận hành một chế định pháp lý hoàn toàn mới mẻ là chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân mà đã được Quốc Hội biểu quyết thông qua bằng Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (dưới đây gọi tắt là “Bộ Luật hình sự 2015”).
Theo Bộ Luật hình sự 2015, pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 trên tổng số 314 tội danh, trong số đó có 22 tội thuộc nhóm tội phạm trong lĩnh vực kinh tế (bao gồm cả lĩnh vực sở hữu trí tuệ là tội xâm phạm quyền tác giả/quyền liên quan tại Điều 225 và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 226), 9 tội liên quan đến lĩnh vực môi trường và 2 tội liên quan đến xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công công. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số điểm mới về trách nhiệm hình sự của pháp nhân liên quan đến Điều 225 và 226.
Thời điểm kích hoạt trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và nguồn gốc của chế định
Việc điều tra, truy tố và xét xử các tội phạm nói chung và tội phạm có liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ nói riêng theo Bộ Luật hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực tính từ ngày 01/01/2018[1], cụ thể như sau:
-
Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018;
-
Nếu hành vi tội phạm được xảy ra trước 0 giờ 00 phút này 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, điều tra, truy tố hoặc xét xử thì các điều khoản của Bộ Luật Hình sự 2015 về xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự…và các quy định khác có lợi cho người phạm tội sẽ được áp dụng.
-
Tuy nhiên, đối với 33 tội danh liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự 2015 sẽ không áp dụng đối với những hành vi phạm tội của pháp nhân xảy ra trước 0 giờ 00 phút này 01 tháng 01 năm 2018.
Pháp nhân với tư cách là chủ thể của tội phạm mà có thể phải chịu trách nhiệm hình sự được Bộ Luật hình sự 2015 giới hạn chỉ gồm pháp nhân thương mại (không bao gồm doanh nghiệp tư nhân), nghĩa là chủ thể của tội phạm gồm các doanh nghiệp được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập với cá nhân/tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó, và nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập[2]. Ngoài 4 yếu tố cấu thành định nghĩa pháp nhân nêu trên thì pháp nhân thương mại vẫn còn phải thỏa mãn thêm một tiêu chí luật định nữa là phải có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên[3]. Như vậy, các cơ quan, tổ chức nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang hay bệnh viện, trường học dù có tư cách pháp nhân cũng không phải là chủ thể của tội phạm.
Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý là pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi và chỉ khi cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được hành vi phạm tội đồng thời thỏa mãn cả 4 yếu tố: (a) được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, (b) được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại, (c) được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại, và (d) chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự[4].
Để tránh hiện tượng lẩn tránh pháp luật, đẩy trách nhiệm cho pháp nhân thương mại nơi mà cá nhân người phạm tôi làm việc hoặc đại diện, Bộ Luật hình sự năm 2015 còn áp dụng nguyên tắc quan trọng khác là pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự sẽ không loại trừ khả năng cá nhân nhân danh pháp nhân thương mại đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự[5].
Phải thừa nhận rằng đã có sự tiến bộ đáng kể về tư duy lập pháp khi Việt Nam đi theo học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm (“the doctrine of identification” hay còn gọi là “the directing mind theory”)[6] có nguồn gốc từ luật cũ của nước Anh mà từ lâu đã được vận dụng trong pháp luật hình sự của các quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản. Hiểu một cách đơn giản, học thuyết này cho rằng nếu người lãnh đạo, người đại diện của pháp nhân đã thực hiện một hành vi phạm tội vì lợi ích hoặc trong khuôn khổ hoạt động của pháp nhân đó và với điều kiện tuân theo sự chỉ đạo hoặc đồng tình của pháp nhân đó thì cả pháp nhân và người lãnh đạo hoặc đại diện đó phải chịu trách nhiệm về cùng tội phạm đó.
Cấu thành tội phạm của tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225)
Theo khoản 1 Điều 225, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của người vi phạm có thể bị xem là cấu thành tội này và phải chịu hình phạt tiền (hình phạt chính) từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, hoặc bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu: (a) người vi phạm thực hiện hành vi với lỗi cố ý; (b) hành vi đã thực hiện là sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình; (c) hành vi xâm phạm được thực hiện với quy mô thương mại/đã thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng/gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng/ hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Trong khi đó khoản 4 Điều 225 quy định pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, một cách độc lập với cá nhân bị truy cứu theo Điều 225, bao gồm khả năng bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm nếu pháp nhân thương mại này đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính/đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm ngoài việc phải thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện nêu ở khoản 1 của Điều 225 được phân tích trên.
Cấu thành tội phạm của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226)
Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cũng được cấu trúc tương tự như tội xâm phạm quyền tác giả, cụ thể điều 226 quy định một người chỉ có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội này, cụ thể là có thể phải nộp phạt từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, hoặc bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu: (a) người đó thực hiện hành vi với lỗi cố ý; (b) đối tượng bị xâm phạm là nhãn hiệu giả mạo hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo; (c) hành vi xâm phạm được thực hiện với quy mô thương mại/đã thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng/gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng/ hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Điều 226 cũng quy trách nhiệm hình sự cho pháp nhân thương mại, cụ thể khoản 4 điều 226 quy định pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, một cách độc lập với cá nhân bị truy cứu theo Điều 226, bao gồm khả năng bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm với điều kiện pháp nhân thương mại này đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính/đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm ngoài việc phải thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện nêu ở khoản 1 của Điều 226 được phân tích trên.
Triển vọng mới trừng trị thích đáng các đối tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liệu có thể?
Thống kê tại nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề bao gồm cả tọa đàm khoa học liên quan đến các biện pháp phòng chống nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là hàng giả, hàng sao chép lậu, hầu như có rất ít các vụ việc truy tố xét xử các tội xâm phạm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp trong suốt 18 năm qua tính từ thời điểm Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực cho thấy một trong những nguyên nhân chính và căn bản nhất của thực trạng điều 170a – tội xâm phạm quyền tác giả và điều 171 – tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009 hiếm khi được thi hành là yếu tố định tội “với quy mô thương mại” (on a commercial scale) chưa bao giờ được làm rõ là nó phải đạt ở ngưỡng vật chất nào thì mới có thể hình sự hóa.
Bằng việc vừa giữ lại yếu tố định tội “với quy mô thương mại” vừa lượng hóa các ngưỡng vật chất bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra hoặc ngưỡng vật chất thu lợi bất chính mà người phạm tội có được, và đặc biệt hơn là pháp nhân thương mại cũng có thể cũng phải chịu trách nhiệm hình sự song song, chúng tôi thấy rằng cơ hội dành cho các chủ thể quyền tuyên chiến với nạn sao chép lậu, giả mạo thương hiệu, làm hàng giả có thể trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết.
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Bross & Partners có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu hỗ trợ khách hàng trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài bao gồm cả Mỹ, Canada, Trung Quốc, Thailand, cũng như hỗ trợ khách hàng xử lý hàng giả mạo sở hữu trí tuệ, hàng sao chép lậu và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.
[1] Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc thi hành Bộ Luật hình sự năm 2015
[2] Khoản 1 điều 183 Luật Doanh nghiệp năm 2014
[3] Điều 75 Bộ Luật dân sự năm 2015
[4] Điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015
[5] Khoản 2 điều 75 Bộ Luật hình sự quy định: Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân
[6] Xem thêm Criminal Liability of Organizations, Final Report No. 9, April 2007, Tasmania Law Reform Institute, trang 13