Email: vinh@bross.vn
MC hỏi: Vâng, thưa các vị khách mời, qua phóng sự trên cho thấy, vấn đề bảo hộ quyền tác giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được cụ thể hóa trong Luật, và Nghị định của Chính Phủ tuy nhiên trên thực tế, những vi phạm về sở hữu trí tuệ vẫn xảy ra khá phổ biến. Thưa luật sư Lê Quang Vinh, ông nghĩ sao về thực trạng này?
Ls Vinh trả lời: Đúng là thực tế xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam vẫn rất phổ biến và có khuynh hướng ngày càng tinh vi hơn và phức tạp hơn, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng phổ biến hơn của hiện tượng xâm phạm quyền SHTT trên môi trường internet. Phòng thương mại quốc tế (ICC), một tổ chức đại diện cho giới kinh doanh toàn cầu lớn nhất và lâu đời nhất, mới có sáng kiến tạm gọi là hành động của doanh nghiệp đối phó với nạn hàng giả và lậu gọi tắt là BASCAP với mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về hiểm họa của việc tiêu thụ hàng giả, hàng lậu, cũng như đề xuất với cơ quan chức năng sửa đổi luật pháp, nâng cao năng lực thực thi pháp luật đặc biệt là SHTT.
Mới đây ICC kết hợp với VCCI công bố 1 bản báo cáo[1] khá chi tiết về vấn đề SHTT ở Việt Nam, trong đó có đề cập về hiện trạng xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam mà tôi có thể tóm lược ở vài ý:
-
Tình trạng hàng giả và hàng lậu ở mức báo động ở Việt Nam góp phần tích cực cho nền kinh tế ngầm (nên kinh tế chưa quan sát) hàng nhiều chục tỷ đô la, làm cho nhà nước thất thu thuế còn người tiêu dùng thì gánh chịu rủi ro sức khỏe. Các mặt hàng giả xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ dệt may, mỹ phẩm, dược phẩm, rượu mạnh, thực phẩm và phần mềm
-
Đối tượng xâm phạm ngày càng tinh vi vì chúng sử dụng công nghệ làm giả tinh vi làm vô hiệu hóa khả năng phát hiện, trong đó chú yếu tập trung vào giả các thương hiệu lớn
-
Xâm phạm quyền SHTT đang gia tăng nhanh và phổ biến trên môi trường internet tập trung vào web lậu, phát tán, phân phối sản phẩm có quyền tác giả hoặc quyền liên quan không phép, bẻ khóa, phát lậu, livestream,…
MC hỏi: Vâng, cũng như các lĩnh vực khác, kinh tế là một lĩnh vực tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra khá phức tạp. Doanh nghiệp vẫn còn gặp phải rất nhiều khó khăn khi sản phẩm kinh doanh đã có chỗ đứng trên thị trường bị xâm phạm quyền bảo hộ tác quyền. Thưa Luật sư Lê Quang Vinh, với kinh nghiệm thực tế nhiều năm bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng là những doanh nghiệp kinh doanh sản xuất và bán lẻ, ông có thể phân tích kỹ hơn về những tác hại của hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?
Ls Vinh trả lời: Tác hại của xâm phạm quyền SHTT thì có rất nhiều nhưng theo tôi có thể kể ra 3 tác hại chính và cơ bản nhất:
-
Thúc đẩy kinh tế ngầm tiếp tục phát triển mạnh, nhà nước thì thất thu thuế và người tiêu dùng có nguy cơ tổn hại về tính mạng do dùng hàng giả
-
Làm nản lòng các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư sở hữu nhiều bí quyết kỹ thuật, sáng tạo kỹ thuật tiên phong, sáng chế đầu ngành,…tham gia đầu tư vì họ lo ngại mất bản quyền từ đó mục tiêu thu hút đầu tư và công nghệ có thể không đạt được như Nhà nước đề ra
-
Pháp luật – công cụ để kiểm soát hành vi xâm phạm cũng như làm hài hóa lợi ích giữa các chủ thể quyền, đối thủ cạnh tranh và công chúng – bị vô hiệu hóa, thậm chí trở nên vô nghĩa dẫn đến một trong những hệ lụy tệ hại nhất mà SHTT được xem là công cụ để phát triên kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo hoặc khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo có thể thất bại
MC hỏi: Thưa luật sư, đối với những hành vi vi phạm như ông và đại diện doanh nghiệp vừa chia sẻ thì pháp luật Việt Nam đang có những chế tài xử phạt như thế nào?
Ls Vinh trả lời: Tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm quyền SHTT, một trong các chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự đều có thể được áp dụng và trong hệ thống luật của chúng ta có đủ cả 3 loại chế tài này. Hiện nay có đến 98% các vụ việc xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam được xử lý bằng biện pháp hành chính, trong khi thế giới thì chủ yếu áp dụng chế tài dân sự trong đó tòa án có thể ra phán quyết bồi thường hàng chục/hàng trăm triệu đô, với mức xử phạt cao nhất là 500 triệu đối với tổ chức và 250 triệu đối với cá nhân kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung như tiêu hủy, đình chỉ hoạt động kinh doanh. Khởi kiện dân sự có thể được tòa chấp nhận tối đa 50 triệu về tổn thất tinh thần và 500 triệu tổn thất vật chất (nếu đương sự không chứng minh được tổn thất vật chất lớn hơn 500 triệu). Về chế tài hình sự liên quan đến tội phạm xâm phạm quyền SHCN và quyền tác giả, hình phạt tù đối với cá nhân tối đa 3 năm có thể được áp dụng và pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền lên tới 5 tỷ hoặc bị đình chỉ hoạt động kinh doanh từ 6 tháng đến 2 năm.
MC hỏi: Vâng, đúng như những điều luật sư Lê Quang Vinh chia sẻ từ đầu chương trình cho tới giờ, việc xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ ở nước ta vẫn chưa thực sự có hiệu quả, các vụ việc vi phạm vẫn diễn ra phổ biến và có dấu hiệu gia tăng. Điều đó phải chăng do chế tài của chúng ta chưa đủ sức răn đe thưa Ls Lê Quang Vinh?
Ls Vinh trả lời: Tôi không cho rằng chế tài là vấn đề mang tính căn nguyên, mặc dù tất nhiên chế tài của chúng ta theo quan niệm của thế giới là thấp, chưa đủ tính răn đe vì lợi nhuận của đối tượng xâm phạm kiếm được thường lớn hơn nhiều so với mức xử phạt.
Về nguyên nhân lý giải tại sao việc xử lý hành vi giả mạo, xâm phạm quyền SHTT chưa hiệu quả, theo tôi có thể kể ra 4 nguyên nhân:
-
Luật pháp của chúng ta chưa thực sự chất lượng, tức là chưa đủ hoàn thiện mà vẫn còn chồng chéo, xung đột giữa luật này với luật khác gây khó khăn cho quá trình áp dụng luật, đặc biệt là các quy phạm pháp luật xử lý hành vi xâm phạm trên môi trường internet của chúng ta hầu như hoặc còn vắng bóng hoặc còn sơ sài nên chưa thể dễ dàng xử lý hanh vi xâm phạm trên internet. Ví dụ: tội sản xuất buôn bán hàng giả và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đang có sự chồng lấn về khách thể của tội phạm. Hay ví dụ hành vi xâm phạm trên môi trường internet chưa được giải thích rõ thông qua các bằng chứng nào để chứng minh là nó hướng tới người tiêu dùng Việt Nam. Hoặc xung đột giữa luật công nghệ thông tin và luật SHTT về vấn đề tên miền trong suốt thời gian dài
-
Về lý thuyết thì có vẻ như chế tài là đủ cả nhưng thực tiễn thì ít khi xử phạt hành chính vút khung đến 500 triệu hoặc rất hiếm đối tượng nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 225 và 226 hoặc dường như chưa có vụ án SHTT nào mà tòa chấp nhận mức bồi thường thiệt hại lên tới 1 tỷ đồng
-
Năng lực của bộ máy thực thi của chúng ta còn yếu và cũng không đồng đều ở các tỉnh thành trong cả nước
-
Việt nam chưa có tòa chuyên trách về SHTT cũng là một nguyên nhân khiến án SHTT bị đình trệ quá lâu ví dụ như vụ Thần Đồng Đất Việt vừa rồi
MC hỏi: Sự phát triển của môi trường kỹ thuật số đang khiến cho các hình thức xâm phạm quyền tác giả trở nên phổ biến, đa dạng và tinh vi, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Trong khi đó, dường như cơ quan chức năng còn lúng túng? Luật sư nghĩ như thế nào về vấn đề này?
LS Vinh trả lời: Đúng vậy. Sự bùng nổ của internet, môi trường kỹ thuật số làm cho việc sao chép, quảng cáo, phân phối hàng hóa sản phẩm trên internet dễ hơn bao giờ hết bao gồm cả sự phát triển bùng nổ của các chợ giao dịch online, shop online hoặc các mạng xã hội facebook, Instagram, twitter. Như vậy tựu trung lại thì sự phát triển của công nghệ chính là lý do dẫn tới hành vi xâm phạm quyền SHTT được tiếp sức bởi các công cụ trung gian dễ dàng hơn, khó bị phát hiện hơn làm cho cơ quan chức năng, chủ thể quyền lúng túng. Thực ra đây là một vấn đề khó đối với cả các nước đã phát triển như Mỹ và Châu Âu vì internet là môi trường không biên giới trong khi quyền SHTT thì lại bị giới hạn theo lãnh thổ, tiếp nữa là các chủ thể xâm phạm họ không tồn tại ở thế giới thực mà họ ẩn mình trong thế giới ảo, rất khó tìm và phát hiện dẫn đến các cách thức truyền thống của chúng ta khi phát hiện, lập biên bản, tạm giữ,.. xem ra không còn hiệu quả nữa. Vụ phát lậu của kênh Xoilac.tv là một ví dụ
MC hỏi: Cảm ơn Luật sư Lê Quang Vinh. Bên cạnh sự bất cập của một số quy định pháp luật, các doanh nghiệp cần phải tự bảo vệ mình như thế nào đối với tình trạng vi phạm Luật sở hữu trí tuệ như hiện nay thưa ông?
Ls Vinh trả lời: Đúng vậy, trước thực tế nêu trên, các doanh nghiệp nên chủ động tìm cách tự bảo vệ mình. Một trong những chiến lược bảo vệ mình doanh nghiệp có thể tham khảo gồm:
-
Cần phải có trang bị hiểu biết cơ bản về các dạng quyền sở hữu trí tuệ gồm tên gọi, điều kiện bảo hộ, phạm vi bảo hộ để rà soát, kiểm kê và đem đi đăng ký các quyền SHTT của mình kịp thời làm bằng chứng mình là chủ sở hữu để dùng khi cần cũng như để yên tâm kinh doanh mà không sợ bị chủ thể khác kiện xâm phạm
-
Cần chủ động tìm công cụ pháp lý phù hợp, đặc biệt là các biện pháp tự vệ được pháp luật quy định để chuẩn bị và chống lại việc bên khác khởi kiện hoặc tố cáo do xâm phạm quyền SHTT. Các biện pháp này người ta hay gọi là sử dụng hợp lý (fair use) hoặc trong luật mình hay gọi là sử dụng tác phẩm đã công bố của người khác không phải xin phép, không phải trả thù lao, hoặc các hình thức khác trong việc xâm phạm sáng chế như quyền sử dụng trước, nhập khẩu song song hoặc thậm chí công cụ pháp lý là chấm dứt hoặc hủy bỏ hiệu lực quyền SHTT của đối phương,…
-
Cần lưu giữ, thu thập, phân loại bằng chứng cho một số trường hợp ngoại lệ đối với việc tự vệ/chống xâm phạm ví dụ như cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới SHCN chẳng hạn hoặc hủy bỏ hiệu lực quyền của người khác đã đăng ký nhãn hiệu sớm hơn mình nhưng mình lại là người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu đến mức nhãn hiệu đó nổi tiếng hoặc được sử dụng và thừa nhận rộng rãi
MC hỏi: Luật sư Lê Quang Vinh, ông có khuyến cáo nào cho các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay không?
LS Vinh trả lời: Tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý các vấn đề sau trong bối cảnh Việt Nam là thị trường có độ mở rất rộng, nghĩa là sức ép cạnh tranh rất khốc liệt:
-
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng, sử dụng, khai thác tối đa khả năng sinh lợi của của các quyền SHTT trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ, li-xăng, khai thác và đưa vào cuộc sống nguồn dữ liệu khổng lồ của công nghệ thuộc các bằng sáng chế đã hết hiệu lực
-
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần nỗ lực tạo sự khác biệt riêng cho mình bắt đầu từ các sáng tạo nhỏ dù chỉ mang tính cải tiến để đăng ký bảo hộ GPHI tiến tới là sáng chế, xây dựng thương hiệu dựa trên sự khác biệt của mình
-
Mạnh dạn và dám đầu tư mạo hiểm khi mở rộng thị trường, tốt nhất là nên tìm điểm yếu của đối thủ, của thị trường sau đó xây dựng chiến lược thị trường ngách
-
Tăng cường sử dụng tài sản SHTT thông qua các hợp đồng li-xăng, hợp đồng chuyển giao công nghệ, franchising để nắm bắt và học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp ở các nước phát triển.
MC hỏi: Vâng, thưa quý vị, với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng chế tài xử lý mạnh mẽ hơn. Vậy theo LS Lê Quang Vinh, Luật sở hữu trí tuệ cần sửa đổi như thế nào cho phù hợp với những cam kết này thưa Luật sư
Ls Vinh trả lời: Thực ra nền tảng pháp lý về SHTT của chúng ta đang vận hành là theo tiêu chuẩn chung (tối thiểu) của WTO. Về cơ bản, khung pháp lý của chúng ta không phải thay đổi nhiều lắm sau khi CPTPP có hiệu lực. CPTPP có yêu cầu cao hơn một chút ví dụ họ yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu không nhìn thấy được như nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi nhưng Việt Nam là nước đang phát triển nên họ cho phép bảo lưu vài năm. Do vậy, trong dự thảo Luật SHTT sửa đổi theo tôi được biết thì Quốc hội lần này chắc chỉ xem và thông qua vài sửa đổi nhỏ, ví dụ như sửa đổi chế định về sáng chế, cụ thể lần đầu tiên cho phép sáng chế đã bị bộc lộ công khai trong vòng không quá một năm thì vẫn được xem là tuân thủ tiêu chuẩn về tính mới (theo luật hiện hành là không còn tính mới), hoặc chúng ta buộc phải bỏ quy định hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu (hợp đồng li-xăng) mà không đăng ký với cơ quan nhà nước thì không có hiệu lực với bên thứ 3
Link xem trực tiếp tọa đàm: http://hanoitv.vn/ha-noi-nhung-goc-nhin-luat-so-huu-tri-tue-va-nhung-bat-cap-can-khac-phuc-v117044.html
Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; điện thoại 0903 287 057; Wechat: wxid_56evtn82p2vf22; Skype: vinh.bross
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Với nhiều năm kinh nghiệm nổi bật và năng lực chuyên môn sâu khác biệt, Bross & Partners có thể giúp khách hàng bảo vệ hoặc tự vệ một cách hiệu quả trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài liên quan đến bản quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu/thương hiệu và tên miền internet.