Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
VÌ SAO VIỆT NAM GIÀNH LẠI ĐƯỢC CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT BỊ MẤT Ở TRUNG QUỐC? (Phần 2)
(Ngày đăng: 2017-10-10)

Đánh giá khả năng thắng kiện trong việc khiếu kiện hủy bỏ 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột theo pháp luật nhãn hiệu Trung Quốc

 

  1. Về tư cách nộp đơn khiếu kiện

Theo quy định của Điều 41 Luật nhãn hiệu Trung Quốc (đoạn 1 và đoạn 2), bất kỳ tổ chức, cá nhân hoặc chủ nhãn hiệu hoặc bất kỳ bên có liên quan đều có quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột theo các đăng ký số 7611987 và 7970830. Nói một các khác, UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột hoặc bất kỳ thành viên nào được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cũng có quyền nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực 2 nhãn hiệu trên.

Và mặt khác, vì UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn 5062/UBND-TH ủy quyền cho Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột (Hiệp hội) được tham gia với tư cách là chủ đơn khiếu kiện và đăng ký quốc tế thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nên Hiệp hội đứng đơn yêu cầu hủy bỏ tại Trung Quốc là phù hợp với luật nhãn hiệu Trung Quốc.

Theo điều 12 của Bản quy tắc giải quyết tranh chấp nhãn hiệu được ban hành ngày 17/09/2002 của Bộ Công thương Trung Quốc (“Bản quy tắc”) thì trường hợp người nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài, không cư trú hoặc không có địa điểm kinh doanh tại Trung Quốc, mà có yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu đăng ký thì bắt buộc phải chỉ định một công ty luật của Trung Quốc có trình độ liên quan và được cấp phép đại diện tại Trung Quốc thay mặt mình nộp hồ sơ khiếu kiện.

 

  1. Về vấn đề thời hiệu khiếu kiện  

Thời hiệu nộp đơn khiếu kiện là một vấn đề rất quan trọng trong tranh tụng nói chung và ở Trung Quốc nói riêng vì Ban giải quyết tranh chấp nhãn hiệu chỉ thụ lý đơn khiếu kiện (nếu viện dẫn đến điều luật có nói đến thời hạn phải nộp đơn) được nộp trong thời hạn quy định đó. Ví dụ, điều 16 Luật nhãn hiệu Trung Quốc chỉ được áp dụng nếu Hiệp hội nộp đơn khiếu kiện tại Ban giải quyết tranh chấp nhãn hiệu trước ngày 13/11/2015 và 13/06/2016 tương ứng.

Vì điều 16 Luật nhãn hiệu Trung Quốc liên quan trực tiếp đến hành vi đăng ký nhãn hiệu xung đột với chỉ dẫn địa lý của người khác do vậy chúng tôi xác định rằng đây là một trong các căn cứ pháp lý quan trọng nhất mà Hiệp hội cần phải lưu ý và viện dẫn áp dụng.

 

  1. Vài nét về Ban giải quyết tranh chấp nhãn hiệu và quy trình giải quyết  

Ban giải quyết tranh chấp nhãn hiệu của Trung Quốc (“TRAB”) là một cơ quan trực thuộc Bộ Công thương Trung Quốc và là một cơ quan hoàn toàn độc lập với Cơ quan nhãn hiệu của Trung Quốc (“CTMO”) – Cơ quan đã cấp 2 đăng ký nhãn hiệu Buôn Ma Thuột cho Công ty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu.

Theo Luật nhãn hiệu Trung Quốc 2001, Quy chế hướng dẫn thi hành luật này và Bản quy tắc thì TRAB chịu trách nhiệm thụ lý và giải quyết các tranh chấp nhãn hiệu trong đó bao gồm tranh chấp liên quan đến việc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký được quy định tại Điều 41 Luật nhãn hiệu năm 2001.

TRAB phải xét xử các tranh chấp nhãn hiệu bằng văn bản trên cơ sở bằng chứng của các bên và phải tuân theo luật hiện hành, các bên tham gia vụ việc đều có quyền bình đẳng như nhau và mọi bằng chứng, căn cứ, lập luận đều phải được thể hiện bằng văn bản.

Theo điều 23 & 24 của Bản Quy tắc, các bên đều có quyền bổ sung tài liệu bằng chứng nhưng việc bổ sung đó phải không muộn hơn 3 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ hủy đối với nguyên đơn hoặc thời hạn 3 tháng kể từ ngày bị đơn nhận được văn bản từ TRAB thông báo có yêu cầu hủy nhãn hiệu của nguyên đơn.

Tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc, TRAB có thể lập một hội đồng xét xử chỉ gồm 1 hoặc 3 chuyên gia trở lên, có quyền hạn như nhau, và trong một số trường hợp, hội đồng này có thể nhiều hơn 3 chuyên gia. Việc lập hội đồng này sẽ được thông báo cho các bên liên quan. Điều 45 của Bản quy tắc cũng lưu ý việc xét xử có thể được mở công khai theo yêu cầu của bên liên quan hoặc tùy theo tình tiết của vụ việc.

Quy tắc về chứng cứ được quy định tại Chương V, trong đó quy định chứng cứ gồm văn bản, tài liệu, ấn phẩm nghe nhìn, bằng chứng bằng miệng của nhân chứng, tuyên bố/lập luận và đánh giá kết luận của các bên. Một số bằng chứng được coi là hiển nhiên không cần chứng minh như sự việc đã biết rộng rãi, sự kiện được suy luận từ quy luật, sự việc đã được chứng minh theo luật, sự kiện được suy luận từ kinh nghiệm hoặc quy luật của cuộc sống hàng ngày (điều 75).

Mọi bằng chứng bằng văn bản đều phải là bản gốc, trường hợp không cung cấp bản gốc thì phải cung cấp bản sao có chứng thực sao y từ bản chính. Các tài liệu cung cấp bằng tiếng nước ngoài đều phải được dịch sang tiếng Trung khi nộp cho TRAB mới được coi là hợp lệ (điều 82)

Theo điều 95 của Bản Quy tắc, TRAB sẽ đánh giá hiệu lực của các bằng chứng bằng văn bản theo nguyên tắc sau: (i) tài liệu/văn kiện của các cơ quan Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền khác tùy theo chức năng và thẩm quyền sẽ có giá trị ưu thế, (ii) kết luận đánh giá, tài liệu lưu trữ và các bằng chứng tài liệu được công chứng sẽ chiếm ưu thế hơn so với các chứng cứ khác, (iii) tài liệu gốc được ưu tiên hơn bản sao

Theo thống kê của Trung Quốc, năm 2009, TRAB đã xử lý tổng cộng 37,002 hồ sơ khiếu nại trong đó có 28,594 khiếu nại liên quan đến từ chối bảo hộ. Tuy nhiên, do số lượng đơn khiếu nại và đơn yêu cầu hủy bỏ ngày càng tăng nên thực tế cho thấy phải mất từ 24 đến 36 tháng TRAB mới có thể ban hành quyết định giải quyết yêu cầu hủy hiệu lực nhãn hiệu.

Theo điều 43 Luật nhãn hiệu Trung Quốc năm 2001, trong trường hợp TRAB ban hành phán quyết mà một trong các bên không đồng ý với phán quyết đó thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết, bên đó có quyền khởi kiện ra tòa án nhân có thẩm quyền của Trung Quốc xét xử theo luật định.

Như vậy, toàn bộ quá trình xét xử của TRAB mang bản chất là một khiếu nại (khiếu kiện) hành chính và phán quyết của TRAB mang tính chất một quyết định hành chính (tương tự như luật Việt Nam, nó vẫn có thể tiếp tục là đối tượng xét xử tại hệ thống tòa án). 

 

  1. Đánh giá căn cứ pháp lý và bằng chứng phục vụ việc khiếu kiện hủy

Từ việc đánh giá và phân tích toàn diện các khía cạnh pháp lý của luật pháp quốc tế và luật pháp Trung Quốc nêu trên, chúng tôi nhận thấy các căn cứ pháp lý dưới đây đang ủng hộ cho Quý Hiệp hội:

(i)         Buôn Ma Thuột là tên địa danh của Việt Nam và được biết đến rộng rãi bởi công chúng

Điều 10 Luật nhãn hiệu Trung Quốc đã xác định 2 điều kiện để việc cấp đăng ký nhãn hiệu phải bị từ chối gồm tên địa danh nước ngoài và được biết rộng rãi bởi công chúng, theo đó, chúng tôi có thể tư vấn và hỗ trợ Quý Hiệp hội thu thập bằng chứng và chứng minh theo các luận điểm sau:

 

·     Buôn Ma Thuột là một địa danh nổi tiếng vì nó là thành phố trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam và có lịch sử lâu đời;

·     Buôn Ma Thuột là thủ phủ của cà phê Việt Nam, nơi có diện tích gieo trồng cà phê và sản lượng cà phê chế biến chiếm gần 50% của cả nước;

·     Buôn Ma Thuột chiếm gần 50% sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước và được xuất khẩu tới hơn 50 lãnh thổ trên toàn thế giới;

·     Trung Quốc là 1 trong 10 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, trong đó có cà phê Buôn Ma Thuột. Việt Nam luôn đứng vị trí thứ 2 thế giới trong số các quốc gia về xuất khẩu cà phê lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ đô la Mỹ/năm;

·     Bằng chứng và thông tin khác được xác nhận bởi các tổ chức, hiệp hội cà phê thế giới, các nhà sản xuất, cơ sở chế biến quy mô lớn, triển lãm quốc tế,…liên quan đến Buôn Ma Thuột để chứng minh Buôn Ma Thuột không thể không được biết tới rộng rãi bởi công chúng Trung Quốc.

·     Buôn Ma Thuột không phải là một từ có ý nghĩa khác trong tiếng Trung hoặc là một địa danh của Trung Quốc.

(ii)         Buôn Ma Thuột là chỉ dẫn địa lý được bảo hộ ở Việt Nam từ năm 2005  

Theo tinh thần của Điều 16 Luật nhãn hiệu Trung Quốc, Hiệp hội có thể dễ dàng chứng minh được các khía cạnh sau:

·       2 nhãn hiệu Buôn Ma Thuột theo các đăng ký số 7611987 và 7970830 (như nêu tại Mục I của Đề xuất này) của Công ty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu rõ ràng và hiển nhiên chứa chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột của Việt Nam;

·       Danh mục hàng hóa thuộc nhóm 30 được bảo hộ theo các đăng ký số 7611987 và 7970830 có sản phẩm cà phê và các sản phẩm khác có liên quan đến cà phê, do đó, rõ ràng là trực tiếp liên quan đến sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột được bảo hộ ở Việt Nam;

·       Công ty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu không phải là một doanh nghiệp của Việt Nam, không có trụ sở tại Buôn Ma Thuột, Việt Nam, không phải là thành viên của Hiệp hội, do vậy, giả định rằng Công ty này gắn một trong 2 nhãn hiệu Buôn Ma Thuột kể trên lên sản phẩm cà phê hoặc các giấy tờ giao dịch hoặc các phương tiện quảng cáo để chào bán sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột thì sẽ rõ ràng làm cho công chúng, khách hàng lầm tưởng rằng đó là cà phê Buôn Ma Thuột, có xuất xứ từ Buôn Ma Thuột. Nói một cách khác, việc sử dụng đó đương nhiên sẽ gây lừa dối công chúng về xuất xứ trung thực của sản phẩm, và do vậy, đáng lẽ 2 nhãn hiệu này phải bị từ chối bảo hộ và bị cấm sử dụng.

·       Buôn Ma Thuột cho cà phê nhân được bảo hộ tại Việt Nam với tư cách là chỉ dẫn địa lý từ ngày 14/10/2005 theo Quyết định số 806/QĐ-SHTT. Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột là tài sản của nhà nước Việt Nam, do vậy, việc Công ty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu tự ý đăng ký 2 nhãn hiệu Buôn Ma Thuột là xâm phạm và tài sản của Việt Nam, mạo danh Việt Nam, làm cho công chúng hiểu nhầm về nguồn gốc thương mại, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của vùng đất Buôn Ma Thuột nổi tiếng thế giới về sản phẩm cà phê.  

·       Hành vi cố ý đăng ký 2 nhãn hiệu Buôn Ma Thuột là hành vi trái với tập quán trung thực và lành mạnh được nêu trong Công ước Paris, Hiệp TRIPs và Luật nhãn hiệu nhãn hiệu 2001 của Trung Quốc như đã phân tích ở các phần trên.

·       Về khía cạnh “thiện ý” hay “trung thực” (good faith) như quy định ở đoạn cuối của điều 16 Luật nhãn hiệu Trung Quốc, nếu Công ty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu viện dẫn và phản tố ở khía cạnh này, Hiệp hội có thể phản bác lập luận này (nếu có) của đối phương dựa trên các căn cứ sau:

*       Good Faith là một thuật ngữ trừu tượng và toàn diện bao hàm một niềm tin và động cơ chân thành mà không có tính ác tâm, ác ý và không mang tính lừa gạt người khác[7]. Điều 7(1)[8] của Công ước Viên của Liên hợp quốc về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG) quy định về good faith, được nhiều học giả bình luận về cơ bản cũng mang ý nghĩa tương tự như vậy[9]. Điều 6ter.1(c) Công ước Paris, Điều 24.5 Hiệp định TRIPs đều có quy định về Good Faith, trong đó đặc biệt là điều 24.5 Hiệp định TRIPs quy định đối với nhãn hiệu đã được nộp đơn đăng ký hoặc đã được đăng ký một cách có thiện ý (Good Faith) hoặc đối với các quyền đối với nhãn hiệu đạt được thông qua sử dụng có thiện ý (Good Faith) thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

-       Trước thời điểm thi hành các quy định này ở nước thành viên đó; hoặc

-        Trước khi chỉ dẫn địa lý liên quan được bảo hộ ở nước xuất xứ

thì các biện pháp được áp dụng để thi hành quy định trên không được làm ảnh hưởng tới khả năng được đăng ký hoặc hiệu lực đăng ký của nhãn hiệu, hoặc quyền sử dụng nhãn hiệu, với lý do nhãn hiệu nói trên trùng hoặc tương tương tự với chỉ dẫn địa lý

Vì Trung Quốc là thành viên của WTO từ 11/12/2001, ngay cả trong trường hợp áp dụng các quy tắc ngoại lệ của điều 24.5 được dẫn chiếu tới điều 65.1,2,3 của Hiệp định TRIPs, thì cũng không có căn cứ để áp dụng khía cạnh “Good Faith” theo đoạn cuối điều 16 Luật nhãn hiệu Trung Quốc (vì đã qua thời hạn chuyển tiếp và chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột được bảo hộ ở Việt Nam từ năm 2005).

*       Mặt khác, như đã chứng minh và phân tích ở trên, hành vi của Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu, rõ ràng và không thể chối cãi, mang bản chất của hành vi không trung thực, lừa dối cơ quan nhãn hiệu, lừa dối công chúng, cố ý gây nhầm lẫn cho công chúng về xuất xứ trung thực của cà phê Buôn Ma Thuột, và đương nhiên phải được coi la hành vi trái với tập quán trung thực trong thương mại quốc tế, trái với nguyên tắc nêu tại Luật Nhãn hiệu Trung Quốc, hay nói một cách khác, hành vi đó rõ ràng và hiển nhiên, bị coi hành vi “Bad Faith” (không trung thực), đối nghịch với nguyên tắc “Good Faith” nêu trong các Công ước quốc tế và luật pháp Trung Quốc.

Ngoài 2 căn cứ pháp lý chính nêu trên, Hiệp hội còn có thể vận dụng và sử dụng bổ trợ thêm các căn cứ pháp lý dưới đây:

(iii)        Hành vi cố ý đăng ký 2 nhãn hiệu Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu là hành vi không trung thực (bad faith), xâm phạm nguyên tắc theo quy định tại điều 31 Luật nhãn hiệu Trung Quốc

  • Điều 31 Luật nhãn hiệu Trung Quốc quy định đơn đăng ký nhãn hiệu không được gây tổn hại đối với các quyền được xác lập từ trước của người khác, cũng như không được cạnh tranh không lành mạnh bằng cách đăng ký chiếm đoạt nhãn hiệu của người khác đã sử dụng có danh tiếng[10];
  • Theo thực tiễn giải quyết tranh chấp nhãn hiệu ở Trung Quốc, chúng tôi cho rằng chúng ta có thể cung cấp tài liệu và chứng minh được các khía cạnh sau: (i) chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột đã và đang được sử dụng và đã giành được mức độ ảnh hưởng (danh tiếng) nhất định ở Trung Quốc trước ngày nộp đơn 11/08/2009 và 05/01/2010 (các ngày mà Công ty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu nộp đơn lên CTMO), 2 nhãn hiệu này đương nhiên và không thể chối cãi là tương tự gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột của Việt Nam, (iii) hàng hóa mang 2 nhãn hiệu giả mạo trùng và tương tự với sản phẩm cà phê nhân mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột được bảo hộ của Việt Nam, và (iv) Công ty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu có hành vi không trung thực (bad faith);
  • Các bằng chứng thu thập (phải trước ngày 11/08/2009 nói trên) chứng minh theo các điểm trên có thể bao gồm: bằng chứng chứng minh mức độ nhận biết của công chúng liên quan đến nhãn hiệu (những người có liên quan đến sản phẩm cà phê), bằng chứng chỉ rõ thời gian, lịch sử sử dụng và khu vực địa lý sử dụng chỉ dẫn Buôn Ma Thuột, bằng chứng chứng minh thời gian, phương thức, phạm vi và khu vực địa lý liên quan tới việc quảng bá chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, các bằng chứng khác chứng tỏ danh tiếng của chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc.
  • Về việc chứng minh hành vi không trung thực (bad faith) của Công ty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu, chúng tôi nhận thấy, theo nguyên tắc quy định tại điều 10bis Công ước Paris, mọi hành vi như cố ý làm công chúng bị nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại (xuất xứ của hàng hóa), sử dụng các chỉ dẫn sai lệch làm công chúng hiểu lầm về bản chất, tính chất đều bị coi là các hành vi trái với tập quán trung thực trong thương mại quốc tế (tức là bad faith), và rõ ràng có đủ cơ sở chứng minh hành vi này là hành vi bad faith theo điều 31 của Luật nhãn hiệu Trung Quốc.

(iv)       2 Nhãn hiệu Buôn Ma Thuột phải bị hủy bỏ và cấm sử dụng vì xâm phạm điều 15 Luật nhãn hiệu Trung Quốc

Điều 15 Luật nhãn hiệu Trung Quốc năm 2001 quy định “nếu bất kỳ đại lý hoặc đại diện nào đăng ký, dưới tên của mình, nhãn hiệu của người khác mà anh ta làm đại lý hoặc đại diện và không có sự cho phép của người đó, và người này phản đối thì nhãn hiệu phải bị từ chối và bị cấm sử dụng[11]

Theo Hướng dẫn tại điểm 12 & 13 của Tòa án tối cao Trung Quốc ngày 20/04/2010 về một số vấn đề liên quan tới việc xét xử các vụ việc khiếu kiện hành chính về nhãn hiệu, khái niệm “đại lý” hoặc “đại diện” được hiểu theo nghĩa rộng, theo đó đại lý hoặc đại diện này, với tư cách là người phân phối, đã đăng ký nhãn hiệu dưới tên của mình mà không có sự cho phép của chủ nhãn hiệu, thì tòa án phải đánh giá hành vi đó là hành vi đăng ký vội vã trái phép. Hành vi đăng ký vội vã trái phép xảy ra khi quan hệ đại diện hoặc đại lý vẫn đang tiếp tục đàm phán, cụ thể việc đăng ký vội vã này xảy ra sớm hơn thời điểm hoàn thành mối quan hệ đại diện hoặc đại lý đó, và hành vi này phải xem như là hành vi đăng ký vội vã bởi đại lý hoặc đại diện đó. Và theo đó hành vi được xác định đã thuộc phạm vi cấm nêu tại điều 15 Luật nhãn hiệu Trung Quốc 2001.

 

Theo Báo Tiền Phong số ra ngày 16/09/2011 với tựa đề “Vì sao Việt Nam mất hai thương hiệu cà phê nổi tiếng”, anh Nguyễn Văn Thắng, cán bộ quản lý XNK của Công ty cà phê An Thái, xác định công ty An Thái từng có mối quan hệ làm ăn với Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu. Vì muốn tạo dựng uy tín, công ty ở Quảng Châu đặt vấn đề liên kết với Công ty An Thái để nhập hàng cà phê 3 trong 1 lâu dài. Nhưng không rõ vì lý do gì họ chỉ nhập 3 container rồi thôi luôn.

 

Thông tin Công ty An Thái cho biết có thể nên được được khai thác triệt để làm rõ mối quan hệ giữa Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu với Công ty cà phê An Thái thông qua email, hợp đồng, trao đổi và các tài liệu khác nhằm chứng minh và áp dụng quy định cấm tại điều 15 của Luật nhãn hiệu Trung Quốc.

 

Ngoài công việc chính yêu cầu hủy bỏ hiệu 2 nhãn hiệu Buôn Ma Thuột bị đăng ký trái phép, Hiệp hội cần lưu ý nghiên cứu và tiến hành các biện pháp pháp lý cần thiết để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc buộc Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu phải loại bỏ cụm từ “Buôn Ma Thuột” trong cấu thành tên của công ty này để tránh mọi sự hiểu lầm về nguồn gốc Buôn Ma Thuột của cà phê Việt Nam.

 

Tóm tại, bằng những phân tích trên có đủ căn cứ pháp lý để Hiệp hội giành được quyết định thắng được ban hành bởi TRAB.

 


[7] Xem từ điển pháp lý online tại đường link: http://legal-dictionary.thefreedictionary.com/good+faith

[8] Nguyên văn tiếng Anh: Article 7(1) In the interpretation of this Convention, regard is to be had to its international character and to the need to promote uniformity in its application and the observance of good faith in international trade.

[9] Xem bài viết của học giả Troy Keily tại : http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/keily.html#faith

[10] Nguyên văn tiếng Anh: “Article 31: An application for the registration of a trademark shall not create any prejudice to the prior right of another person, nor unfair means be used to pre-emptively register the trademark of some reputation another person has used.”

[11] Nguyên văn tiếng Anh: “Article 15 Where any agent or representative registers, in its or his own name, the trademark of a person for whom it or he acts as the agent or representative without authorization therefrom, and the latter raises opposition, the trademark shall be rejected for registration and prohibited from use”.

 

 

Bookmark and Share
Relatednews
Xâm phạm nhãn hiệu trên vũ trụ ảo nhìn từ vụ Hermes vs. Mason Rothschild ở tòa án Hoa Kỳ
Thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền tác giả ở Việt Nam, UK, Mỹ, EU và Trung Quốc
Cấp quyền nhân vật (merchandising rights) và các khía cạnh pháp lý cần lưu ý cho bên cấp quyền và bên nhận quyền
So sánh Đăng bạ chính (Principal Register) và Đăng bạ phụ (Supplemental Register) khi đăng ký nhãn hiệu ở USPTO
10 Key Changes in Enforcing Patent, Design, Trademark Rights via Administravive Measure under Revised Decree 99/2013/NĐ-CP
Qatar tham gia Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu
Thương hiệu giả mạo “Phở Thìn 13 Lò Đúc” bị hủy bỏ hiệu lực ở Hàn Quốc
10 thay đổi lớn về thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP sửa đổi
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.