Trung Quốc, hay tên đầy đủ là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là quốc gia thành viên của nhiều Công ước quốc tế liên quan đến sở hữu trí tuệ, bao gồm các công ước về bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu như Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu (có hiệu lực từ 04/10/1989) và Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid (có hiệu lực từ 01/12/1995) (gọi chung là “hệ thống Madrid). Như vậy, nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tại Trung Quốc, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể nộp đơn đăng ký thông qua con đường quốc gia hoặc con đường quốc tế (tức hệ thống Madrid), tất nhiên, người nộp đơn phải mang quốc tịch hay có cơ sở sản xuất hoặc thương mại thật sự thuộc một trong 91 thành viên chính thức của hệ thống Madrid tính đến ngày 15/10/2014. Hướng dẫn dưới đây chỉ liên quan đến khả năng giành quyền độc quyền nhãn hiệu bằng con đường quốc gia.
Giới thiệu chung
a. Pháp luật hiện hành quy định nguyên tắc xác lập quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu trên toàn bộ lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngoại trừ Đài Loan và Hồng Kông là Luật Nhãn hiệu Trung Quốc năm 2013 có hiệu lực từ ngày 01/05/2014.
b. Việc nộp đơn đăng ký, được cấp bằng bảo hộ dựa trên nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”, là bắt buộc để xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu.
c. Nộp một đơn yêu cầu đăng ký cho nhiều nhóm sản phẩm gần đây mới được phép theo Luật Nhãn hiệu Trung Quốc.
d. Cơ quan Nhãn hiệu Trung Quốc (CTMO) hiện nay chỉ chấp nhận danh mục sản phẩmhàng hóa / dịch vụ được quy định giống như theo bảng phân loại Nice phiên bản lần thứ 10. Danh mục tóm tắt của nhóm (class headings) gần như không có khả năng được chấp nhận.
Đăng ký thông qua con đường quốc gia có nhiều ưu điểm vượt trội so với con đường quốc tế
Về cơ bản, nộp đơn yêu cầu đăng ký một nhãn hiệu mới theo con đường quốc gia thay vì thông qua hệ thống Madrid tại Trung Quốc được khuyến nghị thực hiện bởi những lý do sau đây:
a. Chi phí đăng ký quốc tế chỉ định Trung Quốc theo hệ thống Madrid có thể gấp ba đến bốn lần chi phí phải trả cho trường hợp đăng ký theo con đường quốc gia;
b. Quan trọng hơn, thời gian khiếu nại một quyết định từ chối là rất khác biệt giữa hai con đường nêu trên. CTMO yêu cầu chủ đơn phải nộp đơn khiếu nại chỉ trong vòng 15 ngày (không thể gia hạn) kể từ ngày nhận được thông báo từ chối. Ngoài ra, chủ đơn còn bị yêu cầu phải cung cấp bì thư có chứa dấu bưu điện làm bằng chứng chỉ rõ ngày nhận được quyết định từ chối bởi chủ đơn hoặc đại diện của chủ đơn. Nếu không, đơn khiếu nại sẽ không được chấp nhận thụ lý. Trong khi nếu đơn đăng ký được nộp theo hình thức quốc gia thì sẽ không bị yêu cầu như trên. Vì lẽ đó, nếu trường hợp phải nộp đơn khiếu nạithìhình thức đăng ký quốc gia là ưu việt hơn hẳn.
d. Việc phân loại hàng hóa / dịch vụ mang nhãn hiệu xin đăng ký, nếu được nộp qua con đường quốc gia, sẽ được tư vấn chính xác bởi chúng tôi giúp chủ đơn tuân thủ hoàn toàn theo quy định phân nhóm nghiêm ngặt của Trung Quốc. Trong khiđó việc phân nhóm hàng hóa / dịch vụ trong đơn quốc tế (qua hệ thống Madrid) có thể không phù hợp với bảng phân loại Nice lần thứ 10 và có thể dẫn đến khả năng bị từ chối hoặc khó thực thi quyền trên thực tế.
d.Trong trường hợp nhãn hiệu đã đăng ký bị chấm dứt hiệu lực vì không sử dụng trong thương mại, nếu chủ nhãn hiệu không nộp đơn yêu cầu phản bác yêu cầu chấm dứt hiệu lực đó thì theo Luật nhãn hiệu Trung Quốcnhãn hiệu đó sẽ bị chấm dứt hiệu lực. Chủ đơn đăng ký quốc tế chỉ định Trung Quốc thường nhận được thông báo yêu cầu dạng này rất muộn bởi thông báo luôn được gửi trực tiếp tới chủ đơn thay vì gửi cho đại diện chủ đơn được ghi nhận bởi WIPOnên dẫn đến chủ đơn không có đủ thời gian chuẩn bị và nộp trả lời phản bác đúng hạn.
e. Ngoài ra, một đơn đăng ký nhãn hiệu nộp theo hình thức quốc gia sẽ được cấp văn bằng bảo hộ, trong khi đó một đơn đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống Madrid sẽ không được cấp văn bằng bảo hộ mà chỉ được thay thế bằng một tuyên bố bảo hộ nhãn hiệu. Trường hợp chủ đơn có hoạt động kinh doanh thực sự tại Trung Quốc, sở hữu một bản gốc giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vẫn có giá trị thuận tiện hơn nhiều sơ với mộtvăn bản tuyên bố bảo hộ nhãn hiệu.
f. Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, vì rủi ro pháp lý có thể xảy ra bởi quy định được gọi là “tấn công trung tâm” (central attack) của hệ thống Madrid nên chúng tôi lưu ý rằng nếu đơn nước ngoài hoặc đăng ký nhãn hiệu nước ngoài, mà đăng ký quốc tế phải dựa trên chúng, bị từ chối hoặc bị hủy bỏ hiệu lực bởi bất kỳ lý do nào trong vòng năm năm (05) tính từ ngày đăng ký quốc tế thì hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu ở tất cả các quốc gia được chỉ định hợp lệ bao gồm cả Trung Quốc của đăng ký quốc tế đó cũng sẽ bị chấm dứt hiệu lực theo.
Các dấu hiệu có khả năng đăng ký
Không định nghĩa nhãn hiệu nào được nêu trong Luật nhãn hiệu Trung Quốc năm 2013. Tuy nhiên, những dấu hiệu sau thuộc các biểu tượng có thể nhìn thấy được và có chức năng phân biệt hàng hóa và/hoặc dịch vụ của một cá nhân hay tổ chức này với các cá nhân, tổ chức khác thì có khả năng đăng ký như một nhãn hiệu:
-
Từ, ngữ
-
Tên;
-
Hình;
-
Hình dạng 3 chiều (3D);
-
Màu sắc;
-
Khẩu hiệu;
-
Âm thanh (nhãn hiệu âm thanh mới được chấp nhận từ ngày 01/05/2014);
-
Bao bì sản phẩm (không phải tất cả các dạng bao bì sản phẩm có thể được chấp nhận đăng ký nhãn hiệu; chỉ có bao bì nhãn hiệu chứa những dấu hiệu có khả năng phân biệt mới được chấp nhận đăng ký).
Ngoài những đăng ký nhãn hiệu thông thường, những dạng nhãn hiệu dưới đây cũng có khả năng đăng ký:
-
Nhãn hiệu tập thể;
-
Nhãn hiệu chứng nhận;
-
Nhãn hiệu nổi tiếng;
-
Nhãn hiệu dịch vụ.
Những dấu hiệu không đủ điều kiện bảo hộ
-
Dấu hiệu trái với chuẩn mực đạo đức hoặc trật tự công cộng;
-
Từ ngữ chung và thông dụng;
-
Tên gọi, cờ hiệu hoặc biểu tượng của các quốc gia, khu vực hoặc các tổ chức quốc tế;
-
Dấu hiệu không có khả năng phân biệt do thiếu bằng chứng chứng minh nó đã giành được khả năng phân biệt nhờ quá trình sử dụng (secondary meaning);
-
Dấu hiệu mà về cơ bản đóng chức năng là tên họ;
-
Dấu hiệu về cơ bản là tên địa danh (khác với Chỉ dẫn địa lý hay Tên gọi xuất xứ);
-
Dấu hiệu có thể lừa dối người tiêu dùng.
Nếu một nhãn hiệu mà đơn xin đăng ký nó không phù hợp với quy định liên quan của Luật trên, hoặc trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của một bên khác, gắn liền với hàng hóa trùng hoặc tương tự, đã được bảo hộ hoặc đã được chấp thuận tạm thời sau khi xét nghiệm thì CTMOsẽ từ chối đơn đăng ký và sẽ không công bố nhãn hiệu đó.
Một nhãn hiệu được yêu cầu đăng ký cho các hàng hóa trùng hoặc tương tự sẽ không được bảo hộ và việc sử dụng nó sẽ bị cấm, nếu nó là bản sao, bản nhái hoặc bản dịch nghĩa của nhãn hiệu nổi tiếng của một bên khác ngay cả khi nhãn hiệu này không được đăng ký tại Trung Quốc và có khả năng gây nhầm lẫn.
Một nhãn hiệu mà được yêu cầu đăng ký cho các hàng hóa không trùng hoặc không tương tự sẽ không được bảo hộ và việc sử dụng nó sẽ bị cấm, nếu nó là bản tái tạo, bản sao chép hoặc bản dịch của một nhãn hiệu nổi tiếng được đăng ký tại Trung Quốc, gây lừa dối cho cộng đồng, và lợi nhuận của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có khả năng bị suy giảm bởi việc sử dụng đó.
Tài liệu yêu cầu để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc
a. Giấy ủy quyền được ký đơn giản bởi một cá nhân đại diện theo pháp luật của chủ đơn ủy quyền cho một tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc được lựa chọn bởi chúng tôi. Không cần phải công chứng hoặchợp pháp hóa lãnh sự.
b. Một bản sao chứng thực bản dịch tiếng Anh của Giấy đăng ký kinh doanh của chủ đơn;
c. Nhóm và danh mục hàng hóa / dịch vụ theo phiên bản lần thứ 10 của bảng phân loại Nice;
d. Tên và địa chỉ của chủ đơn theo tiếng Trung và tiếng Anh (Nếu chủ đơn không sử dụng tên và địa chỉ tiếng Trung, chúng tôi có thể đề xuất bản dịch tiếng Trung cho khách hàng xác nhận);
e. Bản mô tả nhãn hiệu;
f. Mẫu nhãn hiệu (một mẫu mô tả nhãn hiệu mà chủ đơn muốn đăng ký);
g. Bản sao chứng thực các tài liệu ưu tiên nếu muốn yêu cầu quyền ưu tiên.
Lưu ý:
a. Một đơn đăng ký cho nhiều nhóm được chấp nhận tại Trung Quốc theo Luật nhãn hiệu mới của Trung Quốc có hiệu lực từ 01/05/2014.
b. Tiến hành đăng ký một đơn nhãn hiệu chứa nhiều nhóm không được khuyến nghị bởi chúng tôi vì thực tiễn đăng ký tại Trung Quốc và các lý do pháp lý sau:
-
Thứ nhất, khi chuyển nhượng một nhãn hiệu, tất cả các nhóm của đơn đăng ký phải được chuyển nhượng đồng thời. Ít nhất đó cũng là tình trạng hiện thời. Hiện nay, việc chia tách đơn nhãn hiệu xảy ra chỉ khi một đơn nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ một phần, chủ đơn có thể chọn chia tách đơn nhãn hiệu để cho phép những phần được chấp thuận bảo hộ được công bố và sau đó là đăng ký mang một số đơn nhãn hiệu mới, trong khi những phần bị từ chối bước vào quá trình khiếu nại hoặc đơn giản là bị từ bỏ. Tuy nhiên, việc chia tách đơn nhãn hiệu nhìn chung không thể thực hiện trong các tình huống khác.
-
Thứ hai, đơn đăng ký cho nhiều nhóm không giúp tiết kiệm chi phí nộp đơn, lệ phí Nhà nước vẫn được tính theo số lượng nhóm và không có chiết khấu cho các nhóm tiếp theo trong cùng một đơn.
Thời gian đăng ký nhãn hiệu
Nếu một đơn đăng ký nhãn hiệu được tiến hành theo đúng quy định và không gặp phải khó khăn, trở ngại nào, thông thường sẽ mất từ 14-18 tháng tính từ ngày nộp đơn để nhận được giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
a. Xét nghiệm hình thức
Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu đã nộp có tuân thủ quy định hình thứcvà đã nộp đủ phí quy định, ngày nộp đơn và số đơn sẽ chỉ được cấp cho đơn đăng ký đó bởi CTMO trong vòng từ 4-6 tuần tính từ ngày nộp đơn.
b. Xét nghiệm nội dung
Xét nghiệm viên sẽ đánh giá đơn đăng ký và xác định liệu nhãn hiệu có thể được chấp thuận cho công bố trên Công báo nhãn hiệu được hay không. Nếu có bất kỳ nghi ngại nào về đơn đăng ký, xét nghiệm viên sẽ thông báo cho chủ đơn về vấn đề đó. Nếu xét nghiệm viên ra thông báo thiết sót thì sau đó chủ đơn cần xử lý bất kỳ thiếu sót nào trong thời hạn cho phép. Nếu xét nghiệm viên ra quyết định từ chối bảo hộ, chủ đơn cần nộp yêu cầu khiếu nại lại quyết định từ chối cho Ban Giải quyết Tranh chấp nhãn hiệu của Trung Quốc (TRAB) trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định từ chối. Theo luật thì thời hạn quy định CTMO phải hoàn thànhviệc xét nghiệm nội dung vào khoảng 9-12 tháng.
c. Công bố
Nếu được chấp thuận, đơn đăng ký sẽ được công bố trên Công báo nhãn hiệu được xuất bản hàng tuần, trong vòng 3 tháng kể từ thời điểm công bố, các bên thứ 3 có thể tiến hành phản đối đối với đơn đăng ký nhãn hiệu.
d. Đăng ký
Nếu không bị phản đối, hoặc nếu vụ việc phản đối được quyết định ủng hộ chủ đơn, đơn nhãn hiệu sẽ được ghi nhận vào sổ đăng bạ quốc gia và đăng ký nhãn hiệu sẽ được công bố. Chủ đơn cũng sẽ nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong vòng 1-2 tháng sau ngày đăng ký.
Cảnh báo ở giai đoạn sau đăng ký
Thời gian bảo hộ cho một đăng ký nhãn hiệu là 10 năm tính từ ngày đăng ký. Việc gia hạn có thể được thực hiện trong vòng 6 tháng trước ngày hết hạn hiệu lực.
Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể nộp yêu cầu gia hạn hiệu lực muộn trong khoảng thời gian ân hạn, nghĩa là không muộn hơn 6 tháng kể từ ngày hết hạn hiệu lực nhưngphải thanh toán thêm một khoản phụ phí nộp muộn. Nếu một nhãn hiệu đã đăng ký không được sử dụng trong ba năm liên tiếp sau ngày đăng ký, nó sẽ có thể bị yêu cầu chấm dứt hiệu lực bảo hộ trên cơ sở không sử dụng.
Bross & Partners đã từng hỗ trợ thành công nhiều khách hàng Việt Nam hủy bỏ các thương hiệu/nhãn hiệu bị chiếm đoạt ở Trung Quốc. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Bross & Partners có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu hỗ trợ khách hàng trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài.