Đăng ký lại nhãn hiệu (thương hiệu) ở Myanmar (Miến Điện) – Thông tin pháp lý
đặc biệt quan trọng cần lưu ý
Email to: thao.dinh@bross.vn; vinh@bross.vn
Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước “Luật nhãn hiệu Myanmar sắp có hiệu lực”[1], Luật nhãn hiệu của Miến Điện (Pyidaungsu Hluttaw Law No. 3, 2019) dù đã được Quốc hội Myanmar phê chuẩn nhưng vẫn chưa rõ ngày nó phát sinh hiệu lực vì phải chờ văn bản của nhánh hành pháp do Tổng thống Myanmar là đại diện đứng đầu.
Trên cơ sở mới nhận được THÔNG BÁO KHẨN từ đối tác của mình tại Myanmar, Bross & Partners trân trọng thông báo tới Quý Doanh nghiệp thông tin pháp lý quan trọng liên quan đến việc đăng ký lại thương hiệu của mình đã đăng ký ở Myanmar dưới dạng nộp Tuyên bố Quyền sở hữu nhãn hiệu (Declaration of Ownership of Trademark) như sau:
-
Luật nhãn hiệu Myanmar dù đã được thông qua bởi Quốc hội nước này nhưng vẫn chưa được ấn định ngày nào nó chính thức phát sinh hiệu lực nên dẫn đến hiện nay vẫn chưa rõ lệ phí Chính phủ cho việc đăng ký nhãn hiệu ở Miến Điện là bao nhiêu.
-
Thay đổi pháp lý lớn nhất mang tính căn bản nhất là Myanmar thay đổi nguyên tắc xác định quyền ưu tiên đăng ký nhãn hiệu, cụ thể nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first to file), tương tự như pháp luật Việt Nam[2], sẽ thay thế nguyên tắc sử dụng đầu tiên (first to use)[3]. Hệ quả của thay đổi pháp lý này là Myanmar sẽ chỉ cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu nào được nộp đơn sớm nhất trong số các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhau dùng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau bất kể nhãn hiệu (nộp muộn hơn) có thể đã được cấp đăng ký dưới dạng Tuyên bố quyền sở hữu (Declaration of Ownership of Trademark) như trước đây.
-
Theo thông báo của Cơ quan sở hữu trí tuệ Myanmar, Myanmar sẽ cho vận hành hệ thống đăng ký lại bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2020 kéo dài trong vòng 06 tháng trước khi Luật nhãn hiệu Miến Điện có hiệu lực. Hệ thống đăng ký lại trong vòng 06 tháng này còn gọi là “soft opening trial” – tạm dịch là thử nghiệm “khai trương ưu đãi” đặc trưng ở chỗ hệ thống này chỉ tiếp nhận việc nộp đơn đăng ký lại các nhãn hiệu đã được Cơ quan đăng ký (Registry of Deeds) cấp đăng ký trước đây. Như vậy, tóm lại giai đoạn 6 tháng này mang ý nghĩa là giai đoạn chuyển tiếp (transitional period) nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu thương hiệu đã đăng ký một đặc quyền ưu tiên (seniority), hoặc nói cách khác giai đoạn 6 tháng này Myanmar chưa áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên.
-
Cần lưu ý rằng tất cả các đơn đăng ký lại nhãn hiệu nêu trên trong giai đoạn chuyển tiếp 6 tháng sẽ được cấp số đơn và ngày nộp đơn là ngày đầu tiên mà Luật nhãn hiệu Myanmar có hiệu lực.
-
Nhãn hiệu được đăng ký lại sẽ được thẩm định, xét nghiệm theo quy định của Luật nhãn hiệu Myanmar nếu được cấp thì được bảo hộ trong vòng 10 năm tính từ ngày nộp đơn. Hồ sơ cần thiết để đăng ký lại gồm:
(i) Mẫu nhãn hiệu dưới dạng file ảnh có độ phân giải cao, rõ nét;
(ii) Danh mục hàng hóa, dịch vụ theo Bảng phân loại quốc tế Nice;
(iii) Tên và địa chỉ chủ sở hữu bằng tiếng Anh;
(iv) Bản sao Tuyên bố quyền sở hữu nhãn hiệu hoặc gia hạn quyền sở hữu nhãn hiệu đã được cấp theo hệ thống cũ;
(v) Bản gốc Giấy ủy quyền được hợp pháp hóa lãnh sự bởi đại sứ quán của nước mà chủ sở hữu mang quốc tịch (có thể tái sử dụng Giấy ủy quyền đã được dùng để nộp đơn đăng ký theo hệ thống cũ, nếu Giấy ủy quyền này còn hiệu lực);
(vi) Bằng chứng sử dụng nhãn hiệu tại thị trường Myanmar (bao gồm bản sao Cảnh báo nhãn hiệu (Cautionary Notice) đã được đăng trên tạp chí địa phương của Myanmar; các hợp đồng, hóa đơn, vận đơn, chứng từ; hình ảnh sản phẩm/ dịch vụ mang nhãn hiệu được bán, được cung ứng tại Myanmar, các tài liệu quảng cáo nhãn hiệu).
Bross & Partners rất giàu kinh nghiệm hỗ trợ khách hàng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu ở hàng trăm quốc gia trên thế giới, trong đó gồm Myanmar, Lào, Cam-pu-chia, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Bằng năng lực chuyên môn sâu khác biệt, Bross & Partners có thể giúp khách hàng bảo vệ hoặc tự vệ một cách hiệu quả trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài liên quan đến bản quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu (thương hiệu) và tên miền internet.
[2] Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên
2. Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
[3] Nguyên tắc sử dụng đầu tiên (first to use) được hiểu là nguyên tắc xác định chỉ người nào sử dụng nhãn hiệu đầu tiên trong thương mại thì người đó mới có quyền đăng ký nhãn hiệu. Ngược lại, theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first to file) thì chỉ người nào nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đầu tiên thì người đó mới có quyền đăng ký nhãn hiệu.