Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
Vài nét về lịch sử ra đời của Chính Sách Giải Quyết Tranh Chấp Tên Miền Thống Nhất (UDRP) cùng với ưu điểm và nhược điểm của UDRP
(Ngày đăng: 2019-07-01)

Email: vinh@bross.vn

 

Lý do ra đời của Chính Sách Giải Quyết Tranh Chấp Tên Miền Thống Nhất (UDRP)

 

Tên miền là tên gắn cho địa chỉ IP, mà vốn được biểu thị bằng dãy số rất khó ghi nhớ, dùng để định danh địa chỉ internet của máy chủ/máy tính trên phạm vi toàn cầu. Hệ thống tên miền (Domain Name System, viết tắt là DNS) cho phép thiết lập tương ứng tên miền và địa chỉ IP, “dịch” tên máy chủ thành địa chỉ IP. Ví dụ: Wipo.int = 52.74.250.41; google.com = 42.119.253.241; Google.com.vn = 118.69.247.29; Vinamilk.com.vn = 123.30.153.15

 

Tên miền quốc tế hay còn gọi là tên miền cấp cao nhất dùng chung (generic top-level domain, viết tắt là gTLD) thường kết thúc bằng đuôi .COM, .BIZ, .NET,… Theo một báo cáo mới công bố của Verisign, quý đầu tiên của năm 2019 đã khép lại với 351,8 triệu đăng ký tên miền đối với tất cả tên miền cấp cao dùng chung (gTLDs), tăng 3,1 triệu đăng ký tên miền, hoặc 0,9 phần trăm, so với quý IV năm 2018. Tính đến cuối quý 1 năm 2019, chỉ riêng 2 tên miền quốc tế .Com và .Net đã có tổng cộng 154,8 triệu đăng ký tên miền[1]

 

Sự phát triển của hoạt động đăng ký và sử dụng tên miền quốc tế để quảng bá cho sản phẩm và thương hiệu của các thương nhân cũng gắn liền một hiện tượng gọi là “cybersquatting” (tạm dịch là việc một chủ thể lấy nhãn hiệu, thương hiệu có tiếng của chủ thể khác đăng ký làm tên miền với động cơ chủ yếu là chào bán lại cho chủ nhãn hiệu với giá trị cao hoặc ngăn cản chủ nhãn hiệu đăng ký và sử dụng tên miền chứa nhãn hiệu đó, cybersquatting hoặc cybersquatter cũng có thể dịch là hiện tượng “chôm” hoặc kẻ chôm) bị xem là không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới các chuẩn mực và tập quán lành mạnh của thương mại quốc tế, cản trở bất hợp lý tới quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Tên miền quốc tế hiện nay được đặt dưới sự kiểm soát bởi ICANN[2] – một tổ chức quốc tế hoạt động phi lợi nhuận chịu trách nhiệm đảm bảo cho môi trường internet luôn được ổn định và thông suốt. Theo ICANN, cybersquatting nhìn chung là việc đăng ký có dụng ý xấu (không trung thực) nhãn hiệu của người khác làm tên miền của mình. Có thể lấy một ví dụ gần đây là trường hợp BKAV phải chấp nhận mua lại tên miền BKAV.COM với giá hơn 100,000USD (khoảng 2,3 tỷ đồng) – một con số quá lớn so với chi phí mà chủ thể đăng ký tên miền bỏ ra khoảng 200,000VND (8USD) để đăng ký tên miền quốc tế này với nhà đăng ký tên miền của Mỹ là Network Solutions[3].

 

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trong năm 2015, các vụ “chôm” tên miền xuất hiện nhiều nhất trong 5 lĩnh vực: (1) thời trang (10% vụ việc), (2) ngân hàng và tài chính (9%), (3) internet và công nghệ thông tin (9%), (4) bán lẻ (8%), và (5) công nghệ sinh học và dược phẩm (7%), trong đó các tập đoàn đa quốc gia nộp nhiều kiện tên miền nhất gồm Hugo Boss (62 vụ), Philip Morris (60 vụ) và Elextrolux (48 vụ).

 

Tổng giám đốc WIPO, ông Francis Gurry cho biết “các tên miền liên quan đến gian lận và lừa đảo hoặc hàng giả gây ra các mối đe dọa rõ ràng nhất, nhưng tất cả các hình thức truy cập mạng đều ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Số lượng các vụ việc nộp tại Trung tâm trọng tài WIPO đã phản ánh nhu cầu cảnh giác liên tục của các chủ sở hữu nhãn hiệu trên toàn thế giới[4].

 

Để giải quyết hiện tượng cybersquatting nêu trên, năm 1999 ICANN[5] phối hợp với WIPO ban hành Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (Uniform Domain-Name Dispute-Resolution Policy, viết tắt là UDRP). Theo UDRP, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể buộc nhà đăng ký tên miền hủy bỏ tên miền đã cấp hoặc buộc chuyển nhượng tên miền tranh chấp nếu chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chứng minh được tên miền tranh chấp cùng lúc thỏa mãn 3 điều kiện sau:

 

(1)       Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhãn hiệu dịch vụ của chủ thể quyền mà chủ thể quyền có quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhãn hiệu dịch vụ đó; và

(2)       Chủ thể đăng ký tên miền tranh chấp không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền tranh chấp đó; và

(3)       Tên miền tranh chấp đã bị chủ thẻ đăng ký tên miền tranh chấp đăng ký và sử dụng với ý đồ xấu (không trung thực).

 

Ưu điểm và nhược điểm của UDRP

 

Thực tiễn vận hành của UDRP rõ ràng cho thấy UDRP chứng tỏ được nhiều ưu điểm, lợi ích giúp bảo vệ trật tự thương mại thế giới lành mạnh hơn thông quan việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thương hiệu, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, UDRP cũng cho thấy nó bộc lộ một số hạn chế trong thực tiễn áp dụng.

 

UDRP có 5 ưu điểm nổi bật theo quan sát của chúng tôi:

 

  1. UDRP mang bản chất là thủ tục hành chính vì cơ chế cho phép chủ thể quyền buộc hủy bỏ hoặc buộc chuyển nhượng tên miền vi phạm được xem là một cơ chế đơn giản và thuận tiện ở chỗ các bên liên quan tranh chấp không cần di chuyển, không cần có mặt tại phiên xử, chỉ làm việc qua email và internet.

 

  1. UDRP mang bản chất là một cơ chế giải quyết tranh chấp tên miền bằng trọng tài (arbitration) dựa trên thỏa thuận trọng tài thuộc một phần của hợp đồng đăng ký tên miền (registration agreement) ký giữa nhà đăng ký tên miền (registrar) và chủ thể đăng ký tên miền (registrant) được tự động kích hoạt mỗi khi chủ thể đăng ký tên miền hoàn thành thủ tục đăng ký tên miền với một trong số các nhà đăng ký tên miền (registrars) được công nhận bởi ICANN[6]. Đối với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp tên miền thông qua trọng tài dựa trên UDRP được dẫn chiếu theo một trong hai con đường: (a) chủ thương hiệu/chủ nhãn hiệu nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự ta một tòa án có thẩm quyền chống lại chủ thể đăng ký tên miền; hoặc chủ thương hiệu/chủ nhãn hiệu nộp đơn khiếu nại (complainant) cho 1 trong số 6 tổ chức cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp tên miền (Approved Dispute Solution Service Provider) được ICANN công nhận[7]

 

  1. UDRP có chi phí trọng tài rất hợp lý, cụ thể trường hợp hội đồng trọng tài có một trọng tài (panelist) để xử 1 từ 1 đến 5 tên miền thì tổng chi phí là 1,500USD hoặc từ 6-10 tên miền là 2,000USD và trong trường hợp hội đồng trọng tài có 3 trọng tài thì tổng chi phí sẽ là 4,000USD và 5,000USD tương ứng

 

  1. Thời gian giải quyết một vụ tranh chấp tên miền dựa trên UDRP là rất nhanh, chẳng hạn như trường hợp một đơn kiện (complaint) được nộp cho Trung tâm trọng tài của WIPO thì bạn chỉ cần đợi đến ngày 44 tính từ ngày nộp đủ hồ sơ là có thể nhận được quyết định của WIPO

 

  1. UDRP đã giải quyết lỗ hổng pháp lý một cách triệt để trên cơ sở có sự đồng thuận rộng rãi của cộng đồng quốc tế giữa luật nhãn hiệu (trademark law) và tên miền (thuộc luật công nghệ thông tin hoặc luật về mạng internet tùy theo từng quốc gia). Lỗ hổng này chính là giới hạn pháp lý về bảo hộ nhãn hiệu chỉ có hiệu lực ở lãnh thổ mà nó đăng ký và tên miền trên internet vốn không hề bị hạn chế theo biên giới lãnh thổ mỗi nước.

 

UDRP cũng bộc lộ 3 nhược điểm cơ bản:

 

  1. Trừ trường hợp quốc gia quản trị tên miền quốc gia (ccTLDs) đồng ý chịu sự ràng buộc của UDRP, UDRP chỉ áp dụng để giải quyết tranh chấp đối với tên miền quốc tế (gTLDs) vì lý do liên quan đến vấn đề chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của mỗi chính phủ. Hiện tại Trung tâm trọng tài WIPO chỉ cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia dựa trên UDRP cho các quốc gia đồng ý ủy thác giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia theo UDRP, trong số đó đáng chú ý là một số quốc gia như Pháp, Brazil, Australia, Liên minh Châu Âu, Thụy Sĩ,,,,với các tên miền quốc gia tương ứng .FR, .BR, .AU, .EU, .CH[8]. Việt Nam không có mặt trong số các quốc gia đồng ý ủy thác nghĩa là tên miền quốc gia .VN không thể trực tiếp áp dụng UDRP. Nói cách khác, việc giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia .VN chỉ có thể giải quyết dựa theo pháp luật Việt Nam bởi một tòa án hoặc tổ chức trọng tài có thẩm quyền được quy định trong luật Việt Nam.

 

  1. Việc UDRP áp đặt nghĩa vụ chứng minh thỏa mãn đồng thời cả 3 điều kiện đặc biệt là điều kiện 3[9] (Tên miền tranh chấp đã bị chủ thể đăng ký tên miền tranh chấp đăng ký và sử dụng với ý đồ xấu (không trung thực) trong một số tình huống (chẳng hạn như tình huống cybersquatter chiếm hữu mà không sử dụng tên miền (inactive holding) hoặc chiếm hữu thụ động (passive holding) là quá khó chứng minh đối với cybersquatter có hiểu biết và kinh nghiệm. Điều này dẫn đến nghi ngờ tính hiệu quả thực sự của việc ngăn chặn tình trạng lạm dụng đăng ký tên miền. Cần lưu ý điều kiện giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia/khu vực, ví dụ tên miền khu vực chung Liên minh Châu âu .EU không buộc nguyên đơn phải chứng minh điều kiện thứ 3 như UDRP mà chỉ cần thỏa mãn 2 điều kiện[10] (2 điều kiện này gần giống như điều kiện 1 và điều kiện 2 của UDRP)

 

  1. Quyền sở hữu trí tuệ mà chủ thể quyền có quyền để có thể áp dụng UDRP chỉ giới hạn ở quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ và trong một số trường hợp cụ thể khác có thể bao gồm chỉ dẫn địa lý, tên thương mại. Như vậy, tên miền mà cấu thành tên các cá nhân hoặc các nhân vật nổi tiếng hoặc tên các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả đều không thuộc phạm vi áp dụng của UDRP.

 

Bross & Partners đã từng đại diện cho khách hàng Việt Nam đòi lại thành công tên miền honghagas.com tại Trung tâm trọng tài của WIPO trong Case No. D2010-0374. Chi tiết phán quyết này có thể xem tại: https://www.wipo.int/amc/en/domains/decisions/text/2010/d2010-0374.html. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; điện thoại 0903 287 057; Wechat: wxid_56evtn82p2vf22; Skype: vinh.bross

 

Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Với nhiều năm kinh nghiệm nổi bật và năng lực chuyên môn sâu khác biệt, Bross & Partners có thể giúp khách hàng bảo vệ hoặc tự vệ một cách hiệu quả trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài liên quan đến bản quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu/thương hiệu và tên miền internet.

 


[2] ICANN là tên viết tắt của Tổ chức quản lý Tên miền và Số hiệu mạng thế giới (the Internet Corporation for Assigned Names and Numbers), một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì mục đích công. Xem thêm tại link: https://www.icann.org/get-started https://www.icann.org/resources/pages/cybersquatting-2013-05-03-en

[5] ICANN phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xây dựng Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất khuyến nghị giải quyết tranh chấp tên miền theo 2 phương thức: hoà giải (Alternative Dispute Resolution – ARD) hoặc trọng tài (Arbitration). Sau khi tổ chức có năng lực giải quyết tranh chấp tên miền bằng biện pháp trọng tài (Approved Dispute Solution Service Provider) ra phán quyết thì nhà đăng ký tên miền (registrar) phải tuân thủ phán quyết buộc chuyển nhượng tên miền tranh chấp hoặc buộc hủy bỏ tên miền tranh chấp (trừ khi phán quyết trọng tài bị khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền trong vòng 10 ngày làm việc tính từ ngày ra phán quyết).

[6] Chỉ có nhà đăng ký tên miền (accredited registrars) được công nhận bởi ICANN có tên trong danh sách hợp đồng công nhận nhà đăng ký tên miền (Registrar Accreditation Agreement) ký riêng giữa ICANN và mỗi registrar thì registrar này mới được phép cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế gTLDs. Xem danh sách registrars được phê duyệt bởi ICANN tại đây: https://www.icann.org/registrar-reports/accredited-list.html

[7] Sáu tổ chức có năng lực giải quyết tranh chấp tên miền bằng biện pháp trọng tài (Approved Dispute Solution Service Provider) được ICANN công nhận gồm: The Arab Center for Dispute Resolution (ACDR), Asian Domain Name Dispute Resolution Centre (ADNDRC), Canadian International Internet Dispute Resolution Centre (CIIDRC). Xem thêm: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/TIM-HIEU-NHANH-VE-TRANH-CHAP-TEN-MIEN-VA--BIEN-PHAP-PHAP-LY-GIUP-DOI-LAI-TEN-MIEN-QUOC-TE--1487

[8] Xem danh sách các quốc gia ủy thác tại link: https://www.wipo.int/amc/en/domains/cctld/

[9] Hai điều kiện còn lại của UDRP buộc phải chứng minh gồm: (Điều kiện 1) Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhãn hiệu dịch vụ của chủ thể quyền mà chủ thể quyền có quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhãn hiệu dịch vụ đó, và (Điều kiện 2) Chủ thể đăng ký tên miền tranh chấp không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền tranh chấp đó. Xem thêm: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/TIM-HIEU-NHANH-VE-TRANH-CHAP-TEN-MIEN-VA--BIEN-PHAP-PHAP-LY-GIUP-DOI-LAI-TEN-MIEN-QUOC-TE--1487

[10] Theo EURid, để thành công trong việc đòi lại tên miền .EU, nguyên đơn phải chứng minh được mình đáp ứng cả 2 điều kiện (xem thêm: https://eurid.eu/en/register-a-eu-domain/domain-name-disputes/)

Điều kiện 1: Nguyên đơn có quyền có trước đối với tên miền, chẳng hạn như nguyên đơn đang nắm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, tên doanh nghiệp, tên gia đình (you have a prior right to the domain name (e.g. you hold a trademark, trade name, company name, family name, etc); và

Điều kiện 2: Bị đơn (chủ thể đăng ký tên miền hiện tại) đã đăng ký hoặc sử dụng tên miền vì mục đích đầu cơ hoặc lạm dụng (the current holder has registered or uses the domain name for speculative or abusive purposes)

 

Bookmark and Share
Relatednews
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?
Trung Quốc: Tranh tụng bản quyền nhiều nhất thế giới và vai trò đặc biệt của hệ thống Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ
Nhật Bản bỏ thu phí 2 lần đối với nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid
Cambodia to Strictly Watch the Timely Submission of Affidavit of Use/Affidavit of Non-use for a Registered Trademark
Trung Quốc sẽ tiếp tục sửa Luật nhãn hiệu 2019 với trọng tâm chống “đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu”
Căn cứ từ chối tuyệt đối cần tránh khi lựa chọn thương hiệu để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc
Campuchia siết chặt nghĩa vụ nộp bằng chứng sử dụng đối với nhãn hiệu đã đăng ký
Bross & Partners as a Contributor to the Chambers Trademarks and Copyright 2024 Global Practice Guide
Founding Partner Le Quang Vinh continously named in the 2023 A-List by Asia Business Law Journal

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.

         
Cửa thép vân gỗcua thep van go