Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
“Phép thử ba bước” - một quy tắc pháp lý quan trọng bị lãng quên khi xác định hành vi sử dụng/làm bản sao tác phẩm có được coi là “sử dụng hợp lý” hoặc là hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam
(Ngày đăng: 2019-03-08)

Email to: vinh@bross.vn

Phép thử ba bước và ý nghĩa pháp lý của nó

 

Phép thử ba bước (three-step test) hay còn gọi là phép kiểm tra ba bước[1] vốn có nguồn gốc từ điều 9(2) của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, một công ước toàn cầu đầu tiên và toàn diện nhất về bảo hộ quyền tác giả được thông qua lần đầu vào năm 1886 và được sửa đổi nhiều lần, trong đó lần gần nhất là vào năm 1979[2].

 

Điều 9(2) Công ước Berne quy định “Luật pháp của các quốc gia thành viên thuộc Liên hiệp có thể cho phép làm bản sao của tác phẩm được bảo hộ trong một số trường hợp đặc biệt với điều kiện là việc sao chép này không xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả[3].

 

Diễn giải theo một cách khác chúng ta thấy rằng nội hàm của điều 9(2) khẳng định việc sao chép tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả sẽ không bị coi là hành vi xâm phạm quyền độc quyền sao chép[4] của tác giả nếu hành vi đó cùng lúc thỏa mãn 3 bước hoặc 3 điều kiện của phép thử sau:

  1. Việc sao chép đó chỉ được phép trong các trường hợp ngoại lệ đặc biệt mà được quy định bởi pháp luật quốc gia; và
  2. Việc sao chép đó không xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm; và
  3. Việc sao chép đó không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.

 

Mãi đến bản sửa đổi Công ước Berne vào năm 1967 phép thử 3 bước mới được đưa vào thành điều 9(2). Phép thử 3 bước thực chất là một quy tắc mang tính thỏa hiệp giữa các nhà soạn thảo đã đạt được nhằm giới hạn hoặc thu hẹp phạm vi độc quyền của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đối với hành vi độc quyền làm bản sao tác phẩm, từ đó giúp làm cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả với lợi ích của công chúng và xã hội.

 

Hiện nay phép thử ba bước có mặt ở nhiều công ước, hiệp ước khác chẳng hạn như tại điều 13 Hiệp định TRIPs[5], điều 10[6] Hiệp ước WIPO về bản quyền tác giả (WCT), hoặc điều 16[7] của Hiệp ước của WIPO về chương trình biểu diễn và bản ghi âm (WPPT)

Trong tuyên bố của mình, Hiệp hội Max Planck[8] đã từng bình luận rằng phép thử ba bước đã chứng tỏ được tính hiệu quả trong ngăn chặn việc áp dụng thái quá các giới hạn và ngoại lệ xâm phạm quyền tác giả.

 

“Phép thử ba bước” với vấn đề “Sử dụng hợp lý” trong pháp luật Việt Nam

 

Việt Nam đã nội luật hóa nghĩa vụ thành viên của mình đối với Công ước Berne, Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng vào Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam năm 2005 được sửa đổi năm 2009 (Luật SHTT), trong đó phép thử ba bước được đưa vào điều 25[9] với tên gọi là các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép và cũng không phải trả tiền nhuận bút hoặc thù lao, và điều 32[10] có tên gọi các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

Như vậy điều 25 và 32 Luật SHTT nêu trên chính là phiên bản tiếng Việt (theo ngôn ngữ pháp lý hay được gọi chính thức là “nội luật hóa”) của quy tắc “giới hạn và ngoại lệ” (limitations and exceptions) được quy định bởi TRIPs và Công ước Berne (cũng như của WCT, WPPT nhưng Việt Nam chưa tham gia hai công ước này).

Tương tự như Việt Nam, Mỹ cũng đưa quy tắc “giới hạn và ngoại lệ” mà nó có nghĩa vụ phải tuân thủ vì  Mỹ cũng là thành viên của Công ước Berne từ 01/03/1989) nhưng quy tắc “giới hạn và ngoại lệ” ở Mỹ có tên gọi là “fair use[11]” – tên một học thuyết pháp lý nổi tiếng về quyền tác giả - được quy định tại điều 107[12] Luật Quyền tác giả của Mỹ. Cần lưu ý rằng trong nhiều tài liệu và sách báo của Việt Nam liên quan đến vấn đề quyền tác giả fair use hay được dịch thành “sử dụng hợp lý”[13]. Như vậy, các khái niệm “sử dụng hợp lý”, “giới hạn và ngoại lệ” hay “sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả thù lao”/ “sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả thù lao” đều có cùng một bản chất là giới hạn phạm vi thực thi quyền độc quyền sao chép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan và đồng thời nó cũng có ý nghĩa pháp lý vô cùng quan trọng là giúp xác định một hành vi sử dụng tác phẩm có bản quyền (truyện, phim, tác phẩm nhiếp ảnh,…) hoặc sử dụng quyền liên quan (cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng) có thuộc vào trường hợp “sử dụng hợp lý” hay không?. Cũng bằng cách xác định có hay không có “sử dụng hợp lý”(fair use) như đã nêu mới có thể giúp cơ quan có thẩm quyền kết luận hành vi sử dụng tác phẩm đã công bố mà không xin phép và cũng không trả tiền cho chủ thể quyền có phải là hành vi xâm phạm quyền độc quyền của chủ thể quyền hay không?

Trước khi Việt Nam tham gia Công ước Berne, thực ra Việt Nam đã đưa phép thử 3 bước này vào pháp luật quốc gia của mình từ khá sớm, thậm chí còn trước khi Việt Nam ban hành Luật SHTT đến cả 10 năm. Cụ thể, phép thử 3 bước có thể tìm thấy tại điều 760 và 761 Bộ luật dân sự năm 1995[14] nhưng đáng tiếc là phép thử 3 bước này chưa bao giờ được áp dụng đúng đắn bởi hệ thống xét xử vào thời điểm Bộ luật dân sự 1995 đang có hiệu lực. Một trong các ví dụ có thể thấy rõ nhất là vụ án liên quan đến 2 nhà kiều học là ông Nguyễn Quảng Tuân và Đào Thái Tôn, theo đó nguyên đơn, ông Nguyễn Quảng Tuân kiện bị đơn, ông Đào Thái Tôn vì đã có hành vi sao chép toàn văn 4 bài viết của nguyên đơn mà không xin phép vào cuốn sách của bị đơn có tên gọi “Văn bản truyện Kiều – nghiên cứu và thảo luận”. Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội tại bản án dân sự phúc thẩm số 127/2007/DSPT ngày 14/06/2007 tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm số 68/2006/DSST của TAND thành phố Hà Nội và phán quyết rằng bị đơn không xâm phạm quyền tác giả của nguyên đơn[15]. Điều đáng nói trong cả 2 bản án này là chẳng hề có phép thử 3 bước nào được phân tích và mổ xẻ. (Chi tiết vụ án này và bình luận của chúng tôi có thể tìm đọc tại link: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/How-Did-a-Vietnamese-Bench-Court-Err-in-Determining--%E2%80%9Cthe-Whole-Quotation-of-Other%E2%80%99s-Copyrighted-Writing%E2%80%9D-as-Fair-Use-in-a-Copyright-Infringement-Lawsuit)

 

Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.

 

Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Với nhiều năm kinh nghiệm nổi bật và năng lực chuyên môn sâu khác biệt, Bross & Partners có thể giúp khách hàng bảo vệ hoặc tự vệ một cách hiệu quả trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài liên quan đến bản quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu/thương hiệu và tên miền internet.

 

 


[1] “Phép thử ba bước” hay còn gọi là “phép kiểm tra 3 bước” trong tiếng Anh hay gọi là “Three-Step Test” thực chất là cách gọi khác để diễn giải ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả được nêu tại điều 9(2) Công ước Berne

[2] Tên tiếng Anh của Công ước này là Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works. Bản tiếng Anh có thể xem tại đường link: https://wipolex.wipo.int/en/text/283693

[3] Một điều rất đáng tiếc là rất nhiều bản dịch tiếng Việt của Điều 9(2) Công ước Berne đều mắc sai lầm nghiêm trọng ở chỗ đều dịch sai khi sử dụng liên từ “hoặc” (or) thay vì liên từ “và” (and) nối giữa điều kiện 2 (điều kiện 1 được nêu trước đó là “trong một số trường hợp đặc biệt”) - không xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm – “và” điều kiện 3 (chứ không phải “hoặc”) - và không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả so với bản gốc Công ước Bern bằng tiếng Anh được trích dẫn dưới đây từ link của WIPO như đã nêu ở footnote 2 (bản dịch sai có thể tìm thấy ở: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/So-huu-tri-tue/Cong-uoc-Berne-bao-ho-tac-pham-van-hoc-nghe-thuat-60106.aspx; trang 71 của cuốn “Các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập” thuộc Chương trình hợp tác đặc biệt Việt Nam – Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ, phát hành tháng 7/2002; hoặc thậm chí cũng bị dịch sai ngay tại bản dịch được đăng trên trang web của Cục bản quyền tác giả tại link: http://www.cov.gov.vn/cbq/index.php?option=com_content&view=article&id=129:-cong-c-berne-bo-h-cac-tac-phm-vn-hc-va-ngh-thut-co-hiu-lc-ti-vit-nam-t-ngay-26-thang-10-nm-2004&catid=45:cac-dieu-uoc-quoc-te&Itemid=82 )

Article 9 [Right of Reproduction: 1. Generally; 2. Possible exceptions; 3. Sound and visual recordings]

(1) Authors of literary and artistic works protected by this Convention shall have the exclusive right of authorizing the reproduction of these works, in any manner or form.

(2) It shall be a matter for legislation in the countries of the Union to permit the reproduction of such works in certain special cases, provided that such reproduction does not conflict with a normal exploitation of the work and does not unreasonably prejudice the legitimate interests of the author.

(3) Any sound or visual recording shall be considered as a reproduction for the purposes of this Convention.

[4] Khoản 5 điều 3 Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 định nghĩa “bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” theo đó căn cứ khoản 6 điều 28 Luật SHTT thì người nào không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả làm bản sao tác phẩm sẽ bị coi là đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền độc quyền sao chép của tác giả, chủ sở hữu quyền, trừ trường hợp hành vi của người này rơi phạm vi áp dụng của điểm a (tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân) và điểm đ (sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu) khoản 1 Điều 25 của Luật SHTT.

[5] Điều 13 TRIPs. Giới hạn và Ngoại lệ

Nước Thành viên phải xác định các giới hạn hoặc ngoại lệ đối với quyền độc quyền đối với một số trường hợp đặc biệt mà các trường hợp đó không được xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm và cũng  không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.

[6] Điều 10 WCT. Giới hạn và ngoại lệ

(1) Các bên ký kết có thể, trong luật pháp quốc gia của họ, quy định về những giới hạn hoặc ngoại lệ đối với các quyền được cấp cho các tác giả của tác phẩm văn học và nghệ thuật theo Hiệp ước này trong một số trường hợp đặc biệt không được xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm và cũng  không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.

(2) Các bên ký kết, khi áp dụng Công ước Berne, phải xác định các giới hạn hoặc ngoại lệ mọi những hạn chế hoặc ngoại lệ đối với các quyền được cấp đối với một số trường hợp đặc biệt không được xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm và cũng  không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.

[7] Điều 16 WPPT. Giới hạn và ngoại lệ

  1. Các bên ký kết có thể, trong luật pháp quốc gia của mình, quy định về cùng loại giới hạn và ngoại lệ liên quan đến việc bảo hộ người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm khi họ quy định, trong luật pháp quốc gia của họ, liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học.
  2. Các bên ký kết phải xác định các giới hạn hoặc ngoại lệ đối với các quyền được quy định trong Hiệp ước này đối với một số trường hợp đặc biệt không được xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm và cũng  không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.

[9] Điều 25 Luật SHTT. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

g) Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

3. Các quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.

[10] Điều 32 Luật SHTT. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

1. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân;

b) Tự sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy, trừ trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố để giảng dạy;

c) Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin;

d) Tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

[12] Xem Điều 107 of the US Copyright Act tại link: https://www.copyright.gov/title17/92chap1.html#107

[13] Thuật ngữ “sử dụng hợp lý” có thể tìm thấy ở bài viết “Vấn đề quyền tác giả trong hoạt động thư viện”, Ts. Lê Văn Viết, Hội thư viện Việt Nam tại link: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/van-de-quyen-tac-gia-trong-hoat-dong-thu-vien.html

[14] Điều 760. Bộ luật dân sự 1995. Giới hạn quyền tác giả

Cá nhân, tổ chức được sử dụng tác phẩm của người khác đã được công bố, phổ biến, nếu tác phẩm không bị cấm sao chụp và việc sử dụng đó không nhằm mục đích kinh doanh và không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không xâm hại đến các quyền lợi khác của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm; cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm không phải xin phép và không phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, nhưng phải ghi hoặc nhắc tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm.

Điều 761. Bộ luật dân sự 1995.Các hình thức sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả thù lao

1- Việc sử dụng tác phẩm quy định tại Điều 760 của Bộ luật này bao gồm các hình thức sau đây:

a) Sao lại tác phẩm để sử dụng riêng;

b) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai lạc ý của tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình;

c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai lạc ý của tác giả để viết báo, để dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

d) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai lạc ý của tác giả để giảng dạy, kiểm tra kiến thức trong nhà trường;

đ) Sao lại tác phẩm để lưu trữ, dùng trong thư viện;

e) Dịch, phổ biến tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam và ngược lại;

g) Biểu diễn các tác phẩm sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động ở nơi công cộng;

h) Ghi âm, ghi hình trực tiếp các buổi biểu diễn với tính chất đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

i) Chụp ảnh, truyền hình, giới thiệu hình ảnh của tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng trưng bày ở nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của các tác phẩm đó;

k) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi cho người mù.

2- Quyền sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với việc sao lại tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, phần mềm máy tính.

 

Bookmark and Share
Relatednews
Xâm phạm nhãn hiệu trên vũ trụ ảo nhìn từ vụ Hermes vs. Mason Rothschild ở tòa án Hoa Kỳ
Thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền tác giả ở Việt Nam, UK, Mỹ, EU và Trung Quốc
Cấp quyền nhân vật (merchandising rights) và các khía cạnh pháp lý cần lưu ý cho bên cấp quyền và bên nhận quyền
So sánh Đăng bạ chính (Principal Register) và Đăng bạ phụ (Supplemental Register) khi đăng ký nhãn hiệu ở USPTO
10 Key Changes in Enforcing Patent, Design, Trademark Rights via Administravive Measure under Revised Decree 99/2013/NĐ-CP
Qatar tham gia Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu
Thương hiệu giả mạo “Phở Thìn 13 Lò Đúc” bị hủy bỏ hiệu lực ở Hàn Quốc
10 thay đổi lớn về thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP sửa đổi
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.