3 vấn đề trọng tâm khi khởi kiện và tranh tụng trong vụ án
dân sự liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ tại tòa án Việt Nam
Luật sư Lê Quang Vinh – Bross & Partners
Email: vinh@bross.vn
Theo Luật SHTT 2022, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (nguyên đơn) có quyền áp dụng biện pháp dân sự bằng cách khởi kiện vụ án dân sự/vụ án kinh doanh thương mại yêu cầu tòa án buộc bên nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (bị đơn) chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại. Quyền khởi kiện, điều kiện khởi kiện và chứng cứ xâm phạm quyền SHTT là 3 vấn đề trọng tâm khi khởi kiện và tranh tụng vụ án sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
Tư cách khởi kiện (quyền khởi kiện)
Biện pháp dân sự theo quy định của pháp luật là biện pháp pháp lý độc lập dành cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, hoặc dành cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Tính chất độc lập này được hiểu rằng kể cả khi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc hình sự thì chủ thể quyền hoặc tổ chức, cá nhân bị thiệt hai do hành vi xâm phạm gây ra vẫn có tư cách nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự. Theo đó, cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án sở hữu trí tuệ thuộc 1 trong 3 nhóm chủ thể:
Nhóm 1: Chủ thể nắm tư cách chủ sở hữu quyền, tác giả, đồng tác giả liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đó gồm: chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp, chủ bằng bảo hộ giống cây trồng, chủ sở hữu quyền tác giả, tác giả, đồng tác giả liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, tác giả, đồng tác giả liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan, tác giả, đồng tác giả liên quan tới giống cây trồng
Nhóm 2: Các cá nhân, tổ chức khác được chuyển giao, thừa kế hoặc kế thừa quyền sở hữu trí tuệ
Nhóm 3: Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Quyền khởi kiện của tổ chức, cá nhân thuộc nhóm này thường được tiến hành bởi cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp, ví dụ Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhìn chung cơ quan, tổ chức (khác với nhóm 1 và nhóm 2) cũng có quyền khởi kiện vì lợi ích công cộng nếu thỏa mãn 2 điều kiện: (1) Cơ quan, tổ chức đó có những nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội về một lĩnh vực nhất định; và (2) lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước cần yêu cầu Toà án bảo vệ phải thuộc lĩnh vực do cơ quan, tổ chức đó phụ trách.[1]
Điều kiện khởi kiện
Đối với vụ việc liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan, pháp luật quy định quyền tác giả, quyền liên quan được xác lập được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Do vậy, không bị bắt buộc xuất trình giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan khi nộp hồ sơ khởi kiện. Thay vào đó điều kiện khởi kiện được coi là tuân thủ nếu nguyên đơn cung cấp bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá cùng với các tài liệu khác chứng minh việc tạo ra, công bố, phổ biến các đối tượng nói trên.
Cần lưu ý rằng quyền tác giả, quyền liên quan là đối tượng của vụ kiện phải còn trong thời hạn bảo hộ thì mới đáp ứng điều kiện khởi kiện. Tuy nhiên, cũng nên chú ý quyền nhân thân (trừ quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm có thời hạn bảo như quyền tài sản) không có thời hạn bảo hộ vì nó được bảo hộ vĩnh viễn, không thể chuyển giao cũng như không thể chuyển nhượng.
Trong khi đó, thời hạn bảo hộ của quyền tài sản sẽ khác nhau tùy theo loại hình tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Ví dụ, trường hợp tác phẩm đã được công bố, quyền tài sản của các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Nếu các tác phẩm tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.
Đối với nhóm các quyền sở hữu công nghiệp được xác lập dựa trên cơ sở đăng ký, gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ chỉ tồn tại dựa theo văn bằng bảo hộ đang có hiệu lực được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, cụ thể các văn bằng bảo hộ này có tên gọi tương ứng là bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích, giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Cũng cần lưu ý một số loại quyền sở hữu công nghiệp bắt buộc phải được gia hạn hoặc duy trì hiệu lực theo quy định, ví dụ, bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích phải nộp phí duy trì hiệu lực hàng năm bắt đầu từ thời điểm cấp cho đến hết thời hạn bảo hộ 20 năm hoặc 10 năm của chúng tương ứng tính từ ngày nộp đơn. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp phải được gia hạn hiệu lực 2 lần mỗi lần 5 năm tính từ thời điểm kết thúc kỳ hạn hiệu lực đầu tiên kéo dài 5 năm tính từ ngày nộp đơn. Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý hiệu lực vô hạn. Đối với nhãn hiệu, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc đăng ký quốc tế nhãn hiệu chỉ định/mở rộng vào Việt Nam có hiệu lực 10 năm tính từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày đăng ký quốc tế tương ứng và có thể gia hạn không hạn chế số lần, mỗi lần 10 năm.
Đối với giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp, hiệu lực của nó phát sinh từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số ba ngày sau:
(a) kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn
(b) kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới; hoặc
(c) kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.
Đối với các nhóm quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở không phải đăng ký (tên thương mại, bí mật kinh doanh, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và nhãn hiệu nổi tiếng). Đối với tên thương mại quyền sở hữu công nghiệp tồn tại dựa trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó; đối với bí mật kinh doanh là trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó; đối với quyền chống cạnh tranh không lành mạnh là trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh; đối với nhãn hiệu nổi tiếng là bằng chứng, tài liệu thể hiện các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại Điều 75 của Luật SHTT và giải trình về quá trình sử dụng để nhãn hiệu trở thành nổi tiếng.
Đối với vụ việc liên quan đến giống cây trồng, quyền đối với giống cây trồng chỉ được xác lập trên cơ sở phải đăng ký, cụ thể là dựa trên quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của Văn phòng bảo vệ giống cây trồng - Cục trồng trọt – Bộ NN&PTNT. Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết hai mươi lăm năm đối với giống cây thân gỗ và cây nho; hoặc đến hết hai mươi năm đối với các giống cây trồng khác với điều kiện lệ phí duy trì hiệu lực trong thời hạn 3 tháng sau ngày cấp bằng đối với năm hiệu lực đầu tiên và cứ vào tháng đầu tiên của mỗi năm hiệu lực tiếp theo được nộp theo quy định.
Chứng cứ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Pháp luật quy định chỉ được xem là có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi và chỉ khi hành vi đó thỏa mãn đồng thời 4 yếu tố: (1) đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi đối tượng được bảo hộ; (2) có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét; (3) cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi xâm phạm không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đó hoặc không phải là người được chủ thể quyền cho phép sử dụng đối tượng đó; và (4) hành vi bị xem xét xảy ra ở Việt Nam
Trong số 4 yếu tố nêu trên, yếu tố thứ 2 - có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét – thường đóng vai trò là chứng cứ quan trọng nhất. Việc xác định có hay không có yếu tố xâm phạm là khác nhau tùy theo hình thức bảo hộ pháp lý khác nhau, chẳng hạn dưới đây là nguyên tắc xác định yếu tố xâm phạm đối với sáng chế, nhãn hiệu, quyền tác giả, và giống cây trồng.
Đối với sáng chế, yếu tố xâm phạm có thể tồn tại ở 1 trong 3 dạng sau khi so sánh phạm vi bảo hộ của bằng độc quyền sáng chế với đối tượng bị nghi ngờ xâm phạm: (1) sản phẩm hoặc bộ phận (phần) sản phẩm trùng hoặc tương đương với sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế; (2) quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế; (3) sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm được sản xuất theo quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế.
Đối với nhãn hiệu (ngoại trừ đối với nhãn hiệu nổi tiếng), dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm quyền nhãn hiệu của người khác chỉ được coi là chứa yếu tố xâm phạm khi và chỉ khi thỏa mãn 2 điều kiện: (a) dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ, và (b) hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu bị nghi ngờ xâm phạm trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
Đối với quyền tác giả, bằng cách so sánh đối tượng bị nghi ngờ xâm phạm với đối tượng được bảo hộ, yếu tố xâm phạm có thể được tìm thấy nếu thuộc 1 trong 5 dạng: (1) bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép; (2) tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép; (3) tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả; (4) phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép; (5) sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả bị vô hiệu hoá trái phép.
Đối với quyền đối với giống cây trồng, yếu tố xâm phạm quyền có thể tìm thấy nếu thuộc 1 trong 4 dạng sau khi so sánh đối tượng nghi ngờ xâm phạm với bằng bảo hộ giống cây trồng, bản mô tả giống cây trồng được cơ quan bảo hộ giống cây trồng xác nhận: (1) sử dụng vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ để thực hiện các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật SHTT mà không được phép của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng; (2) sử dụng vật liệu nhân giống của các giống cây trồng quy định tại Điều 187 của Luật SHTT; (3) sử dụng tên của một giống cây trồng cùng loài hoặc loài gần với loài của giống được bảo hộ mà tên này trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên của giống cây trồng được bảo hộ; (4) hành vi (1) hoặc (2) nêu trên còn có thể áp dụng đối với vật liệu thu hoạch nếu chủ bằng bảo hộ giống cây trồng chưa có điều kiện hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân giống của cùng giống đó.
Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) trong 3 năm liên tục (2021-2023) bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm tranh tụng các vụ án sở hữu trí tuệ tại Tòa án hoặc tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu và quyền tác giả ở Việt Nam và nước ngoài.
Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.
[1] Xem khoản 3, 4 điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và điểm 2.1 Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 12/05/2006