Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xâm phạm
quyền sở hữu trí tuệ theo hướng dẫn mới của Tòa án nhân dân tối cao
Luật sư Lê Quang Vinh – Bross & Partners
Email: vinh@bross.vn
Bồi thường thiệt hại là yêu cầu trung tâm của biện pháp dân sự vì nó cho phép chủ thể quyền thông qua vụ kiện dân sự có thể yêu cầu tòa án buộc bên xâm phạm phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra cho mình. Dưới đây Bross & Partners giới thiệu quy tắc mới về xác định trách nhiệm BTTHNHĐ mới được ban hành bởi Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền tài sản nhưng cũng là quyền dân sự nên nó phải được tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật. Với tư cách là quyền dân sự, quyền sở hữu trí tuệ có thể được xác lập dựa trên nhiều căn cứ khác nhau, trong đó bao gồm xác lập dựa trên kết quả lao động, sản xuất, kinh doanh, kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những chế tài pháp lý nhằm bảo vệ quyền dân sự khi bị xâm phạm có đặc trưng ở chỗ bên đòi bồi thường thiệt hại và bên bị yêu cầu bồi thường thiệt hại không bị ràng buộc bởi bất kỳ quan hệ hợp đồng nào.
Ngoài việc chủ thể quyền có thể lựa chọn biện pháp hành chính, hoặc thâm chí đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý có quy mô thương mại, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm còn có quyền khởi kiện vụ án dân sự hoặc vụ án kinh doanh thương mại nhằm bảo vệ quyền dân sự - quyền SHTT được pháp luật bảo hộ.
Theo Luật SHTT 2022, ngoài việc có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại tinh thần từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (Nguyên đơn) có thể chọn một trong ba căn cứ để đòi Bị đơn thanh toán thiệt hại vật chất: (1) thiệt hại vật chất gây ra cho nguyên đơn cộng với lợi nhuận mà bị đơn thu được; hoặc (2) giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện; hoặc (3) yêu cầu tòa án ấn định mức bồi thường thiệt hại về vật chất không quá 500 triệu đồng. Ngoài 2 loại thiệt hại nêu trên, Nguyên đơn còn có quyền Bị đơn bồi hoàn chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại chẳng hạn như phí luật sư, giám định, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, lưu kho,…
Ví dụ, theo bản án sơ thẩm số 32/2015/KDTM-ST ngày 17/07/2015, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội chấp nhận đơn khởi kiện và quyết định buộc Bị đơn bồi thường cho Nguyên đơn 2.230.595.000đ trong đó gồm: (a) tổn thất cơ hội kinh doanh: 431.595.000đ; (b) lợi nhuận bất hợp pháp do Bị đơn thu được từ việc sử dụng dấu hiệu SEXTRA xâm phạm nhãn hiệu SEFTRA: 1.169.000.000đ; và (c) chi phí thuê luật sư: 630.000.000đ
Tòa án tối cao hướng dẫn xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Bộ luật dân sự 2015 (“BLDS”) là đạo luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự trong đó có quan hệ quyền sở hữu trí tuệ và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Điều 584 BLDS quy định rằng người nào có hành vi xâm phạm uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp,…của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Nhằm hướng dẫn thi hành Điều 584 BLDS, ngày 6/9/2022 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP (“Nghị Quyết 02”) quy định về 3 căn cứ bắt buộc mà Nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với Bị đơn, cụ thể gồm:
1. Có hành vi xâm phạm uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của người khác; và
2. Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần; và
3. Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Nghị Quyết 02 quy định thiệt hại về vật chất phải là tổn thất vật chất thực tế được tính thành tiền gồm tổn thất về tài sản không khắc phục được, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, chi phí hợp lý để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại. Trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần, Nguyên đơn phải chứng minh được tổn thất tinh thần do bị xâm phạm uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác
Bồi thường thiệt hại phải được đảm bảo bồi hoàn toàn bộ và kịp thời theo đó vấn đề bồi thường trong vụ án hình sự, vụ án hành chính phải được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình, vụ án hành chính. Tuy nhiên, trường hợp chưa có điều kiện để chứng minh và nếu không làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án hình, vụ án hành chính thì vấn đề bồi thường có thể tách ra giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Riêng đối với thiệt hại về uy tín, Nghị Quyết 02 hướng dẫn các tòa án chấp nhận chi phí hạn chế, khắc phục thiệt hại gồm: chi phí thu hồi, xóa bỏ vật phẩm có nội dung ảnh hưởng đến uy tín của người bị thiệt hại; chi phí thu thập tài liệu, chứng cứ; chi phí cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khác với mức bồi thường tối đa cho một người có uy tín bị xâm phạm theo Điều 592.2 BLDS không quá 10 lần mức lương cơ sở, bồi thường thiệt hại về tinh thần khi bị đơn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng với ngưỡng tối thiểu là 5 triệu và ngưỡng tối đa là 50 triệu đồng.
Về thời hiệu, Nghị Quyết 02 quy định nếu thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước hoặc sau ngày 01/01/2017 (ngày BLDS có hiệu lực) thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm kể từ ngày nguyên đơn biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm
Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) trong 3 năm liên tục (2021-2023) bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm tranh tụng các vụ án sở hữu trí tuệ tại Tòa án hoặc tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu và quyền tác giả ở Việt Nam và nước ngoài.
Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.