Đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Trung Quốc: 2 hệ thống đăng ký
và sự khác nhau giữa chúng
Luật sư Lê Quang Vinh – Bross & Partners
Email: vinh@bross.vn
Là hãng luật sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) bởi Legal 500 Asia Pacific có nhiều kinh nghiệm tư vấn và tranh tụng quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc, Bross & Partners chia sẻ dưới đây một phần bài tham luận của luật sư Lê Quang Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ mời trình bày tại hội thảo “Đăng ký bảo hộ, quản lý và khai thác phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Trung Quốc” được tổ chức ngày 20/07/2023 tại Hà Nội.
Hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý: thu gọn từ 3 thành 2
Theo quy định cũ, chủ thể quyền của Việt Nam (hoặc nước ngoài) có thể xem xét chọn một trong ba hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Trung Quốc để bảo hộ cho các chỉ dẫn địa lý của mình vì Trung Quốc có 3 khung pháp lý khác nhau về bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hệ thống đầu tiên là bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo pháp luật nhãn hiệu (còn gọi là “nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý”) dưới vai trò giám sát của Cơ quan sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA). Hệ thống thứ hai gồm quy định của Tổng cục giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch (AQSIQ) liên quan đến bảo hộ sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Và hệ thống thứ ba chỉ bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Nông thôn (MARA).
Tuy nhiên, theo thông tin được các chuyên gia CNIPA chính thức cập nhật tại Hội thảo “Đăng ký bảo hộ, quản lý và khai thác phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Trung Quốc” diễn ra ngày 20/07/2023 tổ chức tại Khu liên cơ Võ Chí Công, 258 Võ Chí Công, Hà Nội thì mới đây Trung Quốc đã hợp nhất chức năng bảo hộ chỉ dẫn địa lý được trao cho Tổng cục giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch (AQSIQ) trở thành thuộc thẩm quyền của CNIPA. Điều này có nghĩa Hệ thống số 2 trong 3 Hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Trung Quốc đã bị bãi bỏ.
Như vậy, chỉ có 2 hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo pháp luật hiện hành của Trung Quốc gồm: (1) bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Luật nhãn hiệu 2019 mà hay được gọi là nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý (đăng ký chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận, hoặc nhãn hiệu tập thể) dưới vai trò giám sát của CNIPA; và (2) bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Nông thôn (“Quy định MARA”)
Nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý
Trung Quốc định nghĩa nhãn hiệu đã đăng ký nghĩa là nhãn hiệu đã được phê duyệt và đăng ký bởi CNIPA gồm nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận.
Theo pháp luật Trung Quốc, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể đều có thể chuyển nhượng cho tổ chức khác miễn là bên nhận chuyển nhượng cũng thỏa mãn các điều kiện về tư cách nộp đơn giống như người nộp đơn/người đăng ký ban đầu.
Tính đến năm 2020, Trung Quốc chấp thuận bảo hộ 2.391 chỉ dẫn địa lý và 6.085 chỉ dẫn địa lý đăng ký dưới dạng nhãn hiệu (tạm gọi tắt là “nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý”) nghĩa là chỉ dẫn địa lý được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận.[1]
Liên quan đến việc sử dụng, các thành viên tập thể của người nộp đơn/người đăng ký có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể sau khi đáp ứng các điều kiện do quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể quy định. Đối với nhãn hiệu chứng nhận, bất kỳ bên thứ ba có thỏa mãn điều kiện quy định trong quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đều được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, và người đăng ký không được phép từ chối cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng trong mọi trường hợp, người đăng ký nhãn hiệu không được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận gắn với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hoặc cung ứng bởi chính mình.
Cần đặc biệt lưu ý CNIPA thẩm định rất chặt tư cách nộp đơn và quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Hơn nữa, pháp luật Trung Quốc quy định mọi sửa đổi được làm bởi người đăng ký nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận đối với quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận đều phải được nộp cho CNIPA xét nghiệm và phê duyệt, và chỉ khi sửa đổi được phê duyệt bởi CNIPA mới có hiệu lực. Như vậy, việc hiểu và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng minh thỏa mãn điều kiện, yêu cầu, nội dung bắt buộc phải có trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận là tối quan trọng giúp đảm bảo khả năng đăng ký thành công ở Trung Quốc.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu tập thể
Nhãn hiệu tập thể có nghĩa là nhãn hiệu được đăng ký dưới tên của pháp nhân, hiệp hội hoặc tổ chức khác để được sử dụng bởi các thành viên của nó trong hoạt động thương mại nhằm chỉ dẫn tư cách thành viên của tổ chức đó.[2]
Về tư cách nộp đơn, CNIPA quy định bất kỳ bên nào xin đăng ký chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu tập thể phải cung cấp tài liệu chứng thực tư cách của người nộp đơn và nộp tài liệu thông tin và thiết bị thử nghiệm của mình hoặc ủy thác bên thứ ba chứng minh năng lực giám sát chất lượng hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý đó. Người nộp đơn được xem là có tư cách nộp đơn thường phải là hiệp hội, hội hoặc các tổ chức phi lợi nhuận, và người nộp đơn cũng phải có thành viên thuộc khu vực địa lý gắn liền với chỉ dẫn địa lý.
Về quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, CNIPA yêu cầu quy chế phải có các nội dung sau: (1) mục đích sử dụng nhãn hiệu tập thể; (2) chất lượng hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý mà được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể; (3) quy trình sử dụng nhãn hiệu tập thể; (4) quyền và nghĩa vụ gắn liền với việc sử dụng nhãn hiệu tập thể; (5) trách nhiệm của thành viên vi phạm quy chế; (6) hệ thống kiểm tra, giám sát của người nộp đơn/người đăng ký đối với hàng hóa mang nhãn hiệu tập thể.
Theo quy định mới được ban hành dưới dạng hỏi đáp bởi CNIPA ngày 23/04/2020,[3] liên quan đến chất lượng hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý mà được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể, CNIPA quy định chất lượng hàng hóa đề cập ở quy chế phải được nêu rõ là theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn địa phương hoặc thâm chí cũng có thể là tiêu chuẩn do người đăng ký mô tả. CNIPA cũng giải thích thêm tiêu chuẩn quy định bởi người nộp đơn phải tuyên bố rõ ràng yêu cầu chất lượng của hàng hóa mang nhãn hiệu tập thể, chứ không thể quy định tiêu chuẩn không liên quan đến chất lượng của hàng hóa mang nhãn hiệu tập thể.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận
Nhãn hiệu chứng nhận nghĩa là bất kỳ nhãn hiệu nào được kiểm soát bởi tổ chức chịu trách nhiệm giám sát hàng hóa, dịch vụ và được sử dụng bởi bên thứ ba gắn liền với hàng hóa, dịch vụ của bên thứ ba để chứng nhận nguồn gốc, nguyên liệu, phương pháp sản xuất, chất lượng hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.
Về quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, CNIPA yêu cầu quy chế phải có các nội dung sau: (1) mục đích sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; (2) chất lượng hàng hóa đặc thù mang chỉ dẫn địa lý mà được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận; (3) điều kiện sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; (4) thủ tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; (5) quyền và nghĩa vụ gắn liền với việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; (6) trách nhiệm của người sử dụng nếu vi phạm quy chế; (7) hệ thống kiểm tra, giám sát của người nộp đơn/người đăng ký đối với hàng hóa mang nhãn hiệu chứng nhận.
Khác với tiêu chuẩn chất lượng của nhãn hiệu tập thể, CNIPA tuyên bố rằng việc tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia không đủ thỏa mãn điều kiện sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Nghĩa là chất lượng hàng hóa mang nhãn hiệu chứng nhận phải cao hơn tiêu chuẩn quốc gia. Người nộp đơn phải mô tả chi tiết nguyên liệu, phương pháp sản xuất, chất lượng hoặc tiêu chuẩn chất lượng đặc thù một cách cụ thể để người sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và người tiêu dùng biết thông qua quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận mà hàng hóa, dịch vụ có sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khác biệt với hàng hóa, dịch vụ tương tự bằng sự vượt trội về tiêu chuẩn bắt buộc đó.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Quy định MARA
Cần lưu ý rằng sản phẩm chỉ dẫn địa lý (GI products) được cấp bởi AQSIQ không bao gồm sản phẩm nông nghiệp vì sản phẩm nông nghiệp yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GIs of agricultural products) được quy định ở Quy định về quản lý chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông nghiệp được ban hành bởi MARA (“Quy định MARA”). Theo đó, sản phẩm nông nghiệp gồm sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp, cụ thể là thực vật, động vật, vi sinh vật và các sản phẩm thu được từ chúng.[4]
Theo Quy định MARA, chủ thể có tư cách nộp đơn là các tổ chức hợp tác kinh tế của nông dân hoặc các hiệp hội công nghiệp được phê duyệt bởi chính quyền địa phương nếu thỏa mãn các điều kiện:
o Họ phải có năng lực giám sát, quản lý chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm đó
o Họ phải có năng lực cung cấp hướng dẫn, sản xuất, chế biến, tiếp thị sản phẩm nông nghiệp mang chỉ dẫn địa lý
o Họ cũng phải có năng lực chịu trách nhiệm dân sự độc lập
Hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp gồm:
o Tờ khai đăng ký
o Giấy chứng nhận tư cách pháp lý của người nộp đơn
o Mô tả đặc tính điển hình của sản phẩm và báo cáo thanh kiểm tra chất lượng sản phẩm
o Điều kiện môi trường của khu vực sản xuất sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với việc sản xuất và tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm
o Tài liệu xác định phạm vi địa lý và bản đồ phân bổ địa lý của sản phẩm
o Mẫu sản phẩm hoặc ảnh chụp của sản phẩm
o Tài liệu hoặc bằng chứng khác có liên quan chứng minh đặc tính của sản phẩm
Theo Quy định MARA, tương tự như thủ tục đăng ký sản phẩm chỉ dẫn địa lý, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp trước hết được nộp cho sở nông nghiệp địa phương xét nghiệm sơ bộ và cũng phải được thẩm định tại chỗ trong vòng 45 ngày làm việc kể từ ngày đơn được chấp nhận. Sau đó, sở nông nghiệp phải gửi ý kiến đánh giá sơ bộ của mình cho MARA. Trong vòng 20 ngày làm việc, MARA phải đánh giá hồ sơ và tổ chức hội đồng chuyên gia thẩm định hồ sơ. Nếu được hội đồng chuyên gia chấp thuận, MARA sẽ công bố công khai chấp thuận đơn để bên thứ ba có thể phản đối trong vòng 20 ngày. Nếu không có phản đối hoặc phản đối không được chấp nhận, MARA sẽ cho đăng ký chỉ dẫn địa lý và công bố việc đăng ký chỉ dẫn địa lý kèm theo giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp cùng với thông tin tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý
Phân biệt 2 phương thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam có thể đăng ký ở Trung Quốc dưới một trong hai phương thức kể trên gồm nhãn hiệu chứng nhận/nhãn hiệu tập thể, và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp. Sự khác nhau giữa hai phương thức này có thể được tóm lược bằng các đặc trưng sau:
o Về luật áp dụng, chỉ dẫn địa lý nếu được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận (hay còn gọi tắt là nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý) thì nó phải tuân thủ Luật nhãn hiệu Trung Quốc 2019. Trường hợp chỉ dẫn địa lý xin đăng ký cho các sản phẩm nông nghiệp (chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp) thì phải tuân thủ Quy định MARA
o Về cơ quan có thẩm quyền cấp bảo hộ, nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý phải được nộp đơn, thẩm định và phê duyệt bởi CNIPA trong khi chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp muốn được bảo hộ phải nộp đơn đăng ký và được phê duyệt cấp bởi CNIPA và MARA tương ứng.
o Về thủ tục thẩm định đơn đăng ký, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý được thẩm định theo Luật nhãn hiệu 2019 trong khi hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp được thẩm định theo quy trình thủ tục được quy định bởi Quy định MARA
o Về thời hạn bảo hộ, nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý được bảo hộ 10 năm như nhãn hiệu thông thường trong khi chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ vĩnh viễn
o Về phạm vi đối tượng yêu cầu bảo hộ, nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý chỉ có thể được cấp cho hàng hóa (không áp dụng cho dịch vụ). Chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nông nghiệp áp dụng cho sản phẩm nông nghiệp.[5]
Sơ đồ dưới đây mô tả phạm vi và đối tượng bảo hộ chỉ dẫn địa lý được vận hành theo 3 hệ thống (cũ) thuộc thẩm quyền của 3 cơ quan khác nhau gồm SAIC (nay là CNIPA), AQSIQ, và MOA (nay là MARA), trong đó cần chú ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Quy định của AQSIQ đã bị bãi bỏ.
Hình 1: Tỷ lệ % GI được cấp đăng ký bởi CNIPA, AQSIQ và MARA[6]
Hình 2: (Từ trái qua phải): Logo bảo hộ GI của CNIPA, AQSIQ và MARA
Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) năm 2021 bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bao gồm nhãn hiệu (thương hiệu), chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng ở Việt Nam và nước ngoài.
Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.
[1] Chỉ dẫn địa lý đăng ký dưới dạng nhãn hiệu hay còn gọi là nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý (GI trademark) là thuật ngữ được sử dụng bởi CNIPA. Xem thêm báo cáo thường niên CNIPA năm 2020: down.jsp (cnipa.gov.cn)
[2] Xem Điều 3 Luật nhãn hiệu Trung Quốc sửa đổi năm 2019
[5] Nguồn: EU-CHINA IPR2 – Q&A Manual China Legislation on Geographical Indications
[6] Nguồn: The Legal Protection of China’s Geographical Indications in the Context of TRIPs Agreement, Zhu Yuanhua, Song Wei, Ghulam Nabi, International Journal of Business and Social Science, Vol. 7, No. 2, February 2016