Ghi chỉ dẫn sai về sở hữu công nghiệp trên hàng hóa: Coi chừng bị xử phạt đến 20 triệu đồng
Luật sư Lê Quang Vinh – Bross & Partners
Email: vinh@bross.vn
Việc ghi chỉ dẫn, dù vô tình hay cố ý, trên bao bì thông tin rằng nhãn hiệu, kiểu dáng, hoặc sáng chế đã được đăng ký trong khi sự thực không phải vậy sẽ bị xem là vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà hệ quả là thương nhân, doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 99/2013 sửa đổi theo Nghị định 126/2021/NĐ-CP. Giải thích 4 điểm ngắn gọn sau của Bross & Partners giúp doanh nghiệp tránh bị xử phạt.
-
Bao bì hàng hóa hoặc nhãn hàng hóa thường chứa thông tin, chỉ dẫn thương mại là nhằm 2 mục đích: (a) đảm bảo nghĩa vụ tuân thủ quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa;[1] (b) dấu hiệu, thông tin, chỉ dẫn thương mại trên hàng hóa có mục đích hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và phân biệt các sản phẩm cùng loại mà trong số các chỉ dẫn thương mại này thông thường có thể chứa các quyền sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế. Chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế (nếu đã đăng ký) được pháp luật cho hưởng quyền độc quyền sử dụng, khai thác sản phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế đó.[2]
-
Hành vi cung cấp thông tin chỉ dẫn thương mại sai lệch, hoặc chỉ dẫn không đúng về sự tồn tại của các quyền độc quyền này sẽ làm người tiêu dùng hiểu lầm khi chọn mua hàng hóa của các đối thủ cạnh tranh khác nhau. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật quy định rằng các hành vi chỉ dẫn sai về đối tượng (yếu tố) được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, hoặc chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý của quyền sở hữu công nghiệp, hoặc chỉ dẫn sai về hàng hóa được sản xuất theo hợp đồng sử dụng quyền sở hữu công nghiệp (hợp đồng li-xăng) đều bị xem là vi phạm pháp luật hành chính. Hệ quả là thương nhân có thể bị lực lượng chức năng (Quản lý thị trường) áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả là buộc sửa đổi, bổ sung đối với việc ghi chỉ dẫn sai hoặc chỉ dẫn không đúng, hoặc buộc cải chính công khai đối với việc chỉ dẫn sai về chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.
-
Hành vi chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về tình trạng pháp lý của quyền sở hữu công nghiệp thường biểu hiện dưới dạng in hoặc ghi trên bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh thông tin chỉ dẫn rằng “nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền”, “nhãn hiệu đã được bảo hộ”, “nhãn hiệu thuộc độc quyền của…”, hoặc sử dụng ký hiệu chữ ® (ký hiệu quốc tế chỉ dẫn là nhãn hiệu đã đăng ký); hoặc thông tin chỉ dẫn rằng “hàng hóa được bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp”, “hàng hóa được bảo hộ độc quyền sáng chế” bao gồm cả việc chỉ sử dụng chữ “P” hoặc “Patent” (ký hiệu quốc tế chỉ dẫn rằng sản phẩm được bảo hộ sáng chế) trong khi sự thực là không có/chưa có nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế nào được cấp bảo hộ.
-
Trường hợp nội dung ghi trên hàng hóa thông tin chỉ dẫn rằng “được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của…” hoặc chỉ dẫn có nghĩa tương tự như vậy, bất kể bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài trong khi thực tế không có bằng chứng về chuyển giao li-xăng (quyền sử dụng) hợp pháp quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật, hoặc trong trường hợp có tồn tại hợp đồng li-xăng hợp pháp nhưng thương nhân lại không ghi thông tin chỉ rằng “hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng li-xăng” cũng bị xem là cấu thành hành vi chỉ dẫn sai hoặc không ghi chỉ dẫn.[3]
Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) trong 3 năm liên tục (2021-2023) bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có nhiều kinh nghiệm đăng ký và giải quyết tranh nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng ở Việt Nam và nước ngoài.
Liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603; linkedin: (4) Le Quang Vinh | LinkedIn
[1] Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi theo Nghị định 111/2021/NĐ-CP, hàng hóa lưu thông tại Việt Nam hoặc hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện ghi nhãn hàng hóa (bao gồm cả nhãn phụ). Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
[3] Xem Điều 6 Nghị định 99/2013 sửa đổi theo Nghị định 126/2021/NĐ-CP, Điều 7 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 99/2013
|