Giới thiệu tổng quan về Hệ thống đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp
theo Thỏa ước La-hay mà Việt Nam mới gia nhập có hiệu lực từ 1/1/2020
Email to: vinh@bross.vn
Với việc Việt Nam vừa ký gia nhập Thỏa ước La-hay[1] (The Hague Agreement) về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, kể từ ngày 2/1/2020 người nộp đơn có quốc tịch Việt Nam bắt đầu có thêm một lựa chọn nữa để bảo hộ kiểu dáng sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài ngoài cách truyền thống là mỗi nước nộp một đơn đăng ký vừa gây tốn kém vừa mất thời gian. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu nhanh những đặc trưng cơ bản của Hệ thống mới này tới các doanh nghiệp có sản phẩm có nhu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài.
Ai có thể sử dụng Hệ thống đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp?
Chỉ người nộp đơn (cá nhân hoặc tổ chức) đáp ứng một trong ba điều kiện sau thì mới có thể nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng
-
Có quốc tịch thuộc nước thành viên La-hay hoặc công dân của nước thành viên thuộc tổ chức liên Chính Phủ như Liên minh Châu Âu (EU) hoặc Tổ chức sở hữu trí tuệ Châu Phi (OAPI) là thành viên của Lahay;
-
Có nơi cư trú tại lãnh thổ của một nước là thành viên La-hay
-
Có cơ sở hoạt động sản xuất hoặc kinh doanh thực thụ tại lãnh thổ thuộc nước thành viên La-hay
Các nước thành viên của La-hay
Hiện tại có 71 quốc gia (đã tính cả tổ chức liên Chính phủ như EU và OAPI) trong đó gồm Việt Nam mới tham gia Thỏa ước La-hay[2]. Để dễ theo dõi, Quý doanh nghiệp có thể xem bản đồ
9 đặc điểm chủ yếu của Hệ thống La-hay
-
Đơn quốc tế có thể nộp bằng tiếng Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha và bằng hình thức nộp đơn điện tử thông qua giao diện nộp đơn điện tử của WIPO hoặc bằng hình thức nộp bản giấy theo mẫu (form) có sẵn của WIPO
-
Khác với đơn sáng chế quốc tế dựa theo hệ thống PCT hoặc đơn nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid vốn bắt buộc phải có đơn xuất xứ hoặc đơn/đăng ký cơ sở, Lahay không bắt buộc kiểu dáng của bạn phải đã được ộp đơn hoặc đã được cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam
-
Đơn kiểu dáng quốc tế phải kèm theo bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ của kiểu dáng và nêu rõ quốc gia thành viên của La-hay mà bạn có nhu cầu bảo hộ. Đặc biệt là đơn kiểu dáng quốc tế có thể chứa tới 100 kiểu dáng khác nhau miễn là chúng cùng thuộc một chỉ số phân loại Locarno. Ví dụ: 09-03 gồm hộp, hòm, vali, thùng chứa, lon, can (Boxes, cases, containers, tins, cans)
-
Thời hạn công bố kiểu dáng quốc tế là 6 tháng tính từ ngày đăng ký quốc tế kiểu dáng. Người nộp đơn có thể yêu cầu công bố ngay hoặc có thể yêu cầu trì hoãn công bố trong thời hạn không quá 12 tháng (theo Thỏa ước năm 1960) hoặc 30 tháng (theo Thỏa ước năm 1999) tính từ ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên
-
Đơn quốc tế kiểu dáng cần nộp kèm phí đăng ký kiểu dáng cho WIPO bằng đồng Francs Thụy Sĩ gồm 3 loại: phí cơ bản (397CHF cho 1 kiểu dáng và 19CHF cho mỗi kiểu dáng tiếp theo); phí công bố (17CHF cho mỗi ảnh công bố); và phí cho mỗi nước chỉ định (có thể là phí tiêu chuẩn là 42CHF - đối với cấp độ 1- cho kiểu dáng thứ nhất - hoặc 60CHF đối với cấp độ 2- kèm 2 CHF hoặc 20CHF cho mỗi kiểu dáng tiếp theo, hoặc phí riêng tùy theo tuyên bố của mỗi nước thành viên tuyên bố khi gia nhập Lahay)[3].
-
Ngoài phí riêng mà các nước thành viên có thể tuyên bố với WIPO như mục 5 kể trên, các nước thành viên có quyền tuyên bố bảo lưu yêu cầu riêng để tuân thủ pháp luật quốc gia của mình, bao gồm tuyên bố về hồ sơ, điều kiện bảo hộ và thời hạn bảo hộ chẳng hạn như yêu cầu thêm hình chiếu (Hàn Quốc), yêu cầu tính thống nhất của đơn đăng ký (Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản), bổ sung bản mô tả kiểu dáng (Romania và Syria), yêu cầu người nộp đơn nói rõ phần hoặc ví trí đòi quyền độc quyền đối với kiểu dáng (Mĩ), không chấp nhận trì hoãn công bố (Hoa Kỳ, Nga) hoặc chấp nhận trì hoãn công bố không quá 30 tháng (Brunei-12 tháng, Cambodia -12 tháng, Singapore – 18 tháng)[4]
-
Kiểu dáng quốc tế có hiệu lực trong thời hạn đầu tiên 5 năm và có thể gia hạn cứ sau mỗi 5 năm tiếp theo miễn là tổng thời hạn bảo hộ của nó, tùy theo lựa chọn của mỗi nước thành viên, ít nhất là 15 năm hoặc thậm chí có thể nhiều nhất là 50 năm. Ví dụ: Monaco (50 năm), Mỹ (15 năm), Liên minh Châu Âu (25 năm), Nhật Bản (20 năm)
-
Văn phòng quốc tế thuộc WIPO (sau đây gọi tắt là WIPO) cụ thể là đóng vai trò là cơ quan trung gian trong quá trình xử lý đơn quốc tế kiểu dáng công nghiệp, cụ thể nó chịu trách nhiệm tiếp nhận đơn quốc tế và xét nghiệm hình thức, trong đó chủ yếu chỉ tập trung vào đánh giá bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ của kiểu dáng có đạt tiêu chuẩn không và phí có nộp đủ không trước khi cấp số đăng ký quốc tế, công bố trên công báo quốc tế (international design bulletin) trong vòng 6 tháng từ ngày đăng ký quốc tế trừ khi người nộp đơn yêu cầu trì hoãn công bố, và chuyển hồ sơ cho các nước thành viên được chỉ định. WIPO không xét nghiệm nội dung, nghĩa là không kết luận, đánh giá liệu kiểu dáng có đáp ứng tiêu chuẩn tính mới (novelty) hoặc tiêu chuẩn tính sáng tạo (non-obviousness) – những công việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan pa-tăng quốc gia (patent office) của mỗi nước được chỉ định.
-
Nước thành viên có thể quyền từ chối bảo hộ toàn bộ hoặc từng phần kiểu dáng quốc tế bằng văn bản gửi WIPO trong vòng 6 tháng tính từ ngày công bố trên website của WIPO. Tuy vậy, trường hợp luật quốc gia của nước thành viên quy định cơ chế phản đối đơn thì nước thành viên đó có thể áp dụng thời hạn từ chối là 12 tháng.
Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Bross & Partners có kinh nghiệm và năng lực hỗ trợ khách hàng đăng ký bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp ở EU cũng như có đủ khả năng hỗ trợ giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và EU.
[1] Thỏa ước La-hay có tên gọi tiếng Anh là the Hague Agreement gồm 2 đạo luật là Đạo luật Lahay năm 1960 (the Hague Act of 1960) ký ngày 28/11/1960 và Đạo luật Giơnevơ năm 1999 (the Geneva Act of 1999) ký ngày 2/7/1999. Việt Nam nộp văn kiện chỉ tham gia Đạo luật Giơnevơ năm 1999 chứ không tham gia Đạo luật Lahay năm 1960