Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh: Tình bạn hay kẻ thù?
Luật sư Lê Quang Vinh – Bross & Partners
Email: vinh@bross.vn
Giao thoa giữa pháp luật sở hữu trí tuệ (dưới đây gọi tắt là “Luật sở hữu trí tuệ 2022”) và pháp luật cạnh tranh hay còn gọi là pháp luật chống độc quyền (dưới đây gọi tắt là “Luật cạnh tranh 2018”) là một vấn đề phức tạp. Bài viết dưới đây (được đăng trên tờ Kinh Tế Sài Gòn ngày 29/06/2023) khái lược mối quan hệ qua lại giữa 2 luật này để cảnh báo các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có nhiều tài sản sở hữu trí tuệ (đặc biệt là sáng chế) nguy cơ bị “soi” về khả năng thực hiện hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Luật sở hữu trí tuệ 2022 và Luật cạnh tranh 2018: hòa hợp hay xung đột?
Luật sở hữu trí tuệ 2022 bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ (quyền tài sản), chẳng hạn như hình thức thể hiện của ý tưởng dưới dạng các tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học (quyền tác giả), sáng tạo kỹ thuật (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng), hoặc chỉ dẫn nguồn gốc thương mại (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại). Bảo hộ pháp lý quyền sở hữu trí tuệ thực chất là hợp pháp hóa quyền độc quyền sử dụng, khai thác thương mại sản phẩm mang quyền sở hữu trí tuệ.
Thông qua hệ thống cấp bảo hộ độc quyền có ấn định thời hạn bảo hộ (ví dụ như thời hạn độc quyền sáng chế là 20 năm),[1] Luật sở hữu trí tuệ 2022 được tin rằng một mặt nó giúp chủ thể quyền có thể thu hồi được đủ giá trị vật chất bù đắp cho quá trình họ đã đầu tư nghiên cứu, và mặt khác nó giúp khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đổi mới để tạo ra sự khác biệt trên thị trường. Biện hộ về ý nghĩa bảo hộ pháp lý đối với quyền sở hữu trí tuệ, WIPO cho rằng sở hữu trí tuệ cho phép người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm được bán bởi các doanh nghiệp cạnh tranh. Không có bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp kém hiệu quả hơn sẽ tìm cách sao chép sản phẩm của đối thủ cạnh tranh hiệu quả hơn. Như thế, đối thủ cạnh tranh hiệu quả hơn sẽ mất động lực cải thiện hoặc cung cấp sản phẩm mới và cả xã hội nói chung cũng thua cuộc. Trong bối cảnh đó, sở hữu trí tuệ chỉ thực hiện vai trò đảm bảo cạnh tranh quan trọng đó khi nó bảo vệ được sự khác biệt một cách thực sự.[2] Như vậy, mục tiêu của luật sở hữu trí tuệ 2022 là khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để được hưởng quyền độc quyền sử dụng sáng tạo đó. Đồng thời luật sở hữu trí tuệ 2022 còn có mục tiêu là giúp người tiêu dùng tiếp cận được với sản phẩm, dịch vụ chính hiệu khác biệt.
Luật cạnh tranh 2018 có nhiệm vụ chống độc quyền, thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền tự do cạnh tranh, ngăn chặn, kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh bao gồm cả hành vi lạm dụng vị trí độc quyền mà có thể gây tổn hại tới cạnh tranh và người tiêu dùng.[3] Dưới góc độ tiêu dùng, nếu luật chống độc quyền 2018 hoạt động hiệu quả, người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hàng hóa, dịch vụ hơn cũng như có thể tiếp cận được sản phẩm chất lượng có giá cả phải chăng hơn. Dưới góc độ sản xuất, các nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ phải nỗ lực nhiều hơn để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động thông qua việc tiếp tục nghiên cứu đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất. Như vậy, Luật cạnh tranh 2018 cũng có mục tiêu giống như Luật sở hữu trí tuệ 2022 ở chỗ chúng cùng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cùng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy vậy, bất luận 2 luật trên có mục tiêu giống nhau nhưng thực tế cho thấy rõ ràng là đang có xung đột, mâu thuẫn nhất định giữa chúng. Cụ thể, một doanh nghiệp có nhiều tài sản sở hữu trí tuệ (đặc biệt là sáng chế) thì thường có sức mạnh thị trường đáng kể. Luật cạnh tranh 2018 xác định doanh nghiệp có thị phần từ 30% trên lên trên thị trường liên quan được coi là doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể để được xếp vào nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.[4]
Và một khi đã có sức mạnh thị trường đáng kể thì doanh nghiệp đó dễ có nguy cơ thực hiện hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường thông qua việc áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ, ấn định giá bán lại hoặc áp dụng các điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia thị trường. Giáo sư Mark A. Lemley (Stanford Law School) cho rằng luật chống độc quyền phục vụ mục tiêu cạnh tranh bằng cách đảm bảo rằng thị trường không bị thống trị bất công bởi một hãng duy nhất, và bằng cách đảm bảo rằng các đối thủ cạnh tranh giả định không thông đồng để tránh tác động cạnh tranh. Theo nghĩa đó, quyền sở hữu trí tuệ dường như đi ngược lại thị trường cạnh tranh tự do ở chỗ các quyền sở hữu trí tuệ đó hạn chế đối thủ khác sao chép hoặc bắt chước nỗ lực trí tuệ của tác giả hoặc nhà sáng chế. Sự tồn tại của quyền sở hữu trí tuệ có thể cho phép chủ thể quyền tính giá độc quyền hoặc để hạn chế cạnh tranh, chẳng hạn như bằng cách kiểm soát việc sử dụng ý tưởng ở các sản phẩm tiếp theo.[5]
Khi nào là bạn khi nào là thù?
Luật sở hữu trí tuệ 2022 và luật cạnh tranh 2018 là bạn của nhau khi và chỉ khi chúng cùng đạt được mục tiêu chung là khuyến khích đổi mới, sáng tạo và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ngược lại, chúng có thể trở thành kẻ thù của nhau (giống như nhiều người quan niệm)[6] nếu các quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ không chính xác hoặc phạm vi bảo hộ của chúng được xác định không đúng, ví dụ như một bằng độc quyền sáng chế bị cấp sai, một nhãn hiệu đã đăng ký được bảo hộ rộng hơn so với phạm vi đáng lẽ nó được hưởng. Luật sở hữu trí tuệ 2022 cũng trở thành kẻ thù của Luật cạnh tranh 2018, nếu quyền sở hữu trí tuệ bị lạm dụng, chẳng hạn chủ bằng sáng chế định giá sáng chế quá cao khi đàm phán li-xăng, hoặc từ chối cấp li-xăng, hoặc cấp li-xăng theo cách phân biệt đối xử vi phạm điều khoản FRAND (fair, reasonable and non-discriminatory), hoặc các công ty dược phẩm sử dụng chiến thuật “vĩnh cửu hóa” (evergreen) để kéo dài thời hạn bảo hộ của sáng chế sắp hết hạn của họ để ngăn chặn đối thủ, đặc biệt là các công ty dược phẩm generic, gia nhập thị trường.
Nhiều quốc gia như EU, Mỹ, Trung Quốc[7] đã ban hành chính sách riêng nhằm giải quyết xung đột giữa pháp luật cạnh tranh với pháp luật sở hữu trí tuệ, đặc biệt là công cụ pháp lý kiểm soát tình trạng lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ. Phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần có công cụ pháp lý chống độc quyền về sở hữu trí tuệ gây tổn hại đến Luật cạnh tranh 2018?
Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) trong 3 năm liên tục (2021-2023) bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm tranh tụng các vụ án sở hữu trí tuệ tại Tòa án hoặc tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu và quyền tác giả ở Việt Nam và nước ngoài.
Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.
[1] Xem Điều 6, khoản 1 Điều 7, Điều 19, Điều 20, Điều 29-31, Điều 123, Điều 185-187 Luật sở hữu trí tuệ 2022
[3] Điều 1, khoản 2 Điều 3, khoản 5 Điều 3, Điều 6, điểm g khoản 1 Điều 26, khoản 1 Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018.
[4] Khoản 1 Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018 quy định “Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan” và điểm g khoản 1 Điều 26 Luật cạnh tranh 2018 xác định “quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ” là một trong các yếu tố cần xem xét khi xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp.
[5] Mark A. Lemley, William H. Neukom Professor, Stanford Law School, “A New Balance Between IP and Antitrust”, Southwestern Journal of Law and Trade in the Americas, April 2007, Vol. 13
[6] Xem thêm Charles Pommiès, Peter McDonald and David Shen, “IPR and China’s Anti-Monopoly Law: Friends or Foes?”, Antitrust, Vol. 31, No. 2, Spring 2017, the American Bar Association. Hoặc xem thêm Karun Sanjaya, Symbiosis International University, “Competition Law and IPRs: Friends or Foes?”
[7] Chẳng hạn như ở Trung Quốc, tháng 8/2020, Hướng dẫn chống độc quyền trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc (Antitrust Bureau of the State Administration for Market Regulation) được ban hành bởi Cục chống độc quyền thuộc Tổng Cục quản lý thị trường (SAMR)