CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) là hiệp định thương mại tự do giữa Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn có 12 nước. CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 sau khi Australia trở thành nước thứ 6 phê chuẩn hiệp định này, sau New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore. CPTPP gồm 11 nước với tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỉ USD, khoảng 13% GDP toàn cầu. Ngày 12/11/2018 Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn thông qua CPTPP, đưa Việt Nam trở thành là quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP. Căn cứ văn bản thông báo số LGL/CPTPPD/2018-15 của New Zealand, CPTPP chính thức phát sinh hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019
Những thay đổi pháp lý đặc biệt quan trọng cần lưu ý kể từ ngày 14/01/2019
Vì điều 6 của Luật Điều ước quốc tế của Việt Nam năm 2016 quy định trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp[1]. Như vậy, trong bối cảnh Việt Nam chưa kịp sửa Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp quy khác có liên quan trong khi một số điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ trong CPTPP khác với Luật sở hữu trí tuệ hiện hành dẫn đến việc Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Cục SHTT) phải ban hành Thông báo số 1926/TB-SHTT ngày 01/02/2019[2] hướng dẫn cách thức áp dụng CPTPP. Dưới đây là một số thông tin tóm tắt và bình luận thêm của chúng tôi để bạn đọc tham khảo:
-
Đình chỉ hiệu lực đối với khoản 2 điều 148[3] Luật sở hữu trí tuệ quy định hợp đồng li-xăng (hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu) chỉ có hiệu lực giữa các bên mà không có hiệu lực với bên thứ 3 nếu nó không được đăng ký với Cục SHTT
Điều 18.27 CPTPP quy định rằng không nước ký kết nào được phép yêu cầu rằng hợp đồng li-xăng phải đăng ký chỉ vì một trong hai mục đích: (a) để xác lập hiệu lực pháp lý của hợp đồng đó, hoặc (b) làm điều kiện để việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận li-xăng được xem như là sử dụng bởi bên giao li-xăng trong thủ tục liên quan tới việc xác lập, duy trì và thực thi nhãn hiệu
sử dụng nhãn hiệu[4]
Như vậy, nói một cách dễ hiểu hơn kể từ ngày 14/01/2019 khoản 2 điều 148 Luật sở hữu trí tuệ mặc nhiên bị mất hiệu lực từ đó dẫn đến 2 hệ quả pháp lý:
(a) hợp đồng li-xăng kể cả trường hợp không đem đăng ký với Cục SHTT sẽ vẫn có hiệu lực với bên thứ 3, và
(b) việc sử dụng nhãn hiệu li-xăng trong thương mại bởi bên nhận li-xăng cũng được xem như thể là việc sử dụng nhãn hiệu li-xăng bởi bên giao li-xăng trong các tranh chấp bên khác có yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu li-xăng vì lý do 5 năm không sử dụng
-
Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng quy tắc cho phép ân hạn mất tính mới trong vòng 12 tháng đối với đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích
Khoản 3 điều 60 Luật SHTT quy định chỉ có 3 trường hợp sáng chế đã bị bộc lộ trước ngày nộp đơn đăng ký với điều kiện đơn đăng ký sáng chế này được nộp cho Cục SHTT không quá 6 tháng kể từ ngày bộc lộ:
a) Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;
b) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
c) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
Tuy nhiên, do CPTPP đã có hiệu lực nên điều 18.38[5] đã làm thay đổi căn bản quy tắc ân hạn mất tính mới nêu trên, theo đó quy tắc mới được áp dụng kể từ ngày 14/01/2019 sẽ là:
-
Sáng chế được bộc lộ công khai bởi người có quyền đăng ký sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người có quyền đăng ký sáng chế (bất kể cách có được thông tin này là có sự đồng ý hay không có sự đồng ý của người có quyền đăng ký sáng chế); và
-
Việc bộc lộ công khai trong trường hợp nêu trên xảy ra trong thời hạn không quá 12 tháng trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục SHTT (không tính ngày ưu tiên)
Hệ quả của quy tắc mới là thông tin bộc lộ công khai trong trường hợp nêu trên không được lấy làm tài liệu đối chứng (không thuộc “tình trạng kỹ thuật”) để xác định tính mới hoặc tính sáng tạo của sáng chế liên quan. Lấy một ví dụ đơn giản để minh hoa: sáng chế/giải pháp hữu ích A được tạo ra và nộp đơn đăng ký bởi B ngày 14/01/2019 nhưng thực tế cho thấy B đã đã bộc lộ thông tin công khai sáng chế này trên website và cũng đã khai thác sử dụng sáng chế này trước ngày 14/01/2019 thì trong trường hợp này quy tắc ân hạn mất tính mới trong vòng 12 tháng được áp dụng (nếu đơn sáng chế này được nộp ngày 13/01/2019 thì nó bị xem là mất tính mới theo điều 60 Luật SHTT)
-
Từ chối hoặc hủy bỏ chỉ dẫn địa lý do “có khả năng gây nhầm lẫn” thay vì “sẽ gây nhầm lẫn” với quyền nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam
Theo khoản 3 điều 80 Luật SHTT, đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ bị từ chối bảo hộ nếu dấu hiệu xin bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm. Trong khi đó Điều 18.32.1.b CPTPP lại áp đặt nghĩa vụ đối với Việt Nam là phải quy định chỉ dẫn địa lý có thể bị từ chối khi có ý kiến của người thứ ba phản đối việc bảo hộ hoặc công nhận chỉ dẫn địa lý này trên cơ sở việc bảo hộ hoặc công nhận chỉ dẫn địa lý đó có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ ở Việt Nam. Như vậy, do ảnh hưởng của CPTPP quy tắc này có sự thay đổi căn bản là ý kiến phản đối của người thứ ba trên cơ sở “sẽ gây nhầm lẫn” phải được thay thế bằng “có khả năng gây nhầm lẫn”.
Hệ quả của việc này cũng kéo theo thay đổi về cách thức tiến hành đánh giá khả năng gây nhầm lẫn, cụ thể là Cục SHTT sẽ phải tính đến thực tế là chỉ dẫn địa lý thường là đối tượng tồn tại trước (không phụ thuộc vào việc đã đăng ký hay chưa) và được nhiều người biết đến, thậm chí nổi tiếng, do đó có khả năng “bị nhầm lẫn” nhiều hơn là “gây nhầm lẫn” cho nhãn hiệu.
-
Thủ tục hành chính áp dụng đối với việc bảo hộ hoặc công nhận chỉ dẫn địa lý dưới dạng dịch nghĩa hoặc phiên âm cũng phải được áp dụng tương tự như đối với chỉ dẫn địa lý thông thường
Điều 18.32.5 CPTPP quy định “nếu một Bên quy định việc bảo hộ hoặc công nhận một chỉ dẫn địa lý theo các thủ tục đề cập tại Điều 18.31 (Thủ tục hành chính về bảo hộ và công nhận chỉ dẫn địa lý) cho dạng dịch nghĩa hoặc phiên tự (phiên âm) của chỉ dẫn địa lý đó, thì Bên đó phải có các thủ tục tương đương với, và các cơ sở trùng với, những thủ tục và cơ sở được quy định tại khoản 1 và 2 đối với dạng dịch nghĩa hoặc phiên tự (phiên âm) này. Căn cứ quy định này, Cục SHTT hướng dẫn rằng các đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý ở dạng dịch nghĩa hoặc phiên âm được nộp kể từ ngày CPTPP có hiệu lực được xử lý như đối với đăng ký chỉ dẫn địa lý thông thường
-
Quy tắc đánh giá một thuật ngữ có phải là tên gọi chung của hàng hóa tại Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền phải có quyền xem xét xem người tiêu dùng hiểu thuật ngữ tại Việt Nam như thế nào
Đây là một nghĩa vụ được áp đặt bởi CPTPP tại điều 18.33 thực chất là làm rõ thêm quy định về thủ tục bảo hộ hoặc công nhận chỉ dẫn địa lý ở điều 18.32.5 và quy định về từ chối hoặc hủy bỏ chỉ dẫn địa lý theo điều 18.32.1.b nêu trên mà có liên quan trực tiếp tới các tên gọi, chỉ dẫn, nếu đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa ở Việt Nam, thì là đối tượng loại trừ bảo hộ dưới danh nghĩa chỉ dẫn địa lý theo khoản 1 điều 80 Luật SHTT. Theo đó, việc xác định chỉ dẫn địa lý có phải là tên gọi chung của hàng hóa hay không theo CPTPP buộc phải thực hiện thông qua phép thử 2 bước:
-
Tên gọi, chỉ dẫn hoặc thuật ngữ đó có hay không được sử dụng để đề cập đến loại hàng hóa đang được xem xét tại các nguồn thông tin như từ điển, báo chí, báo cáo nghiên cứu thị trường, website liên quan; và
-
Sản phẩm được đề cập bởi tên gọi, chỉ dẫn hoặc thuật ngữ đó được đưa ra thị trường và sử dụng trong thương mại như thế nào tại Việt Nam (sử dụng trong tiêu chuẩn quốc tế được thừa nhận để đề cập đến một loại hoặc nhóm hàng hóa, ví dụ: biểu thuế xuất nhập khẩu,…)
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Bross & Partners có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu hỗ trợ khách hàng trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài bao gồm cả các vấn đề liên quan đến hợp đồng li-xăng, hợp đồng nhượng quyền thương mại và hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.
[1] Khoản 1 điều 6 Luật Điều ước quốc tế ngày 9/4/2016 có hiệu lực từ 1/7/2016
[3] Điều 148. Hiệu lực của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
2. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật này, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
[4] Nguyên văn tiếng Anh Article 18.27: Non-Recordal of a Licence
No Party shall require recordal of trademark licences: (a) to establish the validity of the licence; or (b) as a condition for use of a trademark by a licensee to be deemed to constitute use by the holder in a proceeding that relates to the acquisition, maintenance or enforcement of trademarks.
[5] Nguyên văn tiếng Anh Article 18.38: Grace Period
Each Party shall disregard at least information contained in public disclosures used to determine if an invention is novel or has an inventive step, if the public disclosure: (a) was made by the patent applicant or by a person that obtained the information directly or indirectly from the patent applicant; and (b) occurred within 12 months prior to the date of the filing of the application in the territory of the Party