Phản đối cấp bảo hộ nhãn hiệu ở Trung Quốc: Hành động pháp lý sớm nhất có thể giúp ngăn chặn khả năng mất thương hiệu
Luật sư Lê Quang Vinh – Bross & Partners
Email: vinh@bross.vn
11 tháng là thời gian trung bình để giành đăng ký độc quyền nhãn hiệu ở Cơ quan sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA). Vì thế, nộp phản đối cấp nhãn hiệu (thường vào tháng thứ 7/11) chính là hành động pháp lý có thể giúp ngăn chặn sớm nhất nguy cơ mất thương hiệu ở Trung Quốc.[1] Bross & Partners khái quát thủ tục phản đối nhãn hiệu theo Luật nhãn hiệu 2019 của Trung Quốc.
Thú tục phản đối nhãn hiệu tại CNIPA
Luật nhãn hiệu 2019 của Trung Quốc cho phép bên thứ ba phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu (nhãn hiệu quốc gia, tức nhãn hiệu nộp trực tiếp với CNIPA) trong vòng 3 tháng tính từ ngày nhãn hiệu xin đăng ký được công bố bởi CNIPA. Cần nhớ rằng khác với Việt Nam, CNIPA chỉ phê duyệt sơ bộ và cho công bố nhãn hiệu xin đăng ký nào không vi phạm căn cứ tuyệt đối hoặc căn cứ tương đối.
Đối với nhãn hiệu quốc tế (nộp qua Hệ thống Madrid chỉ định Trung Quốc), có 3 điểm khác biệt cần lưu ý khi so với thủ tục phản đối nhãn hiệu quốc gia:
-
Khác về công báo được công bố: nhãn hiệu quốc tế chỉ được công bố theo công báo tiếng Anh hàng tuần của WIPO [WIPO Madrid Monitor] trong khi nhãn hiệu quốc gia được công bố trên công báo tiếng Trung của CNIPA
-
Khác về trình tự thẩm định: nhãn hiệu quốc tế được công bố để phản đối trước khi xét nghiệm nội dung trong khi nhãn hiệu quốc gia không được công bố cho tới khi nó được phê duyệt sơ bộ
-
Khác về thời hạn phản đối: thời hạn phản đối nhãn hiệu quốc tế là 3 tháng tính từ ngày đầu tiên của tháng liền sau tháng công bố bởi WIPO trong khi thời hạn phản đối nhãn hiệu quốc gia cố định là 3 tháng tính từ ngày công bố.
Về tư cách nộp đơn phản đối, chỉ chủ sở hữu quyền có trước hoặc bên thứ ba có quyền lợi ích liên quan nếu nhãn hiệu đã công bố mới có quyền nộp đơn phản đối nếu một trong căn cứ pháp lý nêu tại Điều 13 (đoạn 2 & 3), Điều 15, Điều 16 (đoạn 1), Điều 31 bị xem là vi phạm. Tuy nhiên, bất kỳ bên thứ ba có thể nộp đơn phản đối nếu cho rằng nhãn hiệu đã công bố đó vi phạm Điều 4, Điều 10, Điều 11, Điều 12 hoặc Điều 19 (đoạn 4).
Bên phản đối phải nộp lệ phí nhà nước là 450RMB nếu nộp trực tuyến hoặc 500RMB nếu nộp bản giấy áp dụng cho một nhãn hiệu bị phản đối/nhóm sản phẩm bị phản đối chứa không quá 10 sản phẩm (tương đương 1,490,000VND hoặc 1,650,000VND).
Nếu không có phản đối được nộp đúng hạn, CNIPA sẽ phê duyệt, cấp đăng ký nhãn hiệu. Khi đó chủ sở hữu nhãn hiệu xin đăng ký chính thức có quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu đó ở lãnh thổ Trung Quốc. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm tính ngày nhãn hiệu xin đăng ký được phê duyệt. Nhãn hiệu đã đăng ký chỉ phát sinh hiệu lực trên toàn lãnh thổ của Trung Quốc đại lục, nghĩa là quyền nhãn hiệu không có hiệu lực ở Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan.
Trên cơ sở xem xét chứng cứ, lập luận và căn cứ pháp lý mà bên phản đối và bên bị phản đối đã nộp trong quá trình phản đối, trong thời hạn 12 tháng (trường hợp phức tạp không quá 18 tháng) CNIPA sẽ ra quyết định phê duyệt đăng ký, từ chối toàn bộ hoặc từ chối một phần.
Nếu bên phản đối không đồng ý với quyết định của CNIPA thì có thể thực hiện thủ tục hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu sau khi nó đã được công bố. Trường hợp bên bị phản đối không đồng ý với quyết định của CNIPA thì có thể nộp đơn khiếu nại và khởi kiện ra tòa cấp sơ thẩm (Tòa sở hữu trí tuệ Bắc Kinh) và tòa cấp phúc thẩm (Tòa cấp cao sở hữu trí tuệ Bắc Kinh).
Căn cứ pháp lý để phản đối nhãn hiệu
Nhìn chung dấu hiệu xin đăng ký làm nhãn hiệu ở Trung Quốc phải tuân thủ đồng thời 5 nguyên tắc:
(1) không thuộc trường hợp bị cấm đăng ký và sử dụng
(2) dấu hiệu có khả năng phân biệt
(3) không xung đột với quyền có trước của người khác
(4) không thuộc các trường hợp nộp đơn không trung thực (bad faith) bao gồm cả nộp đơn không có ý định sử dụng hoặc nộp đơn có tính chất độc hại.
(5) không xâm phạm nhãn hiệu tương tự đã đăng ký có trước của người khác, hoặc không xâm phạm nhãn hiệu có trước không đăng ký của người khác nhưng có ảnh hưởng nhất định, hoặc không xâm phạm nhãn hiệu của người khác đạt được tình trạng nổi tiếng.[2] Các nguyên tắc nêu trên được cụ thể hóa thành các căn cứ tuyệt đối và căn cứ tương đối ở bảng tóm tắt dưới đây.
Để có thể giành chiến thắng trong một vụ phản đối, vì thế, bên phản đối phải viện dẫn được chính xác căn cứ tuyệt đối hoặc/và căn cứ tương đối kèm theo bằng chứng và lập luận chứng minh rằng nhãn hiệu bị phản đối vi phạm điều luật đó.
Căn cứ tuyệt đối
|
Căn cứ tương đối
|
Điều 4: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với động cơ không trung thực, không nhằm mục đích sử dụng.
Điều 10: Các dấu hiệu bị cấm đăng ký hoặc sử dụng làm nhãn hiệu
Điều 11: Các dấu hiệu không được đăng ký là nhãn hiệu
Điều 12: Các dấu hiệu ba chiều thể hiện chức năng của hàng hóa, không được đăng ký là nhãn hiệu
Điều 19 (Khoản 4): Nhãn hiệu đăng ký là tên của một tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp nhưng đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không phải là dịch vụ đại diện pháp lý thuộc Nhóm 45 của Bảng phân loại Nice
Điều 44: Nhãn hiệu có được bằng cách lừa đảo hoặc các phương thức không chính đáng khác
|
Điều 13: Xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng đã tồn tại trước
Điều 15: Nhãn hiệu của người khác mà chủ đơn có quan hệ đại lý, đại diện hoặc quan hệ kinh doanh khác
Điều 16: Xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý của người khác
Điều 30 và Điều 31: Xâm phạm quyền nhãn hiệu có trước đã đăng ký hoặc quyền nhãn hiệu có trước đã nộp đơn
Điều 32 (đoạn 1): Xâm phạm quyền tồn tại trước của người khác khác với quyền nhãn hiệu
Điều 32 (đoạn 2): Trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và có ảnh hưởng nhất định
|
Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) trong 3 năm liên tục (2021-2023) bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có nhiều kinh nghiệm liên quan đến đăng ký và giải quyết tranh chấp nhãn hiệu (thương hiệu) ở Trung Quốc.
Vui lòng liên hệ Email: vinh@bross.vn; Mobile: 0903287057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.
[2] Xem các Điều 9, 10, 11, 12, 13, 15 & 16 Luật nhãn hiệu Trung Quốc năm 2019