Quan điểm của Liên minh Châu Âu về vấn đề xác định phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng nhìn từ vụ Intel Corporation Inc. kiện CPM United Kingdom Limited (Case C‑252/07)[1]
Quan điểm pháp lý của Liên minh Châu Âu về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng có thể được tìm thấy trong vụ Intel Corporation Inc. kiện CPM United Kingdom Limited (Case C‑252/07).
Intel Corporation là chủ sở hữu nhãn hiệu chữ INTEL đăng ký tại Anh cùng với nhiều đăng ký quốc gia bao gồm cả nhãn hiệu cộng đồng chứa chữ INTEL. Hàng hóa/dịch vụ đăng ký mang nhãn hiệu INTEL gồm máy tính và các thứ liên quan đến máy tính thuộc nhóm 9, 16, 38 và 42. INTEL là nhãn hiệu có danh tiếng cao (huge reputation) ở Anh cho sản phẩm chip điện tử, sản phẩm đa phương tiện và phần mềm. CPM United Kingdom Ltd (“CPM”) là chủ sở hữu nhãn hiệu quốc gia cho chữ INTELMARK đăng ký tại Anh có hiệu lực từ 31/1/1997 gắn liền với dịch vụ ‘tiếp thị và tiếp thị từ xa’ ở nhóm 35. Ngày 31/10/2003 Intel Corporation nộp yêu câu hủy bỏ hiệu lực của INTELMARK với lý do việc sử dụng nhãn hiệu này hoặc lợi dụng hoặc gây tổn hại đến đặc tính phân biệt hoặc danh tiếng của nhãn hiệu có trước INTEL. Cơ quan sở hữu trí tuệ Anh bác bỏ yêu cầu hủy ngày 1/2/2006. Đơn kháng cáo của Intel Corporation tiếp tiếp tục bị bác bởi Tòa công lý cấp cao thuộc Anh và xứ Wales ngày 27/6/2006. Intel Corporation tiếp tục kháng cáo lên Tòa phúc thẩm thuộc Anh và xứ Wales dựa theo cả Điều 4(4)(a) và Điều 5(2) Chỉ thị 89/104 của Nghị viện Châu Âu vốn đều cho phép bảo hộ nhãn hiệu có danh tiếng chống lại hành vi làm lu mờ (dilution).
Tòa công lý cấp cao cho rằng thứ nhất INTEL là từ tự đặt không có nghĩa và nó cũng là nhãn hiệu độc đáo theo nhận thức rằng nó chưa được sử dụng bởi bên thứ ba cho bất kỳ hàng hóa/dịch vụ khác với sản phẩm của Inter Corporation, và INTEL có danh tiếng cao ở Anh cho máy tính và sản phẩm có liên quan đến máy tính. Tòa án cũng nhận định INTEL và INTELMARK là tương tự nhưng bắt nguồn từ tiền đề rằng việc sử dụng INTELMARK không gợi ý đến Intel Corporation, và sản phẩm mang các nhãn hiệu là khác nhau. Tuy nhiên, do không chắc chắn trong các trường hợp nào thì chủ nhãn hiệu có trước có danh tiếng được phép bảo hộ theo điều 4(4) của Chỉ thị 89/104, Tòa công lý cấp cao hỏi Tòa công lý Châu Âu (CJEC) rằng nhãn hiệu có trước có danh tiếng cao gắn với một vài sản phẩm cụ thể mà các sản phẩm này khác hẳn một cách cơ bản với sản phẩm của nhãn hiệu có sau trong khi nhãn hiệu có trước được xem là độc đáo khi gắn với bất kỳ sản phẩm nào và nhãn hiệu có trước có thể được gợi nhớ đến khi khách hàng bắt gặp nhãn hiệu sau thì (i) đã đủ xác lập “mối liên hệ” (link) giữa hai nhãn hiệu chưa?, và (ii) đã đủ căn cứ xác lập trường hợp lợi dụng uy tín hoặc gây tổn hại cho đặc tính phân biệt của nhãn hiệu trước hay không[2]?
Trả lời câu hỏi của Tòa công lý cấp cao, trong phán quyết của mình CJEC cho rằng các sự kiện trên đảm bảo căn cứ người tiêu dùng có thể nhận biết được mối liên hệ giữa hai nhãn hiệu INTEL và INTELMARK. Tuy nhiên, chỉ có mối liên hệ là chưa đủ để đảm bảo cho quyết định INTELMARK lợi dụng uy tín hoặc gây tổn hại đối với đặc tính phân biệt và danh tiếng của INTEL mà cần phải có bằng chứng chứng minh sự thay đổi tập tính kinh tế của người tiêu dùng nói chung khi tiêu thụ hàng hóa/dịch vụ của nhãn hiệu đã đăng ký là kết quả của việc sử dụng nhãn hiệu sau hoặc một khả năng lớn mà thay đổi này sẽ xảy ra trong tương lai[3]. Vì Intel Corporation không cung cấp được bằng chứng chứng minh sự thay đổi tập tính kinh tế của người tiêu dùng nên CJEU phán quyết rằng toàn bộ sự kiện và bằng chứng được nêu bởi Tòa công lý cấp cao là chưa đủ chứng minh rằng việc sử dụng nhãn hiệu sau lợi dụng hoặc sẽ lợi dụng, hoặc gây tổn hại, đến đặc tính phân biệt hoặc uy tín của nhãn hiệu trước, trong phạm vi ý nghĩa của Điều 4(4)(a) Chỉ thị 89/104[4].
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Bross & Partners có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu hỗ trợ khách hàng trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài bao gồm cả Mỹ, Canada, Trung Quốc, Thailand. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.
[1] Trích Báo cáo nghiên cứu thuộc Dự án bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp công bố ngày 17/11/2017 tại Hà Nội và được phát hành bởi Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật năm 2017 bởi đồng tác giả Ls. Lê Quang Vinh và Ts. Phan Ngọc Tâm
[2] Điều 5(2) Chỉ thị 89/104 quy định:
Bất kỳ Nước Thành Viên cũng phải quy định rằng chủ thể quyền có quyền ngăn chặn bất kỳ bên thứ 3, mà không có sự cho phép của chủ thể quyền, sử dụng trong thương mại bất kỳ dấu hiệu nào mà trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu dùng cho hàng hóa/dịch vụ mà không tương tự với hàng hóa/dịch vụ của nhãn hiệu đã đăng ký, nếu nhãn hiệu sau có danh tiếng ở Nước Thành Viên và nếu việc sử dụng dấu hiệu đó, mà không có nguyên do chính đáng (due cause), là nhằm lợi dụng, hoặc gây tổn hại đến đặc tính phân biệt hoặc danh tiếng của nhãn hiệu đó.
Chúng tôi tạm dịch từ ”due cause” là nguyên do chính đáng mặc dù nó có thể không thực sự chính xác. Theo Case C-65/12 (điểm 60), được coi là sử dụng một dấu hiệu có ”due cause” nếu nó được sử dụng trước ngày nộp đơn của nhãn hiệu đã đăng ký mà được hưởng danh tiếng và nó sử dụng một cách trung thực (good faith) cho hàng hóa/dịch vụ trùng với hàng hóa/dịch vụ được nêu trong đăng ký bảo hộ của nhãn hiệu http://curia.europa.eu/juris/document/document.jsf?docid=147501&doclang=EN
[4] Điều 4(4)(a) Bất kỳ Nước Thành Viên có thể quy định thêm một nhãn hiệu không được đăng ký hoặc nếu đã đăng ký thì phải bị tuyên bố là vô hiệu, trong trường hợp và trong chừng mực mà:
nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu quốc gia theo nghĩa của đoạn 2 điều này mà xin đăng ký hoặc đã được đăng ký cho hàng hóa/dịch vụ không tương tự với hàng hóa/dịch vụ mà nhãn hiệu có trước đã đăng ký, mà nhãn hiệu có trước có danh tiếng ở một Nước Thành Viên liên quan và nếu việc sử dụng nhãn hiệu sau, mà không có nguyên do xác đáng, lợi dụng hoặc gây tổn hại đến đặc tính phân biệt hoặc danh tiếng của nhãn hiệu có trước