Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
Sự vận hành của Đạo luật chống lu mờ nhãn hiệu TDRA của Hoa Kỳ về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nhìn từ vụ Coach Services, Inc. v. Triumph Learning LLC
(Ngày đăng: 2018-08-25)

Sự vận hành của Đạo luật chống lu mờ nhãn hiệu TDRA[1] của Hoa Kỳ về bảo hộ

nhãn hiệu nổi tiếng nhìn từ vụ Coach Services, Inc. v. Triumph Learning LLC[2]

 

Trong vụ Coach Services, Inc. v. Triumph Learning LLC[3], Tòa phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ đã xác nhận quyết định không tương tự gây nhầm lẫn của Cơ quan giải quyết khiếu nại và xét xử tranh chấp nhãn hiệu (TTAB) trực thuộc USPTO giữa nhãn hiệu COACH của bên phản đối Coach Services, Inc. dùng cho sản phẩm túi xách, quần áo thuộc nhóm 18 & 25 và nhãn hiệu COACH của người nộp đơn Triumph Learning LLC xin đăng ký cho sách và phần mềm dùng hỗ trợ giáo viên và học sinh chuẩn bị làm bài thi tiêu chuẩn thuộc nhóm 9 & 16. Trong đơn phản đối nộp cho TTAB ngày 17/3/2006, bên phản đối các đơn đăng ký của người nộp đơn trên dựa trên các căn cứ: (i) tương tự gây nhầm lẫn theo điều 15 U.S.C. § 1052(d) và hành vi làm lu mờ nhãn hiệu của người khác theo điều 15 U.S.C. § 1125(c), và (ii) COACH chỉ mang tính mô tả cho sản phẩm xin đăng ký theo điều 15 U.S.C. § 1052(e). Bên phản đối cho rằng nhãn hiệu COACH của mình là nổi tiếng vì nó đã quảng cáo và bán nhiều sản phẩm túi xách, quần áo, đồng hồ cao cấp và nó đã sử dụng nhãn hiệu này từ 1961. Các sản phẩm này được bán ở 400 cửa hàng riêng của nó, tại các trung tâm mua sắm và cả trên internet. Bên phản đối cũng đã quảng bá nhãn hiệu bằng quảng cáo trên báo và tạp chí như Elle, Vogue, Mademoiselle, and Vanity Fair, trên biển hiệu lớn, xe bus và kiosk điện thoại. Doanh số mà bên phản đối tuyên bố trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2008 là 10 tỷ USD và chi phí bỏ ra quảng cáo hàng năm khoảng từ 30 đến 60 triệu USD. Bên phản đối còn cung cấp bằng chứng điều tra thị trường cho thấy 96% số người trong độ tuổi từ 18-24 nhận biết được nhãn hiệu COACH. Như vậy rõ ràng là bên phản đối không hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, người nộp đơn không phải là đối thủ cạnh tranh của bên phản đối và bên phản đối không cung cấp bằng chứng nào chứng tỏ có nhầm lẫn thực tế (actual confusion) xuất phát từ việc sử dụng nhãn hiệu của người nộp đơn.

Ngày 17/10/2010, TTAB ra phán quyết bác bỏ phản đối của bên phản đối vì (a) không có khả năng gây nhầm lẫn nào tồn tại giữa nhãn hiệu của các bên , và (b) việc sử dụng nhãn hiệu COACH của người nộp đơn không có khả năng làm lu mờ nhãn hiệu COACH của bên phản đối. Trong khi TTAB thừa nhận nhãn hiệu COACH của bên phản đối là nổi tiếng nhằm mục đích đánh giá khả năng gây nhầm lẫn (likelihood of confusion) thì nó lại kết luận rằng bên phản đối không cung cấp đủ bằng chứng chứng minh danh tiếng của mình làm điều kiện thực thi khiếu nại dựa trên hành vi làm lu mờ nhãn hiệu quy định tại Luật Sửa đổi về làm lu mờ nhãn hiệu năm 2006 (TDRA). Bên phản đối kháng cáo quyết định của TTAB, trong đó chủ yếu khiếu nại về việc TTAB bác bỏ không đúng nhiều chứng cứ của bên phản đối trong đó đặc biệt là thông tin liên quan đến doanh thu và chi phí quảng cáo.

Tòa phúc thẩm nhận định TTAB đã chính xác khi cho rằng 2 trong số 13 yếu tố DuPont[4] nghiêng về bên phản đối gồm COACH của bên phản đối nổi tiếng cho mục đích đánh giá tương tự gây nhầm lẫn và nhóm đối tượng khách hàng có thể chồng lấn. Nhưng ngược lại TTAB cũng thấy các yếu tố nghiêng về người nộp đơn như hàng hóa mang các nhãn hiệu không liên quan hoặc không tương tự, hàng hóa di chuyển ở các kênh khác nhau, nhãn hiệu được dùng bởi các bên có nghĩa khác nhau và cũng chuyển tải ấn tượng thương mại khác nhau, và thị trường mục tiêu của người nộp đơn hướng tới khách hàng có hiểu biết.

Về hành vi làm lu mờ nhãn hiệu (dilution), Luật sửa đổi chống lu mờ nhãn hiệu (TDRA) năm 2006 và điều 43(c) sửa đổi của Luật Lanham, 15 U.S.C. § 1125(c) quy định “chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng mà có tính phân biệt dù tự thân hoặc đạt được tính phân biệt thông qua quá trình sử dụng, có quyền được cấp lệnh ngăn chặn người khác, vào bất kỳ thời điểm nào sau khi nhãn hiệu của chủ nhãn hiệu đã trở nên nổi tiếng, bắt đầu sử dụng nhãn hiệu hoặc tên thương mại mà có khả năng làm lu mờ theo cách làm giảm đặc tính phân biệt (dilution by blurring) hoặc làm lu mờ theo cách làm bẩn (dilution by tarnishment) đối với nhãn hiệu nổi tiếng, bất kể có hay không có khả năng nhầm lẫn hoặc thực tế nhầm lẫn, cạnh tranh, hoặc tổn hại kinh tế thực tế”. Để được bảo hộ theo điều luật này, nguyên đơn phải thỏa mãn cả 4 yếu tố: (a) nguyên đơn sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có tính phân biệt, (b) bị đơn đang sử dụng nhãn hiệu trong thương mại mà bị cáo buộc làm lu mờ nhãn hiệu nổi tiếng, (c) việc sử dụng nhãn hiệu của bị đơn bắt đầu sau khi nhãn hiệu của nguyên đơn trở nên nổi tiếng, và (d) việc sử dụng nhãn hiệu bởi bị đơn có khả năng làm lu mờ theo cách làm giảm đặc tính phân biệt  hoặc làm lu mờ theo cách làm bẩn nhãn hiệu nổi tiếng.

Câu hỏi pháp lý mang tính phân định ranh giới áp dụng TDRA rõ ràng là nhãn hiệu bị xâm phạm phải thỏa mãn dấu hiệu “nổi tiếng” (famous). Điều 15 U.S.C. § 1125(c)(2)(A) TDRA quy định “một nhãn hiệu nổi tiếng nếu nó được công nhận rộng rãi bởi công chúng người tiêu dùng nói chung của Hoa Kỳ (general consuming public) với tư cách là chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa/dịch vụ của chủ nhãn hiệu”. Chính việc sử dụng cụm từ “được công nhận rộng rãi bởi công chúng người tiêu dùng nói chung” khẳng định rằng TDRA loại bỏ các dạng nổi tiếng ở cấp độ thấp hơn (niche fame)[5]. Cũng theo TDRA thì 4 yếu tố sau phải được tòa án xem xét trước khi quyết định một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không:

(i)        Thời hạn, phạm vi và khu vực địa lý của quảng cáo, quảng bá mà được thực hiện bởi chủ nhãn hiệu hoặc bên thứ ba;

(ii)       Doanh số, số lượng và phạm vi địa lý của việc bán sản phẩm mang nhãn hiệu;

(iii)      Phạm vi thực tế công nhận nhãn hiệu; và

(iv)      Nhãn hiệu đã đăng ký theo đạo luật ngày 3/3/1881 hay đạo luật ngày 20/2/1905 hay đăng ký trên đăng bạ chính (principal register).

Theo Tòa phúc thẩm như vậy thì danh tiếng nhằm mục đích xác định khả năng gây nhầm lẫn và danh tiếng để áp dụng biện pháp chống làm lu mờ nhãn hiệu là hai quan niệm pháp lý hoàn toàn khác nhau. Cũng cần thấy rằng để có thể áp dụng TDRA thì yêu cầu về chứng cứ, chất lượng của chứng cứ là rất khắc nghiệt. Tòa phúc thẩm cho rằng COACH đã giành được mức độ công nhận bởi công chúng ở mức cao thông qua truyền thông nhưng hầu hết bằng chứng trong số đó lại diễn ra sau ngày nhãn hiệu COACH của người nộp đơn được nộp, do vậy TTAB đúng khi quyết định bác bỏ đơn phản đối dựa trên cả khiếu nại về tương tự gây nhầm lẫn và khả năng làm lu mờ nhãn hiệu của bên phản đối. Vụ việc COACH là một minh chứng rõ rệt về việc TDRA được tòa án giải thích và áp dụng theo hướng quá hẹp, nghĩa là việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng chống lại hành vi làm lu mờ chỉ áp dụng cho nhãn hiệu rất nổi tiếng ở Hoa Kỳ mà người ta thường hay gọi là “household name”[6] – tạm dịch là từ ngữ cửa miệng (tức là đã trở nên quá quen thuộc đối với mọi người).

Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Bross & Partners có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu hỗ trợ khách hàng trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài bao gồm cả Mỹ, Canada, Trung Quốc, Thailand. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.

 


[1] TDRA có tên gọi đầy đủ là The Trademark Dilution Revision Act of 2006 (H.R. 683) là một đạo luật về nhãn hiệu của Hoa Kỳ trong đó đề cập biện pháp pháp lý chống hiện tượng làm lu mờ nhãn hiệu nổi tiếng (trademark dilution). Chi tiết xem thêm: https://www.gpo.gov/fdsys/pkg/PLAW-109publ312/pdf/PLAW-109publ312.pdf

[2] Trích Báo cáo nghiên cứu thuộc Dự án bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp công bố ngày 17/11/2017 tại Hà Nội và được phát hành bởi Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật năm 2017 bởi đồng tác giả Ls. Lê Quang Vinh và Ts. Phan Ngọc Tâm

[3] Xem: Coach Services, Inc. v. Triumph Learning LLC, No. 11-1129 (Fed. Cir. Feb. 21, 2012) hoặc truy cập http://caselaw.findlaw.com/us-federal-circuit/1595017.html

[4] Theo thực tiễn giải quyết tranh chấp cũng như quy chế xét nghiệm nhãn hiệu ở Hoa Kỳ việc quyết định vấn đề gây nhầm lẫn theo điều 2(d) Luật nhãn hiệu được thực hiện trên cơ sở từng vụ việc và dựa trên các yếu tố trong án lệ E. I. du Pont de Nemours & Co., 476 F.2d 1357, 177 USPQ 563 (C.C.P.A. 1973) (thường được gọi tắt là các yếu tố “DuPont”), theo đó 13 yếu tố xác định khả năng gây nhầm lẫn phải được đánh giá gồm:

(1) Tính tương tự và không tương tự của các nhãn hiệu xét tổng thể về hình thức,  phát âm, ý nghĩa và ấn tượng thương mại.

(2) Tính tương tự và không tương tự và bản chất của hàng hóa/dịch vụ có trong đơn hoặc đăng ký hoặc có liên quan đến nhãn hiệu có trước đang sử dụng.

(3) Tính tương tự và không tương tự của kênh thương mại đã biết hoặc kênh thương mại có khả năng sẽ tiếp tục.

(4) Điều kiện theo đó và người mua sản phẩm được bán là người ngẫu hứng hay cẩn trọng và sành điệu khi mua hàng.

(5) Danh tiếng của nhãn hiệu có trước (thông qua doanh số, quảng cáo, quang thời gian sử dụng nhãn hiệu).

(6) Số lượng và bản chất của các nhãn hiệu tương tự đang sử dụng cho sản phẩm tương tự.

(7) Bản chất và mức độ của bất kỳ nhầm lẫn thực tế.

(8) Khoảng thời gian trong đó và theo đó đã có hiện tượng đồng sử dụng mà không có căn cứ nhầm lẫn thực tế.

(9) Sự đa dạng của hàng hóa mà nhãn hiệu được dùng hoặc không được dùng (nhãn hiệu chủ (house mark) hay nhãn hiệu gia đình hay nhãn hiệu sản phẩn).

(10) Giao diện của thị trường người nộp đơn và chủ nhãn hiệu có trước.

(11) Phạm vi mà người nộp đơn theo đó có quyền loại trừ người khác sử dụng nhãn hiệu đó trên hàng hóa của mình.

(12) Phạm vi của khả năng nhầm lẫn tiềm tàng như liệu nhầm lẫn này là tối thiểu hay lớn.

(13) Bất kỳ sự kiện được chấp nhận rộng rãi nào khác có giá trị chứng minh cho vụ việc.

[5] Niche theo http://www.thefreedictionary.com/niche có nghĩa là một phạm vi đặc biệt của nhu cầu đối với sản phẩm hoặc dịch vụ. Từ này theo quan điểm của chúng tôi có vẻ như có nghĩa tương tự như từ phân khúc (segment) mà thường hay đường gọi là phân khúc thị trường, theo đó trong khi niche fame có thể được hiểu là danh tiếng chỉ đối với phạm vi hẹp đối tượng khách hàng hay danh tiếng chỉ đối với một phân khúc thị trường thì danh tiếng đối với bộ phận công chúng có liên quan (relevant sector of public) cũng có nghĩa tương tự, đối lập với cụm từ “được công nhận rộng rãi bởi công chúng” (general consuming public) mà có nghĩa tương đương với công chúng nói chung (public at large)

[6] Marcus H. H. Luepke, Taking Unfair Advantage or Diluting a Famous Mark —

A 20/20 Perspective on the Blurred Differences Between U.S. and E.U. Dilution Law, The Trademark Reporter, Vol. 98, May-June 2008, trang 797, 810, 822.

 

 

Bookmark and Share
Relatednews
Xâm phạm nhãn hiệu trên vũ trụ ảo nhìn từ vụ Hermes vs. Mason Rothschild ở tòa án Hoa Kỳ
Thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền tác giả ở Việt Nam, UK, Mỹ, EU và Trung Quốc
Cấp quyền nhân vật (merchandising rights) và các khía cạnh pháp lý cần lưu ý cho bên cấp quyền và bên nhận quyền
So sánh Đăng bạ chính (Principal Register) và Đăng bạ phụ (Supplemental Register) khi đăng ký nhãn hiệu ở USPTO
10 Key Changes in Enforcing Patent, Design, Trademark Rights via Administravive Measure under Revised Decree 99/2013/NĐ-CP
Qatar tham gia Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu
Thương hiệu giả mạo “Phở Thìn 13 Lò Đúc” bị hủy bỏ hiệu lực ở Hàn Quốc
10 thay đổi lớn về thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP sửa đổi
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.