Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
Tội phạm bản quyền trong pháp luật hình sự ở Việt Nam: Xác định cấu thành tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở Điều 225
(Ngày đăng: 2024-02-01)

Tội phạm bản quyền trong pháp luật hình sự ở Việt Nam: Xác định cấu thành tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở Điều 225

 

Luật sư Lê Quang Vinh Bross & Partners

Email: vinh@bross.vn

 

Để thực hiện cam kết quốc tế của mình ở Hiệp định TRIPs và CPTPP[1] về xử lý hình sự đối với giả mạo nhãn hiệu (trademark counterfeiting) và sao chép lậu (copyright piracy), Việt Nam xác định một số hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là tội phạm quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể gồm Điều 225 – tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, và Điều 226 - tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 (BLHS 2015), Bross & Partners dưới đây phân tích dấu hiệu pháp lý cơ bản cấu thành tội phạm theo Điều 225.

 

Lý luận cơ bản về tội phạm trong luật hình sự Việt Nam

 

Cấu thành tội phạm (CTTP) là cơ sở pháp lý duy nhất để định tội vì luật hình sự quy định tội phạm bằng cách mô tả các dấu hiệu của hành vi phạm tội, từ cơ sở pháp lý đó, các nhà lý luận mới khái quát thành các dấu hiệu đặc trưng chung gọi là CTTP.[2] BLHS 2015 không định nghĩa CTTP. Giới nghiên cứu lý luận về hình sự định nghĩa CTTP là tổng thể các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của một tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS 2015, cụ thể CTTP phải hội đủ gồm 4 yếu tố: khách thể, chủ thể, mặt khách quan, và mặt chủ quan của tội phạm.[3]

 

Cấu thành tội phạm của Điều 225 BLHS 2015

 

 

  1. Chủ thể của tội phạm: Điều 225 không quy định dấu hiệu đặc biệt đối với chủ thể của tội phạm này. Do vậy, chủ thể của tội phạm này là cá nhân bất kỳ từ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội phạm này còn có thể là pháp nhân thương mại theo định nghĩa ở Điều 75 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015).[4]

 

  1. Khách thể của tội phạm: Tội phạm này được nhà làm luật xếp vào nhóm tội phạm khác về xâm phạm trật tự kinh tế, chứ không cùng thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong sản xuất, kinh doanh, thương mại (chẳng hạn như các tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo các Điều từ 192-195). Điều này có nghĩa tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan có cùng khách thể chung và khách thể loại với nhóm tội sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng khác về khách thể trực tiếp.

 

Đối tượng tác động của tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan chỉ gồm 2 loại quyền tài sản (quyền kinh tế) gồm quyền sao chép và quyền phân phối thuộc 2 hình thức bảo hộ pháp lý của quyền sở hữu trí tuệ là quyền tác giả, và quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam. Hành vi xâm phạm quyền nhân thân, xâm phạm các quyền tài sản khác như quyền cho thuê, quyền truyền đạt đến công chúng, quyền làm tác phẩm phái sinh và quyền biểu diễn trước công chúng liên quan đến tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình đều không phải là đối tượng tác động của tội phạm. Như vậy, xâm phạm quyền sao chép, quyền phân phối là dấu hiệu bắt buộc ở mặt khách thể của tội phạm.

 

  1. Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội phạm này là thực hiện là hành vi sao chép (nhân bản, làm bản sao) hoặc hành vi phân phối tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình mà không có sự cho phép của chủ thể quyền. Tội phạm này có cấu thành vật chất, nghĩa là hậu quả xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, mặt khách quan của tội phạm này đòi hỏi phải có hậu quả “quy mô thương mại”[5] xảy ra. Mặc dù Điều 225 không giải thích thế nào là quy mô thương mại nhưng nhà làm luật đã đưa thêm các dấu hiệu pháp lý ngay sau cụm từ quy mô thương mại gồm các dạng hậu quả khác do tội phạm gây ra dưới dạng ngưỡng thiệt hại vật chất cụ thể (ngụ ý tương đương với quy mô thương mại) được quy thành tiền, gồm thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, gây thiệt hại cho chủ thể quyền từ 100 triệu đồng, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá tối thiểu 100 triệu đồng.

 

  1. Mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp), nghĩa là nhận thức rõ hành vi của mình là xâm phạm 2 loại quyền kinh tế quan trọng nhất của quyền tác giả, quyền liên quan là quyền sao chép và quyền phân phối, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra, hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra. Mục đích kinh doanh không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

 

Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan là một trong các tội mà BLHS 2015 quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Pháp nhân thương mại (gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác) là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho thành viên.

 

Để buộc tội pháp nhân thương mại, Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) phải chứng minh được hành vi của pháp nhân thương mại thông qua người đại diện theo pháp luật của nó cùng lúc thỏa mãn 4 điều kiện: (1) hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; (2) hành vi phạm vi được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (3) hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; và (4) chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các trường hợp phạm tội cụ thể theo Điều 225

 

Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan có 2 khung hình phạt chính áp dụng cho cá nhân phạm tội và pháp nhân thương mại. Cá nhân phạm tội theo khung 1 (thuộc cấu thành tội phạm cơ bản) bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm nếu thiệt hại do hậu quả của tội phạm xảy ra có quy mô thương mại, hoặc người phạm tội thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 300 triệu, hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền từ 100 triệu đến dưới 500 triệu, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đến dưới 500 triệu.

 

Nếu xuất hiện một trong 5 tình tiết tăng nặng dưới đây thì người phạm tội cá nhân bị tăng nặng trách nhiệm hình sự theo khung 2, cụ thể là bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

 

(a) Phạm tội có tổ chức (có đồng phạm và có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm)

b) Phạm tội 02 lần trở lên.

c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên.

đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

 

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội cá nhân còn có thể bị phạt bổ sung gồm phạt tiền (nếu hình phạt chính không phải là phạt tiền) từ 20 triệu đến 200 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

 

Đối với pháp nhân thương mại, ngoài việc đảm bảo 4 điều kiện phát sinh trách nhiệm hình sự được quy định ở Điều 75 BLHS 2015, pháp nhân thương mại có thể bị xem là phạm tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan một cách độc lập với người phạm tội cá nhân và bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng nếu thiệt hại vật chất (hậu quả) gây ra đạt ngưỡng tối thiểu quy thành tiền, gồm:

 

  1. Thu lợi bất chính từ 200 triệu đến dưới 300 triệu, hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 200 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong hành vi quy định ở điều luật này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc
  2. Gây thiệt hại cho chủ thể quyền từ 300 triệu đến dưới 500 triệu, hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 300 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong hành vi quy định ở điều luật này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc
  3. Hàng hóa vi phạm trị giá từ 300 triệu đến 500 triệu, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đến dưới 300 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong hành vi quy định ở điều luật này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 

Trường hợp người phạm tội cá nhân thỏa mãn cấu thành tội phạm định khung tăng nặng theo khung 2 Điều 225 BLHS thì pháp nhân thương mại (nếu được xác định vẫn thỏa mãn 4 điều kiện theo Điều 75 BLHS 2015) cũng bị tăng hình phạt theo điểm b khoản 4 Điều 225 BLHS 2015 là bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm.

 

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung gồm phạt tiền từ 100 triệu đến 300 triệu (nếu hình phạt chính không áp dụng hình phạt tiền), cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực từ 1 đến 3 năm.

 

Quyền tác giả, quyền liên quan là 2 hình thức bảo hộ pháp lý độc lập của quyền sở hữu trí tuệ được quy định ở Luật SHTT 2022 do vậy giả sử một người thực hiện việc sao chép trái phép 10.000 cuốn sách, và phân phối đến công chúng album Trịnh Công Sơn trên Youtube (có thể có hàng ngàn lượt nghe) thì phải chịu trách nhiệm hình sự về 2 tội: tội xâm phạm quyền tác giả, và tội xâm phạm quyền liên quan. Theo đó, CQTHTT và tòa án cần phải truy cứu về nhiều tội, quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo Điều 55 BLHS 2015.

 

Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm tranh tụng dân sự và hình sự liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

 

Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.

 



[1] Xem Điều 61 Hiệp định TRIPs và Điều 18.77 Hiệp định CPTPP.

[2] TS. Phạm Văn Beo, Luật hình sự Việt Nam - Phần các tội phạm, 2008, Trường Đại học Cần Thơ, trang 17-18

[3] Luật sư Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân tối cao: Cấu thành tội phạm và các giai đoạn thực hiện tội phạm: Những vấn đề lý luận và thực tiễn (lsvn.vn) [truy cập lúc 15:25 ngày 4/10/2023].

[4] Điều 75 Bộ luật dân sự 2015. Pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

[5] “Quy mô thương mại” được dịch từ thuật ngữ gốc tiếng Anh “on a commercial scale” được nêu ở Điều 61 Hiệp định TRIPs quy định rằng nước thành viên WTO phải xử lý hình sự đối với hành vi “sao chép lậu” [copyright piracy] quyền tác giả, quyền liên quan và giả mạo nhãn hiệu với quy mô thương mại.

 

Bookmark and Share
Relatednews
Xâm phạm nhãn hiệu trên vũ trụ ảo nhìn từ vụ Hermes vs. Mason Rothschild ở tòa án Hoa Kỳ
Thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền tác giả ở Việt Nam, UK, Mỹ, EU và Trung Quốc
Cấp quyền nhân vật (merchandising rights) và các khía cạnh pháp lý cần lưu ý cho bên cấp quyền và bên nhận quyền
So sánh Đăng bạ chính (Principal Register) và Đăng bạ phụ (Supplemental Register) khi đăng ký nhãn hiệu ở USPTO
10 Key Changes in Enforcing Patent, Design, Trademark Rights via Administravive Measure under Revised Decree 99/2013/NĐ-CP
Qatar tham gia Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu
Thương hiệu giả mạo “Phở Thìn 13 Lò Đúc” bị hủy bỏ hiệu lực ở Hàn Quốc
10 thay đổi lớn về thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP sửa đổi
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.