Email: vinh@bross.vn
Quyền tác giả chỉ được bảo hộ cho hình thức thể hiện của ý tưởng chứ không bảo hộ cho bản thân ý tưởng, nội dung hoặc quan niệm trong ý tưởng đó
Có lẽ án lệ của vụ tranh chấp quyền tác giả Baker v. Selden[1] được quyết định bởi Tòa án tối cao Hoa Kỳ (Supreme Court of the United States) năm 1879 là một trong những án lệ đầu tiên và quan trọng nhất dẫn đến sự hình thành học thuyết pháp lý được chấp nhận rộng rãi đến tận ngày nay khẳng định rằng quyền tác giả chỉ bảo hộ cho hình thức thể hiện của ý tưởng chứ không bảo hộ cho bản thân ý tưởng. Án lệ này sau đó đã được pháp điển hóa thành điều 102(b) Đạo luật quyền tác giả năm 1976 của Mỹ và nó cũng được sử dụng hoặc trích dẫn ở hơn 130 quyết định từ giữa năm 1984 đến năm 2004 bởi các tòa án trên khắp nước Mỹ[2].
Theo án lệ nổi tiếng này, thông tin chính có thể được tóm lược như sau: năm 1859, Charles Selden cho ra mắt cuốn sách do ông viết gọi là Selden’s Condensed Ledger hoặc còn gọi là Book-Keeping Simplified (có thể tạm dịch là hệ thống sổ sách kế toán của Selden). Cuốn sách này mô tả một hệ thống lưu giữ sổ sách kế toán được cải tiến gồm 20 trang chứa các mẫu giấy tờ lưu sổ sách chính, trong đó chỉ có 650 từ kèm theo ví dụ minh hoạt và một trang giới thiệu. Với mong muốn bán được sách cho các sở tài chính và các quận huyện ở Mỹ, nhưng thực tế Selden đã không thành công với mục tiêu này và quyền tác giả của cuốn sách của ông được để lại cho bà vợ thừa kế sau khi ông mất vào năm 1871
Năm 1867, một người tên là W. C. M Baker tạo ra một cuốn sách mô tả hệ thống lưu giữ sổ sách kế toán tương tự nhưng khác với Selden, sách của Baker bán rất tốt với trên 40 quận huyện trong vòng 5 năm. Vợ của Selden thuê luật sư khởi kiện Baker vì xâm phạm quyền tác giả đối với cuốn sách. Tòa án cấp quận Southern Ohio phán quyết rằng cuốn sách của Baker trùng phần lớn với phần trọng yếu của cuốn sách của Selden nên đã xâm phạm quyền tác giả của Selden, theo đó buộc Baker ngừng phát hành, bán. Tòa phúc thẩm lưu động (the Circuit Court) ý án sơ thẩm. Tòa án tối cao Hoa Kỳ xem xét lại bản án sau khi có kháng cáo của Baker lập luận rằng tác phẩm của Selden không phải là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả
Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết hủy bỏ quyết định của tòa sơ thẩm và phúc thẩm lưu động, yêu cầu tòa cấp dưới xét xử lại theo hướng bác bỏ đơn kiện của nguyên đơn. Trong số các luận luận của Tòa tối cao đáng chú ý là quan điểm của thẩm phán Joseph P. Bradley nhận định rằng một cuốn sách không cho tác giả quyền ngăn cấm người khác thực hành những gì được mô tả trong cuốn sách. Thẩm phán nói thêm trong khi không ai có quyền in hoặc xuất bản cuốn sách của mình, hoặc bất kỳ phần cơ bản nào của nó, vì cuốn sách dự định truyền đạt hướng dẫn thuộc lĩnh vực kế toán thì bất kỳ ai cũng có thể thực hành và sử dụng chính những hướng dẫn thuộc lĩnh vực kế toán đó mà đã được mô tả và minh họa trong đó. Tòa án lý giải thêm một nguyên lý rất quan trọng khác là những hướng dẫn, chỉ dẫn mang tính chuyên môn trong từng lĩnh vực nghề nghiệp (useful art) được mô tả trong cuốn sách chỉ có thể được bảo hộ theo luật sáng chế (pa-tăng) còn chính bản thân hình thức mô tả các chỉ dẫn, hướng dẫn đó mới là đối tượng bảo hộ của luật quyền tác giả.
Tòa án tối lý giải thêm sự khác biệt giữa bằng sáng chế (pa-tăng) và quyền tác giả (copyright) bằng cách lấy một ví dụ liên quan tới dược phẩm, theo đó chẳng hạn như một dược chất được tìm thấy có giá trị lớn trong chữa bệnh. Nếu người phát hiện hoặc sáng tạo ra nó viết và xuất bản thành một cuốn sách thì anh ta sẽ không có quyền độc quyền đối với việc sản xuất và bán thuộc mang dược chất đó tức là các quyền sản xuất, bán dược chất thuộc về công chúng. Nếu anh ta muốn độc quyền quyền sản xuất, bán dược chất thì anh ta buộc phải dành được bằng độc quyền sáng chế cho dược chất đó. Tất nhiên anh ta có thể giữ bản quyền cho cuốn sách bộc lộ cách làm dược chất đó nhưng anh ta chỉ được hưởng quyền độc quyền đối với in ấn và xuất bản cuốn sách của mình
Quyền tác giả chỉ bảo hộ cho hình thức thể hiện được chính thức ghi nhận thành nguyên tắc trong Công ước Berne, Hiệp định TRIPs và Luật SHTT Việt Nam
Điều 2(1) Công ước Berne quy định "tác phẩm văn học và nghệ thuật" bao gồm tất cả các tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, dù được thể hiện theo bất kỳ phương thức hoặc hình thức nào, như sách, bài viết, tác phẩm kịch, điện ảnh, tác phẩm đồ họa, hội họa, kiến trúc, điêu khắc,…đều phải được bảo hộ quyền tác giả.
Theo Hướng dẫn thi hành Công ước Berne[3], ý tưởng (idea) không thể được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Ý tưởng bản thân nó có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế (pa-tăng) – một hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ độc lập với quyền tác giả (copyright) thường được quy định trong luật sáng chế các nước. Cụ thể hơn, đối với sáng chế, một người đã công bố công khai ý tưởng của mình thì không có cách nào khác để có thể ngăn chặn người khác sử dụng ý tưởng đó trong khi ý tưởng ngay sau khi được thể hiện thì bảo hộ quyền tác giả lại chính là bảo hộ cho hình thức thể hiện (expression of idea) của ý tưởng dưới dạng câu từ, ghi chép, bản vẽ. Do vậy, chỉ có hình thức thể hiện của ý tưởng mới có thể được bảo hộ quyền tác giả chứ không bản thân ý tưởng đó không thể được bảo hộ quyền tác giả.
Điều 9(2) Hiệp định TRIPs một lần nữa khẳng định lại nguyên tắc này bằng quy định rằng bảo hộ quyền tác giả chỉ mở rộng đến hình thức thể hiện của ý tưởng chứ không phải cho bản thân ý tưởng, thủ tục, quy trình hoạt động hay các quan niệm toán học.
Nguyên tắc chỉ bảo hộ cho hình thức thể hiện nêu trên được nội luật hóa tại khoản 1 điều 6 Luật sở hữu trí tuệ, cụ thể quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký và khoản 3 điều 15 quy định Việt Nam không bảo hộ cho quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; điện thoại 0903 287 057; Wechat: wxid_56evtn82p2vf22; Skype: vinh.bross
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Với nhiều năm kinh nghiệm nổi bật và năng lực chuyên môn sâu khác biệt, Bross & Partners có thể giúp khách hàng bảo vệ hoặc tự vệ một cách hiệu quả trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài liên quan đến bản quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu/thương hiệu và tên miền internet.
[3] Xem Guide to the Berne Convention for the protection of literary and artistic works, WIPO, Geneva 1978