Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
VÌ SAO VIỆT NAM GIÀNH LẠI ĐƯỢC CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT BỊ MẤT Ở TRUNG QUỐC? (Phần 1)
(Ngày đăng: 2017-10-10)

Luật sư Lê Quang Vinh

vinh@bross.vn  

Mặc dù Việt Nam đã giành được chiến thắng quan trọng trong việc hủy bỏ hiệu lực các đăng ký nhãn hiệu Buôn Ma Thuột cho cà phê bị đăng ký trái phép ở Trung Quốc, việc cùng suy ngẫm thiết chế pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia liên quan đến khả năng đòi lại nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý của quốc gia này bị đăng ký ở quốc gia khác làm bài học tham chiếu là hết sức cần thiết. Bài viết dưới đây được công bố dựa trên gần như đầy đủ toàn bộ nội dung mà Bross & Partners đã tư vấn gồm cả trực tiếp và bằng văn bản cho UBND tỉnh Dak Lak năm 2011.

 

Khi tài sản quốc gia bị mất quá dễ

Chỉ dẫn địa lý BUÔN MA THUỘT cho cà phê nhân được bảo hộ tại Việt Nam theo Quyết định số 806/QĐ-SHTT do Cục Sở hữu trí tuệ cấp số đăng bạ 0004 ngày 14/10/2005 là tài sản quốc gia do UBND tỉnh Đak Lak được ủy quyền đứng tên. Cà phê Buôn Ma Thuột được xem là tài sản vô giá và là niềm tự hào của Việt Nam vì Buôn Ma Thuột là thủ phủ của cà phê Việt Nam, nơi đã và đang trồng, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu cà phê với sản lượng chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Năm 2010, một sự kiện gây bất ngờ đối với cả xã hội và truyền thông là việc Cơ quan nhãn hiệu Trung Quốc (CTMO) cấp bảo hộ dấu hiệu Buôn Ma Thuột dưới dạng 2 nhãn hiệu độc quyền cho một doanh nghiệp của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

 

Nhãn hiệu

được cấp

Chủ sở hữu/

Địa chỉ

Số đăng ký/

Ngày cấp

Danh mục sản phẩm mang

nhãn hiệu được cấp độc quyền

 

 

Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu

Phòng 1903-1905, Runhe Square, đường Da Nan số 2, huyện Yue Xiu, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

 

7611987

14/11/2010

Có hiệu lực đến 13/11/2020

 

Nhóm 30: Hương liệu cà phê; ca cao; cà phê; chế phẩm sinh dưỡng sử dụng như chất thay thế cà phê; đồ uống trên cơ sở cà phê; trà; đường; kẹo; bánh quy; đồ gia vị

 

 

7970830

14/06/2011

Có hiệu lực đến 13/06/2021

 

Nhóm 30: Hương liệu cà phê; cà phê; chế phẩm sinh dưỡng sử dụng như chất thay thế cà phê; đồ uống trên cơ sở cà phê

 

Hệ lụy và hậu quả pháp lý từ việc mất chỉ dẫn địa lý

Buôn Ma Thuột là chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và là tài sản quốc gia của Việt Nam. Việc chủ thể nước ngoài sở hữu nó đồng nghĩa với việc tài sản của nhà nước bị rơi vào tay kẻ khác.

Nguy cơ bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới Trung Quốc do xâm phạm quyền độc quyền đối với 2 nhãn hiệu trên tại Trung Quốc có thể xảy ra bất kỳ lúc nào vì Điều 52 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc năm 1982, được sửa đổi lần thứ hai ngày 27/10/2001, quy định “bất kỳ hành vi nào trong số các hành vi sau đây đều bị coi là hành vi xâm phạm quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu: (a) sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký cho hàng hóa trùng hoặc hàng hóa tương tự mà không có sự cho phép của chủ nhãn hiệu; hoặc (b) buôn bán hàng hóa mà biết rõ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đăng ký

Niềm tin của khách hàng nước ngoài đối với cà phê Việt Nam dần dần có thể bị suy giảm nghiêm trọng do khách hàng không thể phân biệt được đâu là cà phê Buôn Ma Thuột thật (xuất xứ từ Buôn Ma Thuột) và đâu là cà phê Buôn Ma Thuột rởm (có xuất xứ từ Trung Quốc).

 

Nguyên nhân chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột bị mất ở Trung Quốc

 

Chỉ dẫn địa lý (Geographical Indication hoặc hay được viết tắt là GI) được hiểu là những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ một lãnh thổ, khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc các đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý đó quyết định. Bordeaux (Pháp) cho vang, Scotland cho rượu mạnh wishiky (Scotland), Idaho cho khoai tây (Mỹ), Phú Quốc cho nước mắm (Việt Nam) đều là các chỉ dẫn địa lý nổi tiếng được bảo hộ. Trong khi đó nhãn hiệu (Trademark) về cơ bản là dấu hiệu nhìn thấy được (gồm hình, chữ viết, chữ số, chữ cái, hình ảnh hoặc kết hợp giữa các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc) dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. CoCaCola cho đồ uống, BMW cho ô tô, Vinamilk cho sữa là các nhãn hiệu được nhiều người biết tới.

Chức năng phân biệt nguồn gốc của sản phẩm và dịch vụ mà đều cùng có mặt ở chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến khả năng xung đột giữa chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu. Và mặt khác ở hầu hết các nước cả chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu đều chỉ phát sinh quyền độc quyền khi nó được cấp đăng ký bảo hộ. Chính 2 căn nguyên cơ bản này dẫn đến xung đột pháp lý giữa chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu, thậm chí trong nhiều trường hợp xung đột này trở thành đại chiến pháp lý dai dẳng kéo dài hàng thế kỷ, chẳng hạn như vụ tranh chấp giữa Mỹ và Cộng hòa Czech xung quanh nhãn hiệu bia Budweiser của Anheuser-Busch InBev SA/NV của Mỹ, hãng bia lớn nhất thế giới, với Budweiser Budvar Brewery, một công ty bia của Cộng hòa Czech hiện đang sử dụng chỉ dẫn địa lý (Protected Geographical Indication – PGI) ở EU gồm “Českobudějovické pivo” và “Budějovické pivo” (nghĩa là Bia từ Budweis) là một điển hình[1].

Xét về mặt bản chất, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu giống nhau ở 3 đặc điểm: (i) là dấu hiệu có chức năng phân biệt nguồn gốc của hàng hóa/dịch vụ, (ii) quyền độc quyền chỉ phát sinh trên cơ sở được cấp văn bằng bảo hộ theo nguyên tắc ai đến trước được cấp trước (first to file first to right), và (iii) quyền độc quyền được cấp chỉ giới hạn ở lãnh thổ mà nó được đăng ký. Sự khác biệt đầu tiên giữa chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tồn tại ở khía cạnh thời hạn bảo hộ, đối với nhãn hiệu thường là 10 năm trong khi chỉ dẫn địa lý được bảo hộ vô thời hạn. Thứ hai, hồ sơ nhãn hiệu thường khá đơn giản trong khi yêu cầu hồ sơ đối với chỉ dẫn địa lý rất phức tạp và công phu.

Như vậy, việc chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột bị đăng ký dưới dạng nhãn hiệu ở Trung Quốc một cách khá dễ dàng là bởi vì Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu đã lợi dụng 3 đặc điểm trên, cụ thể là không có ai nộp đơn đăng ký Buôn Ma Thuột cho cà phê sớm hơn ở Trung Quốc và không có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột nào được nộp trước/được đăng ký trước ngày nộp đơn của người này.

 

Đánh giá vụ việc dưới góc độ pháp luật quốc tế

Có thể dễ dàng nhận thấy hành vi đăng ký nhãn hiệu Buôn Ma Thuột bởi Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu là hành vi trái với tập quán trung thực trong thương mại quốc tế. Theo Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (“Công ước Paris”)[2], mỗi nước thành viên phải dành sự bảo hộ có hiệu quả nhằm chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các quốc gia thành viên có quyền tự do quy định trong luật pháp của mình việc chống lại hành vi đó. Điều 10bis Công ước Paris quy định rằng bất kỳ một hành động nào trái với tập quán trung thực trong công nghiệp và thương mại đều bị coi là hành động cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể những hành động sau đây đều phải bị ngăn cấm:

(i)         có khả năng gây nhầm lẫn dưới bất kỳ hình thức nào đối với cơ sở, hàng hóa, hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh của người cạnh tranh;

(ii)         chỉ dẫn sai lệch trong hoạt động thương mại có khả năng gây mất uy tín đối với cơ sở, hàng hóa, hoạt động công nghiệp hoặc thương mại của người cạnh tranh;

(iii)        các chỉ dẫn hoặc khẳng định mà việc sử dụng chúng trong hoạt động thương mại có thể gây nhầm lẫn cho công chúng về bản chất, quá trình sản xuất, tính chất, tính thích hợp để sử dụng hoặc số lượng hàng hóa.

Điều 10ter Công ước Paris quy định các nước thành viên của Liên minh có trách nhiệm đảm bảo cho công dân các nước thành viên khác của Liên minh công cụ pháp lý thích hợp để ngăn chặn có hiệu quả tất cả các hành động nêu tại điều 10bis nêu trên. Điều 10ter còn quy định các nước có trách nhiệm đưa ra các biện pháp cho phép liên đoàn, hiệp hội đại diện cho quyền lợi của các nhà sản xuất, hoặc các thương nhân, được kiện tại tòa án hoặc trước các cơ quan hành chính nhằm mục đích ngăn chặn các hành động trái với tập quán trung thực. 

Hiệp định về các khía cạnh có liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (hay được gọi tắt là Hiệp định TRIPs) được ra đời trong bối cảnh cả thế giới đều thừa nhận có mối liên hệ ngày càng tăng giữa sở hữu trí tuệ và thương mại. Bảo hộ sở hữu trí tuệ có tầm quan trọng rất lớn đối với hoạt động thương mại và đầu tư, vì vậy, việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ “góp phần thúc đẩy cải tiến, chuyển giao và phổ biến công nghệ, mang lại lợi ích cho cả người sáng tạo và người sử dụng, cũng như lợi ích kinh tế – xã hội nói chung và đảm bảo cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ”. Để đáp ứng đòi hỏi ấy, cùng với sự ra đời của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 1995[3], ngày 15/04/1994 Hiệp định TRIPs đã được ký kết và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1995.

Liên quan đến vụ việc trên, điều 22 Hiệp định TRIPs quy định:

(i)         chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một nước thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý đó quyết định;

(ii)         các nước thành viên phải quy định các biện pháp pháp lý để các bên liên quan ngăn ngừa: (a) việc sử dụng bất kỳ phương tiện nào để gọi tên hoặc giới thiệu hàng hóa nhằm chỉ dẫn hoặc gợi ý rằng hàng hóa đó bắt nguồn từ một khu vực địa lý khác với xuất xứ thực, với cách thức lừa dối công chúng về xuất xứ địa lý của hàng hóa; (b) bất kỳ một hành vi sử dụng nào cấu thành một hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo điều 10bis Công ước Paris.

(iii)        Mỗi nước thành viên phải, mặc nhiên nếu pháp luật quốc gia cho phép như vậy hoặc theo yêu cầu của bên liên quan, từ chối hoặc hủy bỏ hiệu lực đăng ký nhãn hiệu có chứa hoặc được cấu thành bằng một chỉ dẫn địa lý dùng cho hàng hóa không bắt nguồn từ lãnh thổ tương ứng, nếu việc sử dụng chỉ dẫn đó trên hàng hóa tại nước thành viên đó khiến cho công chúng hiểu sai về xuất xứ thực.

Như vậy, dưới góc độ pháp luật quốc tế, hành vi cố ý đăng ký nhãn hiệu Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu đã xâm phạm nghiêm trọng các nguyên tắc căn bản của pháp luật quốc tế, cụ thể gồm: cạnh tranh không lành mạnh, xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo cách không trung thực (bad faith) trái với tập quán thương mại trung thực của thế giới, cố ý làm cho công chúng hiểu sai về xuất xứ trung thực của cà phê Buôn Ma Thuột.

 

Đánh giá vụ việc theo pháp luật Trung Quốc

Trước hết, chúng ta cần thấy rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên của Công ước Paris và WTO, do vậy, Trung Quốc (kể cả Việt Nam và các thành viên WTO khác) đều có nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định của Công ước Paris và Hiệp định TRIPs.

Cụ thể liên quan đến trường hợp đăng ký trái phép Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu, theo nguyên tắc cam kết chung nêu trong Công ước Paris và TRIPs, Trung Quốc có nghĩa vụ và đương nhiên phải có nghĩa vụ (i) xây dựng các chế định pháp lý trong luật pháp quốc gia của mình nhằm chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi không trung thực (bad faith) của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào, và (ii) biện pháp thực thi rõ ràng và hiệu quả nhằm đảm bảo chủ sở hữu đích thực của cà phê Buôn Ma Thuột được quyền tiến hành các biện pháp pháp lý để hủy bỏ hiệu lực của 2 nhãn hiệu Buôn Ma Thuột.   

Về nghĩa vụ đảm bảo bằng công cụ pháp lý có hiệu quả nhằm ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Công ước Paris, Điều 41 Luật nhãn hiệu Trung Quốc quy định:

Trường hợp một nhãn hiệu đã đăng ký vi phạm các quy định tại điều 10, 11 & 12 của luật này, hoặc việc đăng ký có dấu hiệu lừa đảo hoặc cạnh tranh không lành mạnh, Cơ quan nhãn hiệu phải hủy bỏ nhãn hiệu đã đăng ký đó; và bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào cũng có quyền yêu cầu Ban giải quyết tranh chấp nhãn hiệu ra phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu đăng ký đó

Trường hợp một nhãn hiệu đã đăng ký vi phạm các quy định tại điều 13, 15, 16 & 31 của luật này, thì bất kỳ chủ nhãn hiệu khác hoặc bên thứ ba có liên quan có quyền, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày đăng ký, gửi yêu cầu lên Ban giải quyết tranh chấp nhãn hiệu để ra phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu đã đăng ký đó. Nếu nhãn hiệu nổi tiếng đã bị đăng ký không trung thực (bad faith), chủ sở hữu đích thực của nhãn hiệu không bị hạn chế bởi thời hiệu 5 năm này

Ngoài các trường hợp được quy định ở 2 đoạn trên, bất kỳ người nào tranh chấp với một nhãn hiệu đã đăng ký cũng có quyền, trong thời hạn 5 năm kể từ nhãn hiệu được phê duyệt đăng ký, nộp hồ sơ yêu cầu Ban giải quyết tranh chấp nhãn hiệu để phán xét

Ban giải quyết tranh chấp nhãn hiệu phải, sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu hủy bỏ, thông báo cho các bên liên quan và yêu cầu họ trả lời kèm theo bằng chứng trong thời hạn quy định[4]

Về nghĩa vụ đảm bảo công chúng không thể bị nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại do hành vi sử dụng chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về nguồn gốc hàng hóa/dịch vụ theo Công ước Paris, Điều 10 Luật nhãn hiệu Trung Quốc quy định: 

Tên địa danh ở cấp huyện trở lên và tên địa danh nước ngoài mà được biết đến rộng rãi bởi công chúng sẽ không được phép đăng ký làm nhãn hiệu, nhưng các tên địa danh này nếu có ý nghĩa khác hoặc là một phần của nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận thì vẫn được đăng ký độc quyền. Trường hợp nhãn hiệu đang sử dụng các tên địa danh mà đã được phê duyệt hoặc đã được đăng ký thì vẫn tiếp tục có hiệu lực”[5].

Về nghĩa vụ tuân thủ quy định yêu cầu nước thành viên phải có biện pháp pháp lý ngăn ngừa việc sử dụng chỉ dẫn lừa dối công chúng về xuất xứ địa lý của hàng hóa theo điều 22 Hiệp định TRIPs, Điều 16 Luật nhãn hiệu Trung Quốc năm 2001 quy định:

Trường hợp một nhãn hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý liên quan đến loại hàng hóa mà nhãn hiệu đó được sử dụng, mà hàng hóa đó không xuất phát từ khu vực đó và gây lừa dối công chúng thì nó phải bị từ chối đăng ký và bị cấm sử dụng, tuy nhiên, nếu nhãn hiệu nào được đăng ký dưới dạng thiện chí (good faith) thì vẫn được giữ nguyên hiệu lực.

Chỉ dẫn địa lý như đề cập ở trên có nghĩa là dấu hiệu chỉ dẫn xuất xứ của hàng hóa mà chất lượng đặc thù, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của hàng hóa đó về cơ bản có được là do các yếu tố tự nhiên và con người của khu vực đó quyết định[6].

Như vậy, với tư cách là một thành viên của WTO và dưới góc độ pháp luật quốc gia, các quy định nêu trên trong Luật nhãn hiệu Trung Quốc năm 2001 rõ ràng cho thấy hành vi cố ý đăng ký nhãn hiệu Buôn Ma Thuột đã cấu thành: (i) hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đi ngược lại với tập quán kinh doanh trung thực của thế giới, và (ii) hành vi đó hiển nhiên đang làm công chúng hiểu lầm và bị lừa dối về xuất xứ địa lý trung thực của cà phê BUÔN MA THUỘT.

(CÒN TIẾP ...)


[2] Công ước Paris được thông qua ngày 20/03/1883 và được tổng sửa đổi vào 28/09/1979. Tính đến ngày 15/01/2002 có tổng cộng 162 nước là thành viên của Công ước này. Việt Nam tham gia Công ước này ngày 08/03/1949 (dưới chế độ cũ) và tuyên bố tiếp tục tham gia ngày 30/04/1975. Trung Quốc tham gia Công ước này từ 19/12/1984, có hiệu lực từ 19/03/1985. Nguồn Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): http://www.wipo.int

[3] Trung Quốc là thành viên của WTO kể từ ngày 11/12/2001. Việt Nam là thành viên của WTO kể từ ngày 11/01/2007. Tính đến ngày 23/07/2008 có tổng cộng 153 quốc gia là thành viên của WTO. Nguồn WTO: http://www.wto.org

[4] Nguyên văn tiếng Anh: “Article 41 Where a registered trademark stands in violation of the provisions of Articles 10, 11 and 12 of this Law, or the registration of a trademark was acquired by fraud or any other unfair means, the Trademark Office shall cancel the registered trademark in question; and any other organization or individual may request the Trademark Review and Ad judication Board to make an adjudication to cancel such a registered trademark.

Where a registered trademark stands in violation of the provisions of Articles l3, l5, l6 and 3l of this Law, any other trademark owner concerned or interested party may, within five years from the date of the registration of the trademark, file a request with the Trademark Review and Adjudication Board for adjudication to cancel the registered trademark. Where a well-known mark is registered in bad faith, the genuine owner thereof shall not be restricted by the five-year limitation.

In addition to those cases as provided for in the preceding two paragraphs, any person disputing a registered trademark may, within five years from the date of approval of the trademark registration, apply to the Trademark Review and Adjudication Board for adjudication.

The Trademark Review and Adjudication Board shall, after receipt of the application for adjudication, notify the interested parties and request them to respond with arguments within a specified period”.

[5] Nguyên văn tiếng Anh: “Article 10…,the geographical names as the administrative divisions at or above the county level and the foreign geographical names well known tothe public shall not be used as trademarks, but such geographical terms as have otherwise meanings or are a part of collective marks/ora certification marks shall be exclusive. Where a trademark using any of the above-mentioned geographical names has been approvedand registered, it shall continue to be valid”.

[6] Nguyên văn tiếng Anh: “Article 16. Where a trademark contains a geographic indication of the goods in respect of which the trademark is used, the goods is not from the region indicated therein and it misleads the public, it shall be rejected for registration and prohibited from use; however, any trademark that has been registered in good faith shall remain valid.

The geographic indications mentioned in the preceding paragraph refer to the signs that signify the place of origin of the goods in respect of which the signs are used, their specific quality, reputation or other features as mainly decided by the natural or cultural factors of the regions”.

 

 

Bookmark and Share
Relatednews
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?
Trung Quốc: Tranh tụng bản quyền nhiều nhất thế giới và vai trò đặc biệt của hệ thống Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ
Nhật Bản bỏ thu phí 2 lần đối với nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid
Cambodia to Strictly Watch the Timely Submission of Affidavit of Use/Affidavit of Non-use for a Registered Trademark
Trung Quốc sẽ tiếp tục sửa Luật nhãn hiệu 2019 với trọng tâm chống “đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu”
Căn cứ từ chối tuyệt đối cần tránh khi lựa chọn thương hiệu để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc
Campuchia siết chặt nghĩa vụ nộp bằng chứng sử dụng đối với nhãn hiệu đã đăng ký
Bross & Partners as a Contributor to the Chambers Trademarks and Copyright 2024 Global Practice Guide
Founding Partner Le Quang Vinh continously named in the 2023 A-List by Asia Business Law Journal
So sánh quy trình xét nghiệm nhãn hiệu ở Việt Nam và Trung Quốc

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.

         
Cửa thép vân gỗcua thep van go