Bảo vệ bản quyền (quyền tác giả, quyền liên quan)
trên môi trường số theo Nghị định 17/2023
Luật sư Lê Quang Vinh – Bross & Partners
Email: vinh@bross.vn
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (dưới đây gọi tắt là “ISP” hoặc “OSP”) phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan do người sử dụng dịch vụ trên nền tảng của mình gây ra là quy định lần đầu tiên xuất hiện trong Luật SHTT 2022 (Điều 198b). Bross & Partners giới thiệu vắn tắt cơ chế gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan mới được hướng dẫn trong Nghị định 17/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 26/04/2023 (“Nghị định 17”).
Cơ sở phát sinh trách nhiệm liên đới đối với OSP/ISP
Nghị định 17 xác định trách nhiệm thứ cấp (trách nhiệm gián tiếp) đối với OSP, cụ thể nó quy định rằng nghĩa vụ liên đới của OSP sẽ phát sinh khi chủ thể quyền khởi kiện OSP về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện bởi người sử dụng nội dung số trên nền tảng của OSP đó, nếu có bằng chứng chứng minh rằng OSP đã không tuân thủ các điều kiện để được hưởng cơ chế miễn trừ trách nhiệm pháp lý.[1] Trường hợp OSP trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm quyền giả, quyền liên quan - khác với trách nhiệm gián tiếp - OSP đó sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý trực tiếp giống như các đối tượng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo Điều 28 & 35 Luật SHTT 2022.
Trong số 3 loại hình dịch vụ: “chỉ truyền dẫn” (mere conduit), “lưu trữ đệm” (caching) và “lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu” (hosting), Nghị định 17 chỉ áp đặt nghĩa vụ xây dựng công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với OSP cung cấp dịch vụ “lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu”. Công cụ tiếp nhận này có thể tồn tại dưới dạng chương trình máy tính, hòm thư điện tử, hoặc cổng điện tử. Ngoài ra, OSP cũng có nghĩa vụ thông báo đầu mối liên lạc của mình gồm thư điện tử, số điện thoại liên hệ cho Bộ VHTTDL.
OSP cung cấp dịch vụ hosting có nghĩa vụ, tùy theo yêu cầu của cơ quan thực thi quyền SHTT hoặc chủ thể quyền, thực hiện việc gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số khi biết thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
“Quy trình 72 giờ & 10 ngày làm việc” và “Quy trình 24 giờ”
Nhằm bảo vệ quyền tác giả trên môi trường internet như thực tiễn của thế giới,[2] Nghị định 17 xây dựng cơ chế cho phép cả cơ quan thực thi và chủ thể quyền đều có quyền yêu cầu OSP gỡ nội dung số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Đối với quy trình gỡ nội dung số xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền (“Quy trình 72 giờ & 10 ngày làm việc”), dựa trên tài liệu chứng minh (gồm chứng cứ về tư cách chủ thể quyền, hành vi xâm phạm, vị trí, đường link dẫn nối tới nội dung số nghi ngờ xâm phạm) do chủ thể quyền gửi OSP, trong vòng 72 giờ, ISP tạm gỡ bỏ/ngăn chặn truy nhập tới nội dung số bị nghi ngờ xâm phạm và đồng thời thông báo cho cả chủ thể quyền và bên có nội dung số đó.
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày tạm gỡ bỏ/ngăn chặn như đã nêu trên, nếu OSP không nhận được thông báo phản đối việc tạm gỡ bỏ/ngăn chặn kèm theo tài liệu chứng cứ chứng minh cho phản đối đó thì OSP gỡ bỏ/ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số đó. Trường hợp nhận được phản đối của bên bị yêu cầu gỡ bỏ, trong vòng 72 giờ, OSP khôi phục lại thông tin số bị gỡ hoặc ngăn chặn đồng thời chuyển tiếp văn bản phản đối kèm theo chứng cứ của bên bị yêu cầu cho chủ thể quyền
Sau khi đã chuyển tiếp phản đối kèm chứng cứ của bên bị yêu cầu cho bên yêu cầu mà bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu không khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu cơ quan thực thi xử lý hành vi xâm phạm hoặc tòa án, cơ quan thực thi không thụ lý đơn yêu cầu thì OSP khôi phục lại thông tin số đã gỡ bỏ hoặc ngăn chặn. Nếu Tòa án hoặc cơ quan thực thi thụ lý đơn yêu cầu thì OSP thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan thực thi
Riêng đối với thông tin số được phát trực tiếp (livestream) theo thời gian thực, chủ thể quyền chủ động cung cấp chứng cứ xâm phạm tới OSP trước giờ phát trực tiếp tối thiểu 24 giờ để kịp thời ngăn chặn. Theo đó, OSP ngay lập tức tạm gỡ bỏ/ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số đồng thời thông báo cho bên yêu cầu và bên bị yêu cầu; tiếp tục thực hiện theo “Quy trình 72 giờ & 10 ngày làm việc” như mô tả trên
Đối với quy trình gỡ nội dung số xâm phạm theo yêu cầu của cơ quan thực thi (“Quy trình 24 giờ”): Không muộn hơn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan thực thi, OSP phải gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, và đồng thời phải thông báo cho bên có nội dung số bị gỡ bỏ, và phải báo cáo kết quả thực hiện cho cơ quan thực thi đã yêu cầu trong vòng không quá 24 giờ.
Trường hợp có phản đối bởi bên có nội dung thông tin số bị gỡ bỏ/ngăn chặn hoặc bởi OSP, một trong các chủ thể này có quyền tiến hành khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định pháp luật đối với quyết định của cơ quan thực thi.
Cần lưu ý rằng yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được tiến hành bởi cơ quan thực thi là bằng chứng chứng minh rằng OSP biết nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Điều này có nghĩa ISP/OSP cung cấp dịch vụ hosting không còn được hưởng cơ chế miễn trừ trách nhiệm pháp lý nữa.
Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) năm 2021 bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bao gồm nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng ở Việt Nam và nước ngoài.
Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.
[2] Cơ chế thông báo và gỡ bỏ nội dung số phổ biến hiện nay trên thế giới được vận hành theo Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số của Mỹ, tên gọi tiếng Anh là “the Digital Millennium Copyright Act” (“DMCA”) và cơ chế này còn hay được biết đến với tên gọi là “DMCA notice and takedown process”. Xem thêm: The Digital Millennium Copyright Act | U.S. Copyright Office