Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
Hàng giả và hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
(Ngày đăng: 2019-12-18)

Hàng giả và hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

 

Email to: vinh@bross.vn

 

ICC Bascap công bố báo cáo lần đầu tiên về hàng giả và hàng lậu ở Việt Nam

 

Lần đầu tiên một bản báo cáo khá toàn diện gồm 39 trang về vấn đề sở hữu trí tuệ ở Việt Nam bao gồm cả hiện trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả và hàng lậu được ban hành theo sáng kiến của Phòng thương mại quốc tế ICC gọi tắt là ICC Bascap có tên gọi “Thúc đẩy và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” trên cơ sở phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) [1].

 

Xét riêng về khía cạnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta có thể nhìn thấy báo cáo của ICC Bascap đề cập đến 3 vấn đề đáng báo động nhất:

  1. Tình trạng hàng giả và hàng lậu ở mức báo động ở Việt Nam góp phần tích cực cho nền kinh tế ngầm (nền kinh tế chưa quan sát) hàng nhiều chục tỷ đô la, làm cho nhà nước thất thu thuế còn người tiêu dùng thì gánh chịu rủi ro sức khỏe. Các mặt hàng giả xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ dệt may, mỹ phẩm, dược phẩm, rượu mạnh, thực phẩm và phần mềm
  2. Đối tượng xâm phạm ngày càng tinh vi vì chúng sử dụng công nghệ làm giả tinh vi làm vô hiệu hóa khả năng phát hiện, trong đó chú yếu tập trung vào giả các thương hiệu lớn
  3. Xâm phạm quyền SHTT đang gia tăng nhanh và phổ biến trên môi trường internet tập trung vào web lậu, phát tán, phân phối sản phẩm có quyền tác giả hoặc quyền liên quan không phép, bẻ khóa, phát lậu, livestream,…

 

Phân biệt hàng giả và hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ

 

Hàng giả (có lẽ phải gọi chính xác phải là hàng hóa giả hoặc hàng hóa giả mạo) nhìn chung được hiểu là một loại hàng hóa bị làm giả về hình thức hoặc chất lượng của hàng hóa thật được sản xuất bởi người khác khiến cho người tiêu dùng hầu như không thể phân biệt được đâu là hàng thật đâu là hàng giả khi lựa chọn mua hàng.

 

Về pháp lý, nếu định nghĩa trực tiếp hàng giả là gì có vẻ dễ gây tranh cãi vì vậy người ta chọn cách định nghĩa gián tiếp là đi liệt kê các loại hàng hóa nào bị xem là hàng giả. Theo Nghị định 185/NĐ-CP ngày 15/11/2013[2] thì có 8 loại hàng hóa nếu rơi vào một trong các trường hợp sau đây thì phải bị xem là hàng giả:

 

(1) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

(2) Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;(

(3) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

(4) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

(5) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

(6) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

(7) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;

(8) Tem, nhãn, bao bì giả.

 

Trong số 8 loại hàng giả nêu trên ít nhất có một loại hàng giả trực tiếp liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được gọi là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ thực chất được chuyển ngữ từ thuật ngữ “counterfeit goods” hoặc “counterfeit trademark goods” được quy định trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs)[3] mà Việt Nam là thành viên và Việt Nam có nghĩa vụ phải nội luật hóa trong luật quốc gia của mình làm điều kiện tiên quyết để Việt Nam được chấp nhận là thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)[4]

 

Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung hoặc xâm phạm nhãn hiệu nói riêng hiển nhiên phải bị xử lý bằng biện pháp hành chính[5] hoặc/và biện pháp dân sự[6]. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Hiệp định TRIPs, Việt Nam bị buộc phải hình sự hóa đối với hành vi xâm phạm quyền độc quyền nhãn hiệu nếu hành vi đó mang bản chất là giả mạo nhãn hiệu (counterfeit trademark goods) và được thực hiện với “quy mô thương mại” (on a commercial scale)[7]

Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam nội luật hóa nghĩa vụ nêu trên ở Hiệp định TRIPs thành điều 213 quy định hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ gồm 3 loại: (a) giả mạo nhãn hiệu, (b) giả mạo chỉ dẫn địa lý, và (c) hàng hóa sao chép lậu, trong đó hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được định nghĩa là hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu[8].

 

Như vậy, hàng giả có thể là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc ngược lại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có thể trở thành hàng giả miễn là nó rơi vào bảng liệt kê 8 dạng hàng giả theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP hoặc được mô tả ở điều 213 Luật sở hữu trí tuệ

 

Chế tài hành chính hay chế tài hình sự được áp dụng khi xử lý hàng giả hoặc hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ?

 

Cần đặc biệt lưu ý rằng theo pháp luật Việt Nam, cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán và lưu thông hàng giả, hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa giả mạo nhãn hiệu vẫn có thể thoát trách nhiệm hình sự (mà chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính[9]) nếu hành vi đó theo quy tắc chung được xác định là chưa hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm hình sự theo Bộ luật hình sự năm 2015

 

Hành vi sản xuất hoặc buôn bán hàng giả (mà không nhất thiết liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) là thực phẩm và thuốc chữa bệnh cho người về lý thuyết phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 193 và điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015 tương ứng bất luận quy mô thương mại hoặc giá trị tính thành tiền của hàng giả bị tịch thu vì cấu thành tội phạm cơ bản của hành vi sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm là người phạm tội bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm[10] trong khi hàng giả là thuốc chữa bệnh thì người phạm tội bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm[11]

 

Hành vi sản xuất hoặc buôn bán hàng giả mà được kết luận là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo điều 213 Luật sở hữu trí tuệ về nguyên tắc sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 226 Bộ luật hình sự. Theo điều 226, một cá nhân có thể phải chịu hình phạt chính (hình sự) là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu hành vi của cá nhân này đồng thời thỏa mãn 3 yếu tố cấu thành tội phạm:

(a) cá nhân đó thực hiện hành vi với lỗi cố ý, và

(b) đối tượng bị xâm phạm là nhãn hiệu giả mạo hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo, và

(c) hành vi xâm phạm được thực hiện với quy mô thương mại, hoặc cá nhân này đã thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho chủ nhãn hiệu từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng

 

Độc lập với trách nhiệm hình sự mà cá nhân thực hiện nêu ở đoạn trên, pháp nhân thương mại cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226[12] ví dụ như trong vụ giả mạo nhãn hiệu “Nhốm Việt Pháp Shal”[13], cụ thể có thể bị áp dụng hình phạt chính theo cấu thành cơ bản là phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động kinh doanh có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm hoặc bị phạt tiền đến 5 tỷ đồng khi có tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 2 điều 226, nếu cùng lúc thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm sau:

  1. Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi với lỗi cố ý, và
  2. đối tượng bị xâm phạm là nhãn hiệu giả mạo hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo, và
  3. hành vi xâm phạm được thực hiện với quy mô thương mại, hoặc đã thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho chủ nhãn hiệu từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.

 

Bross & Partners có kinh nghiệm tranh tụng hình sự và tranh tụng dân sự các vụ án liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cũng như có kinh nghiệm tham gia xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.

 

Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Với nhiều năm kinh nghiệm nổi bật và năng lực chuyên môn sâu khác biệt, Bross & Partners có thể giúp khách hàng bảo vệ hoặc tự vệ một cách hiệu quả trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam (bao gồm cả tranh tụng) liên quan đến nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và tên miền internet.

 



[1] Báo cáo bằng tiếng Việt có tên gọi “Thúc đẩy và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” và báo cáo bằng tiếng Anh nhan đề “ICC Bascap Promoting and protecting intellectual property in Vietnam” có thể xem tại link: https://iccwbo.org/publication/icc-bascap-promoting-and-protecting-intellectual-property-in-vietnam/. Thông tin xung quanh việc công bố báo cáo này có thể xem thêm ở bài viết “ICC Bascap công bố báo cáo đầu tiên về vấn đề hàng giả và vi phạm bản quyền tại Việt Nam”: http://www.viac.vn/tin-tuc-su-kien/icc-bascap-cong-bo-bao-cao-dau-tien-ve-van-de-hang-gia-va-vi-pham-ban-quyen-tai-viet-nam-n553.html; hoặc chuyên mục “Hà Nội những góc nhìn” của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội có chủ đề “Luật sở hữu trí tuệ và những bất cập cần khắc phục” mà luật sư Lê Quang Vinh được mời chia sẽ tại trường quay (xem link video: http://hanoitv.vn/ha-noi-nhung-goc-nhin-luat-so-huu-tri-tue-va-nhung-bat-cap-can-khac-phuc-v117044.html) hoặc đọc tham khảo ở link: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Luat-su-Le-Quang-Vinh-Bross--Partners-chia-se-voi-khan-gia-cua-chuyen-muc-%E2%80%9CHa-Noi-nhung-goc-nhin%E2%80%9D-cua-Dai-Truyen-hinh-Ha-Noi-voi-chu-de-%E2%80%9CLuat-So-huu-tri-tue-va-nhung-bat-cap-can-khac-phuc%E2%80%9D-1480

 

 

[2] Xem khoản 8 điều 3 Nghị định 85/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng

[3] Khái niệm counterfeit trademark goods được nói ở Footnote 14(a) Hiệp định TRIPs:

"Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu" có nghĩa là bất kỳ hàng hóa nào cả kể bao bì của nó, trái phép mang nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đã đăng ký cho hàng hóa đó, hoặc không thể dễ dàng phân biệt được với nhãn hiệu đã đăng ký, và xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu đã theo luật của nước nhập khẩu”

[5] Theo Khoản 1 điều 2, điều 3 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đang được bảo hộ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới tối đa 500 triệu đồng có kèm hoặc không kèm theo biện pháp xử phạt bổ sung (như tịch thu hàng hóa, tang vật vi phạm, đình chỉ hoạt động kinh doanh) và biện pháp khắc phục hậu quả chẳng hạn như buộc tiêu hủy

[6] Theo điều 202, khoản 1 & 2 điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ, bất luận hành vi xâm phạm nhãn hiệu đã bị xử lý hành chính hay chưa, chủ nhãn hiệu (nguyên đơn) có thể khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu tòa án buộc người vi phạm (bị đơn) chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại vật chất lên tới 500 triệu đồng hoặc có thể cao hơn (nếu thiệt hại vật chất chứng minh được cao hơn 500 triệu) và thiệt hại tinh thần tối đa 50 triệu đồng

[7] Điều 61 Hiệp định TRIPs

Các Thành viên phải quy định việc áp dụng các thủ tục hình sự và các hình phạt để áp dụng ít nhất đối với các trường hợp cố tình giả mạo nhãn hiệu hàng hoá hoặc hàng hóa sao chép lậu  với quy mô thương mại. Các biện pháp chế tài theo quy định phải bao gồm cả phạt tù và/hoặc phạt tiền đủ để ngăn ngừa xâm phạm, tương ứng với mức phạt được áp dụng cho các tội phạm có mức độ nghiêm trọng tương đương trong những trường hợp thích hợp, các biện pháp chế tài cũng phải bao gồm cả việc bắt giữ, tịch thu và tiêu huỷ hàng hoá xâm phạm và bất cứ vật liệu và các phương tiện nào khác được sử dụng chủ yếu để thực hiện tội phạm. Các Thành viên có thể quy định các thủ tục hình sự và các hình phạt áp dụng cho các trường hợp khác xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trường hợp cố ý xâm phạm và xâm phạm với quy mô thương mại.

[8] Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ

1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hóa sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

3. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

[9] Bạn đọc cần tìm hiểu chế tài hình sự, dân sự, hành chính có được áp dụng khác nhau đối với các hành vi xâm phạm các loại quyền sở hữu trí tuệ khác nhau không? Nếu không thì pháp luật quy định cụ thể như thế nào để chủ thể quyền có thể nhận biết? thì có thể đọc thêm ở bài viết “Phần ¾ Tìm hiểu nhanh bức tranh toàn cảnh pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam dưới dạng hỏi đáp”: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Phan-34-Tim-hieu-nhanh-buc-tranh-toan-canh-phap-luat-ve-so-huu-tri-tue-cua-Viet-Nam-duoi-dang-hoi-dap-1463

 

[10] Khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ 1/1/2018 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm) quy định: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm

[11] Khoản 1 Điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ 1/1/2018 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh) quy định: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

[12] Để biết thêm về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, xem thêm bài viết “Bộ luật hình sự năm 2015 liệu có khả năng hiện thực hóa nỗ lực trừng trị thích đáng các đối tượng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam?”: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Bo-Luat-hinh-su-2015-lieu-co-kha-nang-hien-thuc-hoa-no-luc-trung-tri-thich-dang-cac-doi-tuong-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-o-Viet-Nam-1328

[13] Theo bài viết “Vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được phát hiện như thế nào?” được đăng ngày 6/12/2019 bởi tờ Công an nhân dân online, vụ án hình sự đã khởi tố đối với cả cá nhân người vi phạm lẫn cả pháp nhân của người vi phạm liên quan đến vụ bắt giữ 42.405 thanh nhôm định hình (khoảng 170 tấn) ở Khu công nghiệp Trung Hà, Tam Nông, tỉnh Phú Thọ mang nhãn hiệu giả mạo “Nhôm Việt Pháp Shal” có lẽ là vụ hình sự đầu tiên trên cả nước mà cơ quan điều tra khởi tố cả đối với pháp nhân thương mại. Xem thêm: http://cand.com.vn/Lan-theo-dau-vet-toi-pham/Vu-an-xam-pham-quyen-so-huu-cong-nghiep-duoc-phat-hien-nhu-the-nao-572863/

 

 

 

Bookmark and Share
Relatednews
Xâm phạm nhãn hiệu trên vũ trụ ảo nhìn từ vụ Hermes vs. Mason Rothschild ở tòa án Hoa Kỳ
Thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền tác giả ở Việt Nam, UK, Mỹ, EU và Trung Quốc
Cấp quyền nhân vật (merchandising rights) và các khía cạnh pháp lý cần lưu ý cho bên cấp quyền và bên nhận quyền
So sánh Đăng bạ chính (Principal Register) và Đăng bạ phụ (Supplemental Register) khi đăng ký nhãn hiệu ở USPTO
10 Key Changes in Enforcing Patent, Design, Trademark Rights via Administravive Measure under Revised Decree 99/2013/NĐ-CP
Qatar tham gia Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu
Thương hiệu giả mạo “Phở Thìn 13 Lò Đúc” bị hủy bỏ hiệu lực ở Hàn Quốc
10 thay đổi lớn về thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP sửa đổi
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.