Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN BẢO HỘ NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG Ở TRUNG QUỐC (PHẦN 1)
(Ngày đăng: 2018-10-24)

PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN BẢO HỘ NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG Ở TRUNG QUỐC[1] [Phần 1/3: Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trước khi Hiệp định TRIPs có hiệu lực[2]]

 

Giới thiệu chung

 

Trung Quốc là vừa là quốc gia đông dân nhất thế giới cũng vừa là quốc gia có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu lớn nhất thế giới. Trong suốt 13 năm liên tiếp vừa qua Trung Quốc vẫn được xem là thống trị ở vị trí quán quân, chẳng hạn như riêng năm 2014 đã có 2,285,000 đơn nhãn hiệu được nộp cho Cơ quan nhãn hiệu Trung Quốc (CTMO), với mức tăng trung bình hàng năm 21,74%, trong đó đơn của công dân/pháp nhân Trung Quốc chiếm đại đa số đến 93,64% trong khi tỷ lệ đơn Madrid và đơn nước ngoài chỉ chiếm lần lượt là 2,28% và 6,36%[3].

 

Trong vụ thủ tục phản đối tại CTMO, Pizza Hut là nhãn hiệu nước ngoài đầu tiên được quyết định bởi CTMO là nhãn hiệu nổi tiếng và sau đó đến năm 1989 nhãn hiệu Tong Ren Tang dùng cho sản phẩm dược là nhãn hiệu đầu tiên của Trung Quốc được xem là nổi tiếng trước khi chúng ta được biết đến nhiều nhãn hiệu khác được coi là nổi tiếng như Nissan, Boss, Tissot, YSL, Cartier, McDonald’s, Formula 1, Philips, Marlboro…[4].

 

Cần phải nói thêm về tình tiết khá đặc biệt trong vụ công nhận nhãn hiệu nổi tiếng Tong Ren Tang. Thương hiệu này vốn sở hữu bởi một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, Beijing Medicinal Materials Company, đã bị đăng ký tại Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) bởi một doanh nghiệp Nhật Bản. Sau đó chủ nhãn hiệu Tong Ren Tang nộp đơn yêu cầu JPO hủy bỏ nhãn hiệu trên cơ sở nhãn hiệu nổi tiếng. Trên cơ sở được yêu cầu bởi JPO về việc xác nhận chính thức Tong Ren Tang là nhãn hiệu nổi tiếng, CMTO đã cung cấp văn bản xác nhận Tong Ren Tang là nhãn hiệu nổi tiếng và hệ quả là JPO hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu Tong Ren Tang ở Nhật Bản[5].

 

Đối với việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng thông qua thủ tục tư pháp, nhãn hiệu DUPONT của US Dupont Co., Ltd là nhãn hiệu đầu tiên được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng bởi Tòa án nhân dân trung cấp số 1 trước khi nó tiếp tục được phê chuẩn y án bởi Tòa án nhân dân cấp cao Bắc Kinh trong vụ việc hủy bỏ tên miền chứa yếu tố Dupont đăng ký trái phép bởi một công ty khác ở Trung Quốc[6].

 

Giai đoạn sau khi Trung Quốc trở thành thành viên chính thức WTO ngày 11/12/2001[7] được đánh dấu bằng việc trong thời gian ngắn trước đó Trung Quốc đã thông qua Luật nhãn hiệu sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1/12/2001 (Luật nhãn hiệu 2001), theo đó chế định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng lần đầu tiên được quy định trong một đạo luật, thể hiện quan điểm và lập trường rõ ràng và ổn định của Trung Quốc trong việc bảo hộ nhãn hiệu nói chung và đặc biệt là nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng nhằm tuân thủ các quy định của Công ước Paris và TRIPs. Các phân tích tiếp theo dưới đây sẽ làm rõ hơn về lịch sử phát triển của chế định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, định nghĩa và phương thức công nhận nhãn hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc.

 

Pháp luật và thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trước khi TRIPs có hiệu lực ở Trung Quốc

 

Thuật ngữ nhãn hiệu nổi tiếng thực ra đã được đề cập khá sớm, thậm chí trước khi Trung Quốc tham gia Công ước Paris[8]. Cụ thể, thuật ngữ này được nêu trong Luật nhãn hiệu Trung Quốc và Quy định hướng dẫn thi hành năm 1982 (Luật nhãn hiệu 1982) được ban hành nhằm sửa đổi các quy định pháp lý đầu tiên của Trung Quốc về bảo hộ nhãn hiệu đó là bản quy định tạm thời về đăng ký nhãn hiệu được ban hành năm 1950 dưới thời Mao Trạch Đông[9]. Theo Điều 27 Luật nhãn hiệu 1982 và Điều 25.2 Quy định hướng dẫn, chủ nhãn hiệu nổi tiếng có thể hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu được cấp cho bên thứ ba nếu có căn cứ cho rằng bên thứ ba đã xác lập quyền xâm phạm nguyên tắc trung thực bằng cách nhái hoặc giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng của người khác.

 

Mặc dù quy định như vậy nhưng thực tế cho thấy các quy định này bị đánh giá là mơ hồ và không đủ khả năng giải quyết được một số câu hỏi như liệu chúng có được áp dụng giải quyết cho nhãn hiệu đăng ký gắn liền với các hàng hóa/dịch vụ không liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng cũng như chưa rõ có khả năng áp dụng đối với nhãn hiệu nổi tiếng chưa được đăng ký ở Trung Quốc hay không.

 

Nhằm mục đích hướng dẫn làm rõ các quy định bị xem là mơ hồ và thiếu khả thi về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, ngày 14/8/1996 SAIC[10] ban hành Bản Quy Định Tạm Thời vốn mang bản chất là văn bản mang tính hành chính về việc xác định và công nhận nhãn hiệu nổi tiếng[11] (“Bản Quy Định Tạm Thời”). Theo Bản Quy Định Tạm Thời (hay còn được gọi là Lệnh số 56), các chủ nhãn hiệu có thể giành được bảo hộ với tư cách là nhãn hiệu nổi tiếng theo một trong hai cách: thông qua thủ tục phản đối hoặc hủy bỏ nhãn hiệu bằng thủ tục hành chính thông qua vai trò của SAIC, hoặc thông qua bản án của tòa án có thẩm quyền.

 

Đặc điểm chung của cả 2 cách này là đều mang tính chất ad hoc. Ngoài hai cách này còn một hình thức bảo hộ nữa có vẻ mang tính chất mệnh lệnh hành chính là SAIC lưu hành nội bộ danh sách các nhãn hiệu nổi tiếng gửi tới các Sở công thương cấp dưới của nó. Chẳng hạn như tháng 4/1995 SAIC đã gửi thông báo gửi các Sở Công thương tỉnh Chiết Giang, Sơn Đông, thành phố Thượng Hải xác nhận rằng các nhãn hiệu YULI, DOUBLE STAR, PANDA, HERO và CHANGCHAI[12] của các chủ nhãn hiệu tương ứng Zhejiang Yuli Electrics Company, Qingdao Double Star Group Corporation, Panda Electric Group Corporation, Shanghai Hero Co. Ltd., và Changzhou Diesel Engine Factory là các nhãn hiệu nổi tiếng. Kể từ thời điểm ban Bản Quy Định Tạm Thời đến tháng 2/2002, Cơ quan nhãn hiệu Trung Quốc đã quyết định công nhận tổng cộng 274 nhãn hiệu nổi tiếng[13].

Theo Điều 8 của Bản Quy Định Tạm Thời, trường hợp bên thứ ba đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự cho hàng hóa/dịch vụ không liên quan đến hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng mà có thể gây tổn hại cho nhãn hiệu nổi tiếng thì chủ nhãn hiệu nổi tiếng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ngăn cấm việc đăng ký hoặc hủy bỏ đăng ký.

 

Trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được sử dụng bởi bên thứ ba cho hàng hóa/dịch vụ có liên quan và có khả năng tạo lập nên mối liên hệ giữa hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu đó với nhãn hiệu nổi tiếng thì chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có quyền yêu cầu Sở Công thương các tỉnh (AICs[14]) buộc chấm dứt hành vi xâm phạm. Ngoài ra, cũng theo điều này trường hợp bên thứ ba sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng làm tên doanh nghiệp/tên thương mại thì chủ nhãn hiệu nổi tiếng có thể yêu cầu AICs ngăn cấm việc đăng ký tên doanh nghiệp đó hoặc yêu cầu hủy bỏ việc đăng ký đó.

 

Trong khi hai trường hợp đầu tiên nói ở trên được cho là khả thi ở Trung Quốc thì trường hợp thứ ba liên quan đến tên doanh nghiệp xem ra khó khăn hơn nhiều vì AICs không có dữ liệu chung về tên doanh nghiệp trên toàn quốc, dẫn đến việc nếu nó phát hiện tên doanh nghiệp xin đăng ký không trùng hoặc tương tự với tên doanh nghiệp đã được đăng ký thuộc thẩm quyền cấp đăng ký của nó thì tên doanh nghiệp đó mặc nhiên được coi là hợp lệ. Cần lưu ý rằng AICs ở các cấp đều có thẩm quyền cấp tên doanh nghiệp nhưng chỉ có duy nhất một cơ quan trực thuộc SAIC là CTMO[15] mới có thẩm quyền đăng ký nhãn hiệu[16].

 

Ngoài việc được đề cập trong Luật nhãn hiệu 1982 và Bản Quy Định Tạm Thời, nhãn hiệu nổi tiếng còn được đề cập trong Luật chống cạnh tranh không lành mạnh năm 1993, chẳng hạn như hành vi giả mạo nhãn hiệu chính hiệu, nhãn hiệu sản phẩm tuyệt hảo nổi tiếng hoặc nhãn hiệu của sản phẩm có chất lượng khác là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm[17].

Thời kỳ trước khi Hiệp định TRIPs dù Trung Quốc được đánh giá cao về nỗ lực ban hành căn cứ pháp lý bảo hộ và thực thi nhãn hiệu nổi tiếng song thời kỳ này vẫn còn bị đánh giá bởi nhiều học giả và các nhà bình luận quốc tế là còn tồn tại nhiều thách thức, trở ngại đối với việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, chẳng hạn:

 

  1. Trên thực tiễn thì thì hầu như không thể thực thi bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng không đăng ký ở Trung Quốc vì Điều 2 của Bản Quy Định Tạm Thời định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng là “nhãn hiệu đã đăng ký” điều này có nghĩa là nhãn hiệu nổi tiếng không đăng ký đương nhiên không được hưởng lợi ích đặc biệt theo Bản Quy Định Tạm Thời bất chấp thực tế là cả Điều 27 Luật nhãn hiệu 1982 và Điều 25.2 Quy định hướng dẫn đều có quy định bảo hộ chống lại hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu nổi tiếng không đăng ký.

 

Theo tác giả Ruixue Ran, trong luận văn đăng trên UCLA Pacific Basin Law Journal, công bố năm 2002 (như đã trích dẫn ở Footnote 9), trích dẫn ý kiến của thẩm phán Tòa án tối cao Trung Quốc, Tiến sĩ Jiang Zhipei rằng rất khó dành được bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng không đăng ký mà không được sử dụng ở Trung Quốc vì uy tín thương mại của hàng hóa/dịch vụ luôn gắn liền với thị trường và người tiêu dùng ở thị trường ấy. Do vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi một nhãn hiệu có thể được nhiều người biết tới ở thị trường A nhưng ở thị trường B thì họ hầu như biết rất ít về nhãn hiệu đó. Do đặc tính giới hạn theo lãnh thổ, nhãn hiệu mà không được đăng ký và không được sử dụng ở Trung Quốc rất hiếm khi được cấp bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu nổi tiếng vì thực tiễn đã cho thấy các tập đoàn đa quốc gia giành được chiến thắng trong các vụ việc liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng đều đã đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng của họ trước khi nộp đơn khởi kiện ở Trung Quốc.

 

  1. Công nhận nhãn hiệu nổi tiếng bằng con đường hành chính hay bằng thủ tục tư pháp có vẻ vẫn còn chưa được phân định rõ ràng là nó thuộc thẩm quyền duy nhất của cơ quan hành chính (SAIC) hay của  cơ quan tư pháp (tòa án) hay cả hai. Bản Quy Định Tạm Thời dù quy định chỉ có SAIC mới có thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng có vẻ như không có giá trị đối với các tòa án trong việc áp dụng pháp luật xét xử các vụ việc có liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng. Điều này có thể tìm thấy trong vụ Inter IKEA System BV v Beijing Information System Co Ltd (CINet)[18], theo đó Tòa phúc thẩm số 2 Bắc Kinh đã ra phán quyết công nhận nhãn hiệu IKEA là nhãn hiệu nước ngoài nổi tiếng tại Trung Quốc, từ đó mở đường cho kết luận rằng việc CINET sử dụng tên miền ikea.com.cn gây nhầm lẫn cho người người tiêu dùng về mối quan hệ giữa Ikea và CINET, CINET đã hưởng lợi bất hợp pháp đối với uy tín và danh tiếng gắn liền với nhãn hiệu nổi tiếng IKEA. Phán quyết của tòa án cũng rõ ràng cho thấy tòa án không bị ràng buộc bởi Bản Quy Định Tạm Thời, vốn chỉ được xem là bản quy định mang tính chất hành chính của cơ quan hành chính (SAIC).

 

  1. Việc Trung Quốc cấp bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng cho quá ít nhãn hiệu nước ngoài trong thời gian nhiều năm qua đã làm dấy lên các quan ngại bởi nhiều thành viên WTO về tình trạng phân biệt đối xử hoặc không tôn trọng nguyên tắc đối xử quốc gia[19]. Tính đến năm 2000, CTMO đã công nhận 196[20] nhãn hiệu nổi tiếng nhưng tất cả trong số này đều thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc. Một tổng kết khác báo cáo rằng trong suốt nhiều thập kỷ qua cho đến hết năm 2012, SAIC đã công nhận trên 4,000 nhãn hiệu nổi tiếng nhưng những người hành nghề dự tính chỉ khoảng 1% trong số đó là nhãn hiệu nổi tiếng có nguồn gốc nước ngoài. Mặt khác, chính con số này cũng phản ánh thực trạng là rất khó thu thập đủ bằng chứng cần thiết để nhãn hiệu nước ngoài được công nhận là nổi tiếng ở Trung Quốc[21]. Theo tác giả Yiqiang Li[22] kể từ năm 2001 đến thời điểm điểm bài viết được đăng ngày 01/06/2009 thì các tòa án Trung Quốc và SAIC đã công nhận xấp xỉ 1,000 nhãn hiệu nổi tiếng tuy không nói rõ số lượng cụ thể bao nhiêu trong con số này được công nhận bởi tòa án Trung Quốc.

[Còn nữa…]

 

Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Bross & Partners có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu hỗ trợ khách hàng trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài bao gồm cả Mỹ, EU, Canada, Trung Quốc, Thailand. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.

 

 


[1] Trích Báo cáo nghiên cứu thuộc Dự án bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp công bố ngày 17/11/2017 tại Hà Nội và được phát hành bởi Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật năm 2017 bởi đồng tác giả Ls. Lê Quang Vinh và Ts. Phan Ngọc Tâm

[2] Hiệp định TRIPs có hiệu lực từ 01/01/1995 được viết đầy đủ trong tiếng Anh là “The Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights” là một thỏa thuận đa phương toàn diện nhất về sở hữu trí tuệ ở phạm vi toàn cầu và việc các nước tham gia cam kết chịu sự ràng buộc của nó cũng đồng thời là điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Xem thêm: https://www.most.gov.vn/thanhtra/tin-tuc/8/225/tong-quan-ve-hiep-dinh-trips.aspx

[3] Xem Annual Development Report on China’s Trademark Strategy 2014, trang 005, 006

[4] Xem Grace Li, Well-known Trademark Protection in China, Issue 15 hoặc xem http://www.chinaipmagazine.com/en/journal-show.asp?id=380

[5] Xem, Edward Eugene Lehman, Camilla Ojansivu, Stan Obrams, sđd, trang 260

[6] Xem An Qinghu, sđd, trang 712.

[8] Trung Quốc tham gia Công ước Paris ngày 19/12/1984 có hiệu lực từ 19/03/1985. Nguồn: http://www.wipo.int/treaties/en/ShowResults.jsp?treaty_id=2

[9] Xem Ruixue Ran, Well-known Trademark Protection in China: Before and After the TRIPs Amendments to the China Trademark Law, Pacific Basin Law Journal, Vol. 19:231, trang 232

[10] Tên viết tắt của Bộ Công thương Trung Quốc - State Administration for Industry and Commerce

[11] Nguyên văn tiếng Anh: Interim Provisions on the Determination and Administration of Well-known Marks

[12] Xem An Qinghu, sđd, trang 711

[13] Sđd, trang 712

[14] Administration of Industry and Commerce

[15] Cơ quan đăng ký nhãn hiệu Trung Quốc, tên tiếng Anh là China Trademark Office, viết tắt là CTMO

[16] Xem thêm: Regulations of the People’s Republic of China on Company Registration, Điều 6-8; và Implementing Rules on Registration of Enterprises as Legal Persons, Điều 7-10.

[17] Điều 5 Luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc năm 1993 quy định:

A business operator shall not harm his competitors in market transactions by resorting to any of the following unfair means:

(4) forging or counterfeiting authentication marks, famous-and-excellent-product marks or other product quality marks on their commodities, forging the orign of their products or making false and misleading indications as to the quality of their commodities.

[19] Xem Word Trade Organization Working Party on the Accession of China, Draft Report of the Working Party on the Accession of China, WT/ACC/SPEC/CHN/1/Rev. 8, at 77, 78 (July 31, 2001)

[20] Xem http://www.worldtrademarkreview.com/Blog/detail.aspx?g=8ef0045f-dfee-4393-a31c-7f34579e295f                                                                                                                                                           

 

Bookmark and Share
Relatednews
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?
Trung Quốc: Tranh tụng bản quyền nhiều nhất thế giới và vai trò đặc biệt của hệ thống Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ
Nhật Bản bỏ thu phí 2 lần đối với nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid
Cambodia to Strictly Watch the Timely Submission of Affidavit of Use/Affidavit of Non-use for a Registered Trademark
Trung Quốc sẽ tiếp tục sửa Luật nhãn hiệu 2019 với trọng tâm chống “đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu”
Căn cứ từ chối tuyệt đối cần tránh khi lựa chọn thương hiệu để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc
Campuchia siết chặt nghĩa vụ nộp bằng chứng sử dụng đối với nhãn hiệu đã đăng ký
Bross & Partners as a Contributor to the Chambers Trademarks and Copyright 2024 Global Practice Guide
Founding Partner Le Quang Vinh continously named in the 2023 A-List by Asia Business Law Journal

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.

         
Cửa thép vân gỗcua thep van go