Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN BẢO HỘ NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG Ở TRUNG QUỐC (PHẦN 2)
(Ngày đăng: 2018-10-24)

PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN BẢO HỘ NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG Ở TRUNG QUỐC[1] [Phần 2/3: Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng sau khi Hiệp định TRIPs có hiệu lực[2]]

 

Theo Luật nhãn hiệu 2001, các quy định liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại các Điều 13, 14 và 41. Điều 13 vốn được lấy từ Điều 16 của Bản Quy Đinh Tạm Thời quy định rằng một nhãn hiệu xin đăng ký sẽ không được cấp đăng ký và việc sử dụng nó cũng bị cấm trong trường hợp nó là bản sao, bản bắt chước hoặc bản dịch của nhãn hiệu nổi tiếng của người khác mà chưa được đăng ký ở Trung Quốc và có khả năng gây nhầm lẫn, nếu nhãn hiệu xin đăng ký gắn liền với hàng hóa/dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng.

 

Nhãn hiệu xin đăng ký cũng sẽ bị từ chối và việc sử dụng nó cũng sẽ bị cấm trong trường hợp nó là bản sao, bản bắt chước, hoặc bản dịch của nhãn hiệu nổi tiếng của người khác mà đã được đăng ký ở Trung Quốc và có khả năng gây hiểu sai lệch cho công chúng và gây thiệt hại lợi ích của chủ nhãn hiệu nổi tiếng, nếu nhãn hiệu xin đăng ký đó dùng cho hàng hóa/dịch vụ không trùng hoặc không tương tự với hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng.

 

Như vậy theo quy định này, quan điểm bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng của Trung Quốc khá rõ ràng đối với 2 loại nhãn hiệu nổi tiếng được phân loại gồm nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký và nhãn hiệu nổi tiếng không đăng ký ở Trung Quốc mà việc bảo hộ chúng đều hướng tới việc cấp cho chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng quyền yêu cầu từ chối đăng ký và ngăn cấm việc sử dụng. Tuy nhiên, điều kiện bảo hộ của 2 dạng nhãn hiệu nổi tiếng này khác nhau ở chỗ đối với nhãn hiệu nổi tiếng nổi tiếng chưa đăng ký thì phạm vi bảo hộ của nó chỉ giới hạn đối với các nhãn hiệu nộp sau hoặc sử dụng sau mà gắn liền với hàng hóa/dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, trong khi đối với nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký thì phạm vi bảo hộ của nó có thể lan tới cả hàng hóa/dịch vụ không trùng hoặc không tương tự.

Vấn đề thời hiệu hủy bỏ nhãn hiệu được quy định tại Điều 41 đoạn 2, cụ thể trường hợp nhãn hiệu đăng ký xâm phạm điều 13, 15, 16 hoặc 31 của luật này thì chủ nhãn hiệu hoặc người có quyền lợi liên quan, trong vòng 5 năm kể từ ngày đăng ký, có quyền yêu cầu Ban giải quyết tranh chấp và khiếu nại nhãn hiệu (hay còn được gọi là TRAB[3]).

 

Trường hợp việc giành được đăng ký nhãn hiệu nêu trên mà có dấu hiệu không trung thực (bad faith) thì không áp dụng thời hiệu 5 năm kể trên.

 

Luật nhãn hiệu 2001 đã đưa 5 yếu tố phải xem xét khi đánh giá liệu một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không tại Điều 14, cụ thể:

 

  1. Danh tiếng của nhãn hiệu trước bộ phận công chúng liên quan;
  2. Thời gian liên tục sử dụng nhãn hiệu;
  3. Thời gian, phạm vi và khu vực địa lý liên tục quảng bá nhãn hiệu;
  4. Hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu với tư cách là nhãn hiệu nổi tiếng; và
  5. Các yếu tố khác liên quan đến danh tiếng của nhãn hiệu.

 

Ở đây chúng ta cần lưu ý rằng Trung Quốc đã không đưa 7 yếu tố[4] vốn được quy định trong Bản Quy Định Tạm Thời vào Luật nhãn hiệu 2001. Thay vì thế họ chỉ đưa vào 5 yếu tố và mặt khác nội dung yêu cầu của 5 yếu tố theo Luật nhãn hiệu 2001 cũng khác hẳn với nội dung yêu cầu của 7 tiêu chí vốn bị đánh giá là quá gây khó khăn và thậm chí mang tính chất bất khả thi đối với các chủ nhãn hiệu. Một lý do được xem là hợp lý hơn được lý giải là vào thời điểm ban hành Luật nhãn hiệu 2001, 6 tiêu chí cần xem xét đánh giá liệu một nhãn hiệu có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không, vốn không được quy định rõ trong Công ước Paris và TRIPs, đã được ban hành bởi WIPO bằng bản Khuyến nghị WIPO năm 1999.

 

Xem 5 yếu tố nêu trên chúng ta có thể nhận thấy yếu tố số 1 và 5 khác với Khuyến nghị WIPO năm 1999, cụ thể yếu tố số 1 Luật nhãn hiệu 2001 đặt ra yêu cầu là nhãn hiệu thuộc đối tượng yêu cầu công nhận là nổi tiếng phải có danh tiếng (reputation) đối với bộ phận công chúng liên quan trong khi cả TRIPs và Khuyến nghị WIPO năm 1999 chỉ yêu cầu xem xét mức độ biết đến và công nhận (knowledge and recognition) nhãn hiệu bởi bộ phận công chúng có liên quan. Tất nhiên, việc đưa vào luật phạm vi xem xét giới hạn đối với bộ phận công chúng có liên quan (relevant sector of public) một mặt chứng tỏ Trung Quốc tuân thủ đúng tinh thần của TRIPs và Khuyến nghị WIPO năm 1999 và mặt khác nó cũng chứng tỏ quan điểm pháp lý của Trung Quốc có vẻ khác với quan điểm Hoa Kỳ về cùng một vấn đề, về cùng một khuôn khổ pháp lý, chẳng hạn như trong vụ COACH SERVICES, INC., v. TRIUMPH LEARNING LLC[5].

 

Về định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng, mặc dù Luật nhãn hiệu 2001 không đưa ra định nghĩa thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng nhưng Bản quy định về xác định và bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng được ban hành ngày 17/04/2003 của SAIC (hay còn gọi là Lệnh số 5) nhằm hướng dẫn quy định liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 2 định nghĩa rằng nhãn hiệu nổi tiếng đề cập đến nhãn hiệu mà được biết tới rộng rãi bởi bộ phận công chúng có liên quan và sở hữu mức độ danh tiếng tương đối cao ở Trung Quốc[6].

 

Theo định nghĩa này chúng ta có thể nhận thấy 2 điều kiện bắt buộc để một nhãn hiệu được coi là nổi tiếng. Thứ nhất nhãn hiệu đó phải được biết đến rộng rãi bởi bộ phận công chúng có liên quan đến hàng hóa/dịch vụ mà nhãn hiệu đó được sử dụng. Và điều kiện thứ hai, khó chứng minh hơn, là nhãn hiệu đó phải có danh tiếng ở mức độ tương đối cao ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tiêu chuẩn “danh tiếng có mức độ tương đối cao” là một tiêu chuẩn rất mơ hồ và người ta sẽ không hiểu nhãn hiệu như thế nào mới được xếp vào dạng “danh tiếng có mức độ tương đối cao”.

Cũng theo Lệnh số 5, bộ phận công chúng có liên quan được hiểu phải bao gồm người tiêu dùng các loại hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu đó, người sản xuất hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ đó, người bán và những người khác có liên quan đến kênh phân phối hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu đó[7].

 

Điều 2 Lệnh số 56 quy định rằng nhãn hiệu nổi tiếng đề cập đến những nhãn hiệu mà vừa sở hữu danh tiếng cao trên thị trường lại vừa quen thuộc đối với bộ phận công chúng có liên quan[8]. Như vậy, khác với định nghĩa theo Lệnh số 56 mà cách quy định của nó bị xem là mơ hồ, Lệnh số 5 đã làm rõ hơn khái niệm “thị trường” (market), cụ thể nó trực tiếp xác nhận thị trường này phải được hiểu là thị trường Trung Quốc. Việc làm rõ này được xem là phù hợp với Điều 2(3)(ii) Khuyến nghị WIPO năm 1999[9]. Hơn nữa, khác với Lệnh số 56, Lệnh số 5 đã định nghĩa khái niệm “bộ phận công chúng có liên quan”, một khái niệm có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng trong việc xác định mức độ biết đến và công nhận nhãn hiệu bởi bộ phận người tiêu dùng nào trong phạm trù rộng của khái niệm công chúng nói chung. Cần nhớ rằng Điều 16(2) TRIPs cũng không làm rõ thế nào gọi là “bộ phận công chúng có liên quan”[10]. Lệnh số 5 còn thu hẹp mức độ biết đến bởi người tiêu dùng bằng khái niệm “biết đến rộng rãi” và khái niệm “danh tiếng cao” thành “danh tiếng tương đối cao”.

 

Dù Lệnh số 5 mang tính chất như một văn bản hướng dẫn Luật nhãn hiệu 2001 song như đã phân tích ở trên tòa án Trung Quốc thường không bị ràng buộc mà nó thường có văn bản hướng dẫn riêng. Chẳng hạn như trong thời gian này, cụ thể là ngày 12/10/2002 Tòa án Tối cao Trung Quốc (SPC) ban hành Giải Thích về một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng pháp luật trong các tranh chấp dân sự có liên quan đến nhãn hiệu (“Giải Thích năm 2002”). Mặc dù Giải Thích năm 2002 không đề cập đến khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng, song nó ấn định rõ ràng nguyên tắc rằng tòa án có quyền theo yêu cầu của bên liên quan và tùy vào tình huống cụ thể có thể ra phán quyết công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng trên cơ sở tham chiếu đến Điều 14 Luật nhãn hiệu 2001[11]. Ngoài ra các khái niệm khác như “nhãn hiệu tương tự”, “hàng hóa tương tự”, “hàng hóa và dịch vụ tương tự” được giải thích trong Giải Thích năm 2002. Một khía cạnh đáng lưu ý là khái niệm “công chúng có liên quan” – một trong các khía cạnh pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ biết đến và công nhận nhãn hiệu nổi tiếng – cũng được đề cập trong Giải Thích năm 2002 nhưng khái quát hơn so với cách định nghĩa trong Lệnh số 5, theo đó công chúng liên quan nghĩa là người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa/dịch vụ mà nhãn hiệu được sử dụng và các thương nhân khác mà có mối quan hệ mật thiết với hoạt động phân phối và bán các hàng hóa/dịch vụ đó[12].

 

Để giải quyết xung đột có thể có giữa tòa án với các cơ quan hành chính liên quan đến việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, Giải Thích năm 2002 còn nêu rõ trong trường hợp bên liên quan yêu cầu tòa án bảo hộ nhãn hiệu mà trước đó đã được công nhận là nổi tiếng bởi một cơ quan hành chính hoặc một tòa án và bên kia không phản đối danh tiếng của nhãn hiệu thì tòa án sẽ không xem xét lại vấn đề này nữa. Trường hợp bên kia phản đối việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng thì tòa án sẽ xem xét lại vấn đề này căn cứ vào điều 14 Luật nhãn hiệu năm 2001[13].

 

Theo Luật nhãn hiệu năm 2013[14], các quy định về nhãn hiệu nổi tiếng và chống tình trạng nộp đơn với ý đồ xấu (bad faith) là một trong số các thay đổi đáng lưu ý trong trong cơ chế bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Cách tiếp cận chống hành vi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với ý đồ xấu được thể hiện với hàm ý rộng, theo đó tất cả các hành vi nộp đơn đăng ký hoặc sử dụng nhãn hiệu mà trái với nguyên tắc thiện chí (good faith)[15] sẽ bị coi là hành vi có ý đồ xấu.

 

Đáng chú ý hơn cả Luật nhãn hiệu năm 2013 đã ấn định nguyên tắc bảo hộ thụ động nhãn hiệu nổi tiếng nổi tiếng, nghĩa là việc công nhận hay không công nhận nhãn hiệu nổi tiếng bằng thủ tục tư pháp hay hành chính chỉ được tiến hành trên cơ sở có yêu cầu của một bên và được quyết định dựa trên tình tiết, hồ sơ, chứng cứ chứng minh cho riêng nhãn hiệu đó[16]. Khác một chút so với Luật nhãn hiệu năm 2001, yếu tố đầu tiên trong số 5 yếu tố cần phải xem xét đánh giá liệu một nhãn hiệu có được xem là nổi tiếng hay không đã thay đổi, cụ thể là yêu cầu về xem xét tính chất “danh tiếng” của nhãn hiệu bởi bộ phận người tiêu dùng có liên quan được thay thế bằng cụm từ “mức độ công nhận của công chúng trong lĩnh vực kinh doanh của nhãn hiệu đó”[17]. Cách quy định này rõ ràng cho thấy Trung Quốc ủng hộ việc tuân thủ quy định của TRIPs và Khuyến Nghị WIPO năm 1999, đặc biệt là yếu tố đầu tiên quan trọng nhất nêu tại Điều 16(2) TRIPs và Điều 2(1)(b)1. Khuyến nghị WIPO năm 1999.

 

Một khía cạnh nữa được đưa vào luật là trường hợp giải quyết xung đột giữa nhãn hiệu nổi tiếng với tên doanh nghiệp hoặc tên thương mại, theo đó hành vi sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng dù đã đăng ký hay chưa đăng ký ở Trung Quốc làm tên doanh nghiệp và gây nhầm lẫn cho công chúng, nếu cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì người vi phạm sẽ bị xử lý theo Luật chống cạnh tranh không lành mạnh[18].

 

Một vấn đề khác cũng cần lưu ý là việc Trung Quốc lần đầu tiên trong Luật nhãn hiệu 2013 quy định rằng nhà sản xuất hoặc doanh nhân không được phép sử dụng cụm từ “Nhãn hiệu nổi tiếng” trên hàng hóa, bao bì hoặc phương tiện quảng cáo, triển lãm hoặc các hoạt động thương mại khác[19].   

[Còn nữa…]

 

Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Bross & Partners có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu hỗ trợ khách hàng trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài bao gồm cả Mỹ, EU, Canada, Trung Quốc, Thailand. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.

 

 


[1] Trích Báo cáo nghiên cứu thuộc Dự án bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp công bố ngày 17/11/2017 tại Hà Nội và được phát hành bởi Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật năm 2017 bởi đồng tác giả Ls. Lê Quang Vinh và Ts. Phan Ngọc Tâm

[2] Hiệp định TRIPs có hiệu lực từ 01/01/1995 được viết đầy đủ trong tiếng Anh là “The Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights” là một thỏa thuận đa phương toàn diện nhất về sở hữu trí tuệ ở phạm vi toàn cầu và việc các nước tham gia cam kết chịu sự ràng buộc của nó cũng đồng thời là điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Xem thêm: https://www.most.gov.vn/thanhtra/tin-tuc/8/225/tong-quan-ve-hiep-dinh-trips.aspx

[3] TRAB có tên đầy đủ bằng tiếng Anh là: Trademark Review and Adjudication Board, một cơ quan độc lập với CTMO nhưng cùng trực thuộc SAIC, có nhiệm vụ thụ lý giải quyết các hồ sơ hủy bỏ nhãn hiệu đã đăng ký, thụ lý giải quyết các đơn khiếu nại chống lại quyết định giải quyết phản đối hoặc quyết định từ chối cấp đăng ký do CTMO ban hành

[4] Điều 5 Bản Quy Định Tạm Thời quy định 7 yếu tố này gồm: (1) Doanh số bán hàng khu vực và số lượng bán ở Trung Quốc liên quan đến sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, (2) dự đoán chủ yếu về kinh tế (sản lượng sản xuất, hạn ngạch bán, lợi nhuận, thị phần và các vấn đề tương tự) đối với hàng hóa mà nhãn hiệu nổi tiếng được sử dụng cho 3 năm tiếp theo và danh sách xếp hạng đối với chủ nhãn hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực công nghiệp tương ứng, (3) Doanh số bán hàng ở các khu vực và thị trường nước ngoài liên quan đến sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, (4) tình trạng quảng bá, quảng cáo nhãn hiệu, (5) ngày sử dụng đầu tiên và ngày bắt đầu sử dụng liên tục nhãn hiệu, (6) tình trạng đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc và các nước khác, và (7) các tài liệu khác có thể chứng minh nhãn hiệu là nổi tiếng

[5] Trong vụ COACH SERVICES, INC., Appellant, v. TRIUMPH LEARNING LLC, Appellee, No. 2011–1129, ngày 21/02/2012 Tòa phúc thẩm tòa liên bang lưu động Hoa Kỳ phán quyết rằng nhãn hiệu Coach dùng cho sản phẩm túi xách thời trang cao cấp ở nhóm 18 của nguyên đơn không phải là nhãn hiệu nổi tiếng khi nguyên đơn yêu cầu tòa án buộc bị đơn phải chấm dứt sử dụng nhãn hiệu Coach xin đăng ký cho sản phẩm phần mềm ở nhóm 9 và ấn phẩm ở nhóm 16

[6] Điều 2 Lệnh số 5: For the purpose of these Provisions, a well-known mark refers to a mark that is widely known to the relevant sector of public and enjoys a relatively high reputation in China

[7] Xem đoạn 2 Điều 2 Lệnh số 5

[8] Điều 2 Lệnh số 56 quy định “well-known trademarks refer to those registered trademarks that both enjoy a high reputation in the market and are familiar to the relevant sectors of the public”

[9] Điều 2(3)(ii) Khuyến nghị WIPO năm 1999 quy định: Một nước thành viên không được yêu cầu rằng, làm điều kiện để xác định liệu một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không, nhãn hiệu đó đã được sử dụng, hoặc đã được đăng ký hoặc đơn xin đăng ký nhãn hiệu đã được nộp, ở bất kỳ lãnh thổ nào khác với lãnh thổ của nước thành viên đó.

[10] Điều 16(2) TRIPs quy định: Article 6bis of the Paris Convention (1967) shall apply, mutatis mutandis, to services.  In determining whether a trademark is well-known, Members shall take account of the knowledge of the trademark in the relevant sector of the public, including knowledge in the Member concerned which has been obtained as a result of the promotion of the trademark

[11] Điều 22 Giải Thích năm 2002 (Interpretation on Issues Regarding the Application of Law in Civil Cases Involving Trademark Disputes issued by SPC)

[12] Điều 8 Giải Thích năm 2002

[13] Điều 22 (đoạn cuối) Giải Thích năm 2002

[14] Ngày 30 tháng 8 năm 2013 Chính Phủ Trung Quốc đã sửa đổi Luật nhãn hiệu năm 2001. Đây là lần sửa đổi thứ ba tính từ khi Luật nhãn hiệu đầu tiên được ban hành năm 1982 và Luật nhãn hiệu sửa đổi năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2014.

[15] Điều 7 Luật nhãn hiệu năm 2013

[16] Điều 14 Luật nhãn hiệu năm 2013

[17] Điều 14(1) Luật nhãn hiệu năm 2013: The degree of public recognition of the mark in its trading areas

[18] Điều 58 Luật nhãn hiệu năm 2013

[19] Điều 4 đoạn cuối Luật nhãn hiệu năm 2013: A producer or operator shall not use the words “Famous Trademark” on its goods, packaging, or container, or in its advertising, exhibitions or other commercial activities

 

Bookmark and Share
Relatednews
Thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền tác giả ở Việt Nam, UK, Mỹ, EU và Trung Quốc
Cấp quyền nhân vật (merchandising rights) và các khía cạnh pháp lý cần lưu ý cho bên cấp quyền và bên nhận quyền
So sánh Đăng bạ chính (Principal Register) và Đăng bạ phụ (Supplemental Register) khi đăng ký nhãn hiệu ở USPTO
10 Key Changes in Enforcing Patent, Design, Trademark Rights via Administravive Measure under Revised Decree 99/2013/NĐ-CP
Qatar tham gia Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu
Thương hiệu giả mạo “Phở Thìn 13 Lò Đúc” bị hủy bỏ hiệu lực ở Hàn Quốc
10 thay đổi lớn về thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP sửa đổi
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?
Trung Quốc: Tranh tụng bản quyền nhiều nhất thế giới và vai trò đặc biệt của hệ thống Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.