[Phần 2/2] Mức tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong các vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ được chấp nhận bởi các tòa án của Việt Nam qua một số vụ án trong khoảng một thập kỷ qua
Email: vinh@bross.vn
Cơ sở pháp lý chung về đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Như chúng tôi đã đề cập ở bài viết “6 đặc trưng khác biệt chủ yếu của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ so với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật dân sự nói chung” (xem ở link: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/6-dac-trung-khac-biet-chu-yeu-cua-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong-do-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-so-voi-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong-theo-phap-luat-dan-su-noi-chung-1543), thiệt hại về tinh thần kèm theo 4 dạng thiệt hại về vật chất gây ra bởi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể khởi kiện đòi được. 4 dạng thiệt hại về vật chất gồm: (a) tổn thất thực tế về tài sản, (b) mức giảm sút về thu nhập và lợi nhuận, (c) tổn thất cơ hội kinh doanh, và (d) chi phí hợp lý để ngăn chặn và khắc phục thiệt hại.
Tuy nhiên, chỉ khi nguyên đơn chứng minh được cả 3 căn cứ sau thì tòa án mới chấp nhận tổn thất thực tế về tài sản:
(i) Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại;
(ii) Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích (i) nêu trên
(iii) Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.
Tổng hợp 5 vụ án về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại được tòa án xét xử sau năm 2012
Quan điểm xét xử và quyết định mức bồi thường thiệt hại của các tòa án trong giai đoạn sau năm 2012 có điểm nhấn đáng lưu ý là có tòa án chấp nhận mức đòi bị đơn hoàn trả chi phí hợp lý thuê luật sư ở mức kỷ lục lên tới 630 triệu. Đến năm 2015, có tòa án chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường tổn thất thực tế lên tới trên 2.2 tỷ đồng được nguyên đơn chứng minh tồn tại ở cả 3 dạng: tổn thất về cơ hội kinh doanh, lợi nhuận bất hợp pháp, và chi phí thuê luật sư nhưng sau đó bị tòa cấp phúc thẩm bác bỏ toàn bộ phần lợi nhuận bất hợp pháp đòi bồi thường trên 1.1 tỷ đồng và chỉ chấp nhận một phần nhỏ tổn thất về cơ hội kinh doanh là 22 triệu so với con số đòi bồi thường trên 430 triệu đồng.
Trong giai đoạn này một điểm đáng chú ý nữa là khuynh hướng nguyên đơn sau khi yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thực hiện đối với bị đơn bằng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, tiếp tục nộp đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất ở mức 500 triệu và thiệt hại tinh thần ở mức 50 triệu đồng nhưng đều bị tòa án bác. Trong khi chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (UDRP)[1] được áp dụng rộng rãi trên thế giới bằng con đường trọng tài không có cơ chế đòi bồi thường thiệt hại thì việc khởi kiện đòi tên miền quốc gia ở Việt Nam bằng biện pháp khởi kiện dân sự lại cho phép nguyên đơn không chỉ thành công trong việc buộc thu hồi tên miền mà còn có thể thành công trong việc đòi bị đơn (cybersquater) bồi thường thiệt hại từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo điều 130 Luật sở hữu trí tuệ như trong vụ án số 9 dưới đây.
Dưới đây là tóm lược nhanh 5 vụ án tiếp theo có yêu cầu bồi thường thiệt hại được xét xử sau năm 2012 bởi các tòa án trên cả nước.
Vụ án 6: Công ty TNHH hóa mỹ phẩm X.L vs. Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu T.Đ
Bản án số 1639/2012/KDTM-ST ngày 09/11/2012
|
Tòa án xét xử sơ thẩm
|
Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh
|
Vụ việc
|
Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ
|
Nguyên đơn
|
Công ty TNHH hóa mỹ phẩm X.L
|
Bị đơn
|
Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu T.Đ
|
Tóm tắt nội dung:
|
- Nguyên đơn là chủ sở hữu nhãn hiệu “Bảy hai bảy, 727 MP Xuân Lan” cho các sản phẩm mỹ phẩm và quyền tác giả tác phẩm bao gói mỹ phẩm “727 Xuân Lan” tại Việt Nam
- Bị đơn đã sản xuất các sản phẩm gắn dấu hiệu “727” lên nhãn hiệu;
|
Yêu cầu khởi kiện
|
- Ngừng và chấm dứt vô thời hạn mọi hành vi xâm phạm nhãn hiệu và quyền tác giả của nguyên đơn dưới mọi hình thức;
- công khai xin lỗi nguyên đơn, cải chính thông tin công khai trên các phương tiện đại chúng.
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn với mức bồi thường tổng cộng: 100.000.000đ
|
Phán quyết sơ thẩm
|
- Chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn, buộc bị đơn chấm dứt mọi hành vi sử dụng dấu hiệu “727” gắn liền với các sản phẩm mỹ phẩm, trên bất kỳ hình thức nào; công khai xin lỗi nguyên đơn trên báo kỳ báo liên tiếp của báo Tuổi trẻ, báo Thanh niên, báo Pháp luật Tp.HCM theo nội dung yêu cầu;
- Bồi thường thiệt hại cho Nguyên đơn số tiền là 100.000.000đ
- Về án phí:
Bị đơn: 7.000.000đ
Chi phí giám định 3.000.000đ mỗi bên chịu 1 nửa
|
Vụ án 7: Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo T.V vs. Hộ kinh doanh cá thể N.V.T
Bản án số 05/2014/DSST ngày 29/4/2014
|
Tòa án xét xử sơ thẩm
|
Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì
|
Vụ việc
|
Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
|
Nguyên đơn
|
Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo T.V
|
Bị đơn
|
Hộ kinh doanh cá thể N.V.T
|
Tóm tắt nội dung:
|
- Nguyên đơn là chủ sở hữu quyền tác giả bản dịch tiếng Việt tác phẩm viết “Quẳng gánh lo đi và vui sống” và ”Bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt” tại Việt Nam
- Bị đơn đã làm chủ in lậu, làm giả 2 tác phẩm trên không được sự cho phép của Nguyên đơn;
- Bị đơn từng bị Đội QLTT số 15 tại Hà Nội kiểm tra, lập biên bản và UBND Tp. Hà Nội ra quyết định xử phạt tiền 25.000.000đ và tịch thu tiêu hủy toàn bộ số sách và bìa hai cuốn trên
- Sau đó, bị đơn vẫn tiếp tục vi phạm
|
Yêu cầu khởi kiện sơ thẩm
|
Yêu cầu của nguyên đơn tại bản án sơ thẩm:
- Ngừng và chấm dứt vô thời hạn mọi hành vi xâm phạm nhãn hiệu của nguyên đơn dưới mọi hình thức;
- công khai xin lỗi nguyên đơn trên các phương tiện đại chúng.
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm nhãn hiệu là 500.000.000đ
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị tổn thất về danh dự, uy tín của Nguyên đơn là 50.000.000đ
|
Phán quyết sơ thẩm
|
- Bác yêu cầu bồi thường thiệt hại 550.000.000đ của nguyên đơn
- Về án phí:
Nguyên đơn: 26.000.000đ
|
Bản án số 184/DSPT ngày 27/08/2014
|
Tòa án xét xử sơ thẩm
|
Tòa án Nhân dân Tp. Hà Nội
|
Vụ việc
|
Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
|
Nguyên đơn
|
Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo T.V.
|
Bị đơn
|
Hộ kinh doanh cá thể N.V.T
|
Yêu cầu kháng cáo
|
Do bản án sơ thẩm 05/2014/DSST ngày 29/4/2014 bị kháng cáo nên vụ việc tiếp tục đưa ra xét xử phúc thẩm với các nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của nguyên đơn
Yêu cầu xem xét các bằng chứng thiệt hại của nguyên đơn để khắc phục hậu quả cho vụ việc là 146.643.000đ
|
Phán quyết phúc thẩm
|
- Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm về bác yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Về án phí:
Nguyên đơn: 200.000đ
|
Vụ án 8: Công ty ABC (France) vs. Công ty TNNH Thương mại N.P.
Bản án số 117/2015/DSST ngày 02/02/2015
|
Tòa án xét xử sơ thẩm
|
Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
|
Vụ việc
|
Xâm phạm sáng chế và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
|
Nguyên đơn
|
Công ty ABC (Pháp)
|
Bị đơn
|
Công ty TNHH Thương mại N.P.
|
Tóm tắt nội dung:
|
- Nguyên đơn là chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế liên quan đến thuốc trừ sâu thuộc nhóm Clonicotingl
- Bị đơn sản xuất và lưu thông sản phẩm thuốc trừ sâu mang các nhãn hiệu Sespa Gold, Hummer bị cho là xâm phạm các điểm 1, 2, 3, 6, 19 & 20 thuộc bằng độc quyền 1928 mà không có sự cho phép của nguyên đơn
|
Yêu cầu khởi kiện sơ thẩm
|
Yêu cầu của nguyên đơn:
- Ngừng sản xuất, đóng gói, phân phối, tàng trữ, lưu thông và quảng cáo thuốc trừ sâu Sespa Gold
- Chấm dứt nhập khẩu nguyên liệu, phụ gia 2 thành phần sản xuất ra thành phẩm Sespa Gold và Hummer
- Thu hồi sản phẩm Sespa Gold
- Rút hồ sơ đăng ký tại Cục bảo vệ thực vật
- Không được quyền đăng ký tiếp sản phẩm nào có chứa 2 thành phần Fipronil và Imidacloprid
- Yêu cầu thanh toán phí luật sư 200.000.000đ
- Yêu cầu xin lỗi công khai trên báo
|
Phán quyết sơ thẩm
|
- Chấp nhận toàn bộ 7 yêu cầu của nguyên đơn trong đó chấp nhận buộc bị đơn thanh toán phí luật sư 59.469.750 đồng (nguyên đơn thay đổi số tiền bồi thường từ 200 triệu xuống 59.469.750 đồng)
- Về án phí: bị đơn phải chịu án phí sơ thẩm 2.874.875 đồng
|
Vụ án 9: Công ty O.S Gmbh (Đức) vs. Ông N.Đ.T
Bản án số 29/2019/DSST ngày 24/07/2019
|
Tòa án xét xử sơ thẩm
|
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
|
Vụ việc
|
Cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền
|
Nguyên đơn
|
O.S Gmbh (Đức)
|
Bị đơn
|
Ông N.Đ.T (Việt Nam)
|
Tóm tắt Nội dung:
|
- Nguyên đơn là chủ sở hữu hàng loạt nhãn hiệu Osram dùng cho hệ thống và thiết bị chiếu sáng được bảo hộ tại Việt Nam
- Bị đơn đăng ký các tên miền osram.com.vn và osram.vn mà không có sự cho phép của nguyên đơn cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo điều 130 Luật SHTT
|
Yêu cầu khởi kiện sơ thẩm
|
Yêu cầu của nguyên đơn:
- đề nghị tòa tuyên thu hồi 2 tên miền osram.com.vn và osram.vn để ưu tiên quyền đăng ký 2 tên miền này cho nguyên đơn
- Buộc bị đơn bồi thường thiệt hại về tài sản, giảm sút thu nhập và lợi nhuận cũng như cơ hội kinh doanh, cụ thể đề nghị tòa buộc bị đơn bồi thường 500.000.000đ là hậu quả của hành vi cạnh tranh không lành mạnh do bị đơn gây ra cho nguyên đơn
- Buộc bị đơn thanh toán phí luật sư 200.000.000đ
- Yêu cầu xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng
|
Phán quyết sơ thẩm
|
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn
- Thu hồi tên miền quốc gia osram.com.vn và osram.vn
- Ưu tiên cho nguyên đơn đăng ký sử dụng 2 tên miền quốc gia trên trong vòng 15 ngày tính từ thời điểm bản án có hiệu lực
- Buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn tổng số 203.960.000đ
- Buộc bị đơn phải đăng lời xin lỗi công khai
Về án phí: bị đơn phải chịu án phí sơ thẩm 10.198.000 đồng
|
Vụ án 10: Công ty TNHH dược phẩm K.Đ vs. Công ty cổ phần C.V.S.V
Bản án số 32/2015/KDTM-ST ngày 17/7/2015
|
Tòa án xét xử sơ thẩm
|
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
|
Vụ việc
|
Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm nhãn hiệu và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
|
Nguyên đơn
|
Công ty TNHH dược phẩm K.Đ
|
Bị đơn
|
Công ty cổ phần C.V.S.V
|
Tóm tắt nội dung:
|
- Nguyên đơn là chủ sở hữu nhãn hiệu SEFTRA (sau khi mua lại thông qua hợp đồng chuyển nhượng có đăng ký với Cục SHTT) theo GCNĐKNH số 81173 gắn liền với sản phẩm dược phẩm ở nhóm 05
- Dấu hiệu xâm phạm “XEXtra” có trên vỏ hộp dược phẩm của bị đơn được kết luận bởi cơ quan giám định là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu SEFTRA
|
Yêu cầu khởi kiện sơ thẩm
|
Yêu cầu của nguyên đơn:
- Chấm dứt hành vi xâm phạm nhãn hiệu của nguyên đơn;
- Công khai xin lỗi nguyên đơn trên các phương tiện đại chúng.
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm nhãn hiệu là 2.230.595.000đ
- Bị đơn không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và đồng thời nộp đơn phản tố buộc nguyên đơn bồi thường 61.400.000đ và phải cải chính xin lỗi
|
Phán quyết sơ thẩm
|
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn chấm dứt hành vi xâm phạm và đăng lời xin lỗi trên báo
- Về yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với 3 dạng tổn thất thực tế gồm: (a) tổn thất về cơ hội kinh doanh: 431.595.000đ, (b) lợi nhuận bất hợp pháp: 1.169.000.000đ, và (c) chi phí thuê luật sư: 630.000.000đ, tổng cộng là 2.230.595.000đ
- Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu cải chính xin lỗi
- Về án phí, buộc bị đơn chịu 76.000.000đ án phí sơ thẩm và 4.611.000đ án phí đối với yêu cầu phản tố không được chấp nhận
|
Bản án số 37/2017/KDTM-PT ngày 27/02/2017
|
Tòa án xét xử phúc thẩm
|
Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội
|
Vụ việc
|
Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm nhãn hiệu và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (bị kháng cáo)
|
Nguyên đơn
|
Công ty TNHH dược phẩm K.Đ
|
Bị đơn
|
Công ty cổ phần C.V.S.V
|
Nội dung kháng cáo
|
Bị đơn cho rằng mình không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu SEFTRA của nguyên đơn vì nhãn hiệu này đã bị chấm dứt hiệu lực do không sử dụng ở Việt Nam
Tòa sơ thẩm tính lợi nhuận không đúng vì chưa trừ chi phí và thuế cho 45.500 viên sản phẩm Sextra
Đề nghị tòa án làm rõ khoản thực chi bằng tiền mặt phí luật sư 630.000.000đ
|
Bản án phúc thẩm
|
- chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm theo đó chỉ chấp nhận tổn thất về cơ hội kinh doanh là 22.191.309đ và chi phí thuê luật sư 630.000.000đ hoặc tổng cộng là 652.191.309đ
- Không chấp nhận phản tố, không chấp yêu cầu cải chính xin lỗi trên báo của cả nguyên đơn và bị đơn
- về án phí, nguyên đơn phải chịu 59.352.111đ, bị đơn phải chịu 30.087.652đ va 3.070.000đ của yêu cầu phản tố không được chấp nhận
|
Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; điện thoại 0903 287 057; Wechat: wxid_56evtn82p2vf22; Skype: vinh.bross
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Với nhiều năm kinh nghiệm nổi bật và năng lực chuyên môn sâu khác biệt, Bross & Partners có thể giúp khách hàng bảo vệ hoặc tự vệ một cách hiệu quả trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài liên quan đến bản quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu/thương hiệu gồm cả nhãn hiệu 3 chiều và tên miền internet.