Vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ kinh điển thứ 2 ở Việt Nam: X-Men vs. X-Men
Email to: vinh@bross.vn
Tiếp theo vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ kinh điển thứ nhất giữa hai thương hiệu Trường Sinh được giới thiệu ở bài viết trước[1], chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ kinh điển thứ 2 được xem là thú vị hơn ở chỗ cùng lúc chủ thể quyền đòi quyền đối với nhiều loại hình quyền sở hữu trí tuệ khác nhau như nhãn hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng, cạnh tranh không lành mạnh và quyền tác giả.
Tóm tắt vụ tranh chấp
1. Marvel Chracters Inc. (Marvel), một công ty điện ảnh nổi tiếng thế giới của Mỹ được biết tới thông qua nhiều bộ phim bom tấn được xây dựng từ các nhân vật siêu anh hùng được yêu thích rộng rãi như “Iron Man” (Người Sắt), “Spider Man” (Người Nhện), “Hulk” (Người Khổng Lồ Xanh) và đặc biệt là các nhân vật đột biến gien “X-MEN”[2], là chủ sở hữu nhiều nhãn hiệu ở Việt Nam trong đó gồm nhãn hiệu X-Men (nhãn hiệu chữ) theo đăng ký số 11455 cấp ngày 7/4/1994 cho nhóm 9 (đĩa, băng, trò chơi điện tử), 16 (truyện, truyện tranh), 25 (quần áo) & 28 (đồ chơi).
Nhãn hiệu đã đăng ký của ICP
|
Nhãn hiệu đăng ký sớm hơn
của Marvel
|
Nhóm 03: Hóa mỹ phẩm gia dụng
|
X-MEN
Đăng ký số 11455
Nhóm 09, 16, 25 & 28
|
2. Ngày 27/6/2003 nhãn hiệu “X-Men & hình” của Công ty cổ phần hàng gia dụng Quốc tế (ICP) được nộp đơn và sau đó được cấp bảo hộ theo đăng ký số 63481 ngày 8/6/2005 cho sản phẩm hóa mỹ phẩm gia dụng ở nhóm 03.
3. Ngày 8/8/2006, Marvel nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực đăng ký số 63481 cho rằng nhãn hiệu X-Men của ICP không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ dựa trên 3 căn cứ pháp lý: (a) trùng với nhãn hiệu nổi tiếng “X-MEN” của Marvel vi phạm điều 6.1.e, Nghị định 63/CP; (b) trùng với tên, biểu tượng nhân vật của Marvel vi phạm điều 6.1.h, Nghị định 63/CP; và (c) lợi dụng danh tiếng của nhãn hiệu và các nhân vật X-MEN của Marvel trong quảng cáo và tiếp thị nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng vi phạm điều 6.2.d, Nghị định 63/CP.
4. Cục Sở hữu trí tuệ bác bỏ đơn hủy bằng Quyết định 93/QĐ-SHTT ngày 22/01/2008 dẫn đến Marvel tiếp tục khiếu nại hành chính lên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhưng vẫn bị Bộ KHCN tiếp tục bác bỏ bằng Quyết định số 1428/QĐ-BKHCN ngày 11/07/2008 vì không đủ căn cứ pháp lý.
5. Do thất bại ở cả hai cấp khiếu nại theo thủ tục khiếu nại tố cáo, Marvel nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính và được tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý theo hồ sơ số 08/2010/TLST-HC ngày 08/10/2010. Theo hồ sơ vụ án, Cục sở hữu trí tuệ tham gia tố tụng với tư cách tố tụng là người bị kiện, Marvel có tư cách tố tụng là người khởi kiện và ICP có tư cách tố tụng là bên có quyền và lợi ích liên quan. Ngày 29/03/2013 tòa hành chính tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ra bản án hành chính sơ thẩm số 03/2013/HCST quyết định bác yêu cầu khởi kiện của Marvel, tuyên bố giữ nguyên hiệu lực của nhãn hiệu X-Men theo đăng ký 63481. Do không bị kháng cáo nên bản án sơ thẩm số 03/2013/HCST có hiệu lực pháp luật
Tranh luận của các bên
6. Để chứng minh cho 3 căn cứ pháp lý nêu ở điểm 3 nêu trên, Marvel cung cấp 38 Hợp đồng li-xăng quyền sử dụng nhãn hiệu X-MEN ở nhiều nước trên thế giới, 18 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu X-MEN tại nhiều quốc gia, 06 Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm X-MEN, và rất nhiều tài liệu chứng cứ chứng minh việc sử dụng X-MEN trên ấn phẩm, phim, truyện, băng đĩa cùng với giải trình về doanh thu khai thác hình ảnh hoặc nhãn hiệu X-MEN. Để chứng minh ICP có động cơ lợi dụng danh tiếng của nhãn hiệu và các nhân vật X-MEN thuộc quyền sở hữu của Marvel, người khởi kiện cung cấp cho tòa án bằng chứng là các clip quảng cáo dầu gội đầu X-MEN có sử dụng cả hình ảnh kinh đô điện ảnh Hollywood và hình ảnh diễn vai gạo cuội Brat Pitt mà Marvel cho rằng gây liên tưởng về sản phẩm gắn với phim có hình tượng X-MEN của Marvel
7. Người bị kiện, Cục SHTT – cơ quan cấp đăng ký 63481 lập luận rằng Marvel không chứng minh được X-Men là nhãn hiệu nổi tiếng cho các sản phẩm hóa mỹ phẩm (dầu gội đầu) trong khi đó sản phẩm mang nhãn hiệu X-MEN đã đăng ký chỉ là sản phẩm văn hóa hoàn toàn khác với sản phẩm mỹ phẩm. Do vậy, không có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Cũng vì tính chất không cùng loại, không liên quan của sản phẩm mang nhãn hiệu X-Men của Marvel với X-Men của ICP nên việc sử dụng nhãn hiệu X-MEN của ICP không lợi dụng uy tín hoặc không lợi dụng danh tiếng nhãn hiệu X-MEN của Marvel hoặc không phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
8. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ICP yêu cầu tòa án bác bỏ lập luận của Marvel, cho rằng: (a) nhãn hiệu X-MEN của Marvel không phải là nhãn hiệu nổi tiếng vì người Việt Nam còn thậm chí không biết đến sản phẩm nào mang nhãn hiệu X-MEN tại Việt Nam; (b) X-MEN là tên gọi một nhóm nhân vật, không phải là tên hoặc biểu tượng nhân vật cụ thể của Marvel nên không phải là đối tượng thuộc phạm vi của Điều 6.1h, Nghị định 63/CP; và (c) ICP có chiến lược quảng bá và xây dựng phong cách riêng cho nhóm khách hàng sử dụng sản phẩm của mình, không dự định và cũng không mong muốn lợi dụng uy tín của Marvel.
9. Tòa án nhận định rằng tính đến ngày 26/07/2003 – ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu X-MEN của ICP, Marvel không đăng ký sản phẩm cùng loại là mỹ phẩm mà chỉ có sản phẩm văn hóa như truyện, trò chơi và mặt khác doanh thu mà Marvel cung cấp không chỉ rõ bao nhiêu thu được từ sản phẩm chăm sóc sắc đẹp (nhóm 3). Yếu tố X-MEN được biết tới là những dị nhân, siêu nhân được biết tới rộng rãi trong phim và truyện của Marvel nhưng chỉ là tên gọi nhóm người chứa gien X (đột biến) chứ không phải là một nhân vật cụ thể. Mặt khác, chính Cục bản quyền tác giả khi được hỏi có ý kiến cho rằng không có quy định về bảo hộ tên nhân vật theo pháp luật về quyền tác giả. Về cạnh tranh không lành mạnh, tòa án không có cơ sở để kết luận về động cơ không trung thực khi ICP sử dụng hình ảnh Hollywood và diễn viên Brad Pitt vì Marvel không cung cấp được và cũng không chứng minh được Marvel có quyền đối với hình ảnh diễn viên hoặc biểu tượng Hollywood
Vài lời bình
10. Về mặt lý thuyết, khởi kiện vụ án hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng về bản chất là việc đương sự nương nhờ đến quyền lực của nhánh tư pháp (tòa án) xem xét lại tính đúng đắn trong việc áp dụng pháp luật của nhánh hành pháp (cơ quan hành chính nhà nước như Cục SHTT và Bộ KHCN). Mặt khác, việc xem xét lại các quyết định hành chính bởi tòa án còn ngụ ý sự cần thiết phải sử dụng một thiết chế khác với thiết chế mệnh lệnh hành chính nhằm đối trọng với quyền lực hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế dùng con đường tư pháp để hủy bỏ quyết định hành chính liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng là rất khó và vụ án này xem ra cũng đúng như vậy.
11. Các chủ thể quyền đặc biệt là chủ thể quyền nước ngoài nên dần làm quen với dấu ấn và sự thể hiện tương đối mờ nhạt của tòa án trong các vụ án dân sự hoặc hành chính liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ. Nhìn chung bạn sẽ khó mà tìm thấy những biện luận, phân tích hay diễn giải mang đặc trưng pháp lý bởi tòa án khi đọc bản án. Trong vụ án này có lẽ người ta chỉ nhìn thấy tòa án chọn cách tin tưởng vào nguồn chứng cứ nào để ban hành phán quyết hơn là đi vào xem xét tính hợp lý và hợp pháp của vấn đề tranh chấp cũng như chứng cứ bao quanh nó. Trong vụ này có lẽ tòa án chủ yếu dựa vào ý kiến chuyên môn của Cục bản quyền tác giả và Cục sở hữu trí tuệ để quyết định. Nhưng dựa vào ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ - cơ quan mà đã cấp văn bằng bảo hộ số 63481 – một mặt vừa bị xem ra là không phù hợp vì không đảm bảo tính khách quan và mặt khác ý kiến chuyên môn của cơ quan cấp văn bằng bảo hộ về mặt logic sẽ không thể được xem là một nguồn chứng cứ hợp lệ[3].
Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Với nhiều năm kinh nghiệm nổi bật và năng lực chuyên môn sâu khác biệt, Bross & Partners có thể giúp khách hàng bảo vệ hoặc tự vệ một cách hiệu quả trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài liên quan đến bản quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu/thương hiệu và tên miền internet.
[3] Mặc dù vụ tranh chấp này xảy ra sau ngày 1/7/2006 – ngày Luật sở hữu trí tuệ 2005 có hiệu lực nhưng vì bản chất tranh chấp là hủy hiệu lực văn bằng bảo hộ do vậy tòa án phải áp dụng quy định pháp luật có hiệu lực đối với việc xét cấp văn bằng bảo hộ đó, cụ thể là pháp luật áp dụng tại thời điểm nộp đơn đăng ký ngày 27/06/2003. Nếu đặt vụ việc trong thời điểm hiện tại, điều 81 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định về nguồn chứng cứ không có bất kỳ chứng cứ nào có tên gọi là “ý kiến chuyên môn”. Xem thêm về sự khác nhau giữa “ý kiến chuyên môn” và “kết luận giám định” tại link: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Mot-so-van-de-phap-ly-lien-quan-den-giam-dinh-SHTT-va-giai-phap-hoan-thien