10 loại quyền độc quyền gắn liền với quyền tác giả
và giới hạn pháp lý ngăn cản chủ thể quyền tác giả thực thi các quyền độc quyền đó
Email: vinh@bross.vn
10 loại quyền độc quyền gắn liền với quyền tác giả
Chủ thể quyền tác giả được pháp luật trao tới 6 loại quyền độc quyền mang tính chất vật chất mà người ta hay gọi là quyền tài sản[1] hoặc quyền kinh tế (quyền sao chép, quyền phân phối, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng, quyền cho thuê, quyền làm tác phẩm phái sinh và quyền biểu diễn) và 4 loại quyền quyền độc quyền mang tính chất phi vật chất hay người ta còn gọi là quyền nhân thân hoặc quyền tinh thần[2] (quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên hoặc quyền được nêu tên thật hoặc bút danh; quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố; và quyền bảo vệ sự toàn vẹn, ngăn người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tác tác phẩm)[3].
Như vậy, tổng hợp lại cả quyền nhân thân và quyền tài sản, chủ thể quyền tác giả được nhà nước cấp bảo hộ độc quyền lên tới 10 loại quyền độc quyền khác nhau gắn liền với tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học (như bản nhạc, bài thơ, bức tranh, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm sân khấu nghệ thuật biểu diễn,…) mà họ sáng tạo hoặc sở hữu. Có thể nói 10 loại quyền độc quyền được nhà nước bảo hộ nêu trên là rất rộng và ắt sẽ ấn át quyền tiếp cận của công chúng, hoặc nói cách khác bất kỳ ai sử dụng hoặc khai thác tác phẩm đó mà không trả thù lao, không xin phép chủ thể quyền cũng đều mặc nhiên dẫn đến hệ quả pháp lý là xâm phạm quyền tác giả.
Nhà nước đơn phương hạn chế thực thi quyền độc quyền của chủ thể quyền tác giả
Để bảo vệ quyền tiếp cận thông tin hoặc quyền học tập của công chúng, luật pháp cần phải tìm cách hạn chế bớt khả năng thực thi 10 loại quyền độc quyền của chủ thể quyền bằng cách đặt ra quy tắc giới hạn xâm phạm quyền tác giả và ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả.
Giới hạn (limitation) hành vi xâm phạm quyền tác giả có nghĩa là bên sử dụng tác phẩm thay vì vừa phải xin phép vừa phải trả tiền thù lao thì được pháp luật miễn nghĩa vụ phải xin phép nhưng vẫn có nghĩa vụ trả thù lao cho chủ thể quyền. Trong khi đó, ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả có nghĩa là người thứ ba sử dụng hoặc làm bản sao tác phẩm trong một số trường hợp nhất định với các điều kiện nhất định thì không bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả[4]
Giới hạn xâm phạm quyền tác giả và ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả là nguyên tắc pháp lý mang tính tiêu chuẩn chung của pháp luật quốc tế được quy định ở Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học và Hiệp định các khía cạnh có liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs)[5]
Giới hạn xâm phạm quyền tác giả nêu trên có nghĩa là nhà nước đơn phương can thiệp nhằm thu hẹp phạm vi thực thi quyền độc quyền của chủ thể quyền. Việt Nam đưa quy tắc này vào điều 26 Luật sở hữu trí tuệ. Theo điều 26, ngoại trừ đối với tác phẩm điện ảnh, việc cá nhân, tổ chức, tổ chức phát sóng (có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào) sử dụng tác phẩm đã công bố[6] thì không bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả nhưng các chủ thể này phải trả thù lao hoặc nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tính từ thời điểm sử dụng dựa theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo Nghị định 21/2015-NĐ-CP[7] về nhuận bút hoặc nếu không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện ra tòa án, với điều kiện việc sử dụng đó phải đảm bảo: (a) không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm; (b) không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; và (c) phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Bross & Partners có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ khách hàng tự vệ (phòng vệ) chống cáo buộc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm cả những vụ việc mà khách hàng bị đòi bồi thường 1,5 triệu đô la Mỹ do xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; điện thoại 0903 287 057, 84-4-3555 3466; Wechat: wxid_56evtn82p2vf22; Skype: vinh.bross
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Với nhiều năm kinh nghiệm nổi bật và năng lực chuyên môn sâu khác biệt, Bross & Partners có thể giúp khách hàng bảo vệ hoặc tự vệ một cách hiệu quả trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài liên quan đến bản quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu/thương hiệu và tên miền internet.
[1] Xem điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ
[2] Xem điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ
[5] Xem điều 9, 10, điều 10 bis Công ước Berne. Đặc biệt là điều 13 Hiệp định TRIPs về giới hạn và ngoại lệ quy định:
“Nước Thành viên phải xác định các giới hạn hoặc ngoại lệ đối với quyền độc quyền đối với một số trường hợp đặc biệt mà các trường hợp đó không được xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm và cũng không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả”
[6] Điều 3(3) Công ước Berne định nghĩa “tác phẩm đã công bố” là những tác phẩm đã được phát hành với sự đồng ý của tác giả, không phân biệt phương pháp cấu tạo các bản sao, miễn là các bản đó đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng, tuỳ theo bản chất của tác phẩm. Không được coi là công bố: trình diễn một tác phẩm sân khấu, nhạc kịch hay hoà tấu, trình chiếu tác phẩm điện ảnh, đọc trước công chúng một tác phẩm văn học, phát thanh hay truyền hình một tác phẩm văn học hay nghệ thuật, triển lãm một tác phẩm nghệ thuật hay xây dựng một tác phẩm kiến trúc.
[7] Nghị định 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về nhuận bút chỉ áp dụng chế độ nhuận bút, thù lao cho 5 loại hình tác phẩm gồm tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác