Bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI) ở Trung Quốc: GI không cần
đăng ký vẫn được bảo hộ nhìn từ vụ kiện Romanée-Conti?
Luật sư Lê Quang Vinh – Bross & Partners
Email: vinh@bross.vn
Liệu phán quyết hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu “罗曼尼·康帝” (phiên âm tiếng Trung của Romanée-Conti) của các Tòa án Trung Quốc gần đây do gây hiểu nhầm cho công chúng về xuất xứ của loại rượu vang Pháp đắt nhất thế giới Romanée-Conti có thể trở thành án lệ giúp Việt Nam giành lại chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc bị mất ở Trung Quốc từ năm 2012 hay không?[1] Vụ kiện này còn cho thấy sự chia rẽ quan điểm áp dụng pháp luật giữa hệ thống tư pháp (các tòa án Trung Quốc) với hệ thống hành chính (CNIPA) về việc liệu chỉ dẫn địa lý nước ngoài không đăng ký ở Trung Quốc có được bảo hộ hay không?
CNIPA bác đơn hủy hiệu lực “罗曼尼·康帝”
Chỉ dẫn địa lý (GI) muốn được bảo hộ ở Trung Quốc phải được cấp bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý (nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận) bởi Cơ quan sở hữu trí tuệ Trung Quốc (“CNIPA”) hoặc được đăng ký dưới dạng chỉ dẫn địa lý bởi Bộ Nông nghiệp & Nông thôn (“Quy định MARA”).[2]
Năm 2011, một đơn đăng ký nhãn hiệu “罗曼尼·康帝” (phiên âm tiếng Trung của Romanée-Conti) cho sản phẩm rượu vang, rượu mạnh ở nhóm 33. được nộp tại CNIPA. Tháng 1/2012 đơn đăng ký nhãn hiệu này được CNIPA phê duyệt sơ bộ, và do không có phản đối nên được cấp đăng ký số 9037930. Tháng 1/2017, đăng ký 9037930 được chuyển nhượng cho một cá nhân quốc tịch Trung Quốc là Wu Liping.
Cũng cần nói thêm rằng vang Romanée-Conti được mệnh danh là một trong những loại vang ngon, hoàn hảo và đắt nhất thế giới. Tổng thống Pháp Enmanuel Macron đã từng mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình uống chai vang hiếm Romanée-Conti 1978 có giá 18,400 bảng Anh (khoảng 550 triệu đồng). Và theo thông tin từ sàn đấu giá nổi tiếng Sotheby’s, một chai vang Romanée-Conti năm 1945 có màu đỏ Burgundy từ Côte de Nuits có giá 558.000USD (khoảng 13 tỷ đồng).[3]
Tháng 8/2016, Viện quốc gia Pháp về xuất xứ và chất lượng (INAO)[4] nộp đơn yêu cầu hủy hiệu lực đăng ký 9037930 tại TRAB (một cơ quan thuộc CNIPA có thẩm quyền giải quyết đơn hủy hiệu lực) dựa trên căn cứ pháp lý ở Điều 16(1) Luật nhãn hiệu Trung Quốc năm 2001 nói rằng “trường hợp nhãn hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý của hàng hóa mà địa điểm ghi trên đó không phải là xuất xứ của hàng hóa, do đó gây hiểu nhầm cho công chúng thì nhãn hiệu đó không được đăng ký và bị cấm dùng”.[5] TRAB bác đơn hủy hiệu lực tuyên bố rằng Romanée-Conti chưa được đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Trung Quốc nên không thể được bảo hộ.
Tòa án đảo ngược quyết định của CNIPA
Tòa sở hữu trí tuệ Bắc Kinh thụ lý đơn khởi kiện của INAO chống quyết định từ chối hủy hiệu lực của TRAB và hủy bỏ quyết định của TRAB. Sau khi bị kháng cáo bởi cả TRAB và chủ nhãn hiệu, ở cấp phúc thẩm, Tòa cấp cao Bắc Kinh xét xử y án sơ thẩm của Tòa sở hữu trí tuệ Bắc Kinh.
Các tòa án đều chấp nhận bằng chứng do INAO cung cấp bao gồm Công báo của Cộng hòa Pháp trong đó công nhận Romanée-Conti là chỉ dẫn xuất xứ (controlled designation of origin) được kiểm soát theo Nghị định ban hành ngày 11/9/1936. Cụ thể hơn, Công báo này đề cập đến phẩm cấp của rượu vang Romanée-Conti gồm: màu sắc và chủng loại vang; nguồn gốc mùa vụ và khu vực sản xuất, các giống nho được dùng; quy trình chế biến, sản xuất, lên men, đóng gói và bảo quản; mối liên hệ giữa vang với nguồn gốc địa lý; khu vực địa lý của Romanée-Conti và các đặc điểm tự nhiên và con người
Tòa cấp cao Bắc Kinh nhận định rằng bằng chứng của INAO đã chứng minh được khu vực được chỉ dẫn bởi cái tên Romanée-Conti mang đặc tính con người và tự nhiên khác biệt và cái tên này được coi là chỉ dẫn địa lý rượu vang; và có mối liên hệ giữa Romanée-Conti và chữ tiếng Trung “罗曼尼·康帝” do đó nhãn hiệu được bảo hộ vi phạm Điều 16(1) Luật nhãn hiệu 2001 ngay cả khi Romanée-Conti chưa đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Trung Quốc vì việc đăng ký chỉ dẫn địa lý không phải là điều kiện tiên quyết để yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Luật nhãn hiệu.
Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) năm 2021 bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bao gồm nhãn hiệu (thương hiệu), chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng ở Việt Nam và nước ngoài.
Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.
[5] Nguyên văn Điều 16 Luật nhãn hiệu Trung Quốc năm 2001: Trường hợp nhãn hiệu mang chỉ dẫn địa lý của hàng hóa mà địa điểm ghi không phải là xuất xứ của hàng hóa gây hiểu lầm cho công chúng thì nhãn hiệu đó không được đăng ký và bị cấm sử dụng. Tuy nhiên, trường hợp đăng ký đã giành được một cách có thiện chí thì nhãn hiệu đó vẫn có hiệu lực.
Chỉ dẫn địa lý đề cập ở đoạn trên có nghĩa là nguồn gốc của hàng hóa mà phẩm chất đặc biệt, độ tin cậy hoặc các đặc tính khác của hàng hóa và nó chủ yếu được quyết định bởi các yếu tố tự nhiên hoặc yếu tố con người của địa điểm được chỉ dẫn.