CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ CỦA TRUNG QUỐC – VÀI ĐIỂM NHẤN ẤN TƯỢNG SAU 10 NĂM THỰC HIỆN
vinh@bross.vn
Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí quán quân trong 17 năm liên tiếp có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp lớn nhất thế giới
Trung Quốc là vừa là quốc gia đông dân nhất thế giới cũng vừa là quốc gia có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp hàng năm lớn nhất thế giới. Trong suốt 13 năm liên tiếp vừa qua Trung Quốc vẫn được xem là thống trị ở vị trí quán quân, chẳng hạn như riêng năm 2014 đã có 2,285,000 đơn nhãn hiệu được nộp cho Cơ quan nhãn hiệu Trung Quốc (CTMO), với mức tăng trung bình hàng năm 21,74%, trong đó đơn của công dân/pháp nhân Trung Quốc chiếm đại đa số đến 93,64% trong khi tỷ lệ đơn Madrid và đơn nước ngoài chỉ chiếm lần lượt là 2,28% và 6,36%[1].
Theo tạp chí China IP Magazine, năm 2017 số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu nộp cho CTMO đã vượt qua ngưỡng 5 triệu đơn, đạt con số bùng nổ kỷ lục là 5,748,000 đơn, tăng 55.7% so với năm 2016. Cuối năm 2017, tổng số đơn đăng ký nhãn hiệu tính dồn lại lên tới 27,842,000 đơn, số lượng nhãn hiệu được cấp bảo hộ là 17,301,000 trong đó số lượng đăng ký nhãn hiệu còn hiệu lực là 14,920,000. Kết quả là Trung Quốc xếp số 1 thế giới về kỷ lục số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu cho 17 năm liên tiếp[2]
Cơ sở pháp lý, hệ thống tòa án chuyên trách về SHTT và thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tương đối tốt là 3 nền tảng trụ cột giúp Trung Quốc có năng lực xác lập điểm cân bằng về lợi ích giữa chủ thể quyền SHTT, công chúng và Nhà nước
Kể từ khi Trung Quốc ban hành Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ năm 2008 (the Outline of National IP Strategy) hướng tới mục tiêu vào năm 2020 là đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia đạt trình độ cao về bảo hộ, khai thác và sáng tạo quyền sở hữu trí tuệ, Trung Quốc đã thể hiện được nhiều tiến bộ và phát triển vượt bậc[3].
Thứ nhất, trong số các tiến bộ đó đầu tiên phải kể đến sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật nội dung về sở hữu trí tuệ, cụ thể là bản sửa đổi lần thứ 4 đối với Luật nhãn hiệu ban hành lần đầu vào năm 1982, sửa đổi lần 2 năm 1993, lần 3 năm 2001. Luật nhãn hiệu sửa đổi năm 2013 có hiệu lực từ 1/5/2014. Ngoài các Nghị định hướng dẫn Luật nhãn hiệu, cơ quan xét xử cấp cao nhất ở Trung Quốc là Tòa án nhân dân tối cao còn ban hành bản hướng dẫn xét xử của Tòa án nhân dân tối cao nhằm xét xử đúng đắn các vụ án hành chính liên quan đến việc cấp bảo hộ và quyết định quyền nhãn hiệu, thực thi quyền xét xử tư pháp theo luật, làm rõ và thống nhất tiêu chuẩn xét xử từ đó giúp đảm bảo khả năng có thể giải quyết vấn đề cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên
Thứ hai, năm 2014 Trung Quốc bắt đầu thành lập và cho vận hành hệ thống tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ (specialized intellectual property courts hoặc gọi ngắn là IP courts) tại 3 trung tâm quan trọng là Bắc Kinh (Beijing), Thượng Hải (Shanghai) và Quảng Châu (Guangzhou). Đầu năm 2017, Trung Quốc lại tiếp tục thành lập các hội đồng xét xử (thuộc hệ thống tòa án hiện hành)
chuyên về sở hữu trí tuệ (specialized intellectual property tribunals, hoặc ngắn gọn là specialized IP tribunals) ở 4 thành phố nữa gồm Nanjing (Nam Kinh), Suzhou (Tô Châu), Chengdu (Thành Đô) and Wuhan (Vũ Hán). Theo số liệu được công bố tại hội thảo quốc gia về xét xử án sở hữu trí tuệ lần thứ 4, hệ thống tòa án toàn Trung Quốc đã thụ lý 813,000 vụ việc dân sự, hành chính và hình sự có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong vòng 4 năm từ năm 2013 đến 2017 và thực tế các tòa đã giải quyết xong 781,000 vụ.
Cần lưu ý rằng một cơ quan khác dù không phải là tòa án nhưng có vai trò và nhiệm vụ rất lớn trong việc giải quyết các vụ việc khiếu nại chống lại từ chối bảo hộ, phản đối hoặc hủy bỏ nhãn hiệu là Ban giải quyết tranh chấp nhãn hiệu của Trung Quốc, tên tiếng Anh là Trademark Review and Adjudication Board (“TRAB”) là một cơ quan trực thuộc Bộ Công thương Trung Quốc và hoàn toàn độc lập với Cơ quan nhãn hiệu của Trung Quốc (China Trademark Office, viết tắt là “CTMO”) - Cơ quan chịu trách nhiệm xét nghiệm và cấp bảo hộ đơn đăng ký nhãn hiệu tại lãnh thổ Trung Quốc. Theo thông tin do TRAB công bố trong năm 2017 tổng số vụ việc khiếu nại nhãn hiệu được quyết định bởi TRAB đạt con số kỷ lục 168,900 vụ trong đó có tới 9,310 vụ TRAB có trát yêu cầu hầu tòa sơ thẩm[4]
Thứ ba, thực tiễn xét xử cho thấy Trung Quốc rất tiến bộ trong việc xét xử án sở hữu trí tuệ ở cả 2 khía cạnh là tốc độ xét xử và chất lượng xét xử tương đối nhanh và tốt nhờ có hệ thống tòa án vận hành tốt, đội ngũ thẩm phán có hiểu biết về sở hữu trí tuệ và hệ thống pháp luật minh bạch rõ ràng.
Bross & Partners đã từng hỗ trợ thành công nhiều khách hàng Việt Nam hủy bỏ các thương hiệu/nhãn hiệu bị chiếm đoạt ở Trung Quốc. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Bross & Partners có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu hỗ trợ khách hàng trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài.