Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
Intel Corporation thua kiện KK Intelgrow và cách lý giải của tòa án Nhật Bản liên quan đến việc áp dụng pháp luật nội dung về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng
(Ngày đăng: 2018-10-19)

Intel Corporation thua kiện KK Intelgrow và cách lý giải của tòa án

Nhật Bản liên quan đến việc áp dụng pháp luật nội dung về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng[1]

 

Nối tiếp bài giới thiệu quan điểm của Nhật Bản về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng liên quan đến phán quyết của Tòa án tối cao Nhật Bản trong Case H10 (Gyo-HI) No. đã được chúng tôi giới thiệu tại link: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Quan-diem-cua-Nhat-Ban-ve-bao-ho-nhan-hieu-noi-tieng--nhin-tu-phan-quyet-cua-cua-Toa-an-toi-cao-trong-Case-H10-GyoHi-No-85 và tiếp theo bài tìm hiểu về tiêu chuẩn đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật nội dung của Nhật Bản được đăng tải tại link: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Khai-luoc-mot-so-quy-tac-va-tieu-chuan-danh-gia-nhan-hieu-noi-tieng-theo-Luat-nhan-hieu-va-Luat-ngan-chan-canh-tranh-khong-lanh-manh-UCPA-cua-Nhat-Ban-1331 , chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu vụ án Intel Corporation kiện KK Intelgrow được xét xử năm 2013 bởi Tòa SHTT cấp cao Nhật Bản[2] để có thể phần nào đó xem cách đưa pháp luật nội dung vào thực tiễn có gặp trở ngại nào hay không.

 

Intel Corporation sở hữu nhiều đăng ký nhãn hiệu đối với yếu tố INTEL bao gồm cả phiên bản tiếng Nhật Katakana[3] tại Nhật Bản trong đó có nhãn hiệu INTEL theo đăng ký số 4362619 ở các nhóm 14, 16, 18 và 25 ngày 18/02/2000. Ngày 19/01/2006 KK Intelgrow nộp đơn đăng ký nhãn hiệu INTELGROW dưới dạng chữ Nhật Katakanaインテルグローvà ngày 18/8/2006 đã được JPO cấp đăng ký số 4980761 cho nhóm 19 và 37. Ngày 18/8/2011 Intel Corporation nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực[4] của nhãn hiệu INTELGROW vì lý do nó xâm phạm các điều 4(1)(vii), 4(1)(viii), 4(1)(xi), 4(1)(xv) và 4(1)(xix) Luật nhãn hiệu[5]. Theo quan điểm của chúng tôi việc sử dụng cùng lúc nhiều căn cứ yêu cầu hủy bỏ bởi Intel Corporation nêu trên có dụng ý là Intel Corporation vừa muốn tăng khả năng hủy bỏ thành công, vừa muốn thể hiện nỗ lực quyết liệt của mình trong việc chống hành vi làm lu mờ nhãn hiệu INTEL của nó. Ngày 20/7/2012 JPO ban hành quyết định từ chối yêu cầu hủy bỏ hiệu lực với các lập luận chính như sau:

 

  1. Nhãn hiệu rơi vào Điều 4(1)(viii) nếu chứa tên hoặc tên viết tắt của người khác với điều kiện chủ nhãn hiệu đó chủ ý giành tên hoặc tên viết tắt đó. Do vậy, lập luận theo điều này của Intel là không đủ đáp ứng quy định này. Rõ ràng chữ viết tắt “Intel” gồm cả hình thức thể hiện dưới dạng chữ Nhật Bản Katakana được biết tới rộng rãi trong đó gồm cả các đại lý và thương nhân trong lĩnh vực chất bán dẫn và mạch tích hợp vào thời điểm INTELGROW được nộp năm 2006. Nhãn hiệu INTELGROW gồm cùng một kiểu chữ, kích thước và xuất hiện thành một từ nên được coi là từ tự đặt (coined word) vì vậy nó không được nhận biết là chứa tên viết tắt của người khác. Do vậy, KK Intelgrow không phải xin thư chấp thuận sử dụng từ Intel cũng như không xâm phạm điều 4(1)(viii).

 

  1. JPO cho rằng INTELGROW không nhầm lẫn với Intel và không xâm phạm điều Điều (1)(xi) khi xem xét về hình thức, phát âm và ý nghĩa vì (a) Intelgrow được phát âm thành một âm liên tục là intelgrow chứ không tạo ra âm “intel”, (b) INTELGROW khác biệt với Intel về cấu trúc và hình thức do vậy không nhầm lẫn về hình thức thể hiện, và (c) vì INTELGROW không có nghĩa nên các nhãn hiệu không thể được so sánh về nghĩa.

 

  1. Nhãn hiệu INTELGROW không rơi vào phạm vi áp dụng của điều 4(1)(xv) – có khả năng gây nhầm lẫn với hàng hóa/dịch vụ gắn liền với hoạt động kinh doanh của người khác – vì INTEL còn có nghĩa là một tấm kim loại hoặc gỗ mỏng dùng để tạo khoảng trống về độ rộng khi in ấn do vậy không thỏa đáng kết luận rằng từ này xuất phát chỉ từ bên khiếu nại. Sản phẩm mang nhãn hiệu Intel và vật liệu xây dựng đăng ký theo nhãn hiệu INTELGROW hoàn toàn khác nhau về chất lượng, mục đích và kênh tiêu thụ. Hơn nữa, dịch vụ xây dựng mang nhãn hiệu INTELGROW có rất ít mối liên hệ với hàng hóa mà Intel đang sử dụng. Như vậy, xét tính tương tự giữa các nhãn hiệu, mối liên hệ giữa hàng hóa/dịch vụ và nhu cầu tự nhiên của khách hàng, khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc là cực tiểu nên INTELGROW không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng Intel.

 

  1. Tương tự như phân tích trên, INTELGROW không trùng hoặc không tương tự với Intel nên không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xem là nổi tiếng đối với công chúng ở Nhật Bản hoặc ở nước ngoài theo Điều 4(1)(xix).

 

  1. Về khả năng xâm phạm trật tự hoặc chính sách công, dịch vụ xây dựng gắn liền với INTELGROW không ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội hoặc đạo đức xã hội nên không vi phạm điều 4(1)(vii).

 

Intel Corporation kháng cáo chống quyết định của JPO lên Tòa SHTT cấp cao và Tòa án ra quyết định ngày 18/4/2013 giữ nguyên quyết định của JPO, trong đó có một phân tích của Tòa liên quan đến việc cấm đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng đối với người tiêu dùng Nhật Bản hoặc ở nước ngoài đáng chú ý, cụ thể Tòa cho rằng vì cách sử dụng nhãn hiệu INTELGROW không có khả năng gây cản trở hoặc gây tổn hại gì đối với danh tiếng, sự quý trọng và sự lôi cuốn của nhãn hiệu Intel, INTELGROW cũng không đăng ký với mục đích kiếm lợi bất chính hoặc gây thiệt hai cho người khác vì vậy Tòa án kết luận JPO không phạm bất kỳ sai lầm nào khi quyết định vụ việc. Mặc dù thừa nhận rằng nguyên đơn đã thành công khi mở rộng ảnh hưởng của thương hiệu trong lĩnh vực chất bán dẫn, mạch tích hợp, máy tính cá nhân và server nhưng không có bằng chứng củng cố cho quan điểm cho rằng nhãn hiệu Intel trở nên nổi tiếng ngoài các lĩnh vực đó. Cũng không có bằng chứng nào chứng tỏ Intel tham gia vào kinh doanh mua bán nhà cửa hoặc vật liệu xây dựng. Ngoài ra, việc Intel việc dẫn đến sự kiện mình đã đăng ký nhãn hiệu bảo vệ[6] không nhất thiết có nghĩa là nhãn hiệu Intel đã trở nên nổi tiếng cho tất cả hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu bảo vệ đó.

 

Nhiều người đã chỉ trích phán quyết của Tòa SHTT cấp cao đối với vụ việc IntelGrow nêu trên và cho rằng cơ quan tư pháp đã thiếu nhất quán trong việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Ngày 20/12/2007 chính Intel Corporation phản đối nhãn hiệu “INTELLASSETTE GROUP” trong đó chứa yếu tố “INTEL” ở nhóm 35, 36 và 41 và Tòa SHTT cấp cao đã hủy bỏ đăng ký vì cho rằng nó chứa dấu hiệu nổi tiếng “INTEL” dựa theo điều 4(1)(8) Luật nhãn hiệu. Tuy nhiên, trong vụ thứ 2 xảy ra ngày 20/10/2009, Tòa SHTT cấp cao lại bác bỏ đơn yêu cầu hủy của Intel Corporation chống lại nhãn hiệu đăng ký “INTELLASSET” ở nhóm 35[7].

 

Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Bross & Partners có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu hỗ trợ khách hàng trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài bao gồm cả Mỹ, EU, Canada, Trung Quốc, Thailand. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ vinh@bross.vn hoặc điện thoại 0903 287 057.

 



[1] Trích Báo cáo nghiên cứu thuộc Dự án bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp công bố ngày 17/11/2017 tại Hà Nội và được phát hành bởi Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật năm 2017 bởi đồng tác giả Ls. Lê Quang Vinh và Ts. Phan Ngọc Tâm

[2] Tòa SHTT cấp cao có tên tiếng Anh là Intellectual Property High Court (IP High Court) là tòa chuyên trách về SHTT đầu tiên được thành lâp tại Nhật Bản ngày 1/4/2005. Tòa SHTT cấp cao có thẩm quyền xét xử sơ thẩm lần 2 đối với các vụ án dân sự về xâm phạm sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu và bản quyền tác giả, và được chỉ định là tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm lần đầu đối với tất cả các vụ án hành chính chống lại các quyết định của JPO liên quan đến sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu. Tuy nhiên, ngoại trừ các vụ xâm phạm về sáng chế, thẩm quyền xét xử sơ thẩm lần 2 đối với các vụ xâm phạm quyền SHTT còn có thể được xét xử bởi Tòa cấp cao Osaka, Tòa cấp cao Tokyo và các tòa cấp cao khác bao gồm cả IP High Court. Xem Tomokatsu TSUKAHARA, Professor, Attorney at Law, Intellectual Property High Court of Japan, Japan Patent Office Asia-Pacific Industrial Property Center, JIPII, 2013, trang 2.

[3]Theo Wikipedia tiếng Việt: https://vi.wikipedia.org/wiki/Katakana thì Katakana(kanji片仮âm Hán Việt: phiến giả danh; katakana: カタカナ hay Hiragana: かたかな) là một thành phần trong hệ thống chữ viết truyền thống của Nhật Bản, bên cạnh hiraganakanji và đôi khi còn để viết phiên âm chữ cái Latin. Từ "katakana" có nghĩa là "kana chắp vá", do chữ katakana được hợp thành từ nhiều thành phần phức tạp của Kanji. Katakana được tạo thành từ các nét thẳng, nét cong và nét gấp khúc, là kiểu chữ đơn giản nhất trong chữ viết tiếng Nhật.

[4] Thuật ngữ chính xác được sử dụng trong vụ này là “trial for invalidation”. Theo JPO (xem https://www.jpo.go.jp/english/faqs/appeals.html), trial for invalidation có nghĩa là thủ tục hủy bỏ hiệu lực đối với quyền patent hoặc mẫu hữu ích, kiểu dáng hoặc nhãn hiệu mà đã được cấp văn bằng bảo hộ nhưng lẽ ra nó phải bị từ chối theo luật. Hậu quả pháp lý của trial for invalidation, nếu được chấp thuận, là quyền nhãn hiệu đã được cấp sẽ coi như chưa bao giờ tồn tại.

[5] Ngoại trừ các điều 4(xi), 4(xv) và  4(xix) đã được trích dẫn và phân tích ở các trang trước, điều 4(1)(vii) và 4(1)(viii) Luật nhãn hiệu Nhật Bản tương ứng quy định cấm đăng ký nhãn hiệu mà có khả năng gây thiệt hại cho chính sách công [is likely to damage to public policy] và mà chứa hình ảnh của người khác, hoặc tên, tên bút danh, tên nghề nghiệp hoặc biệt hiệu của người khác, hoặc tên viết tắt nổi tiếng của người khác đó [contains the portrait of another person, or the name, famous pseudonym, professional name or pen name of another person, or famous abbreviation thereof (except those the registration of which has been approved by the person concerned)]

[6] Thuật ngữ “nhãn hiệu bảo vệ” trong nhiều tài liệu dịch trên internet đôi khi còn được dùng là “protective mark” thực ra có bản chất tương tự “defensive mark”

[7] Xem thêm http://fujimarks.jp/english/pdf/sp01_042.pdf

 

Bookmark and Share
Relatednews
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?
Trung Quốc: Tranh tụng bản quyền nhiều nhất thế giới và vai trò đặc biệt của hệ thống Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ
Nhật Bản bỏ thu phí 2 lần đối với nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid
Cambodia to Strictly Watch the Timely Submission of Affidavit of Use/Affidavit of Non-use for a Registered Trademark
Trung Quốc sẽ tiếp tục sửa Luật nhãn hiệu 2019 với trọng tâm chống “đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu”
Căn cứ từ chối tuyệt đối cần tránh khi lựa chọn thương hiệu để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc
Campuchia siết chặt nghĩa vụ nộp bằng chứng sử dụng đối với nhãn hiệu đã đăng ký
Bross & Partners as a Contributor to the Chambers Trademarks and Copyright 2024 Global Practice Guide
Founding Partner Le Quang Vinh continously named in the 2023 A-List by Asia Business Law Journal

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.

         
Cửa thép vân gỗcua thep van go