Khái lược về nhãn hiệu mùi và khả năng bảo hộ của nó
ở Mỹ, Vương Quốc Anh và Liên minh Châu Âu
Luật sư Nguyễn Khánh Linh – Bross & Partners
Email: linh.nguyen@bross.vn
Nhãn hiệu mùi (scent mark) không phải là đối tượng được bảo hộ trong Luật SHTT 2022 nhưng việc hiểu biết sơ bộ về nó cũng có giá trị tham khảo nhất định khi pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam được dự kiến sẽ mở rộng bảo hộ các nhãn hiệu phi truyền thống[1] như ở các nước phát triển trong tương lai. Bross & Partners xin giới thiệu khái lược về nhãn hiệu mùi.
Mùi hương có chức năng nhãn hiệu?
Mùi hương cũng là một dấu hiệu có khả năng chỉ dẫn nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ vì nó truyền tải thông tin qua đường khứu giác. Mùi hương là loại dấu hiệu được đánh giá có khả năng tạo ra sự phân biệt tốt nhất trong các loại nhãn hiệu vì nó có thể tác động được tới hầu hết người tiêu dùng bao gồm cả người khiếm thị (không chịu tác động bởi dấu hiệu hữu hình) và người khiếm thính (không bị tác động bằng dấu hiệu âm thanh).
Các báo cáo khoa học cho thấy khả năng ghi nhớ mùi hương là một trong những loại trí nhớ mạnh nhất và đáng tin cậy nhất của con người.[2] Vì vậy, các mùi hương đặc biệt có thể giúp người tiêu dùng định vị một số sản phẩm thông qua khứu giác, ngay cả khi họ không nhớ tên sản phẩm. Và ngay cả khi người tiêu dùng không có khả năng mô tả bản chất của mùi bằng từ ngữ thì mùi hương có thể giúp xác định sản phẩm đơn giản bằng cách kích thích tiềm thức ghi nhận qua khứu giác của họ.[3]
Các quốc gia trên thế giới mà chấp nhận dấu hiệu mùi hương là dấu hiệu có thể bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu trong định nghĩa nhãn hiệu của mình nhưng tiếc là lại không có hướng dẫn chi tiết về thẩm định và xác định khả năng bảo hộ nhãn hiệu mùi. Một số ít quốc gia có hướng dẫn chi tiết như Hoa Kỳ, Australia, EU… sau khi tổng kết thực tiễn từ chối bảo hộ của cơ quan nhãn hiệu cùng với lý lẽ khiếu nại của người nộp đơn. Mặt khác, do gặp hạn chế về khả năng sử dụng, đặc biệt trong quảng cáo, lan truyền và tiếp cận người tiêu dùng nên nhãn hiệu mùi được bảo hộ hiện nay chỉ có số lượng khiêm tốn.
Thực tiễn cho thấy có khá ít đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mùi trên thế giới có thể vượt qua giai đoạn thẩm định hình thức (EU, UK) và vượt qua cả thẩm định hình thức và nội dung (US, Australia, New Zealand…) trước khi được cấp bảo hộ. US hiện đang dẫn đầu về số lượng bảo hộ với khoảng hơn 10 nhãn hiệu mùi hương[4] kể từ năm 1990. Cơ quan sở hữu trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) từng chấp thuận bảo hộ 02 nhãn hiệu nhưng hiện tại chỉ còn 1 nhãn hiệu mùi có hiệu lực[5], cơ quan nhãn hiệu Anh (UKIPO) chấp thuận bảo hộ 2 nhãn hiệu mùi hương,[6] cơ quan nhãn hiệu Australia (IP Australia) sau khi từ chối bảo hộ tới 05 nhãn hiệu mùi từ năm 1996 nhưng đến nay vẫn chỉ có duy nhất 1 nhãn hiệu mùi được chấp thuận bảo hộ vào năm 2009.
Thực tiễn xét nghiệm khả năng bảo hộ của dấu hiệu mùi ở US, EU và UK
Hầu hết quốc gia chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu mùi hương đều là các quốc gia vận hành theo hệ thống thông luật (common law). Chẳng hạn như tại Hoa Kỳ, nhãn hiệu mùi đầu tiên được bảo hộ tại Hoa Kỳ là nhãn hiệu “mùi hoa đại” cho sản phẩm sợi và chỉ thêu từ 1990 của Clarke.[7] Tuy nhiên, ban đầu nhãn hiệu này bị USPTO từ chối vì người nộp đơn không chứng minh được mùi “hoa đại” có thể chỉ dẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc thương mại của sản phẩm của anh ta, và mùi hương chỉ là chức năng, đặc tính của sản phẩm nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh để khách hàng có thể tận hưởng miễn phí mùi hương này.
Người nộp đơn khiếu nại lên TTAB[8] (thuộc USPTO) và nộp tài liệu chứng minh rằng không có công ty nào trước đó từng sản xuất loại sợi hoặc chỉ thêu có mùi thơm; và các quảng cáo của người nộp đơn cho thấy lợi thế của sản phẩm chính là mùi thơm, cụ thể là khách hàng, đại lý và nhà phân phối sợi và chỉ thêu có mùi thơm “hoa đại” có thể nhận ra nguồn gốc thương mại của hàng hóa của người nộp đơn. Với lý lẽ thuyết phục như vậy TTAB đảo ngược từ chối của USPTO, công nhận nhãn hiệu mùi của người nộp đơn có khả năng chỉ dẫn nguồn gốc thương mại nên được chấp nhận bảo hộ.
Vương quốc Anh có thể chấp nhận bảo hộ hoặc từ chối bảo hộ nhãn hiệu mùi theo cách riêng của mình. Chẳng hạn mùi tự nhiên có vẻ khó chỉ ra nguồn gốc thương mại của sản phẩm của người nộp đơn lại được cơ quan nhãn hiệu UKIPO chấp thuận bảo hộ, ví dụ nhãn hiệu mùi bia đắng của Unicorn Products số văn bằng GB 2001416 cho sản phẩm trò chơi phi tiêu[9] và nhãn hiệu mùi hoa hồng của Sumitomo Rubber Co. cho lốp xe số văn bằng số GB 2000234.[10] Mặc dù vậy, UKIPO lại từ chối nhãn hiệu mùi quế cho sản phẩm nội thất của John Lewis of Hungerford Plc[11] với lý do quế là một loại mùi không ổn định, khó xác định. Tương tự như vậy, đơn đăng ký nhãn hiệu mùi nước hoa Chanel No. 5 cũng bị UKIPO từ chối vào năm 1994 vì nó bị coi là mô tả bản chất của sản phẩm.[12]
EUIPO chấp nhận bảo hộ cả mùi hương phổ biến như nhãn hiệu mùi cỏ tươi mới cắt cho sản phẩm bóng tennis của Vennootschap onder Firma Senta Aromatic Marketing chỉ cần bản mô tả với cụm từ “mùi cỏ tươi mới cắt” mà không cần bản đồ họa như mọi khi vì cho rằng mùi này đã quen thuộc với con người năm 1999. Ngoại lệ này được áp dụng thêm với nhãn hiệu mùi của quả mâm xôi cho nhiên liệu động cơ của của Myles Limited năm 2001. Tuy nhiên, toàn bộ các nhãn hiệu mùi sau đó dù là mùi hương tự nhiên đều bị Tòa án công lý Châu Âu (ECJ) từ chối bảo hộ với một lý do duy nhất là không có bản đồ họa theo Điều 4 TMR Luật Nhãn hiệu EU gồm: nhãn hiệu mùi dâu tây cho sản phẩm nhóm 3, 16, 18 và 29 của Eden Sarl năm 2005, nhãn hiệu mùi hương cho sản phẩm mỹ phẩm số R186/2000-4 năm 2005, vụ nhãn hiệu mùi chanh của El Olor năm 2005.[13]
Trước ngày 01/10/2017, Luật nhãn hiệu EU yêu cầu hồ sơ đăng ký nhãn hiệu phải có bản mô tả đồ họa. Tuy nhiên, yêu cầu về mô tả đồ họa của nhãn hiệu mùi hương thường khó hơn cách thức mô tả bằng công thức hóa học, bằng chữ viết, hoặc bằng cách gửi mẫu mùi hoặc kết hợp các yếu tố đó vì hầu như không có phương tiện đồ họa nào đại diện cho mùi hương một cách chính xác để thể hiện. Khác với mã màu quốc tế hoặc ký hiệu âm nhạc, một dấu hiệu mùi hương khó được xác định một cách khách quan và chính xác thông qua việc gán tên hoặc mã cụ thể cho từng mùi.
Do đó, khó khăn lớn nhất của bảo hộ nhãn hiệu mùi tại EU lại chính là cách thức thể hiện đồ họa. Theo phán quyết số C-273/00, [2002] ECR I-11737 ngày 12/12/2002 trong vụ Ralf Sieckmann v. Deutsches Patent- und Markenamt, ECJ nhận định rằng trừ khi dấu hiệu có thể được biểu thị bằng đồ họa bằng phương tiện hình ảnh, đường nét hoặc ký tự theo cách rõ ràng, chính xác, dễ tiếp cận, dễ hiểu, bền và khách quan, thì dấu hiệu đó có thể đủ điều kiện đăng ký. ECJ đã phán quyết rằng người nộp đơn đã nộp theo hồ sơ một mẫu mùi, một bản mô tả và công thức hóa học và như vậy không đáp ứng các tiêu chí bảo hộ do không thể hiện dưới dạng đồ họa. ECJ cho rằng một công thức hóa học chỉ đại diện cho chất chứ không phải là mùi hương và không thỏa mãn các tiêu chí theo luật bằng một văn bản mô tả chính xác đến mức nó sẽ không cho phép nhầm lẫn.[14]
Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) trong 3 năm liên tục (2021-2023) bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bao gồm nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng ở Việt Nam và nước ngoài.
Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.
[1] Nhãn hiệu truyền thống, vốn hay được gọi là nhãn hiệu thông thường (ordinary trademark/conventional/traditional trademark), bao gồm tên riêng, từ ngữ, chữ cái, chữ số và hình ảnh có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa là nhãn hiệu theo pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhãn hiệu phi truyền thống (non-traditional trademark) gồm nhiều loại nhãn hiệu mới xuất hiện chẳng hạn như nhãn hiệu mùi (scent mark), nhãn hiệu âm thanh (sound mark), nhãn hiệu chuyển động (motion mark), nhãn hiệu 3 chiều (three-dimensional mark), đã được sử dụng làm nhãn hiệu trong các hoạt động marketing hiện đại kể từ những năm 1950. Theo một khảo sát năm 2008 về nhãn hiệu phi truyền thống bởi Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống đang gia tăng đáng kể, trong đó phải kể tới các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, Hong Kong, Peru, Singapore và Đài Loan. Tham khảo thêm “Thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống ở Việt Nam trong vòng một thập kỷ qua và những thách thức cần lưu ý” ở đường dẫn: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Thuc-tien-bao-ho-nhan-hieu-phi-truyen-thong-o-Viet-Nam--trong-vong-mot-thap-ky-qua-va-nhung-thach-thuc-can-luu-y ; hoặc xem thêm bài viết “Nhãn hiệu 3 chiều trong pháp luật quốc tế và đề xuất cho Việt Nam” ở Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam: https://vjst.vn/vn/tin-tuc/5882/nhan-hieu-3-chieu-trong-phap-luat-quoc-te-va-de-xuat-cho-viet-nam.aspx
[3] Xem Karapapa, S. The Trademark reporter, The Law Journal of the International Trademark Association, Vol. 100,
November – December, No. 6, 2010, trang 1342.
[5] Nhãn hiệu mùi cỏ tươi mới cắt số 428870 cho bóng tennis (còn hiệu lực) và nhãn hiệu mùi của quả mâm xôi cho nhiên liệu động cơ
[6] Nhãn hiệu mùi bia đắng của Unicorn Products số văn bằng GB 2001416 cho sản phẩm trò chơi phi tiêu và nhãn hiệu mùi hoa hồng của Sumitomo Rubber Co. cho lốp xe số văn bằng số GB 2000234
[8] TTAB là từ viết tắt của “The Trademark Trial and Appeal Board” được tạm dịch là Ban khiếu nại và xét xử Nhãn hiệu. TTAB là một cơ quan chuyên môn trực thuộc Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) gồm 1 chánh án, 18 thẩm phán hành chính, 14 luật sư ad-hoc cùng với đội ngũ các nhân viên hỗ trợ, giúp việc. TTAB có chức năng giải quyết tranh chấp nhãn hiệu gồm phản đối hoặc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu và giải quyết khiếu nại chống từ chối bảo hộ nhãn hiệu bởi USPTO. Xem thêm về TTAB ở bài viết “Giải quyết tranh chấp nhãn hiệu (thương hiệu) ở Hoa Kỳ thông qua thủ tục phản đối nhãn hiệu tại TTAB (USPTO)”: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Giai-quyet-tranh-chap-nhan-hieu-thuong-hieu-o-Hoa-Ky--thong-qua-thu-tuc-phan-doi-nhan-hieu-tai-TTAB-USPTO
[13] Xem thêm:
1. Đơn CTM số 428870, nộp ngày 11/12/1996, đăng ký ngày 11/10/2000
2. Phillips, J. Trade Mark Law, A Practical Anatomy, Oxford, United Kingdom, 2003, p 155- đơn nhãn hiệu Bảo hộ năm 1999 nhưng không gia hạn năm 2006
3. Số kháng cáo R0711 / 1999-3 (Hội đồng phúc thẩm lần thứ ba của OHIM, ngày 5 tháng 12 năm 2001) (đơn bị từ chối vì lý do nhãn hiệu không phân biệt được sản phẩm). http://www.copat.de/markenformen/wrp2002/wrp10.pdf
4. http://curia.europa.eu/juris/showPdf.jsf?docid=65903&doclang=en
5. Institut pour la Protection des Fragrances, R 186/2000-4, 2005, ETMR 42 (4th BOA), §§ 17-19
6. Case OHIM Board of Appeal R 445 / 2003-4