Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
Sự phát triển ngoạn mục của hệ thống sở hữu trí tuệ Trung Quốc thông qua 7 cột mốc đáng lưu ý
(Ngày đăng: 2022-02-17)

Sự phát triển ngoạn mục của hệ thống

 sở hữu trí tuệ Trung Quốc thông qua 7 cột mốc đáng lưu ý  

 

Luật sư Lê Quang Vinh – Bross & Partners

Email: Vinh@bross.vn

 

Trung Quốc đã đạt được bước tiến rất lớn về phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ dù chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ của Trung Quốc cũng mới chỉ vận hành sớm hơn Việt Nam 11 năm.[1] Bước tiến đó góp phần đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với GDP năm 2020 đạt 14,7 ngàn tỷ USD.[2] Sự phát triển đáng kinh ngạc của hệ thống SHTT Trung Quốc có thể được chứng minh bằng 7 dấu mốc đáng lưu ý.

 

Dấu mốc 1: Trung Quốc là quán quân thế giới nhiều năm liên tục về số lượng đơn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp

 

Theo báo cáo chỉ số sở hữu trí tuệ toàn cầu năm 2021 được công bố bởi WIPO, tính riêng năm 2020 một mình Trung Quốc có xấp xỉ 1,5 triệu đơn đăng ký sáng chế chiếm 45,7% tổng lượng đơn đăng ký sáng chế toàn cầu. Trung Quốc cũng chiếm 97,6%, 54,3%, 55,5% và 39,8% tổng lượng đơn toàn cầu xin đăng ký giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và giống cây trồng tương ứng, trong đó riêng nhãn hiệu, năm 2020 có tới 9,3 triệu đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp cho Cơ quan sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) so với hơn 17 triệu đơn đăng ký nhãn hiệu trên toàn thế giới.[3] Một trong những ví dụ giúp đánh giá sự phát triển ngoạn mục về sở hữu trí tuệ của Trung Quốc sau khi ban hành chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ năm 2008 là chỉ số thống kê số đơn sáng chế tính cho 1 triệu dân. Cụ thể, vào năm 2008 cứ 1 triệu dân Trung Quốc thì mới có 147 đơn đăng ký sáng chế được nộp thì 10 năm sau con số này đã tăng tốc đáng kinh ngạc lên mức gần 8 lần với 1.001 đơn sáng chế được nộp trong năm 2018 như bảng phân tích của WIPO dưới đây.

 

 

Dấu mốc 2: Nhiều công ty Trung Quốc sở hữu hàng ngàn bằng sáng chế và có sáng chế được định giá lên tới trên 50 triệu USD

 

Hai biểu đồ[4] dưới đây phản ánh 3 thông điệp chính. Một là, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc sở hữu lên tới hàng ngàn bằng độc quyền sáng chế. Hai là, số lượng bằng độc quyền sáng chế sở hữu bởi công ty Trung Quốc vẫn lớn hơn 50% so với công ty nước ngoài sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất tại Trung Quốc năm 2020. Và ba là, số lượng bằng sáng chế được cấp cho cá nhân/pháp nhân Trung Quốc vượt xa áp đảo số lượng bằng sáng chế sở hữu bởi chủ thể nước ngoài, ví dụ trong năm 2020, chủ thể nước ngoài chỉ chiếm dưới 17% (với 89 bằng sáng chế được cấp) so với trên 83% (với 441 bằng sáng chế được cấp) cho cá nhân/pháp nhân Trung Quốc.

 

 

Nguồn: CNIPA annual report 2020

 

Bất luận vẫn còn có ý kiến cho rằng hầu hết pa-tăng Trung Quốc có giá trị thấp thì thực tế cho thấy vẫn có nhiều pa-tăng của Trung Quốc được định giá lên tới vài chục triệu USD ví dụ ngày 19-20/11/2021, Tòa án nhân dân trung cấp Đông Đình của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã tổ chức bán đấu giá trên sàn Alibaba 6 bằng độc quyền sáng chế thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc là Shandong Kerui Petroleum Equipment Co., Ltd. với giá chào bán tối thiểu 1,49 tỷ nhân dân tệ (233 triệu USD) thuộc một phần của thủ tục tố tụng cưỡng chế thay mặt cho chủ nợ của chủ 6 bằng độc quyền. Trên thực tế, 6 pa-tăng có hiệu lực đến năm 2034 và 2035, được định giá lên tới 2,13 tỷ nhân dân tệ (333 triệu USD).[5]

 

Dấu mốc 3: Hệ thống pháp luật SHTT được Trung Quốc sửa đổi và cập nhật liên tục để theo kịp sự phát triển của khoa học, công nghệ và internet

 

Trung Quốc liên tục ban hành và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật SHTT. Bốn hình thức bảo hộ chính là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và quyền tác giả được xây dựng thành các đạo luật riêng có tên gọi tương ứng là Luật sáng chế (điều chỉnh 3 đối tượng là sáng chế, giải pháp hữu ích/mẫu hữu ích và kiểu dáng), luật nhãn hiệu và luật quyền tác giả.[6] Ngoài ra, Trung Quốc ban hành luật ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh năm 1993 sửa đổi năm 2019 có mục đích bảo vệ trật tự cạnh tranh lành mạnh trong đó gồm bảo hộ bí mật thương mại, bảo hộ nhãn hiệu chưa đăng ký và bài trí thương mại (trade dress) chừng nào chúng nổi tiếng hoặc có tầm ảnh hưởng nhất định.

 

Để chống hiện tượng không trung thực khi xác lập quyền nhãn hiệu, Trung Quốc tiếp tục chủ động sửa đổi Luật nhãn hiệu lần thứ 4 năm 2019 trong đó đáng kể nhất là bổ sung thêm Điều 4 quy định rằng bất kỳ thể nhân, pháp nhân hoặc tổ chức khác có nhu cầu giành quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu cho hàng hóa hoặc dịch vụ của mình trong quá trình sản xuất và hoạt động kinh doanh cần phải nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với Cơ quan nhãn hiệu. Đơn đăng ký nhãn hiệu dưới dạng bad faith được nộp với mục đích không để sử dụng không được chấp nhận bảo hộ. Nhằm hướng dẫn thực thi Điều 4, ngày 16/10/2019, Bộ quản lý thị trường (SAMR)[7] ban hành “Một số quy định điều chỉnh đơn đăng ký nhãn hiệu” có hiệu lực từ 1/12/2019 gồm 19 điều (“Quy Định”) với mục đích chính là ngăn chặn hiện tượng không trung thực (bad faith) khi đăng ký nhãn hiệu. Quy Định có sử dụng cụm từ đáng chú ý là “đơn đăng ký bất thường” để chỉ các đơn đăng ký bad faith hoặc độc hại.

 

Trung Quốc sửa đổi luật sáng chế có hiệu lực từ 1/6/2021 trong đó lần đầu bổ sung Điều 76 quy định hệ thống liên kết pa-tăng (patent linkage system). Để thực thi điều 76, ngày 4/7/2021, Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia (NMPA) kết hợp với CNIPA ban hành "Các biện pháp thực hiện cơ chế giải quyết sớm đối với các tranh chấp bằng sáng chế dược phẩm (thử nghiệm)". Hệ thống liên kết pa-tăng của Trung Quốc có chức năng ngăn chặn việc cấp phép lưu hành dược phẩm generic cho đến sau khi hết hạn bằng độc quyền pa-tăng của người khác. Ngày 5/7/2021, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc (SPC) ban hành “Quy định của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng pháp luật trong xét xử các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp bằng sáng chế dược phẩm xin đăng ký” mô tả chi tiết cơ chế tranh tụng. Ngày 5/7/2021, CNIPA công bố “Biện pháp xét xử hành chính đối với cơ chế giải quyết sớm các tranh chấp sáng chế dược phẩm” mô tả chi tiết về biện pháp xét xử hành chính.[8]

 

Dấu mốc 4: Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc tích cực tham gia hướng dẫn và giải thích pháp luật SHTT

 

SPC rất tích cực tham gia ban hành hướng dẫn, giải thích tư pháp để chỉ đạo hệ thống tòa án các cấp xét xử án sở hữu trí tuệ. Năm 2000, SPC ban hành hướng dẫn xét xử tranh chấp quyền tác giả trên internet. Năm 2001, SPC ban hành hướng dẫn áp dụng pháp luật trước khi xét xử các vụ xâm phạm sáng chế. Năm 2002, SPC ban hành giải thích về áp dụng luật khi xét xử án dân sự tranh chấp nhãn hiệu. Năm 2007, SPC và Viện kiểm sát tối cao (SPP) ban hành hướng dẫn áp dụng luật khi xét xử các tội xâm phạm quyền SHTT. Năm 2008, SPC ban hành hướng dẫn xét xử tranh chấp dân sự về xung đột giữa nhãn hiệu với tên doanh nghiệp và quyền có trước. Năm 2009, SPC ban hành quy định về xét xử vụ án hành chính liên quan quyền SHTT có đối tượng là sáng chế và nhãn hiệu. Ngày 16/6/2021, SPC ban hành quyết định sửa đổi Quy định về công việc liên quan đến giải thích tư pháp. Giải thích tư pháp có giới thiệu thêm một loại giải thích tư pháp mới gọi là “Quy tắc” được sử dụng để điều chỉnh hoạt động xét xử và thực thi của hệ thống tòa án. Theo quyết định sửa đổi, hiện tại SPC có thể ban hành 5 loại giải thích tư pháp cho các mục đích khác nhau: (1) “giải thích” (jie shi) - quy định cách áp dụng một luật cụ thể hoặc cách áp dụng luật cho một nhóm trường hợp hoặc vấn đề cụ thể; (2) “quy định” (gui ding) - xây dựng yêu cầu hoặc ý kiến dựa ​​trên tinh thần lập pháp; (3) “quy tắc” (gui ze) – điều khiển và kiểm soát hoạt động xét xử và thực thi của tòa án; (4) “trả lời” (pi fu) - trả lời các câu hỏi/vấn đề được hỏi bởi tòa cấp cao hoặc tòa án quân sự; và (5) “quyết định” (jue ding) - bãi bỏ hoặc sửa đổi các giải thích tư pháp hiện có.[9]

 

Dấu mốc 5: Trung Quốc là nơi tranh tụng SHTT nhiều nhất thế giới

 

Về năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ, ngoài hệ thống xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính truyền thống, hệ thống tòa án SHTT hoạt động rất tích cực và hiệu quả dù mãi đến năm 2014, Trung Quốc mới bắt đầu thành lập và cho vận hành hệ thống tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ hay còn gọi là “Tòa SHTT”[10] đặt tại 3 trung tâm quan trọng là Bắc Kinh (Beijing), Thượng Hải (Shanghai) và Quảng Châu (Guangzhou). Đầu năm 2017, Trung Quốc lại tiếp tục thành lập các tòa án đặc biệt thuộc hệ thống tòa án hiện hành nhưng có nhiệm vụ chuyên về sở hữu trí tuệ[11] (specialized /ngắn gọn là “IP Tribunals”) ở 4 thành phố nữa gồm Nanjing (Nam Kinh), Suzhou (Tô Châu), Chengdu (Thành Đô) and Wuhan (Vũ Hán). Theo báo cáo năm 2020 của SPC, số lượng vụ án SHTT được hệ thống tòa án cả nước xét xử sơ thẩm tăng từ 101.000 vụ trong năm 2013 lên 467.000 vụ trong năm 2020 hay nói cách khác từ năm 2013 đến tháng 6/2021, hệ thống tòa án đã xử 2,06 triệu vụ án SHTT trong đó có 143.000 vụ sáng chế, 473.000 vụ nhãn hiệu, 1,316 triệu vụ quyền tác giả và 18.000 vụ liên quan đến hợp đồng chuyển giao công nghệ.[12] Theo biểu đồ dưới đây nhằm mục đích so sánh, năm 2017 hệ thống tòa án Trung Quốc nhận được 237.242 vụ án SHTT và đã giải quyết được 225.678 vụ so với 8.857 vụ SHTT được xét xử bởi hệ thống tòa án Hoa Kỳ trong cùng năm 2017, hoặc so với 114.952 vụ SHTT được xử bởi hệ thống tòa án Liên minh Châu Âu (gồm tòa án 28 quốc gia thành viên và các tòa thuộc EU).[13]

[Nguồn: https://www.jdsupra.com/legalnews/china-ip-litigation-and-prosecution-20820/]

 

Dấu mốc 6: Tốc độ xét xử vụ án SHTT rất ấn tượng

 

Hệ thống tòa án SHTT Trung Quốc và đội ngũ thẩm phán chịu sức ép rất lớn do lượng án SHTT quá lớn. Tuy nhiên, họ vẫn chứng tỏ được năng suất và tính hiệu quả cao trong việc giải quyết án SHTT với tốc độ đáng kinh ngạc. Ví dụ thời gian xét xử trung bình bởi Tòa SHTT Quảng Châu là 50 ngày. Các vụ xét xử sơ thẩm tranh chấp pa-tăng đơn giản được giảm trung bình chỉ còn từ 3-4 tháng. Các vụ xét xử án SHTT có yếu tố nước ngoài ở Tòa SHTT Bắc Kinh là khoảng 4 tháng trong khi ở EU đại đa số là 18 tháng. Các tòa án còn tích cực vận động các đương sự hòa giải tiền tố tụng, theo đó chẳng hạn Tòa SHTT Thượng Hải đã ra quyết định 85 vụ tiền tố tụng chiếm tới 29.2% số án SHTT bước vào giai đoạn hòa giải.

 

Để có thể xét xử án SHTT với tốc độ ấn tượng như vậy, hệ thống Tòa án SHTT Trung Quốc đã áp dụng cơ chế phân tích yếu tố kỹ thuật đa dạng trên cơ sở sử dụng đội ngũ nhân lực cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chứng thực tư pháp và ý kiến chuyên gia. Thống kê cho thấy 3 Tòa SHTT đã tuyển dụng 61 nhân sự điều tra kỹ thuật - những người đã cung cấp ý kiến ở hơn 1000 vụ ngay trong năm 2017.

 

Dấu mốc 7: Năng suất thẩm định đơn sở hữu công nghiệp của CNIPA rất cao

 

Theo báo cáo của CNIPA, bất kể số lượng đơn nhãn hiệu được nộp ở Trung Quốc lên tới trên 9,3 triệu đơn (chiếm tới 55,5% tổng lượng đơn nhãn hiệu toàn cầu), Trung Quốc vẫn gây kinh ngạc cho cả thế giới về tốc độ xét nghiệm, chẳng hạn như CNIPA rút ngắn thành công thời gian thẩm định nội dung theo luật là 9 tháng chỉ còn 4 tháng làm cho tổng thời gian đăng ký nhãn hiệu chỉ còn trong khoảng 10 tháng. Thời hạn giải quyết khiếu nại, phản đối nhãn hiệu cũng được duy trì ở mức 18 tháng. Thời hạn xử lý thủ tục gia hạn, sửa đổi và chuyển nhượng được rút xuống chỉ còn 15 ngày, 1 tháng và 2 tháng tương ứng. Theo một số nguồn tin, CNIPA có tổng cộng 16.500 nhân sự trong đó có 12.000 xét nghiệm viên sáng chế và nhãn hiệu.[14]

 

Cần đặc biệt lưu ý rằng Ban giải quyết tranh chấp nhãn hiệu của Trung Quốc, tên tiếng Anh là Trademark Review and Adjudication Department (“TRAB”), một đơn vị trực thuộc CNIPA, có vai trò rất lớn. Cụ thể TRAB có thẩm quyền thụ lý các đơn khiếu nại thuộc các dạng: (a) yêu cầu thẩm định đơn đã nộp theo Điều 32; (b) yêu cầu thẩm định đơn phản đối bị CTMO từ chối theo Điều 33; (c) yêu cầu lại là giải quyết các vụ việc khiếu nại chống lại từ chối bảo hộ, phản đối hoặc hủy bỏ nhãn hiệu là. Theo thông tin do TRAB công bố trong năm 2017 tổng số vụ việc khiếu nại nhãn hiệu được quyết định bởi TRAB đạt con số kỷ lục 168,900 vụ trong đó có tới 9,310 vụ TRAB có trát yêu cầu hầu tòa sơ thẩm.

 

Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bao gồm nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng ở Việt Nam và nước ngoài.

 

Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603

 



[1] Xem thêm: “Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 của Việt Nam lần đầu tiên được ban hành và thông qua bởi Thủ tướng Chính phủ”: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Chien-luoc-so-huu-tri-tue-den-nam-2030-cua-Viet-Nam-lan-dau-tien--duoc-ban-hanh-va-thong-qua-boi-Thu-tuong-Chinh-phu-1556. Nói đến Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia ở các nước đang phát triển có lẽ chúng ta không thể không nhắc tới kinh nghiệm xây dựng và vận hành Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ của Trung Quốc được bắt đầu vận hành từ tháng 6/2008. Như chúng tôi đã nhận định trong bài viết có ở link: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Cung-luc-van-hanh-tot-3-tru-cot:-Khung-phap-ly-Toa-an-chuyen-trach-ve-so-huu-tri-tue-va-Thuc-tien-giai-quyet-tranh-chap-lien-quan-den-quyen-so-huu-tri-tue-la-nhung-diem-nhan-an-tuong-sau-10-nam-Trung-Quoc-thuc-hien-Chien-luoc-quoc-gia-ve-so-huu-tri-tue-13), Trung Quốc rất thành công với chiến lược sở hữu trí tuệ của minh nhờ cùng lúc vận hành tốt 3 trụ cột: (a) cơ sở pháp lý, (b) hệ thống tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ, và (c) thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ theo hướng nỗ lực tìm điểm cân bằng và hài hòa lợi ích của chủ thể quyền, công chúng và Nhà nước.

[2] Theo World Bank, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2020 đứng thứ 2 thế giới với 14,7 nghìn tỷ USD bỏ xa gần 3 lần so với GDP của Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 3 với hơn 5 nghìn tỷ USD, và chỉ kém khoảng 6 nghìn tỷ USD so với vị trí số 1 thế giới của Mỹ (gần 21 nghìn tỷ USD). Lần đầu tiên vào năm 2020, Trung Quốc có tới 124 công ty nhiều hơn so với 121 công ty của Mỹ nằm trong bảng xếp hạng Fortune Global 500 trong khi còn nhớ rằng vào năm 1990 Trung Quốc không có một công ty nào thuộc bảng xếp hạng Fortune Global 500 lần đầu xuất hiện cùng năm đó. Xem thêm: https://databank.worldbank.org/data/download/GDP.pdf

Và: https://fortune.com/2020/08/10/fortune-global-500-china-rise-ceo-daily/#:~:text=Walmart%20once%20again%20tops%20the%20list%2C%20followed%20by,Hong%20Kong%20than%20in%20the%20U.S.%E2%80%93124%20vs.%20121

[3] Xem WIPO Intellectual Property Indicators 2021, trang 7.

[4] Nguồn: CNIPA annual report 2020

[6] Các đạo luật này đều được sửa đổi nhiều lần. Luật sáng chế ban hành lần đầu 1984 được sửa đổi 4 lần vào các năm 1992, 2000, 2008 và 2020. Luật nhãn hiệu ban hành lần đầu năm 1983 được sửa đổi 4 lần vào các năm 1993, 2001, 2013 & 2019. Luật quyền tác giả ban hành lần đầu năm 1990 được sửa đổi 3 lần vào các năm 2001, 2010 và 2020.

[7] Bộ quản lý thị trường trong tiếng Anh là China’s State Administration for Market Regulation (SAMR), một cơ quan cấp bộ trực tiếp thuộc Chính phủ, được thành lập năm 2018 trên cơ sở hợp nhất 3 cơ quan cấp bộ gồm Bộ Công thương (SAIC), Cục quản lý dược (CFDA) và Tổng cục giám sát chất lượng (AQSIQ)

[10] Tên tiếng Anh là “Specialized Intellectual Property Courts” hoặc gọi ngắn là “IP Courts”

[11] Tên tiếng Anh là “Intellectual property tribunals” hoặc gọi ngắn là “IP Tribunals”

[14] Theo CNIPA (http://sbj.cnipa.gov.cn/sbjEnglish/), số lượng thẩm định viên sáng chế của CNIPA vào khoảng 2.600 người trong khi tổng số thẩm định viên nhãn hiệu là khoảng 845 người trong đó gồm 285 người có biên chế ở Cơ quan nhãn hiệu (CTMO) và 560 người thuộc trung tâm dịch vụ nhãn hiệu Tongda – một cơ quan thành lập năm 1993 có chức năng hỗ trợ thẩm định nhãn hiệu của CTMO. Có lẽ số lượng nhân sự theo CNIPA là con số cũ từ năm 2009 còn số lượng nhân sự 16.500 được nêu ở trên mới là con số được cập nhập mới nhất tính đến tháng 9/7/2019 theo tác giả LIU Jian, Deputy DG, International Cooperation Department, China National Intellectual Property Administration (CNIPA), Protection and Development of Geographical Indication in China. Nguồn: file:///C:/Users/DELL/Documents/Zalo%20Received%20Files/FILE_20211126_065603_wipo_geo_lis_19_4.pdf

 

Bookmark and Share
Relatednews
Xâm phạm nhãn hiệu trên vũ trụ ảo nhìn từ vụ Hermes vs. Mason Rothschild ở tòa án Hoa Kỳ
Thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền tác giả ở Việt Nam, UK, Mỹ, EU và Trung Quốc
Cấp quyền nhân vật (merchandising rights) và các khía cạnh pháp lý cần lưu ý cho bên cấp quyền và bên nhận quyền
So sánh Đăng bạ chính (Principal Register) và Đăng bạ phụ (Supplemental Register) khi đăng ký nhãn hiệu ở USPTO
10 Key Changes in Enforcing Patent, Design, Trademark Rights via Administravive Measure under Revised Decree 99/2013/NĐ-CP
Qatar tham gia Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu
Thương hiệu giả mạo “Phở Thìn 13 Lò Đúc” bị hủy bỏ hiệu lực ở Hàn Quốc
10 thay đổi lớn về thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP sửa đổi
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.