Trung Quốc nhận cầm cố nhãn hiệu (thương hiệu)
cho vay hàng triệu đô la Mỹ, khi nào đến Việt Nam?
Luật sư Lê Quang Vinh – Bross & Partners
Email: vinh@bross.vn
Trung Quốc quan niệm quyền nhãn hiệu là một loại tài sản vô hình có thể tham gia giao dịch dân sự trong đó bao gồm cả giao dịch cầm cố. Bross & Partners tóm tắt các quy tắc chính trong bản Quy định về thủ tục đăng ký cầm cố quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu được ban hành năm 2020 bởi Cơ quan sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA).
ICBC cho vay 3 triệu USD chỉ bằng tài sản đảm bảo là quyền nhãn hiệu
Ngày 6/6/2022, Chi nhánh Thái Châu của ngân hàng ICBC đã ký hợp đồng cầm cố với Zhejiang Aishida Electric Appliance Co., Ltd với tài sản đảm bảo là quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu “Aishida” để nhận khoản vay trị giá 22 triệu NDT (hơn 3 triệu đô la Mỹ).[1]
Theo CNIPA, năm 2021 là năm đầu tiên hoạt động giải ngân cho vay dựa trên tài sản đảm bảo là quyền độc quyền sử dụng sáng chế và nhãn hiệu vượt con số 300 tỷ NDT (trên 41 tỷ đô la Mỹ), đem lại lợi ích cho 11.000 doanh nghiệp. Năm 2021, CNIPA phối hợp với Ủy ban điều tiết bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc ban hành kế hoạch hành động 3 năm hướng tới hoạt động cho vay dựa trên cầm cố quyền sở hữu trí tuệ, nỗ lực mở rộng các dịch vụ cấp vốn dựa trên cầm cố quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).[2]
Theo pháp luật Trung Quốc, nhãn hiệu sau khi được cấp đăng ký bởi Cơ quan sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) thì phát sinh quyền nhãn hiệu.[3] Quyền nhãn hiệu bao gồm quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền chuyển nhượng, quyền li-xăng và quyền cầm cố quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu. Quyền cầm cố quyền nhãn hiệu được hiểu là trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu với tư cách là bên vay nợ hoặc bên bảo lãnh có thể cầm cố quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu của mình làm tài sản đảm bảo cho khoản vay đó.
Điều kiện và thủ tục đăng ký cầm cố quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu
Giao dịch cầm cố phải được lập thành hợp đồng được ký bởi cả bên cầm cố và bên nhận cầm cố. Hợp đồng đó cầm cố phải được cả bên cầm cố và bên nhận cầm cố đăng ký với CNIPA
Hồ sơ đăng ký cầm cố quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu phải làm bằng tiếng Trung hoặc bản dịch sang tiếng Trung nếu bằng ngôn ngữ nước ngoài, gồm:
-
Tờ khai đăng ký cầm cố quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu
-
Hợp đồng chính (hợp đồng vay) và hợp đồng cầm cố quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu trong đó chỉ rõ số đăng ký nhãn hiệu
-
Giấy cam kết ký bởi bên cầm cố
-
Giấy ủy quyền cho tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp để nộp đơn (bắt buộc đối với bên cầm cố là cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài)
Bên cầm cố phải đăng ký cầm cố tất cả nhãn hiệu khác thuộc sở hữu của mình mà trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu cầm cố nếu các nhãn hiệu khác đó đã được đăng ký cho sản phẩm trùng hoặc tương tự. Trường hợp nhãn hiệu cầm cố thuộc sở hữu chung thì phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu chung đó.
Hợp đồng cầm cố phải các nội dung bắt buộc gồm:
-
Tên và địa chỉ đầy đủ của bên cầm cố và bên nhận cầm cố
-
Chủng loại và số tiền đảm bảo
-
Thời hạn bên đi vay hoàn thành nghĩa vụ trả nợ
-
Danh sách nhãn hiệu cầm cố (ghi rõ số đăng ký, nhóm sản phẩm, và thời hạn độc quyền sử dụng)
-
Phạm vi bảo đảm
-
Các quyền và nghĩa vụ khác do bên cầm cố và bên nhận cầm cố tự do thỏa thuận.
Hồ sơ đăng ký cầm cố quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu sẽ được CNIPA thẩm định. Nếu thõa mãn các điều kiện luật định, CNIPA sẽ cấp giấy chứng nhận cầm cố quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu cho cả bên cầm cố và bên nhận cầm cố, trong đó ghi nhận thông tin của của bên cầm cố và bên nhận cầm cố, số đăng ký của nhãn hiệu cầm cố, sô tiền đảm bảo, thời hạn đăng ký cầm cố và ngày đăng ký cầm cố.
CNIPA có quyền từ chối đăng ký cầm cố quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu nếu thấy rằng tên của bên cầm cố không trùng với tên được ghi nhận trong dữ liệu của CNIPA, nghĩa là không có căn cứ xác thực rằng bên cầm cố chính là chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký. Ngoài ra, CNIPA có thể từ chối đăng ký cầm cố nếu phát hiện việc ký hợp đồng giữa các bên vi phạm pháp luật, hoặc quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu đã bị phong tỏa hoặc bị đóng băng bởi tòa án
Sau khi đã cấp giấy chứng nhận cầm cố quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu, bất kỳ thời điểm nào CNIPA cũng có quyền hủy hiệu lực của đăng ký cầm cố này nếu phát hiện một trong các căn cứ ở thủ tục đăng ký cầm cố bị vi phạm.
Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) trong 3 năm liên tục (2021-2023) bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có nhiều kinh nghiệm liên quan đến đăng ký và giải quyết tranh chấp nhãn hiệu (thương hiệu) ở Trung Quốc.
Vui lòng liên hệ Email: vinh@bross.vn; Mobile: 0903287057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.