Xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả liên quan đến
16 hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ 2022
Luật sư Lê Quang Vinh – Bross & Partners
Email: vinh@bross.vn
Nghị định 17/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/04/2023 (“Nghị định 17”) hướng dẫn thi hành Luật sở hữu trí tuệ 2022 xác định có tới 16 hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể chứa yếu tố xâm phạm quyền. Dưới đây là giới thiệu của Bross & Partners về 16 hành vi xâm phạm quyền tác giả và quy tắc pháp lý xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả.
Xác định yếu tố xâm phạm từ hành vi xâm phạm quyền tác giả
Một hành vi nghi ngờ xâm phạm chỉ bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả nếu đồng thời thỏa mãn cả 4 yếu tố cấu thành: (1) đối tượng nghi ngờ thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả; (2) có yếu tố xâm phạm quyền tác giả trong đối tượng nghi ngờ; (3) người thực hiện hành vi bị nghi ngờ không phải là chủ thể quyền tác giả hoặc không thuộc các trường hợp được hưởng ngoại lệ không xâm phạm, hoặc giới hạn quyền tác giả; và (4) hành vi nghi ngờ xảy ra ở Việt Nam bao gồm cả hành vi xảy ra trên internet, mạng viễn thông trong đó có người tiêu dùng Việt Nam sử dụng nội dung số tại Việt Nam.
Nguyên tắc chung khi xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả là cần xác định phạm vi bảo hộ quyền tác giả dựa theo hình thức thể hiện bản gốc tác phẩm, cũng như cần được xác định theo nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hoặc trong trường hợp xác định yếu tố xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh thì cần xem xét hình tượng, tình tiết của tác phẩm gốc. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp việc xem xét yếu tố xâm phạm cũng phải tính đến tính nguyên gốc của sự sáng tạo tác phẩm, sự thể hiện của ý tưởng chứ không phải bản thân ý tưởng.
Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được tạo ra từ một trong số các hành vi xâm phạm quyền tác giả nêu trên bị coi là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền tác giả. Trường hợp sản phẩm được tạo ra từ hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm thì bị coi là hàng hóa sao chép lậu theo khoản 4 Điều 213 Luật SHTT 2022.
giả mạo về sở hữu trí tuệ mà hậu quả pháp lý là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm quyền tác giả theo Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi) nếu cố ý nhân bản hoặc tạo bản sao tác phẩm mà hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu trở lên.[1]
Để xác định một bản sao hoặc một tác phẩm có phải là yếu tố xâm phạm quyền tác giả hay không cần thực hiện phương pháp so sánh đối tượng nghi ngờ với bản gốc tác phẩm được bảo hộ, tính nguyên gốc của tác phẩm, thời điểm hoàn thành, khả năng tiếp cận, thời điểm tiếp cận tác phẩm gốc bởi tác giả. Theo đó, có yếu tố xâm phạm quyền tác giả ở bản sao tác phẩm nếu bản sao đó sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm được bảo hộ; tác phẩm hoặc một phần tác phẩm nghi ngờ chứa một phần hoặc toàn bộ tác phẩm có trước được bảo hộ; tác phẩm, phần tác phẩm có nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng hoặc tình tiết của tác phẩm có trước được bảo hộ.
16 hành vi xâm phạm quyền tác giả
Pháp luật về quyền tác giả cũ nhìn chung quy định khá sơ sài về xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, cụ thể yếu tố xâm phạm quyền tác giả có thể thuộc một trong năm dạng hành vi.[2] Nay theo Nghị định 17 có tới 16 dạng hành vi xâm phạm quyền tác giả như xâm phạm quyền nhân thân, quyền tài sản, can thiệp biện pháp công nghệ bảo vệ quyền tác giả, và đặc biệt là lần đầu quy trách nhiệm liên đới (trách nhiệm thứ cấp) đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) nếu họ không thỏa mãn các điều kiện được hưởng quyền miễn trừ (hay còn gọi là “Bến An Toàn”) theo Điều 198b Luật SHTT 2022:[3]
1. Xâm phạm quyền đặt tên cho tác phẩm như thay đổi tên tác phẩm mà không được phép của tác giả, đồng tác giả
2. Xâm phạm quyền đứng tên hoặc nêu tên trên tác phẩm tồn tại dưới dạng mạo danh tác giả, giả mạo tên, chữ ký, không nêu tên hoặc cố ý nêu sai tên tác giả
3. Xâm phạm quyền công bố tác phẩm ví dụ công bố khi chưa được phép của chủ sở hữu quyền tác giả
4. Xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gây phương hại danh dự và uy tín tác giả biểu hiện dưới dạng xuyên tạc tác phẩm; sửa đổi, cắt xén tác phẩm
5. Xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh chẳng hạn như dịch tác phẩm đã có trước sang ngôn ngữ khác, tuyển chọn, cải biên hoặc chuyển thể nhạc không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả
6. Xâm phạm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng tồn tại dưới dạng biểu diễn, đọc, trưng bày, triển lãm, trình diễn tác phẩm ở nơi công cộng không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả
7. Xâm phạm quyền sao chép tác phẩm như nhân bản, tạo bản sao tác phẩm; sao chép phần tác phẩm, trích đoạn, lắp ghép mà không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả
8. Xâm phạm quyền phân phối như phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao hữu hình không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả
9. Xâm phạm quyền truyền đạt đến công chúng thể hiện dưới dạng phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm qua mạng viễn thông, mạng internet không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả
10. Xâm phạm quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả
11. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm pháp lý để được hưởng các ngoại lệ hoặc giới hạn quyền tác giả theo các điều 25, 25a và 26 Luật SHTT 2022
12. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ sử dụng bởi tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả
13. Sản xuất, phân phối, chào bán, bán, quảng cáo thiết bị hoặc linh kiện có mục đích vô hiệu hóa biện pháp công nghệ bảo vệ quyền tác giả
14. Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền khi biết hoặc có cơ sở để biết hành vi đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả
15. Cố ý phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo điều kiện hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả
16. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) theo Điều 198b Luật SHTT 2022
Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) năm 2021 bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bao gồm nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng ở Việt Nam và nước ngoài.
Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.