Cơ sở pháp lý của truy cứu trách nhiệm hình sự đối với
các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam hiện hành
Email: vinh@bross.vn
Nguyên tắc chung về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm quyền sở hữu trí tuệ
Luật SHTT không quy định về xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hình sự ngoại trừ duy nhất điều 212 Luật SHTT quy định rằng cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Quy định của điều 212 mang tính chất dẫn chiếu đến các quy định pháp luật về hình sự mà điển hình nhất là Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi[1] và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Chế tài hình sự áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là chế tài có tính chất khắc nghiệt nhất khi so sánh với chế tài dân sự hoặc chế tài hành chính bởi lẽ nếu bị áp dụng chế tài hình sự thỉ hậu quả pháp lý mà chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đó phải đối mặt là họ có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ, bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc thậm chí tử hình[2]. Mặt khác, trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ sau 01/01/2018 còn áp dụng đối với cả pháp nhân thương mại mà hậu quả pháp lý có thể gồm phạt tiền lên tới 5 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động kinh doanh từ 6 tháng đến 2 năm[3].
Tuy nhiên, cơ sở của trách nhiệm hình sự chỉ phát sinh dựa trên nguyên tắc quy định rằng chỉ người nào phạm một tội được Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự và chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội trong số 33 tội danh đã được quy định bởi Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự
Về cơ bản hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị coi là tội phạm được tìm thấy ở 6 tội danh, gồm:
Điều 225 - Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan;
Điều 226 - Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
Điều 192 – Tội sản xuất, buôn bán hàng giả;
Điều 193 - Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm;
Điều 194 - Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; và
Điều 195 - Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi.
Định tội danh nào trong số 6 tội danh nêu trên có thể là vấn đề khá phức tạp trên thực tiễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do có sự chồng lần về khách thể của tội phạm thuộc 6 tội danh trên vì Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi không định nghĩa khái niệm, không phân định ranh giới hàng giả và hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ trong lúc nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự quy định rằng không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.
Ví dụ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ (giả mạo về nhãn hiệu hoặc giả mạo về chỉ dẫn địa lý) rất giống nhau về dấu hiệu khách quan, chẳng hạn như hàng giả và hàng hóa giả mạo[4] đều là giả mạo hàng hóa thật bằng hình thức bên ngoài của bao bì hàng hóa (cách trình bày, thể hiện thông tin trên bao bì hàng hóa giống y hệt nhau hoặc gần giống đến mức khó phân biệt) từ đó hàng giả và hàng hóa giả mạo cùng có chung mục đích là lừa dối người tiêu dùng khiến họ tin rằng chúng là hàng thật.
Xét về thực chất, có 3 loại hàng giả hoặc hàng hóa giả mạo: (a) giả về hình thức bên ngoài (bao bì, tem nhãn, nhãn hiệu); (b) giả về nội dung (không có công dụng hoặc không có giá trị sử dụng); và (c) giả cả về hình thức và nội dung. Trong khi pháp luật hình sự không phân định hàng giả và hàng hóa giả mạo nêu trên thì Nghị định 08/2013/NĐ-CP sắp xếp hàng giả gồm 4 nhóm: (a) hàng không có giá trị sử dụng, hàng hóa có hàm lượng, định lượng chất chính chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng; (b) hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa gồm cả bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; (c) hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo điều 213 Luật SHTT[5]; và (d) tem, nhãn bao bì giả[6]
Cấu thành tội phạm và chế tài hình sự của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
Tạm giả thiết rằng chỉ thuần túy quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ bởi pháp luật hình sự thì chỉ có 2 tội danh được Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi quy định gồm Điều 225 - Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và Điều 226 -Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, theo cấu thành tội phạm cơ bản của khoản 1 điều 226, một cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự gồm phạt tiền (hình phạt chính) từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm nếu đồng thời thỏa mãn 3 yếu tố cấu thành tội phạm:
(a) cá nhân đó thực hiện hành vi với lỗi cố ý; và
(b) đối tượng bị xâm phạm là nhãn hiệu giả mạo hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo; và
(c) hành vi xâm phạm được thực hiện với quy mô thương mại, hoặc cá nhân này đã thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho chủ nhãn hiệu từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng
Nếu xuất hiện một trong 5 tình tiết định khung tăng nặng: (a) phạm tội có tổ chức, (b) phạm tội 02 lần trở lên, (c) thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên, (d) gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500 triệu đồng trở lên, (đ) hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu đồng trở lên thì mức phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm.
Về hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Độc lập với trách nhiệm hình sự mà cá nhân thực hiện theo điều 226 kể trên, pháp nhân thương mại cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 4 điều 226 với hình phạt chính theo cấu thành cơ bản là phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động kinh doanh có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm, nếu cùng lúc thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm sau:
-
Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi thỏa mãn 4 điều kiện theo điều 75 Bộ luật hình sự[7]; và
-
đối tượng bị xâm phạm là nhãn hiệu giả mạo hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo; và
-
hành vi xâm phạm được thực hiện với quy mô thương mại, hoặc đã thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho chủ nhãn hiệu từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.
Pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt tiền đến 5 tỷ đồng nếu xuất hiện 1 trong 5 tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 2 điều 226 nêu trên.
Về hình phạt bổ sung, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Đối với tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo điều 225, cần lưu ý chỉ 2 trong số 10 loại quyền độc quyền (sao chép và phân phối đến công chúng) cấp cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan[8] mới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 225, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của người vi phạm có thể bị xem là cấu thành tội này và phải chịu hình phạt tiền (hình phạt chính) từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, hoặc bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm, nếu đồng thời thỏa mãn 3 yếu tố cấu thành tội phạm:
(a) người vi phạm thực hiện hành vi với lỗi cố ý; và
(b) hành vi đã thực hiện là sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình; và
(c) hành vi xâm phạm được thực hiện với quy mô thương mại, hoặc đã thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu, hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Mức phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm được áp dụng nếu xuất hiện 1 trong 5 tình tiết định khung tăng nặng sau: (a) phạm tội có tổ chức, (b) phạm tội 02 lần trở lên, (c) thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên, (d) gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500 triệu đồng trở lên, (đ) hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu đồng trở lên
Về hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại nếu thực hiện hành vi như nêu ở khoản 1 điều 225 với quy mô thương mại, hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Nếu một trong năm tình tiết định khung tăng nặng nêu ở khoản 2 điều 225 được tìm thấy thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm.
Hình phạt bổ sung gồm phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm còn có thể được áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
Vụ pháp nhân thương mại đầu tiên ở Việt Nam bị truy cứu trách nhiệm hình sự là vụ khởi tố, điều tra và xét xử tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo điều 226 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi. Vụ án hình sự này truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại có khởi nguồn từ vụ tố cáo tội phạm bởi chủ thể quyền của nhãn hiệu đã đăng ký “Nhôm Việt Pháp Shal” dẫn đến vụ bắt giữ 42.405 thanh nhôm định hình (khoảng 170 tấn) ở Khu công nghiệp Trung Hà, Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được giám định là mang nhãn hiệu giả mạo “Nhôm Việt Pháp Shal”. Theo bản án hình sự sơ thẩm số 02/2020/HS-ST ngày 14/01/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên án đối với cả bị cáo là cá nhân và bị cáo là pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo điều 226 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi[9].
Bross & Partners có kinh nghiệm hỗ trợ, đại diện cho khách hàng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hình sự gồm tố cáo tội phạm về sở hữu trí tuệ, làm việc với Cơ quan điều tra, đại diện pháp lý bảo vệ chủ thể quyền trong các vụ án hình sự liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; điện thoại 0903 287 057, 84-4-3555 3466; Wechat: wxid_56evtn82p2vf22; Skype: vinh.bross
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Với nhiều năm kinh nghiệm nổi bật và năng lực chuyên môn sâu khác biệt, Bross & Partners có thể giúp khách hàng bảo vệ hoặc tự vệ một cách hiệu quả trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài liên quan đến bản quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu/thương hiệu và tên miền internet.
[2] Ví dụ theo khoản 4 điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: (a) thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên; (b) làm chết 02 người trở lên; (c) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; (d) gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên
[3] Theo khoản 4 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, pháp nhân thương mại phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm: (a) có tổ chức; (b) phạm tội 02 lần trở lên; (c) thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên; (d) gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên; (đ) hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
[5] Điều 213 Luật SHTT. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ
1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hóa sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
3. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.
[6] Xem điều 4 Nghị định 08/2013/NĐ-CP ngày 10/01/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả
[7] Khoản 1 Điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.