Cách xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả
(xâm phạm bản quyền) theo pháp luật Việt Nam
Email: vinh@bross.vn
Quyền tác giả là gì?
Chắc hẳn chúng ta đều rất quen thuộc với biểu tượng chữ C trong vòng tròn ©. Đó là chính là biểu tượng cảnh báo công chúng rằng tác phẩm viết, tiểu thuyết, bài hát, truyện tranh,…đang được bảo hộ bởi pháp luật về quyền tác giả. Quyền tác giả xuất phát từ thuật ngữ tiếng Anh “copyright” nhìn chung đều không được định nghĩa trực diện trong pháp luật mỗi quốc gia, mà chỉ được định nghĩa gián tiếp quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu[1]. Tuy vậy, một số từ điển nổi tiếng như Collins online Dictionary định nghĩa quyền tác giả là quyền độc quyền làm bản sao và kiểm soát tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học được bảo hộ bởi luật pháp trong một thời hạn nhất định[2] (thường là 50 năm sau khi tác giả qua đời[3])
Theo WIPO, quyền tác giả giải quyết vấn đề quyền (pháp lý) liên quan đến các sáng tạo trí tuệ của con người. Hầu hết các tác phẩm ví dụ như sách, tranh hoặc bản vẽ chỉ tồn tại ngay khi chúng được thể hiện ở một vật thể vật lý (physical object) nhưng một vài thứ thì lại tồn tại mà không cần thể hiện ở vật thể vật lý như bản nhạc, bài thơ đã được coi là tác phẩm ngay cả khi chúng không được, hoặc thậm chí ngay trước khi chúng được viết ra bằng câu từ hoặc nốt nhạc[4].
Nguyên tắc chung về xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả
Luật Sở hữu trí tuệ không quy định quy tắc xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả. Việc xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả và các yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả được tìm thấy ở Nghị định 105/2006/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 119/2010/NĐ-CP (“Nghị định 105 sửa đổi”)[5]. Theo đó, nguyên tắc chung để xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả là phải cùng lúc thỏa mãn hoặc hội đủ 4 điều kiện:
-
Đối tượng bị xem xét (bị nghi ngờ) xâm phạm thuộc phạm vi đối tượng được bảo hộ
-
Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét
-
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi xâm phạm không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đó hoặc không phải là người được chủ thể quyền cho phép sử dụng đối tượng đó, trừ trường hợp đối tượng thuộc phạm vi áp dụng của điều 25, 26, 32 và 33 Luật Sở hữu trí tuệ
-
Hành vi bị xem xét xảy ra ở Việt Nam
Về xác định đối tượng được bảo hộ, vì quyền tác giả thuộc nhóm quyền sở hữu trí tuệ không phải đăng ký[6], do vậy đối tượng được bảo hộ được xác định theo quy tắc chung là yêu cầu xuất trình bản gốc tác phẩm[7] hoặc nếu không có bản gốc tác phẩm thì phải có tài liệu khác chứng minh tác phẩm bị xâm phạm được thể hiện trên các bản sao được công bố hợp pháp
Về xác định yếu tố xâm phạm, Nghị định 105 sửa đổi quy định đối tượng bị xem xét mà chứa 1 trong 5 dạng sau thì có thể bị xem là có yếu tố xâm phạm:
(a) Bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép;
(b) Tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép;
(c) Tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả;
(d) Phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép;
(e) Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả bị vô hiệu hoá trái phép.
Tìm thấy sự tồn tại của 1 trong 5 dạng trên là vẫn chưa đủ để khẳng định có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị nghi ngờ xâm phạm mà còn phải xác định phạm vi bảo hộ quyền tác giả theo hình thức thể hiện bản gốc tác phẩm, xác định theo nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm gốc (áp dụng cho việc tìm yếu tố xâm phạm đối với tác phẩm phái sinh). Quy tắc pháp lý này có ý nghĩa pháp lý đặc biệt quan trọng khi vận dụng xác định yếu tố xâm phạm khi xử lý các tranh chấp liên quan đến chương trình máy tính (phần mềm, trò chơi điện tử, game online) mà Bross & Partners đã từng hỗ trợ khách hàng Việt Nam tranh đấu thành công trước cáo buộc xâm phạm quyền tác giả bởi các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quôc và Mỹ vì nó chính là căn cứ để xác định tính nguyên gốc[8], tức là làm rõ giá trị và hàm lượng sáng tạo thực sự của chủ thể quyền tác giả.
Ví dụ đối với việc xác định bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép có phải là yếu tố xâm phạm quyền tác giả hay không nhất thiết phải đi so sánh bản sao tác phẩm đó với bản gốc tác phẩm có trước, theo đó bản sao tác phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm trong 3 trường hợp:
(a) Bản sao là bản sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của người khác;
(b) Tác phẩm (phần tác phẩm) là một phần hoặc toàn bộ tác phẩm đang được bảo hộ của người khác;
(c) Tác phẩm, phần tác phẩm có nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm đang được bảo hộ của người khác.
Cần lưu ý rằng hành vi làm bản sao toàn bộ tác phẩm hoặc hành vi làm bản sao một phần tác phẩm dưới dạng trích đoạn hoặc lắp ghép trái phép bị coi là hành vi sao chép lậu. Nghĩa là hàng hóa mà có chứa quyền tác giả dưới dạng sao chép lậu này sẽ thuộc phạm vi áp dụng của khoản 3 điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ[9] nhưng không nhất thiết phải có yếu tố khách quan “sao chép lậu” mới dẫn tới khả năng bị hình sự hóa theo điều 225 Bộ luật hình sự năm 2015[10].
Bross & Partners có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ khách hàng tự vệ (phòng vệ) chống cáo buộc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm cả những vụ việc mà khách hàng bị đòi bồi thường 1,5 triệu đô la Mỹ do xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu cụ thể cần được tư vấn, vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; điện thoại 0903 287 057, 84-4-3555 3466; Wechat: wxid_56evtn82p2vf22; Skype: vinh.bross
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Với nhiều năm kinh nghiệm nổi bật và năng lực chuyên môn sâu khác biệt, Bross & Partners có thể giúp khách hàng bảo vệ hoặc tự vệ một cách hiệu quả trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài liên quan đến bản quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu/thương hiệu và tên miền internet.
[1] Xem khoản 2 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam
[3] Xem điểm b khoản 2 điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam
[4] Xem WIPO Intellectual Property Handbook: Policy, Law and Use, Chapter 2 - Fields of Intellectual Property Protection, Copyright and Related Rights, trang 40
[6] Xem khoản 1 điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam
[9] Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ
3. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.
[10] Theo khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự năm 2015, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của người vi phạm có thể bị xem là cấu thành tội này và phải chịu hình phạt tiền (hình phạt chính) từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, hoặc bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu thỏa mãn 3 điều kiện: (a) người vi phạm thực hiện hành vi với lỗi cố ý; (b) hành vi đã thực hiện là sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình; và (c) hành vi xâm phạm được thực hiện với quy mô thương mại/đã thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng/gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng/ hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Xem thêm: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Bo-Luat-hinh-su-2015-lieu-co-kha-nang-hien-thuc-hoa-no-luc-trung-tri-thich-dang-cac-doi-tuong-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-o-Viet-Nam-1328