3 trụ cột đóng góp vào sự thành công của hệ thống sở hữu trí tuệ của Trung Quốc
Email: vinh@bross.vn
Sự tiến bộ vượt bậc về sở hữu trí tuệ của Trung Quốc
Không thể phủ nhận được rằng Trung Quốc đã có bước tiến bộ dài và thậm chí là ngoạn mục về kinh tế khi họ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau hơn 40 năm mở cửa nền kinh tế. Riêng về sở hữu trí tuệ, Trung Quốc đã đạt được bước tiến rất lớn về phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển cho nền kinh tế dựa trên trí thức và thông tin của mình bất luận những căng thẳng leo thang xung quanh nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ và những cáo buộc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ từ các công ty Mỹ[1].
Theo báo cáo chỉ số sở hữu trí tuệ toàn cầu năm 2019 được công bố bởi WIPO, từ năm 2017 Trung Quốc đã vượt các nước công nghiệp phát triển như Mĩ, Nhật trở thành quốc gia có hoạt động sở hữu trí tuệ phát triển nhất thế giới, cụ thể lượng đơn đăng ký sáng chế của Trung Quốc năm 2018 là trên 1,500,000 đơn chiếm 46,4% tổng số đơn đăng ký sáng chế trên toàn cầu so với con số khoảng 600,000 đơn của Mĩ và trên 300,000 đơn của Nhật Bản. Đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác, lượng đơn của Trung Quốc cũng luôn chiếm tỷ lệ áp đảo, ví dụ như đơn đăng ký giải pháp hữu ích chiếm 96.6% toàn cầu với gần 2,100,000 đơn, đơn đăng ký kiểu dáng chiếm 54% với trên 700,000 đơn và lượng đơn đăng ký nhãn hiệu vẫn độc chiếm ở vị trí quán quân thế giới trong suốt 18 năm liên tục tính đến năm 2018 với gần 7,400,000 đơn chiếm 51,4%, đơn đăng giống cây trồng chiếm 28.5% với 5,760 đơn[2].
Bảng 1: Số lượng đơn sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng, nhãn hiệu được nộp bởi các quốc gia có nhiều đơn đăng ký nhất thế giới
Nguồn: WIPO, World Intellectual Property Indicators 2019, trang 7
Lý giải sự phát triển ngoạn mục của hệ thống sở hữu trí tuệ Trung Quốc
Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ của Trung Quốc cũng mới chỉ vận hành lần đầu tiên từ năm 2008, chỉ trước Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ của Việt Nam có 11 năm[3], nhưng mọi chỉ số phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đều được ghi nhận ở mức gọi là ngoạn mục, chẳng hạn như theo Bảng 2 dưới đây thì cứ 1 triệu dân Trung Quốc thì mới có 147 đơn đăng ký sáng chế được nộp vào năm 2008 nhưng sau 10 năm con số này đã tăng tốc đáng kinh ngạc lên mức gần 8 lần với 1,001 đơn sáng chế được nộp trong năm 2018.
Bảng 2: Top 20 quốc gia có tỷ lệ công dân nộp đơn sáng chế nhiều nhất tính trên triệu dân được so sánh giữa 2 năm 2008 và 2018
Nguồn: WIPO, World Intellectual Property Indicators 2019, trang 46
Theo quan điểm của chúng tôi, nhờ cùng lúc làm tốt cả 3 trụ cột sau đây đã giúp Trung Quốc lọt vào top các quốc gia có trình độ phát triển cao về sở hữu trí tuệ.
Trụ cột 1: Xây dựng và hoàn thiện cả pháp luật nội dung và pháp luật hình thức có sự tham gia tích cực của Tòa án nhân dân tối cao
Trung Quốc rất nỗ lực hoàn thiện của hệ thống pháp luật nội dung về sở hữu trí tuệ, ví dụ đối với lĩnh vực nhãn hiệu, Trung Quốc đã tiến hành 3 lần sửa đổi Luật nhãn hiệu tính từ thời điểm Luật nhãn hiệu được ban hành lần đầu vào năm 1982 vào các năm 1993 (lần 1), lần 2 vào năm 2001 và lần thứ 3 vào năm 2013 là Luật nhãn hiệu có hiệu lực từ 1/5/2014. Tòa án nhân dân tối cao nhanh chóng ban hành hướng dẫn xét xử cho hệ thống tòa án trên cả nước nhằm xét xử đúng đắn các vụ án hành chính liên quan đến việc cấp bảo hộ và quyết định quyền nhãn hiệu, thực thi quyền xét xử tư pháp theo luật, làm rõ và thống nhất tiêu chuẩn xét xử từ đó giúp đảm bảo khả năng có thể giải quyết vấn đề cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Tương tự như vậy, lĩnh vực sáng chế, Trung Quốc sửa Luật sáng chế vài lần và gần nhất là Luật sáng chế sửa đổi năm 2008. Điều đáng chú ý là Tòa án tối cao rất tích cực song hành cùng hệ thống quản lý nhà nước về đăng ký sáng chế (SIPO) bằng việc ban hành Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong xét xử tranh chấp sáng chế ở cấp sơ thẩm.
Trụ cột 2: Hệ thống tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ
Năm 2014 Trung Quốc bắt đầu thành lập và cho vận hành hệ thống tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ (specialized intellectual property courts hoặc gọi ngắn là IP courts) tại 3 trung tâm quan trọng là Bắc Kinh (Beijing), Thượng Hải (Shanghai) và Quảng Châu (Guangzhou). Đầu năm 2017, Trung Quốc lại tiếp tục thành lập các hội đồng xét xử (thuộc hệ thống tòa án hiện hành) chuyên về sở hữu trí tuệ (specialized intellectual property tribunals, hoặc ngắn gọn là specialized IP tribunals) ở 4 thành phố nữa gồm Nanjing (Nam Kinh), Suzhou (Tô Châu), Chengdu (Thành Đô) and Wuhan (Vũ Hán).
Trụ cột 3: Năng lực và kinh nghiệm của thẩm phán, cán bộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ khá tốt
Thực tiễn xét xử cho thấy Trung Quốc rất tiến bộ trong việc xét xử án sở hữu trí tuệ ở cả 2 khía cạnh là tốc độ xét xử và chất lượng xét xử tương đối nhanh và tốt nhờ có hệ thống tòa án vận hành tốt, đội ngũ thẩm phán có hiểu biết về sở hữu trí tuệ và hệ thống pháp luật minh bạch rõ ràng. Theo số liệu được công bố tại hội thảo quốc gia về xét xử án sở hữu trí tuệ lần thứ 4, hệ thống tòa án toàn Trung Quốc đã thụ lý 813,000 vụ việc dân sự, hành chính và hình sự có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong vòng 4 năm từ năm 2013 đến 2017 và thực tế các tòa đã giải quyết xong 781,000 vụ.
Cần lưu ý rằng một cơ quan khác dù không phải là tòa án nhưng có vai trò và nhiệm vụ rất lớn trong việc giải quyết các vụ việc khiếu nại chống lại từ chối bảo hộ, phản đối hoặc hủy bỏ nhãn hiệu là Cơ quan giải quyết tranh chấp nhãn hiệu của Trung Quốc, tên tiếng Anh là Trademark Review and Adjudication Department (“TRAD”)[4]. Theo thông tin do TRAD công bố trong năm 2017 tổng số vụ việc khiếu nại nhãn hiệu được quyết định bởi TRAD đạt con số kỷ lục 168,900 vụ trong đó có tới 9,310 vụ TRAB có trát yêu cầu hầu tòa sơ thẩm[5].
Bross & Partners, một công ty luật sở hữu trí tuệ được thành lập năm 2008, thường xuyên lọt vào bảng xếp hạng các công ty luật sở hữu trí tuệ hàng đầu của Việt Nam do các tổ chức đánh giá luật sư có uy tín toàn cầu công bố hàng năm như Managing Intellectual Property (MIP), World Trademark Review (WTR1000), Legal 500 Asia Pacific, AsiaLaw Profiles, Asia Leading Lawyers, Asia IP và Asian Legal Business (ALB). Bross & Partners có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu hỗ trợ khách hàng trong các tranh chấp sở hữu trí tuệ phức tạp ở Việt Nam và nước ngoài.
[2] Nguồn: WIPO, World Intellectual Property Indicators 2019, trang 7