Tiếng Việt English  
Home Our People Experiences Associations Contact us
Bản chất pháp lý của quyền tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam
(Ngày đăng: 2021-09-05)

Bản chất pháp lý của quyền tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam

 

Email: vinh@bross.vn

 

Bản chất của quyền tác giả

 

Quyền tác giả là quyền độc quyền ngăn chặn người khác làm bản sao tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học do tác giả sáng tạo, cũng như bao gồm cả quyền kiểm soát khả năng tác phẩm này bị công bố, cắt, ghép, trích dẫn, truyền đạt, biểu diễn hoặc biến đổi mà không có sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Ví dụ: phim Trạng Tý phiêu lưu ký được chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt trên cơ sở có sự phép của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật tin học Phan Thị - chủ sở hữu quyền tác giả bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt.[1]

 

Quyền tác giả được chia thành quyền nhân thân (quyền tinh thần) và quyền kinh tế (quyền tài sản). Quyền nhân thân mang tính chất phi vật chất gồm 3 loại quyền độc quyền là công bố, nêu tên và ngăn chặn khả năng xâm hại sự toàn vẹn tác phẩm, trong 3 quyền này thì chỉ duy nhất quyền công bố được bảo hộ có thời hạn và có thể chuyển nhượng, trong khi 2 quyền nhân thân còn lại được bảo hộ vô hạn và không thể chuyển giao.

 

Quyền tài sản là quyền độc quyền kiểm soát các hoạt động khai thác tác phẩm dưới dạng sao chép, làm tác phẩm phái sinh, phân phối, cho thuê, biểu diễn, truyền đạt đến công chúng đem đến cho chủ thể quyền các lợi ích vật chất. Ví dụ: cố thi sĩ Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim” mãi mãi là tác giả của bài thơ này nhưng ông/người thừa kế của ông không còn giữ tư cách là chủ sở hữu quyền tác giả của bài thơ “Màu tím hoa sim” nữa vì tác giả đã chuyển nhượng hết quyền sở hữu quyền tác giả cho Công ty Vitek VTB với giá 100 triệu đồng.[2]

 

Điều kiện bảo hộ quyền tác giả

 

Quyền tác giả luôn gắn liền với một tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học cụ thể, chẳng hạn như tác phẩm viết (truyện tranh, tiểu thuyết, bài thơ, phần mềm), tác phẩm điện ảnh, tác phẩm kiến trúc, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng (logo, nhận diện thương hiệu),… Quyền tác giả được bảo hộ tự động không phụ thuộc vào việc đăng ký, chất lượng, nội dung của tác phẩm miễn là tác phẩm đó thỏa mãn 2 điều kiện: (1) được thể hiện ra thế giới vật chất dưới dạng bản viết tay, bản ghi, ảnh chụp,…được gọi là tiêu chuẩn định hình;[3] và (2) do chính tác giả sáng tạo ra hay còn gọi là tiêu chuẩn tính nguyên gốc.[4]

 

Ai là chủ sở hữu quyền tác giả đầu tiên đối với tác phẩm?

 

Người trực tiếp tạo ra tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học và chưa chuyển giao quyền tài sản cho chủ thể khác là tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó. Tuy nhiên, nếu tác phẩm được hình thành trên dựa trên hợp đồng nhà thầu (hợp đồng giao việc), hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng chuyển nhượng thì chủ đầu tư, bên sử dụng lao động, hoặc bên nhận chuyển nhượng được mặc định nắm tư cách chủ sở hữu quyền tác giả, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Mặc dầu vậy, trong các trường hợp nêu trên, quyền nêu tên và quyền ngăn chặn khả năng xâm hại sự toàn vẹn tác phẩm bất di bất dịch vẫn thuộc về tác giả. Ví dụ: họa sĩ Lê Linh chỉ có tư cách là tác giả đối với bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt vì tư cách chủ sở hữu quyền tác giả đã mặc định được chuyển giao cho Công ty TNHH Phan Thị theo hợp đồng lao động.[5]

 

Thời hạn bảo hộ bảo hộ quyền tác giả

 

Trừ quyền nêu tên và quyền ngăn chặn khả năng xâm hại sự toàn vẹn tác phẩm được bảo hộ vĩnh viễn và không thể chuyển giao, quyền tác giả có thời hạn khác nhau tùy thuộc loại hình tác phẩm. Cụ thể, đối với hầu hết các tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học, quyền tài sản được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả cộng với 50 năm tiếp theo sau khi tác giả chết. Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được bảo hộ 75 năm tính từ thời điểm tác phẩm được công bố lần đầu tiên, hoặc 100 năm tính từ thời điểm chúng được định hình nếu các tác phẩm này chưa được công bố trong thời hạn 20 năm.

 

Bảo vệ, thực thi quyền tác giả

 

Trừ các trường hợp giới hạn và ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả nêu ở mục cuối cùng dưới đây, các hành vi chiếm đoạt, mạo danh, công bố trái phép, xuyên tạc tác phẩm, sao chép, phân phối, cho thuê, truyền đạt đến công chúng, biểu diễn,...mà chưa có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đều bị coi là xâm phạm quyền tác giả.[6]

 

Hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể bị xử lý bằng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt lên tới 500 triệu đồng, hoặc bằng biện pháp kiện dân sự kèm theo mức bồi thường thiệt hại không giới hạn mức trần tùy thuộc vào thiệt hại thực tế, hoặc thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù lên tới 3 năm.[7]

 

Sử dụng hợp lý (Fair Use)

 

Một số trường hợp đặc biệt được xem là ngoại lệ hoặc giới hạn không xâm phạm quyền tác giả (một số người gọi là “sử dụng hợp lý”). “Sử dụng hợp lý” được sử dụng ở điều 25 & 26 Luật SHTT hiện hành dưới tên gọi khác là “các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả nhuận bút, thù lao” và “các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả nhuận bút, thù lao”. Tuy vậy, chỉ được xem là sử dụng hợp lý nếu tuân thủ phép thử ba bước[8], ví dụ: hành vi sao chép, trích dẫn, biểu diễn, ghi âm, ghi hình tác phẩm đã công bố không bị xem là xâm phạm quyền tác giả ngay cả khi không xin phép, không trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nếu các hành vi kể trên không gây xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm, và cũng không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.

 

Bross & Partners, một công ty sở hữu trí tuệ được xếp hạng Nhất (Tier 1) năm 2021 bởi Tạp chí Legal 500 Asia Pacific, có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bao gồm nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng ở Việt Nam và nước ngoài.

 

Vui lòng liên hệ: vinh@bross.vn; mobile: 0903 287 057; Zalo: +84903287057; Skype: vinh.bross; Wechat: Vinhbross2603.

 



[1] Trạng Tí phiêu lưu ký là một bộ phim điện ảnh với kinh phí lên tới 45 tỷ đồng của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, được chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt được sáng tác bởi họa sĩ Lê Linh nhưng thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Phan Thị. Xem thêm: https://thanhnien.vn/giai-tri/phim-trang-ti-cua-ngo-thanh-van-chinh-thuc-trinh-lang-vao-dip-le-304-1351814.htmlhttps://thegioidienanh.vn/ngo-thanh-van-noi-gi-sau-on-ao-ban-quyen-phim-trang-ti-phieu-luu-ky-49227.html

[3] Không đáp ứng tiêu chuẩn định hình có thể được hiểu là ý tưởng chưa thể hiện ra thế giới vật chất bên ngoài hay nói cách khác quyền tác giả chỉ được bảo hộ cho hình thức thể hiện của ý tưởng chứ không bảo hộ cho bản thân ý tưởng. Xem thêm “Vì sao quyền tác giả chỉ được bảo hộ cho hình thức thể hiện chứ không bảo hộ cho ý tưởng”:  http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/VI-SAO-QUYEN-TAC-GIA-CHI-DUOC-BAO-HO-CHO-HINH-THUC-THE-HIEN-CHU-KHONG-DUOC-BAO-HO-CHO-Y-TUONG

[4] Tính nguyên gốc (originality) gắn liền với một tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học là điều kiện bắt buộc để tác phẩm này được bảo hộ quyền tác giả. Nói cách khác, không có tính nguyên gốc thì không có sự tồn tại của quyền tác giả, quyền liên quan. Xem thêm “Tính nguyên gốc – điều kiện bắt buộc phải có để làm phát sinh quyền tác giả đối với một tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học”: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Tinh-nguyen-goc--dieu-kien-bat-buoc-phai-co--de-lam-phat-sinh-quyen-tac-gia-doi-voi-mot-tac-pham-van-hoc-nghe-thuat-khoa-hoc-1821

[5] Tham khảo thêm “Tóm tắt bản án sơ thẩm tranh chấp quyền tác giả liên quan đến bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt”: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Tom-tat-ban-an-so-tham-tranh-chap-quyen-tac-gia--lien-quan-den-bo-truyen-tranh-%E2%80%9CThan-Dong-Dat-Viet%E2%80%9D---1476

[6] Xem thêm “Cách xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam”: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Cach-xac-dinh-hanh-vi-xam-pham-quyen-tac-gia--xam-pham-ban-quyen-theo-phap-luat-Viet-Nam

[7] Xem thêm “Cơ sở pháp lý của truy cứu trách nhiệm hình đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”: http://bross.vn/newsletter/ip-news-update/Co-so-phap-ly-cua-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-doi-voi--cac-toi-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-theo-phap-luat-Viet-Nam-hien-hanh

 

Bookmark and Share
Relatednews
Thực tiễn giải quyết tranh chấp quyền tác giả ở Việt Nam, UK, Mỹ, EU và Trung Quốc
Cấp quyền nhân vật (merchandising rights) và các khía cạnh pháp lý cần lưu ý cho bên cấp quyền và bên nhận quyền
So sánh Đăng bạ chính (Principal Register) và Đăng bạ phụ (Supplemental Register) khi đăng ký nhãn hiệu ở USPTO
10 Key Changes in Enforcing Patent, Design, Trademark Rights via Administravive Measure under Revised Decree 99/2013/NĐ-CP
Qatar tham gia Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu
Thương hiệu giả mạo “Phở Thìn 13 Lò Đúc” bị hủy bỏ hiệu lực ở Hàn Quốc
10 thay đổi lớn về thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP sửa đổi
Khi nào không thể hoặc không nên đăng ký thương hiệu ra nước ngoài theo Hệ thống Madrid?
ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU THEO HỆ THỐNG MADRID
Cấm người khác dùng tên người nổi tiếng đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc được không?
Trung Quốc: Tranh tụng bản quyền nhiều nhất thế giới và vai trò đặc biệt của hệ thống Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ

Newsletter
Guidelines
Doing business in Vietnam
Intellectual Property in Vietnam
International Registrations
Copyright © Bross & Partners All rights reserved.